Từ vụ VietGAP: Sạch là chuyện nhỏ, niềm tin mới là chuyện lớn!
Trân Văn
25-9-2022
Tuần này, một trong những vấn đề khuấy động dư luận trên mạng xã hội Việt ngữ là rau “sạch” bày bán tại các chuỗi siêu thị ở TP.HCM không bảo đảm yêu cầu sạch và an toàn như được chứng nhận.
Theo tờ Tuổi Trẻ, càng ngày càng nhiều người chấp nhận trả tiền mua rau, củ với giá cao vì chúng có nhãn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices hay Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) – một hình thức cầu chứng thực phẩm (rau củ, thủy sản, thịt,…) đạt các tiêu chí nghiêm ngặt trong sản xuất, phân phối do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ấn định. Cũng vì vậy, khi mang nhãn VietGAP, thực phẩm nói chung và rau, củ nói riêng đồng nghĩa với đủ sạch, an toàn.
Tuy nhiên ít ai biết có thể bỏ tiền mua Chứng nhận VietGAP, nhãn VietGAP mà không cần bất kỳ ai, nơi nào thẩm định rồi đưa rau, củ không hề được kiểm tra về vệ sinh vào các chuỗi siêu thị như WinMart, Tiki Ngon, Bách Hóa Xanh để gạt người tiêu dùng…
***
Những thông tin được tờ Tuổi Trẻ ghi nhận như: Ở chợ, 100 gram ngò có giá 1.500 đồng, sau khi dán nhãn VietGAP và đưa vào một số chuỗi siêu thị, giá ngò tăng lên thàng 16.000 đồng/100 gram, hoặc tương tự là tía tô tăng từ 2.000 đồng/100 gram thành 9.000 đồng/100 gram,… đã tạo ra nhiều cảm xúc khác nhau được công chúng bày tỏ trên mạng xã hội. Có người như Kim Anh đặt vấn đề: Sốc chưa? Rau dỏm vào siêu thị giả rau sạch đã đành.Ngay cả chứng nhận VietGAP cũng bị làm giả, mua bán như mua rau dỏm. Chỉ cần vài chục triệu, không cần biết ruộng ở đâu, lấy mẫu đất và rau ở đâu là được cấp chứng nhận VietGAP (1). Có người như Nguyễn Thị Xuân Thuỷ liên tưởng: Đó mới chỉ là rau, còn những mặt hàng khác thì sao… nhất là các loại đồ uống như nước giải khát, bia, rượu,…(2). Hoặc tự biện như Trương Thị Bảo Châu: Toàn cõi ăn rau dỏm thì không cần băn khoăn dỏm – thiệt nữa, điều này tạo ra cảm giác công bằng, rồi sẽ có ngày chúng ta sẽ cùng nhau bịnh trong dối trá (3).
Cũng đứng ở vị trí người tiêu dùng nhưng Ricky Ho nhìn ở một góc khác: Chỉ mới có hai công ty nhỏ là Trình Như và Hugofarm lãnh đạn. Còn những chuỗi siêu thị như WinMart (thuộc tập đoàn Masan), Tiki Ngon chỉ rút hết hàng của Trình Nhi và Hugofarm khỏi kệ… Trong chuyện này, những WinMart, Tiki Ngon không thể hoàn toàn vô can song có lẽ đành hát “điệp khúc” – Nhưng không chết thằng cha bán phở. Mà chết người em nhỏ bưng tô… Cần nhắc là Tiki đang chuẩn bị cho kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) cuối năm nay hay đầu năm tới. Còn Masan thì đang mở rộng hệ sinh thái Winlife. Tội, nhưng mà kệ (4)… Giống như Ricky Ho, Yen Nguyen cho rằng những ông lớn nắm các kênh phân phối như Masan nợ công chúng “một lời xin lỗi”: Nói như thánh, nào là kiểm soát khắt khe, bảovệ sức khỏe người tiêu dùng nhưng không kiểm soát nguồn cung, chỉ dựa vào giấy. Đó là cẩu thả nhưng không xin lỗi. Người tiêu dùng đặt niềm tin vào Masan mà bị lừa. Cứ nghĩ là “ông lớn” nên không cần sợ người tiêu dùng (5)?
Cũng có những người như Phụ Tình lưu ý: Vạch trần chuyện mua rau ở chợ, “nâng cấp thành VietGAP” là cần vì doanh nghiệp lừa người tiêu dùng, cần phải bị xử lý theo quy định pháp luật nhưng đừng nói biến “rau bẩn” thành “rau sạch”. Nói như vậy tội cho nông dân và tiểu thương buôn bán ở các chợ đầu mối. Dòng họ nhà tôi nhiều đời làm nông dân, cực lắm mới làm được cọng rau mang ra chợ bán. Giá bán rẻ hơn giá rau làm theo công nghệ mới như VietGAP mấy lần (6).
***
Nhìn rộng hơn, Đào Thị Thanh Tuyền cho rằng: Rau chợ biến thành “rau sạch” không làm nhiều người ngạc nhiên vì thật ra không mới và chắc chắn sẽ sớm bị lãng quên. Nhịp đời vẫn trôi theo kiểu như lâu nay đã trôi. Khi gốc của vấn đề không được giải quyết đúng, triệt để thì đừng mơ về giải pháp có lợi cho người tiêu dùng về thực phẩm sạch, an toàn. Ngay cả khi bạn bỏ ra một số tiền rất lớn để mua thực phẩm với những cam kết có cánh, tôi cũng rất nghi ngờ. Cái nghi ngờ ở đây chính là lòng người(7).
Giống như cô Tuyền, Nguyễn Bích Lan dẫn lại chuyện rau từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam, được dán nhãn VietGAP rồi đưa vào Bách Hóa Xanh kèm lời bình: Còn những siêu thị uy tín nào chưa bị điểm danh? Chẳng con gì đáng sợ hơn “con người”! Thật nhục nhã – tôi tự cảm thấy nhục – vì sống trên một dải đất đa dạng khí hậu, đất chỗ nào cũng có thể trồng rau, trồng cây xanh mà phải đi ăn rau của Tàu! Thay vì bình như cô Lan, Le Duc Duc viết bốn câu thơ: “Người bẩn” còn vào quan trường. Rau bẩn thành sạch – bình thường thôi nha. Rau là rau của China. Đem dán mác Việt ắt là… Hoa Nam (9)!
“Rau sạch” dường như chỉ là thêm một giọt sầu thêm vào bể sấu vốn đã lai láng được Đỗ Ngà mô tả là… Thật hết đất sống, giả khắp mọi nơi. Sau khi tổng hợp hàng loạt sự kiện liên quan đến việc Masan khai thác sự sợ hãi của công chúng về nguy cơ bệnh tật do thực phẩm không an toàn đế loại bỏ các đối thủ cạnh tranh mặt hàng nước tương, nước mắm,… Đỗ Ngà đúc kết: Nguy cơ ung thư do thực phẩm bẩn là thật. Dân cần nông sản sạch để bảo vệ sức khỏe chính mình và gia đình nên thị trường thực phẩm sạch rất lớn. Nhu cầu lớn và giá rất cao là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp nào đi theo con đường sản xuất thực phẩm sạch.
Bộ NN PTNT ban hành chứng chỉ VietGAP nhằm đáp ứng nhu cầu phân biệt sạch – bẩn cho người dân. Giờ, VietGAP được dán cho cả rau quả từ Trung Quốc thì xem như thị trường hàng sạch chỉ còn là một thứ niềm tin. Nguy cơ ảo bị đẩy lên thành nguy cơ thật để vật chết doanh nghiệp chân chính, không có nguy cơ thì bịa ra nguy cơ để vật chết doanh nghiệp chân chính và có nguy cơ thật họ dán nhãn vào hàng bẩn để doanh nghiệp bẩn chiếm thị trường hàng sạch. Thị trường hàng sạch ở Việt Nam được tạo ra cho doanh nghiệp bẩn mà kẻ tạo ra đấy là ai nếu không phải là chính quyền? Vậy ở Việt Nam còn cái gì là thật? Có người bảo “ở Việt Nam chỉ có “giả tạo là thật” (10).
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.