Việt Nam duyệt đề án truyền thông ‘nâng cao’ quyền con người
19/09/2022
VOA Tiếng Việt
Ông Phạm Bình Minh phát biểu tại một phiên họp ở LHQ.
Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt một đề án truyền thông về nhân quyền có quy mô toàn quốc và quốc tế, được cho là nhằm “chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người”, giúp người dân trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế “hiểu rõ về quan điểm, chủ trương” của nhà nước, đồng thời đánh bóng hình ảnh của nước này trên thế giới. Giới hoạt động nói rằng đề án này chỉ là “cách biện minh” của nhà cầm quyền để cho quốc tế thấy rằng Hà Nội luôn coi trọng nhân quyền nhưng thực chất thì ngược lại.
Đề án mang tên “Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028” được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký ban hành thông qua một quyết định số 1079/QĐ-TTg hôm 14/9 theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, trong đó có Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ III, truyền thông nhà nước loan tin.
Chính quyền Việt Nam đưa ra đề án truyền thông này vài ngày trước phiên khai mạc của kỳ họp thứ 77 của Đại Hội Đồng LHQ, khi ấy sẽ bỏ phiếu tư cách ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền của Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2025.
“Nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở phạm vi trong nước, khu vực và trên thế giới”, mục tiêu của đề án nhấn mạnh.
“Truyền thông về quyền con người cần được triển khai trên cả 3 nội dung chính: phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam”, quyết định nêu rõ.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2028 đạt 100% cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về công tác quyền con người, 100% cán bộ làm công tác quyền con người, cùng 100% cán bộ làm công tác quản lý thông tin, truyền thông; xuất bản và tái bản 1.000 đầu sách về quyền con người; lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn; giảm thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng xuống còn dưới 10% tổng số thông tin về quyền con người ở Việt Nam; phát hiện, xử lý 90% tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng…
Đề án nói rằng sẽ sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu trên, nhưng chưa nêu rõ con số dự toán là bao nhiêu. Ngoài ra, đề án còn sử dụng các nguồn đóng góp của các cơ quan báo chí, xuất bản, cũng như các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Về phạm vi thực hiện, ngoài 63 tỉnh/ thành phố trong nước, đề án còn được thực hiện ở số địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài thuộc đối tượng ưu tiên phát triển đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tại trụ sở của các cơ quan quyền con người quốc tế như: New York (Mỹ), Geneve (Thụy Sĩ), Bangkok (Thái Lan)...
Từ Bangkok, nhà hoạt động Đường Văn Thái, cựu nhà báo Việt Nam đang xin tị nạn chính trị, chia sẻ với VOA về dự án truyền thông nhân quyền của Việt Nam.
“Đề án này được phê duyệt với các mục đích: Thứ nhất, biện minh với quốc tế rằng Việt Nam rất tự do về ngôn luận, tự do về nhân quyền, quyền công dân luôn được bảo hộ một cách chính đáng, là một lá bài để đối phó với quốc tế, các tổ chức nhân quyền;
“Thứ hai, đề án được duyệt thực hiện ắt phải đi kèm với một khoản kinh phí khổng lồ, được trích từ nguồn ngân sách, sẽ là một dự án béo bở để các quan chức rút ruột ngân sách bởi đề án được thực hiện khá dài hơi, từ 2023-2028”.
“Thứ ba, đề án sẽ được tuyên truyền sâu rộng ở Việt Nam với tính chất mị dân, những người dân thuần túy sẽ cứ ngỡ mình có tự do ngôn luận, có nhân quyền thực thụ”, ông Thái nói.
Quyền Cao ủy Nhân quyền LHQ Nada Al-Nashif phát biểu hôm 12/9/2022. Photo YouTube UN Office at Geneve.
Phát biểu tại khóa họp thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneve, Thụy Sĩ hôm 12/9, bà Nada Al-Nashif, Quyền Cao ủy Nhân quyền LHQ, nói về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam:
“Ở Việt Nam, việc chính phủ ngày càng gia tăng những hạn chế đối với quyền công dân và các quyền tự do cơ bản, cũng như việc kết án người dân về các tội danh liên quan đến công tác nhân quyền và nỗ lực thúc đẩy một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là điều đáng lo ngại”.
Người đứng đầu Cao ủy Nhân quyền LHQ khuyến nghị: “Tôi kêu gọi chính phủ đảm bảo sự tham gia đa dạng và mạnh mẽ của xã hội dân sự, bao gồm cả những người bảo vệ nhân quyền, và trả tự do cho những người đã bị bắt giữ hoặc bị bỏ tù một cách tùy tiện vì các hoạt động nhân quyền”.
Tại khóa họp này, Đại sứ Việt Nam tại Geneve Lê Thị Tuyết Mai nói: “Hội đồng nhân quyền và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ cần tôn trọng hoàn cảnh lịch sử và điều kiện văn hóa-xã hội đa dạng của các quốc gia, thúc đẩy đối thoại xây dựng và hợp tác hơn nữa nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo các nguyên tắc cơ bản của quyền con người”.
Từ trước đến nay, Việt Nam luôn nói rằng nước này đảm bảo quyền con người cho mọi công dân, và chỉ bắt giam, xét cử những ai “vi phạm pháp luật”.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.