Mẫu giáo án, giáo án mẫu, theo Công văn 5512
Chu Mộng Long
Nói có sách, mách có chứng.
Năm vừa rồi, có vị giám đốc Sở phàn nàn, có nhà xuất bản theo chỉ đạo yêu cầu mua luôn cả bộ "giáo án mẫu". Nên nhớ "giáo án mẫu" khác với "mẫu giáo án". Giáo án mẫu là loại giáo án đã soạn sẵn theo chủ quan của ai đó. Thực chất để hiểu và làm đúng theo tinh thần công văn 5512 chỉ có thể là các thánh tạo ra các công văn này. Tự tạo ra công văn, không chỉ hướng dẫn theo "mẫu giáo án" mà chơi luôn "giáo án mẫu" để bán. Đó là động cơ cải cách của Bộ.
Sự thật, theo tôi biết, giáo viên lâu nay đã mua giáo án trên các trang mạng. Vừa có công văn ra đời là trên mạng đã xuất hiện tràn lan "giáo án mẫu". Giáo viên chỉ download về và điền ngày điền tên mình vào rồi in ra là xong. Mỗi năm phải in một lần hàng trăm trang như vậy, mặc dù nội dung không thay đổi. Vô ích và tốn kém giấy vô kể khi có hàng triệu giáo viên làm điều đó.
Tôi tin, nếu rà soát toàn quốc, các giáo án của giáo viên giống nhau như đúc, trừ cái tên người dạy. Mà đã giống như đúc, từ mục tiêu bài dạy đến tổ chức các hoạt động và dự kiến sản phẩm (thực chất là áp đặt trước) thì phát triển năng lực gì ngoài tạo ra những con robot không não?
Báo nói một tiết "Kế hoạch bài dạy" theo Công văn 5512 dài đến 10 trang thì hơi quá. Tôi thử truy cập vài ba giáo án thì thấy 2 tiết chỉ khoảng 10 đến 15 trang.
Cứ cho độ dài đó chưa phải là vấn đề. Vấn đề ở chỗ là máy móc, vụn vặt và lặp đi lặp lại một cách thừa thãi trên từng bài học. Và giáo án là một chuyện, giáo viên có làm theo hay không là chuyện khác. Nói thẳng, trừ những tiết dạy mẫu hay có dự giờ (được huấn luyện trước), còn lại giáo án chỉ để trưng bày, đối phó khi có sự kiểm tra của giới quản lý. Giới quản lý thì không biết gì về chuyên môn, chỉ đánh giá theo mẫu. Nói chung là một hệ thống robot hoạt động tự động gọi là "dạy học phát triển năng lực". Cụ thể:
I. Mức độ cần đạt: Cái gọi là mục tiêu cho từng bài thì tạo ra một ma trận vừa chữ vừa mã hóa. Phần chữ thì xé ra làm ba: kiến thức, năng lực, phẩm chất, mỗi thứ chẻ nhỏ ra năm bảy mục tiêu và gần như lặp lại trong nhiều bài khác nhau.
II. Thiết bị dạy học và học liệu: Thiết bị dạy học thì bài nào cũng vẫn máy chiếu, TV, giấy A0, A4... SGK, hình ảnh, clip; phiếu học tập... Nhưng trong mỗi bài đều phải ghi đầy đủ.
III. Tiến trình dạy học: cái gọi là tiến trình thì chia làm hai A: Tiến trình, B. Tổ chức các hoạt động dạy học. Tổ chức dạy học không phải thuộc "tiến trình" nên buộc phải xé ra?
A. Tiến trình thì chia làm 5 cột: Hoạt động học, Mục tiêu, Nội dung dạy học trọng tâm, PPKTDG, Phương án KTĐG.
Mục tiêu để tránh lặp lại thì tạo ra ký hiệu trong ma trận dưới kết nối với ma trận trên thành cái mạng chằng chịt, trong khi đây chẳng phải mà cái hyperlink tiện dụng như Internet mà muốn tra cứu thì phải lật thủ công trang sau ra trang trước để đối chiếu. Nội dung dạy học trọng tâm thì liệt kê các mục lớn nhỏ của bài học. Thế mà cũng tách thành ma trận riêng. Phương pháp, kế hoạch dạy thì bài nào cũng giống bài nào: Đàm thoại gợi mở, Kĩ thuật sơ đồ tư duy, Kĩ thuật làm việc nhóm, Dạy học giải quyết vấn đề. Phương pháp kiểm tra đánh giá cũng vậy. Vẫn cái điệp khúc cho cả bộ giáo án: GV đánh giá trực tiếp phần phát biểu của HS, GV đánh giá phiếu học tập, sản phẩm học tập của HS, GV đánh giá phiếu học tập của HS dựa trên Đáp án...
B. Tổ chức hoạt động dạy học thì lại một ma trận gồm Hoạt động của giáo viên, Hoạt động của học sinh. Giáo viên thì giao nhiệm vụ, dẫn vào bài, nhận xét và chuẩn kiến thức... Học sinh thì "nhận biết", "tập trung cao", "hoạt động nhóm", "hợp tác", "thảo luận", "thuyết minh", "nhận xét chéo", "lập phiếu"... Chỉ cần cóp từ bài này sang bài kia và sửa đổi vị từ.
Các hoạt động được tách ra Hoạt động 1, Hoạt động 2, Hoạt động 3,... và hoạt động nào cũng lặp lại như trên. Có những vấn đề không cần thảo luận (mà cũng không thể thảo luận), như "Văn học dân gian là gì?", "Văn bản thuộc thể thơ gì",... giống như 2 + 2 = 4, cũng bày trò thảo luận nhóm. Thường thảo luận phải là tranh luận về một vấn đề đang có vấn đề. Lẽ nào tất tần tật các nội dung kiến thức phổ thông trong sách giáo khoa đều đang có vấn đề?
Hậu quả là "sản phẩm dự kiến" thực chất là áp đặt một chiều, gọi là "chốt" (chưa biết kết quả hoạt động dạy học diễn ra thế nào đã chốt kiến thức gọi là "chuẩn"), nhưng phải mất thời gian thảo luận. Tất nhiên là giả vờ thảo luận, vì các nhóm chụm đầu nói thì thầm rồi ghi lại điều đã biết theo mẫu có sẵn.
Điều này y chang như cái gọi là dân chủ ngoài xã hội. Gọi là dân biết, dân bàn, nhưng kẻ đứng đầu quyết trước rồi tổ chức cho dân ăn theo nói leo. Nhà trường là nơi huấn luyện trẻ em thói quen đó cho xã hội?
Tôi đi dự giờ từng thấy cái gọi là hoạt động nhóm. Lớp đông, các nhóm chụm đầu vào thì thầm gì đó (không được nói thành tiếng, ồn!) rồi đại diện trình bày như một cái máy và đúng như mẫu. Thế là đánh giá tốt tốt. Thầy cô giáo cứ như con gà mắc cổ hạt thóc, sau mỗi phát biểu của học sinh là gật đầu tốt tốt.
May mà đa số các thầy cô chỉ chép "giáo án mẫu" để đối phó là chính, chứ dạy học đúng như cái gọi là "kế hoạch bài dạy" như thế này thì hoặc là cháy giáo án, hoặc chỉ làm giả vờ, và kết quả là học sinh học xong không biết gì!
Tóm lại là "mẫu giáo án" và "giáo án mẫu" theo công văn 5512 đổi mới theo hướng "dạy học phát triển năng lực", bề ngoài tưởng rõ ràng hơn, hiện đại hơn so với các "mẫu giáo án" và "giáo án mẫu" từ khi cải cách giáo dục đến nay, nhưng thực chất không có gì mới ngoài hình thức rất giả tạo. Nội dung vẫn là những mục tiêu ấy, hoạt động ấy, kiến thức ấy, năng lực ấy, chỉ khác hình thức: rối rắm hơn, dài dòng hơn, phô trương hơn và giả tạo hơn.
Vẫn biết dạy học lấy học sinh làm trung tâm, ắt hoạt động của học sinh đóng vai trò quan trọng. Nhưng các hoạt động thường xuyện, lặp đi lặp lại như cái máy có nhất thiết phải trương phình như ra bà chửa và trình ra trong mọi bài dạy, trong khi nội dung kiến thức, tình huống sư phạm thì hoặc co lại hoặc rỗng ruột như vậy không?
Nhiều nhà quản lý dựa vào "mẫu giáo án" và "giáo án mẫu" này càng thêm chuyên quyền, độc đoán và ngu xuẩn đến mức không đội trời chung với giáo viên có óc sáng tạo. Giáo viên chỉ cần sửa một từ, thay một hoạt động nào đó là bị hoạnh họe, bị bắt làm lại, in lại cho đúng mẫu. Chẳng hạn, với nội dung kiến thức đã chuẩn, chỉ có thuyết trình, diễn giải mà không thấy có thảo luận là coi như chưa hiện đại, chưa đạt. Đến mức, mục Vận dụng, có người theo quán tính cũ ghi là "Vận dụng, tìm tòi, sáng tạo" thì bị cho là sai. Có nghĩa là chỉ được phép vận dụng máy móc, không được phép tìm tòi sáng tạo gì?
Độc đoán, chuyên quyền, áp đặt chủ quan từ trên xuống như vậy mà dán khẩu hiệu "Sáng tạo", "Khai phóng", "Lấy người học làm trung tâm"... thì có phải là bịp không?
Tôi không rõ các môn học khác thế nào, chứ môn Ngữ văn, môn học đánh động vào tiềm năng cảm xúc, tức khơi dậy tâm hồn, kích thích sáng tạo và tư duy ngôn ngữ thì lại diễn ra tình trạng dạy học vô hồn, vô cảm, giả tạo, không cần động tim động não, nếu giáo viên thực hiện đúng tinh thần Kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo chỉ trích, rằng dạy học ngữ văn như hiện nay là "giết chết môn văn", chẳng có gì oan sai! Theo tôi, cách dạy học theo cái thứ mẫu máy móc, vụn vặt với những hoạt động lặp lại và thừa thãi đó còn làm cho cả thầy và trò thành những con gà gặp phải mùa dịch, loạn não và ngu ngốc.
Ông Nguyễn Minh Thuyết và ông Đỗ Ngọc Thống phải chịu trách nhiệm về cách dạy học này! Vì nếu các ông không phải cha đẻ ra thứ "mẫu giáo án" và "giáo án mẫu" như vậy thì chẳng nhẽ các thứ đó là đứa con rơi con rớt của ông Tây mà các ông nhặt được đem về nuôi rồi bán lại cho thầy và trò phổ thông?
Hình: Một "giáo án mẫu" được rao bán trên mạng
C.M.L.
Nguồn: FB Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.