‘Đốn’ cũng theo… qui hoạch!
Trân Văn
15-9-2022
Ở thời điểm vừa đề cập, thiên hạ từng bàn luận về nhiều điểm phi lý trong tuyên bố của Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khi gặp gỡ đại diện cử tri Đà Nẵng…
So nội dung tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng hồi tháng 11 năm ngoái (1) với Thông báo “Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật” mà nhân vật này vừa ký – phát hành (2) thì rõ ràng chuyện hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đồng thanh hô theo tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai… chẳng khác gì… một gánh mãi võ rao bán… cao đơn hoàn tán hồi thế kỷ trước! Không tin? Xin mời đối chiếu cả nội dung lẫn thực tế…
***
Ngày 23/11/2021, khi gặp gỡ đại diện cử tri Đà Nẵng trong vai đại biểu của dân chúng thành phố này tại Quốc hội khóa 15, ông Thưởng khẳng định, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đang… “hướng tới xây dựng cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng”. Ông Thưởng nói như thế vì một số đại diện cử tri bày tỏ sự bất bình về thực trạng và hiệu quả phòng – chống tham nhũng (PCTN): Lửa vẫn cháy, lò vẫn nóng nhưng củi ướt, khói nhiều, sức nóng không đủ để củi cháy hết. Luật PCTN không đủ chế tài, sức răn đe nên hạn chế kết quả. Phòng – chống nhưng tham nhũng vẫn trầm trọng, chẳng hạn phải xử lý một… tiểu đội… tướng của Cảnh sát biển…
Giống như nhiều viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, ông Thưởng nhấn mạnh: PCTN, tiêu cực, lãng phí là vấn đề đảng rất quan tâm bởi đó là chuyện có tính sống còn với vận mệnh của đảng, nhà nước và chế độ! Do vậy… đã xử lý nghiêm nhiều cán bộ vừa được bầu vào BCH TƯ đảng khóa này, nhiều tướng lĩnh cao cấp… Những quy định sau Đại hội 13 của đảng CSVN đã đổi mới, rất chặt chẽ, rõ ràng, có tính khả thi và phòng ngừa rất cao. Cũng vào lúc đó, ông Thưởng tiết lộ: Sắp tới, nếu cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút thì trước hết là khuyến khích từ chức. Đồng thời cũng phải tạo ra áp lực chính trị của tổ chức đảng và cơ quan để cán bộ từ chức khi uy tín giảm sút, không chờ hết nhiệm kỳ...
Ở thời điểm vừa đề cập, thiên hạ từng bàn luận về nhiều điểm phi lý trong tuyên bố của Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khi gặp gỡ đại diện cử tri Đà Nẵng: Đảng PCTN, tiêu cực, lãng phí kiểu gì mà “BCH TƯ đảng khóa này” lại có “nhiều cán bộ vừa được bầu” (tháng 1/2021) đã phải… “xử lý nghiêm”? Tại sao không ai nhận hay bị truy cứu trách nhiệm khi phong tướng cho những sĩ quan biến chất từ lâu, mặc kệ những viên tướng ấy câu kết để nhũng lạm trên diện rộng trong một thời gian dài? Thực tế tồi tệ đến vậy tại sao còn dám mạnh miệng khẳng định… “đã đổi mới, rất chặt chẽ, rõ ràng, có tính khả thi và phòng ngừa rất cao”?
Thiên hạ còn nêu những thắc mắc khác, chẳng hạn, trong lịch sử nhân loại, có thời nào, ở xứ nào mà khẳng định “chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” nhưng lại chỉ “khuyến khích… cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút… từ chức”, nếu không thì… “tổ chức đảng và cơ quan tạo ra áp lực chính trị để cán bộ từ chức chứ không chờ hết nhiệm kỳ”? Rồi bởi khi ấy, ông Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Công an – đang mất uy tín trong dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam do thưởng thức “bò dát vàng”, một số người phỏng đoán, có thể ông Thưởng nói xa, nói gần về việc 17 thành viên còn lại của Bộ Chính trị sẽ… “tạo ra áp lực chính trị” để ông Tô Lâm… “từ chức khi uy tín giảm sút”…
Những phỏng đoán kiểu vừa kể đều sai vì đều cùng giả định ông Thưởng nói… thật! Sự thật thật sự mới vừa hiển lộ: Sau mười tháng nâng lên, đặt xuống, Bộ Chính trị, trong đó có ông Thưởng chỉ chính thức… “khuyến khích” những… “cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút” nên “tự nguyện xin từ chức”, nếu không làm như vừa được… “khuyến khích” thì… “cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định”. Nói cách khác chuyện “khuyến khích” những “cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút” mà ông Thưởng đề cập hồi tháng 11 năm ngoái chỉ là… “nói chơi cho vui”!
Giờ – Bộ Chính trị, trong đó có ông Thưởng mới nói thật là đảng không… “khuyến khích” những “cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút” nhưng còn tự trọng xin từ chức. “Tự nguyện xin từ chức” là hình thức tự xử chỉ dành cho những… “cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút” vì nếu không thì… “cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định”. Tự thừa nhận… PCTN, tiêu cực, lãng phí là vấn đề đảng rất quan tâm bởi đó là chuyện có tính sống còn với vận mệnh của đảng, nhà nước và chế độ”, rồi tự khẳng định… Những quy định sau Đại hội 13 của đảng CSVN đã đổi mới, rất chặt chẽ, rõ ràng, có tính khả thi và phòng ngừa rất cao nhưng khơi khơi công bố… “kết luận” như thế về… tự xử thì quả là… hết ý!
***
Thông báo“Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật” mà ông Thưởng vừa phát hành để toàn đảng, toàn dân cùng biết có năm mục, cứ đọc kỹ sẽ thấy Bộ Chính trị rất… nhân văn đối với các đồng chí đồng đảng nên rất thiếu nhân đạo với dân. Chẳng hạn mục 1 xác định thế này: Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với đảng và chế độ.
Khi Bộ Chính trị đã xác định như thế thì chuyện những người kiểu như ông Phùng Xuân Nhạ dẫu rõ ràng thuộc dạng “có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút” không thể trụ được ở vị trí Bộ trưởng GDĐT, không thể lọt vào BCH TƯ đảng khóa 13 dù được BCH TƯ đảng khóa 12 giới thiệu, vẫn có thể được bổ nhiệm làm Phó Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng là… tất nhiên! Sắp tới, nếu ông Nhạ chỉ bị “cảnh cáo” hay “khiển trách” thì theo chủ trương của Bộ Chính trị, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải xem xét – sắp đặt công việc theo nguyện vọng của ông Nhạ như tại… mục 3 (phải bố trí công tác phù hợp do thuộc nhóm còn chưa đầy năm năm là đủ tuổi nghỉ hưu).
Qui hoạch đưa những người như ông Phùng Xuân Nhạ, ông Tô Lâm,… ngồi vào các vị trí dẫn dắt quốc gia, dân tộc và ở những vị trí đó, những người như thế đề ra các chủ trương, soạn thảo các qui định mang tính cưỡng hành đối với toàn bộ hệ thống hành chính, hệ thống công quyền để đề phòng trường hợp, nếu chẳng may họ bị rơi vào nhóm “có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút” bị “cảnh cáo” hoặc “khiển trách” thì do là “cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, họ đương nhiên phải được đối xử khác. Chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai… nhưng khi đốn thì phải theo… qui hoạch vì… Bộ Chính trị cũng đã có kết luận chính thức về vấn đề này!
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.