Vladimir Putin: Tổng thống hạ lệnh tấn công Ukraine là ai?
Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã khiến nhiều người choáng váng với việc xâm lược Ukraine, động thái lớn nhất của ông trong khu vực kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014. Nhưng ông chưa bao giờ che giấu sự kiên quyết về việc củng cố sức ảnh hưởng của Nga.
Ông Putin lên nắm quyền kể từ năm 2000, trải qua các vị trí tổng thống và thủ tướng của Nga.
Ông là lãnh đạo Điện Kremlin tại vị lâu nhất kể từ thời nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin - người qua đời vào năm 1953.
Một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi về cải cách hiến pháp vào năm 2020 đã mang lại cho ông Putin cơ hội tiếp tục làm lãnh đạo sau nhiệm kỳ thứ tư hiện tại, dự tính sẽ kết thúc vào năm 2024. Vì vậy, ông có thể ở lại Điện Kremlin cho đến năm 2036.
Nhưng làm thế nào ông đạt được điều này? Ta cùng nhìn lại cuộc sống chính trị và cá nhân của nhân vật đang gây chú ý trên khắp thế giới.
Cựu gián điệp
Các nhà phê bình nhận thấy những đặc điểm của một Putin từ thời Liên Xô đã gọt giũa thế giới quan của ông.
Ông là gián điệp của KGB - cơ quan an ninh khét tiếng của Liên Xô.
Nhiều trợ lý và bạn bè thân cận của ông giữ các mối liên hệ với cơ quan mật vụ.
Sự nghiệp chính trị của Putin bắt đầu vào đầu những năm 1990, khi ông làm trợ lý hàng đầu thị trưởng St Petersburg, Anatoly Sobchak, người trước đây đã dạy luật cho ông tại trường Đại học.
Năm 1997, ông vào Điện Kremlin với chức vụ là Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang (FSB - cơ quan kế thừa của KGB) và sớm được bổ nhiệm làm thủ tướng.
Vào ngày 31 tháng 12 năm 1999, Tổng thống Nga, Boris Yeltsin, từ chức và bổ nhiệm ông Putin thành quyền tổng thống.
Ông đã nắm quyền kể từ đó, mặc dù Putin đã giữ chức thủ tướng từ năm 2008 đến năm 2012, sau khi bị hiến pháp Nga cấm tranh cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.
Ông Putin đã trở lại nắm quyền khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2012 với hơn 66% số phiếu bầu, trong bối cảnh có những cáo buộc về gian lận phiếu bầu.
Ông đã phục dựng lại các cuộc diễu hành theo phong cách Liên Xô cho các cuộc duyệt binh.
Ông Putin nổi tiếng mô tả sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa chính trị lớn nhất trong Thế kỷ 20" và ông thường xuyên chỉ trích việc NATO bành trướng tới biên giới của Nga kể từ năm 1997.
Quan hệ băng giá với phương Tây
Những căng thẳng trước đây giữa Nga và Ukraine và sự can thiệp của Moscow vào cuộc nội chiến Syria để ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad đã làm phương Tây dấy lên sự nghi ngờ đối với ông Putin.
Các mối quan hệ vẫn băng giá như thời Chiến tranh Lạnh, dù có một ngoại lệ là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với người đồng cấp Nga.
Mặt khác, người kế nhiệm ông Trump, Joe Biden, đã mô tả ông Putin là một "kẻ sát nhân".
Hình ảnh bậc trượng phu
Ông Putin dường như thích hình ảnh đấng trượng phu của mình, được minh họa bằng các pha nguy hiểm như bay đến Chechnya bằng chiến đấu cơ vào năm 2000 và xuất hiện tại một lễ hội đạp xe của Nga bên Biển Đen vào năm 2011.
Tuy nhiên, ông Putin cũng thể hiện khía cạnh mềm mỏng hơn trên các phương tiện truyền thông nhà nước Nga, khi âu yếm những chú chó của mình và giúp chăm sóc những con hổ Amur đang trên bờ tuyệt chủng.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Levada của Nga vào tháng 2 năm 2021 cho thấy 48% người Nga muốn ông Putin tiếp tục làm tổng thống sau năm 2024.
Con số đó sẽ khiến nhiều chính trị gia phương Tây đố kỵ dù nó có thể cho thấy rằng nhiều người chỉ đơn giản coi ông Putin là một sự đặt cược an toàn.
Ông đã ghi điểm chính trị vì đã giữ cho nước Nga tương đối ổn định sau cuộc hỗn loạn thời hậu cộng sản những năm 1990.
Bên cạnh việc khôi phục niềm tự hào dân tộc, ông Putin đã để cho một tầng lớp trung lưu nổi lên và thịnh vượng, mặc dù còn nhiều nghèo đói ở nông thôn.
Bất ổn
Sự nổi tiếng của Putin đối với những người Nga lớn tuổi rõ rệt hơn so với những người trẻ. Những người sau này đã trưởng thành dưới thời ông Putin và nhiều người trong số họ tỏ ra khao khát thay đổi.
Hàng nghìn thanh thiếu niên Nga đã biểu tình trên toàn quốc vào tháng 1 năm 2021 để ủng hộ Alexei Navalny, người chỉ trích ông Putin và đã bị bắt ngay sau khi trở về từ Berlin.
Navalny đã tạo dựng tên tuổi của mình bằng cách vạch trần nạn tham nhũng tràn lan, cho rằng Nước Nga Thống nhất của ông Putin là "đảng của phường lừa đảo và trộm cắp".
Sau đó, cảnh sát đã đàn áp và hàng ngàn người đã bị giam giữ.
Navalny, hiện đang trong tình trạng sức khỏe yếu ở trong tù, bị kết án gây tranh cãi về một vụ tham ô trước đây, là một lý do xác đáng khác khiến mối quan hệ của ông Putin với phương Tây bị rạn nứt.
Vào tháng 8 năm 2021, ông Navalny cận kề cửa tử sau một vụ tấn công bằng chất độc thần kinh Novichok, mà các chính phủ phương Tây sau đó đã đổ lỗi hoàn toàn cho Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) của ông Putin.
Novichok - một chất độc ở cấp độ vũ khí của Nga - được sử dụng để đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia ở Anh vào năm 2018.
Ông Putin phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với những việc đó.
Tuổi thơ dữ dội
Vladimir Putin lớn lên trong một khu nhà tập thể chật chội ở Leningrad - nay là St Petersburg - và đánh nhau với những đứa trẻ địa phương thường to hơn và khỏe hơn. Điều đó đã khiến ông theo học judo.
Theo trang web của Điện Kremlin, ông Putin muốn làm việc trong tình báo Liên Xô "ngay cả khi chưa xong việc học".
"50 năm trước, đường phố Leningrad dạy tôi một quy tắc: nếu cuộc chiến là điều không thể tránh khỏi, bạn phải tung chưởng trước tiên", ông Putin nói vào tháng 10/2015.
Ông sử dụng ngôn ngữ thô thiển của một chiến binh đường phố khi bảo vệ quân đội của mình trước cuộc tấn công dữ dội của quân ly khai ở Chechnya, thề sẽ quét sạch chúng "ngay cả trong nhà xí".
Cộng hòa Bắc Caucasus chủ yếu là người Hồi giáo đã bị cuộc giao tranh tàn phá nặng nề trong giai đoạn 1999 đến năm 2000, trong đó hàng nghìn dân thường thiệt mạng.
Gruzia là một điểm nhấn khác đối với ông Putin. Năm 2008, lực lượng của ông đã đánh bại quân đội Gruzia và tiếp quản hai khu vực ly khai - Abkhazia và Nam Ossetia.
Đó là một cuộc đụng độ rất cá nhân với Tổng thống thân Nato lúc bấy giờ của Gruzia, Mikheil Saakashvili, và cho thấy sự sẵn sàng của ông Putin trong việc làm suy yếu các nhà lãnh đạo thân phương Tây ở các nước thuộc Liên Xô cũ.
Bạn bè là tỷ phú
Đoàn tùy tùng của ông Putin là một tầng lớp thượng lưu giàu có và bản thân ông được cho là có khối tài sản khổng lồ. Ông vẫn giữ bí mật về tài chính của mình trước cặp mắt của công chúng.
Hồ sơ Panama bị rò rỉ vào năm 2016 đã vạch trần một mạng lưới bí mật của các công ty nước ngoài thuộc sở hữu của một người bạn lâu năm của ông Putin - nghệ sĩ cello buổi hòa nhạc Sergei Roldugin.
Ông Putin và vợ Lyudmila ly hôn năm 2013 sau gần 30 năm chung sống. Bà mô tả ông là một người nghiện công việc.
Theo điều tra của hãng tin Reuters, một trong những con gái của ông Putin, Katerina, có công việc thuộc về hành chính hàng đầu tại Đại học Tổng hợp Moscow và biểu diễn trong các cuộc thi nhào lộn rock 'n' roll.
Con gái lớn của Putin, Maria, là một học giả, chuyên về nội tiết.
Tự do bị loại trừ
Thương hiệu lòng yêu nước của ông Putin tràn ngập các phương tiện truyền thông Nga. Họ đưa tin nghiêng về phía có lợi cho ông, vì vậy khó có thể đánh giá được mức độ đối nghịch một cách đầy đủ.
Trong hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Putin đã nổi nhờ thu nhập tốt từ dầu và khí đốt - mặt hàng xuất khẩu chính của Nga.
Mức sống của hầu hết người Nga được cải thiện. Nhưng theo ý kiến của nhiều người, cái giá phải trả là sự xói mòn nền dân chủ non trẻ của Nga.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ông Putin đã phải chật vật với một nền kinh tế thiếu máu, bị ảnh hưởng bởi suy thoái và gần đây là giá dầu lao dốc.
Nga mất nhiều nhà đầu tư nước ngoài và hàng tỷ đôla vốn bay biến.
Sự cai trị của ông Putin được đánh dấu bởi chủ nghĩa dân tộc bảo thủ của Nga.
Nó có sự đồng điệu mạnh mẽ với chủ nghĩa chuyên chế Nga hoàng, được Nhà thờ Chính thống giáo thúc đẩy.
Ngay sau khi trở thành tổng thống, ông Putin đã lên kế hoạch gạt đi các nhân vật theo chủ nghĩa tự do, thường thay thế họ bằng những đồng minh cứng cựa hơn hoặc những người trung lập.
Ví dụ, những người ái mộ Yeltsin, chẳng hạn như các nhà tài phiệt Boris Berezovsky và Vladimir Gusinsky, cuối cùng trở thành những kẻ đào tẩu sống đời lưu vong ở nước ngoài.
Mối quan tâm quốc tế về nhân quyền ở Nga đã gia tăng trong những năm qua, sau vụ bỏ tù nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky, một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, và các nhà hoạt động chống Putin như nhóm nhạc Pussy Riot.
Bây giờ, khi Nga xâm lược Ukraine và Putin cảnh báo rằng phản ứng của Moscow sẽ là "tức thì" nếu bất kỳ ai cố gắng chống lại Nga - mọi con mắt đều đổ dồn vào Tổng thống Nga để xem ông ta sẽ làm gì tiếp theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.