Hồi ức Tây Tạng
Tờ báo South China Morning Post có trụ sở ở Hồng Kông đưa tin nói rằng các quan chức thành phố Lhasa (Lạt Xá, thủ đô Tây Tạng) xin lỗi dân chúng vì sự tệ hại trong chiến dịch cách ly chống Covid, đã kéo dài vài tháng nay, trong cái gọi là chính sách Zero Covid của Tập Cận Bình.
Tôi chú ý bản tin này, dĩ nhiên không phải là sự “thành tâm hối lỗi” của các quan chức người Hán cai trị Tây Tạng, cũng không phải chính sách của họ Tập, mà là tôi muốn biết Tây Tạng, Lạt Xá,… hiện nay ra sao.
Những chiếc giường nối dài trong các khu cách ly, những cao ốc hình hộp dày đặc, một sân vận động rất xấu, những khu chung cư xây dở dang xám xịt… Tây Tạng của tôi hầu như biến mất. Thành phố của các chư thiên (Lạt Xá) đâu rồi?
Cách đây hơn 20 năm, tôi đến Tây Tạng trong một chuyến công tác. Một chuyến đi làm chấn động tâm linh của tôi hơn bất cứ chuyến đi nào cho đến nay. Sự chấn động ấy có thể còn lớn hơn cả Đại tứ động tâm (bốn di tích Phật giáo tại Ấn Độ và Nepal, nơi Đức Phật đản sinh, thành đạo, thuyết pháp lần đầu và nhập diệt). Có thể sự lớn hơn ấy là do sự tương phản vô cùng bi kịch của Phật giáo Tây Tạng, qua những “di tích” hãy còn rất sống động của nó, trong sự đàn áp cũng rất sống động của những người cộng sản Hán tộc áp đặt lên nó.
Tôi đã thấy điện Potala rực lên trong hai sắc trắng và đỏ trong đêm đen Tây Tạng. Và tôi cũng chứng kiến các chủ nhà hàng ăn người Tứ Xuyên, xua đuổi đám trẻ ăn xin người Tạng, mặt mày lem luốc.
Tôi đã chiêm ngưỡng bức tượng Phật Di Lặc vĩ đại bằng đồng cao hơn 10 thước trong tu viện Tashi Lhunpo, mà cách đó không xa, những ngôi nhà của tăng sĩ bắt đầu sụp đổ, mùi hôi hám nồng nặc.
Một văn sĩ người Việt lưu vong, trong một bài viết về Phật giáo, có ý chỉ trích rằng, sự thụ động của Phật giáo là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đô hộ của Bắc Kinh hiện nay lên đất nước Tây Tạng.
Tôi không biết là quan điểm ấy đúng hay sai, nhưng có lẽ như một tác giả khác có đề cập, quyền lực của giới tăng lữ quá lớn đã làm cho Tây Tạng rối ren, dẫn đến kèn cựa của các giáo phái… và sụp đổ.
Minh chứng rõ ràng nhất là việc giấu nhẹm cái chết của vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 hơn mười năm, để kiểm soát quyền lực của nhóm tăng lữ cầm quyền vào thế kỷ 17. Vị này được xem như Lạt Ma vĩ đại nhất, đã xây dựng nên cung điện Phổ Đà Sơn (Potala). Và trong hàng cây số ngóc ngách cung điện ấy, bao âm mưu ám toán, sang đoạt quyền lực đã xảy ra.
Sau khi chiếm đóng Tây Tạng, Bắc Kinh đã và đang thực hiện một chính sách đồng hóa chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa rất tàn khốc. Chính sách này càng tỏ ra hữu hiệu hơn nữa sau khi Bắc Kinh hoàn tất tuyến đường sắt đặt biệt nối Bắc Kinh và Lạt Xá. Hàng triệu người Hán tràn ngập Tây Tạng, mang theo những ngôi nhà hình hộp xấu xí mà ta có thể thấy ở bất cứ đâu trong các đô thành Hoa Lục ngày nay. Nhưng tàn bạo hơn nữa là những dòng “nhân dân” tệ theo chân họ, với cái gọi là chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc. Chỗ trống quyền lực để lại bởi hàng trăm ngàn người Tạng lưu vong theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, được trám bởi cái chủ nghĩa xã hội ấy.
Nhưng trong cái tai ương cũng có những điều đáng để lạc quan. Sự lưu vong của hàng trăm ngàn người Tây Tạng đã mang đến phương Tây một nét văn hóa tâm linh mới mẽ, giúp thăng bằng một xã hội tiêu thụ ngày càng căng thẳng. Điều trớ trêu là sự sụp đổ của Mật tông Tây Tạng tại bản quốc lại dẫn đến vị trí ngày càng cao của Phật giáo ở phương Tây.
Vào năm 2021, đại lễ Phật đản (Vesak) lần đầu tiên được tổ chức tại Nhà Trắng. Có được điều đó, ngoài sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo nhiều tông phái ở Mỹ, còn có quan hệ mật thiết của những trí thức Tây Tạng ở Mỹ với giới cầm quyền Mỹ hiện nay, đặc biệt là phó tổng thống Kamala Harris.
Trở lại những hình ảnh xấu xí buồn thảm của bản tin trên tờ Bưu điện Hoa Nam, tôi không thể trả lời được cho tương lai của vùng đất thiêng này, liệu các Lạt Ma người Tạng sẽ hoàn toàn biến mất nhường chỗ cho các bí thư cộng sản-khổng giáo người Hán hay không?
Tôi chợt nhớ gương mặt sắc sảo vô cùng thông minh, với ánh mắt xanh biếc của pho tượng Di Lặc Tây Tạng trong tu viện Tashi Lhunpo. Một tác giả, du khách người Việt và cũng là phật tử, ông Nguyễn Tường Bách, viết rằng, ánh mắt xanh biếc sắc sảo của Phật Di Lặc Tây Tạng như muốn nói, có gì đâu, cuộc đời lộn xộn dí dỏm vậy thôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.