Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Quản lý công tác lập quy hoạch phải khoa học và khách quan

 

Quản lý công tác lập quy hoạch phải khoa học và khách quan

Trần Văn Tường

(KTSG Online) – Hiện nay, trong công tác quy hoạch đang có tình trạng doanh nghiệp bất động sản tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng đô thị cho một số tỉnh, thành phố. Xét ở khía cạnh thu hút nguồn lực và xã hội hóa thì điều này giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế sẽ khó đảm bảo tính khách quan, minh bạch và công bằng vì có lợi ích nhà tài trợ.

clip_image002

Hiện trường vụ phá rừng ở xã Tà Nung, Đà Lạt. Ảnh tư liệu: TTXVN

Quy hoạch cũng chính là cách con người suy nghĩ cho chiến lược phát triển, bố trí sắp xếp các vấn đề trong đời sống xã hội. Mỗi nét trên bản vẽ sẽ trở thành cơ sở chính sách pháp lý với vị trí và quy mô cho các dự án được hình thành, công trình trên hiện trường sau này.

Quan trọng hơn với quy hoạch là hiệu ích còn lại cho thực thể vật chất, cụ thể là các dự án và công trình sau khi triển khai hoàn thành ảnh hưởng đến con người, kinh tế xã hội, văn hóa lâu dài, thậm chí là vĩnh cửu. Yếu tố quyết định sự thành, bại trong phạm vi rộng. Nếu làm tốt vừa đảm bảo tính khả thi, thu hút nguồn lực, phát triển bền vững. Ngược lại, có thể hủy hoại cả môi trường sống, mồ hôi, tiền bạc, công sức, giá trị tích lũy được sau nhiều năm.

Người viết trong lần tham dự hội thảo quy hoạch được nghe một vị tiến sĩ người nước ngoài phát biểu rằng, những bài học đau xót trong lịch sử phát triển đô thị đã nhắc nhở không chỉ giới chuyên môn mà còn nhà quản lý về tầm quan trọng trong quy hoạch. Thi công không tốt, lãng phí tính hàng chục. Thiết kế sai sót, tổn thất hàng trăm. Quy hoạch không đúng hoặc bị thao túng theo ý chí cục bộ cá nhân thì ảnh hưởng vô cùng và thiệt hại không thể kể hết.

Các nước phát triển trên thế giới chú trọng đặc biệt trong lập quy hoạch đảm bảo tính khoa học, quyền uy dân chủ. Cần nhiều nhân tài về quy hoạch với sự hợp tác chặt chẽ với các học giả, nhà nghiên cứu, kinh tế, giáo dục, lịch sử, khí tượng, thiên văn, địa lý, xã hội học và cả nhà nghệ thuật có liên quan chứ không để cho một tổ chức tư vấn hay kiến trúc sư đơn độc thực hiện. Các khoản chi phí cho việc này, phần lớn sử dụng nguồn vốn ngân sách vừa mang tính độc lập, khách quan và định hướng theo chủ trương nhà nước, số đông người dân.

Tính khoa học trong quy hoạch thể hiện qua công tác ra sức khảo sát, điều tra, tập hợp trí tuệ nhiều người. Quyền dân chủ với quy hoạch là tổ chức phản biện, lắng nghe ý kiến nhân dân trong phạm vi nghiên cứu không chỉ kịp thời phát hiện những bất cập mà còn tác dụng động viên tinh thần tích cực quần chúng đóng góp cho các vấn đề quan trọng xã hội.

Thực tế ở nhiều đô thị nước ta không thiếu những quy hoạch ngắn hạn, chắp vá, chưa hài hòa lợi ích. Ngày càng xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập nước… Hạ tầng mới làm xong đã lạc hậu, cầu đường đưa vào sử dụng chưa lâu đã quá tải, ùn tắc giao thông.

Lâm Đồng cũng là một trong các địa phương nhận tài trợ lập quy hoạch, xuất hiện những bất cập. Vùng ven xảy ra phân lô bán nền với bố trí nhiều dự án, công trình chưa phù hợp định hướng phát triển bền vững. Nội thành như Đà Lạt là vùng đồi núi nhưng lại bị ngập nặng khu vực trung tâm, nhiều nơi nước sâu gần 1m. Đáng chú ý với địa hình phố núi nhưng nước mưa vẫn thoát không kịp, chưa giải quyết xong điểm ngập cũ đã phát sinh điểm ngập mới.

Trước đó, thành phố này từng được cảnh báo tình trạng thiếu nước sinh hoạt, kẹt xe phải lắp đặt đèn tín hiệu cũng đã không còn danh hiệu “thành phố không đèn giao thông”.

Đà Lạt những năm qua cải tạo đô thị, bê tông hóa tập trung khu vực trung tâm không chỉ phá vỡ cảnh quan kiến trúc mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường, di sản và giảm mảng xanh, nguồn nước ngầm, không gian thoát nước mặt, chất lượng sống người dân.

Hơn 90 năm trước, những kiến trúc sư người Pháp lập quy hoạch cho Đà Lạt khi khảo sát và tính toán đã cảnh báo nguồn nước ngầm chỉ đủ cung ứng cho 120.000 người. Thống kê cho thấy Đà Lạt đến nay có hơn 300.000 người, mỗi năm đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch. Đây còn là một trong các nguyên nhân chính xảy ra ùn tắc giao thông trầm trọng những ngày cuối tuần, dịp lễ tết, nhất là khu vực trung tâm Hòa Bình – Hồ Xuân Hương.

Thành phố này có tổng diện tích tự nhiên khoảng 393 km² xảy ra ngập nặng, thiếu nước sinh hoạt, ùn tắc kẹt xe ở điểm thắt khu vực trung tâm tập trung quá nhiều công trình xây dựng, nhà cao tầng với các dịch vụ và cơ sở lưu trú nên mọi thứ đều đổ dồn về đây.

Mở rộng phạm vi xây dựng, bê tông hóa làm mất đi nhiều di sản với không gian văn hóa nghệ thuật phục vụ đời sống tinh thần. Trước đây, dù dân số chỉ khoảng 70.000 người đã có đến 4 rạp chiếu phim gồm Hòa Bình, Ngọc Lan, Ngọc Hiệp và một rạp khác trên đường Trương Công Định. Sau này, 3 rạp chiếu phim bị phá bỏ để xây khách sạn và công trình.

Lo rằng với quy hoạch và thiết kế đô thị Đà Lạt từng được công bố sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo khu vực trung tâm vốn đã chật chội, càng quá tải người và phương tiện, bê tông hóa công trình xây dựng, xâm phạm di sản, giảm mảng xanh và không gian công cộng.

Giờ còn sót lại rạp Hòa Bình đã tồn tại từ thế kỷ trước là ký ức gắn bó với nhiều thế hệ người dân và du khách có thể bị dỡ bỏ để xây dựng một khu phức hợp đa chức năng.

Ven hồ Xuân Hương có diện tích hơn 6ha cũng là khu vực dành cho công trình dịch vụ, du lịch, khách sạn. Phần chỉnh trang đô thị có diện tích gần 9,2ha với mục tiêu hình thành nên khu nhà ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí.

Dinh Tỉnh trưởng trên đồi thông còn gọi là khu vực đồi Dinh rộng 4,43 ha vừa là di tích và mảng xanh còn sót lại ở khu vực trung tâm đã có tuổi thọ 112 năm từ năm 1910 gắn với lịch sử Đà Lạt có tên trong danh sách bảo tồn đặc biệt cũng có trong kế hoạch di dời hoặc chọn phương án nâng cao lên 28m so với vị trí ban đầu phục vụ xây dựng tổ hợp khách sạn 10 tầng với nhà hàng, khu thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ.

Ngay thời điểm công bố quy hoạch và thiết kế đô thị mới này, dư luận xã hội và giới chuyên môn đã lên tiếng phản đối với các phương án đưa ra đều hướng đến xây dựng công trình khách sạn đồ sộ, tổ hợp dịch vụ cao tầng xâm hại tính toàn vẹn không gian đồi Dinh.

Đồi Dinh được xem là khu đất “vàng” có vị trí “trắc địa”, cao nhất ở khu vực trung tâm Hòa Bình, nếu xây khách sạn 10 tầng với khối tích lớn trên đỉnh đồi sẽ làm mất đặc trưng cảnh quan của đô thị Đà Lạt. Ngoài ra, có luồng ý kiến cho rằng các phương án quy hoạch và thiết kế đô thị đó thực chất là lồng ghép làm dự án địa ốc. Nếu khách sạn đồ sộ này được xây dựng sẽ làm hỏng cảnh quan kiến trúc, giá trị vốn có, công trình di tích đồi Dinh.

Ngoài ra, một số bất cập khác liên quan quy hoạch khu vực trung tâm là đất ở trên đồi núi đất rừng có độ dốc khá cao giữa đường Hà Huy Tập và Lương Thế Vinh, chưa có hạ tầng kỹ thuật. Hay quy hoạch công viên trong khu đất ở đã ổn định từ trước đến nay đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, khu vực dọc mặt tiền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Mở khu dân cư, xây nhà trên địa hình có độ dốc khá cao vừa khó khăn trong sinh hoạt cũng như giao thông đi lại. Trung tâm đang chật chội bởi bê tông hóa mở rộng, nay tiếp tục lấy đất rừng xây dựng công trình càng thu hẹp không gian chung và mảng xanh.

Các khu dân cư đã ổn định với công trình xây dựng, khách sạn, nhà ở liền kề nếu phải giải tỏa làm công viên sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Hoặc đến nay khu vực này lại thuộc quy hoạch công viên hoặc các loại đất khác thì sẽ khó xin được cấp phép xây dựng mới, xây dựng lại nhà ở đã xuống cấp, người dân bị hạn chế quyền sử dụng đất ở.

Trong không gian vốn đã hẹp, không đủ điều kiện mà nhất định xây dựng công trình lớn vượt mức cho phép, nhà cao tầng hẳn sẽ xảy ra quá tải và kéo theo đó hàng loạt hệ lụy. Ví dụ trên một tuyến đường giới hạn phục vụ 2 ngàn phương tiện, nhưng lại dồn hết vào lưu thông đến 10 ngàn phương tiện tất yếu xảy ra kẹt xe trầm trọng, hiệu ích kinh tế là âm.

Một thành phố, đô thị mà bị ngập nặng, thiếu nước, giao thông chen chúc, không gian công cộng chật chội thì dù có nhiều nhà cao tầng, khách sạn san sát nhau cũng không thể xem là nơi đáng sống, văn minh hiện đại. Quy hoạch và thiết kế đô thị nên theo hướng thực chất với tầm nhìn lâu dài chứ đừng chú trọng tô điểm, lồng ghép dự án bất động sản.

Đà Lạt có thể cải tạo lại cho phát triển nhưng không nhất thiết phải phá vỡ thêm mảng xanh, cảnh quan, kiến trúc, di sản, khu vực trung tâm vốn nhỏ hẹp và mất phần lớn không gian chung đã quá sức chịu đựng nên không thể gánh thêm nhu cầu quá sức chịu đựng.

Nên rà soát lại quy hoạch những gì còn bất cập, chồng chéo, bố trí không hợp lý để kịp thời điều chỉnh phù hợp. Khu vực trung tâm chỉ xem xét cho phép đầu tư dự án theo hướng hài hòa, phát triển bền vững. Công trình nhà cao tầng có thể xây dựng ở ngoại thành vừa kéo giãn dân số cho khu vực trung tâm vừa phát triển đô thị vệ tinh cho vùng ven.

Kiểm tra mặt bằng từng lưu vực, diện tích, dân số, nước thải, nước mưa để tính toán, khơi thông dòng chảy chống ngập. Ưu tiên tận dụng địa hình cho nước tự chảy, hướng thoát ngắn nhất. Nạo vét rác, khôi phục lại hệ thống suối, vùng trũng dẫn nước và chứa nước.

Tăng cường khả năng trữ nước, cấp nước sinh hoạt cho khu vực trung tâm. Nơi công cộng, công viên, vui chơi, giải trí thay vì bêtông hóa hãy tạo thêm mảng xanh, bồn hoa, thảm cỏ vừa tạo cảnh quan vừa là nơi thấm nước. Trong đầu tư xây dựng công trình công cộng ngoài trời xem xét sử dụng vật liệu có độ hút nước cao, thấm hút nước xuống nền đất.

Trước khi lập khu dân cư dày đặc, chồng lên mặt đất các tòa nhà hay trung tâm thương mại hãy nghĩ đến nhu cầu thiết yếu cho con người – thoát nước, cấp nước, giao thông.

Đà Lạt có đặc thù riêng với khí hậu, cảnh quan, kiến trúc, di sản trong một bức tranh lập thể với bản nhạc du dương, tác phẩm nghệ thuật có tâm hồn. Cần gắng sức thể hiện cái đặc sắc đó trong quy hoạch và thiết kế đô thị, lấy những giá trị cốt lõi lâu dài làm chủ đạo.

Hãy thận trọng với quy hoạch và thiết kế đôi thị mới và không đánh đổi cảnh quan, kiến trúc, bản sắc, môi trường, di sản đổi lấy những công trình bê tông cốt thép vô hồn. Nếu sai lầm dẫn đến cái giá phải trả rất đắt, lãng phí không kể hết, thiệt hại không gì có thể bù đắp.

Hạn chế tư nhân tài trợ lập quy hoạch, khó có ai tự nhiên cho không thứ gì mà không kèm điều kiện, dư luận dễ nghĩ đã ngầm định hướng. Nên hình thành cơ chế giám sát dân chủ, chế độ tham gia thực thi có hiệu quả trong công tác lập quy hoạch, loại bỏ tận gốc các khuyết tật dựa vào ý muốn cục bộ, cá nhân như các nước phát triển đã làm thành công.

Sử dụng ngân sách lập quy hoạch vừa khoa học, khách quan, công bằng trong cạnh tranh và thu hút nguồn lực, phù hợp quy định pháp luật. Luật Xây dựng năm 2014 tại Điều 19 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 62/2020/QH14 quy định “Nhà nước bảo đảm kinh phí theo quy định của pháp luật cho công tác lập quy hoạch xây dựng”.

Khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định kinh phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị bao gồm kinh phí từ ngân sách Nhà nước được sử dụng để lập và tổ chức thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và các quy hoạch chi tiết không thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh. Còn kinh phí của tổ chức, cá nhân được sử dụng lập quy hoạch thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh.

T.V.T.

Nguồn: Thesaigontimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.