Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Vi mạch IDCREC và kit Việt Á: Các ví dụ về thất bại của ‘công nghệ Việt Nam’

 

Vi mạch IDCREC và kit Việt Á: Các ví dụ về thất bại của ‘công nghệ Việt Nam’

Võ Ngọc Ánh

Gửi đến BBC từ Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ

22 tháng 2 2022

Đất nước Việt Nam luôn nuôi dưỡng khao khát có được những công nghệ nguồn. Nhà nước cũng đã có sự quan tâm, đầu tư, thúc đẩy nỗ lực của các cá nhân, nhóm nghiên cứu.

Tuy nhiên, đầu tư từ ngân sách thường không tới nơi tới chốn và khoa học công nghệ (KH-CN) bị 'uốn nắn' bởi ý thức hệ cao, và sự thiếu minh bạch trong các công trình nghiên cứu thể hiện ra qua các thất bại gần đây.

Và từ thất bại của các dự án là câu chuyện suốt thời gian qua, Việt Nam vẫn là quốc gia đang thất bại về KH-CN.

Giám Đốc ICDREC Ký Hợp Tác Với Đối Tác Nhật Bản

Giám đốc ICDREC ký hợp tác với đối tác Nhật Bản khi dự án này bắt đầu. ẢNH: VO NGOC ANH

Ví dụ Việt Á và tinh thần dân tộc

Tôi nhớ hồi tháng 3/2020, một group Facebook của người Việt, tại tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, đăng lại một bài của báo Tuổi Trẻ nói về sự thành công của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp với Học viện Quân y trong việc nghiên cứu, chế tạo kit xác định virus covid 19. Cùng với những lời dẫn đầy tự hào dân tộc, tự tin công nghệ Việt Nam.

Tôi có bình luận trong post này đại ý, không tin nền KH-CN Việt Nam có thể sản xuất được kit nhanh như vậy. Cần chờ ở khả năng thương mại của nó.

Sau lời bình luận này, tôi nhận được nhiều 'gạch, đá' đến cả tuần. Thậm chí nhiều tháng sau. Nhiều người bình luận, "Chỉ biết tự nhục dân tộc" làm tôi nhớ mãi.

Tôi viết bình luận như kể trên, vì có kinh nghiệm 5 năm theo dõi mảng KH-CN khi làm báo trong nước. Phần nào tôi hiểu được các công trình nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài, hội đồng nghiệm thu khoa học…

Câu chuyện của kit Việt Á vừa qua làm tôi nhớ đến Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (VNUHCM).

Cả thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng chip bán dẫn vì dịch bệnh. Cùng với cuộc cạnh tranh bộ não công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc làm tôi đặt lại câu hỏi trong sự luyến tiếc.

Vi mạch 'Made in Vietnam' đã về đâu?

ICDREC được thành lập vào năm 2005, trực thuộc VNUHCM. Đến năm 2008, đơn vị này đã công bố chip nhái đầu tiên có tên SigmaK3. Sau đó, là các sản phẩm do tự thiết kế, VN 801, đến hàng loạt chip từ 8 bit đến 24 bit, vi xử lý được ICDREC công bố thiết kế thành công.

Từ năm 2008 - 2016, nhóm phóng viên KH-CN ở Sài Gòn luôn bận rộn với sự thành công, giới thiệu sản phẩm, cuộc thi thiết kế chip, vi xử lý của ICDREC...

Những người trong cuộc lúc đó đã không giấu nỗi tự hào: "Việt Nam đã có tên trên bản đồ công nghệ chip của thế giới", "Việt Nam có thể đi tắt đón đầu được KH-CN là nhờ vào thiết kế và sản xuất chip".

Với các thành công qua của ICDREC được báo chí rầm rộ đưa tin, năm 2012, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra chương trình phát triển vi mạch đầu tiên.

Cùng với ICDREC, công viên phần mềm Quang Trung, khu công nghệ cao thành phố, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn… Đầu tàu kinh tế phía Nam có tham vọng xây dựng nên ngành công nghiệp vi mạch cho Việt Nam.

Giới Thiệu Một Sản Phẩm Ứng Dụng Từ Nghiên Cứu Của ICDREC.

Giới thiệu một sản phẩm ứng dụng từ nghiên cứu của ICDREC. ẢNH: VO NGOC ANH

Theo kế hoạch của chương trình này, "Đến năm 2020, vi mạch đạt doanh thu tối thiểu 120 triệu USD. Thu hút ít nhất 5 tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực công nghiệp điện tử đầu tư vào Việt Nam. Ươm tạo được 25 doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch. Đào tạo 2.000 kỹ sư".

Cũng theo chương trình, Việt Nam sẽ tự đầu tư, xây dựng nhà máy chế tạo chip. Việc này do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn là chủ đầu tư chính với kinh phí lúc đó dự tính 6.600 tỷ đồng. Cùng với đó, TP.HCM sẽ có tòa nhà thiết kế vi mạch (design house) với kinh phí 1.000 tỷ đồng.

Không thiếu những doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu cho biết, đã ứng dụng chip, các sản phẩm của ICDREC để sản xuất như: thiết bị giám sát hành trình, điện kế điện tử, thiết bị giám sát container, thiết bị quản lý và định vị nguồn phóng xạ…

Thời điểm đó, ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc của ICDREC nói, các sản phẩm của đơn vị này đang sở hữu, trên giao dịch quốc tế trị giá 40 triệu USD.

Báo VN năm 2015 ca ngợi ICDREC "là nhà sản xuất chip thứ 7 thế giới".

Vào năm 2017, Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ, thuộc bộ KH-CN, đã thẩm định công nghệ mà ICDREC đang sở hữu trị giá 290 tỷ đồng.

Cùng năm 2017, TP.HCM giới thiệu chương trình phát triển vi mạch mới đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chương trình này có tham vọng khiêm tốn hơn. Không còn nhà máy sản xuất chip quy mô lớn, mà chỉ là phòng thử nghiệm và sản xuất thử nghiệm.

Thế nhưng, hy vọng lớn cho nền công nghiệp vi mạch đã âm thầm tắt ngúm không một 'cáo phó' qua báo chí.

Trang web của ICDREC không còn hoạt động. Thông tin mới nhất trên trang Facebook của trung tâm là vào tháng 10 năm 2019.

Sang năm 2020 có một bài báo gián tiếp đề cập đến ICDREC, gần như thừa nhận "nghiên cứu nhưng không chế tạo được chip bán dẫn" ở Việt Nam.

Bài "Làm gì để phát triển ngành bán dẫn?' (28/10/2020) trên tạp chí Khoa học và Phát triển trích lời GS Đặng Lương Mô nhận định, với một số thành tựu nhất định của trung tâm ICDREC do ông hậu thuẫn thành lập, sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam nhìn chung đã có kết quả tốt, hay chí ít cũng được một nửa - "chúng ta đã có năng lực nghiên cứu, thiết kế chip, chỉ còn thiếu công nghệ chế tạo".

Tuy nhiên, trên trang chipestimate.com ở Mỹ, hiện vẫn còn giới thiệu 36 sản phẩm của ICDREC.

Sự thành công của ICDREC, tham vọng của chương trình vi mạch TP.HCM và sự tắt ngúm của cả hai dường như gắn liền với ông Lê Mạnh Hà. Từ khi ông Hà là giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, phó chủ tịch thành phố, đến phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, và cuối cùng về hưu.

ICDREC liệu có làm như công ty Việt Á, tự làm kit hay nhập vật tư, sản phẩm về làm vài công đoạn đơn giản để tự hào Việt Nam? Chưa thấy ai giải thích chuyện này.

Tuy đây là cách làm của nhiều doanh nghiệp gắn danh công nghệ, nhưng thiếu chứng cứ đáng tin cậy, thuyết phục.

Tiền đầu tư cho KH-CN luôn thấp

Trong hai chục năm nay, Việt Nam đặt ra kế hoạch chi cho KH-CN là 2% trong tổng chi ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, mức chi cao nhất đạt chỉ 1,8%. Năm ngoái và năm nay chỉ quanh quẩn ở mức 1%.

Theo Tạp chí Tài chính, "ngân sách nhà nước chi cho KH-CN trong năm 2016 là 10.471 tỷ đồng, năm 2017 là 11.243 tỷ đồng, năm 2018 là 12.190 tỷ đồng, năm 2019 là 12.825 tỷ đồng. Năm 2021 là 7.732 tỷ đồng. Năm nay dự kiến, 9.140 tỷ đồng.

Kiểm Tra Sản Phẩm Của ICDREC

Kiểm tra sản phẩm của ICDREC. ẢNH: VO NGOC ANH

Khoảng tiền này 38% được chia cho các tỉnh, thành; 40% cho các bộ, ngành; bộ KH-CN có quyền khoảng 20% trong tổng số tiền trên.

Nhưng không phải số tiền này chỉ dành vào nghiên cứu KH-CN, mà chiếm phần lớn trong đó là chi thường xuyên như việc trả lương, sắm vật tư văn phòng, nhiệm vụ khoa học…

Đáng buồn, nhiều địa phương không thể chi hết số tiền ít ỏi còn lại cho nghiên cứu KH-CN thật sự, và chỉ nhìn qua báo chí chính thống là thấy sự bất cập.

Chi cho khoa học công nghệ quả là quá thấp khi ta so với chi cho giáo dục chiếm 20% tổng chi ngân sách. Năm 2017, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục 248.118 tỷ đồng, y tế khoảng 7% tổng chi ngân sáchnăm, và cho quốc phòng chiếm hơn 2%, trên tổng giá trị nền kinh tế (GDP) quốc gia.

Giai đoạn 2018 - 2022, chi cho quốc phòng là 138,5 nghìn tỷ VND. Dự báo trong giai đoạn 2023 - 2027 sẽ là 228,2 nghìn tỷ đồng.

Tóm lại, khoa học-công nghệ luôn bị xem nhẹ.

Nhắc lại công trình 'chip Việt Nam' về đầu tư: trong gần 10 năm, ICDREC được đầu tư khoảng 213 tỷ đồng từ bộ KH-CN và TP.HCM. Đây là khoảng đầu tư lớn cho một đơn vị nghiên cứu, với mục tiêu cụ thể mà nay tiêu biến.

Tôi đã từng nghe tiến sĩ Trần Du Lịch, khi đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh chua chát thốt lên, "Nghiên cứu khoa học ở Việt Nam là biến giấy trắng thành giấy lộn".

Các báo VN cũng đã nêu tiền cấp cho các đề tài nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chỉ như cách trang trải hợp pháp bù vào đồng lương ít ỏi để các nhà khoa học có thể sống được.

Một quốc gia ở phía sau như Việt Nam, chi cho khoa học - công nghệ khiêm tốn như thế này rất khó để đất nước có thể bức phá lên được, chưa kể các vấn đề cơ chế, nguy cơ tham nhũng ngân sách.

Nhìn tới tương lai, tôi e rằng chúng ta sẽ còn quanh quẩn trong việc bán sức lao động, gia công đơn giản chứ khó đạt mục tiêu tạo ra công nghệ cao 'Made in Vietnam'.

V.N.A.

------

Bài viết thể hiện cách nhìn của tác giả hiện sống tại Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ. Tác giả từng làm báo ở Việt Nam, theo dõi mảng Khoa học - Công nghệ.

Nguồn: bbc.com/vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.