Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

Nhìn lại cuộc xung đột giữa Việt Minh và Phật Giáo Hoà Hảo, nhân 75 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn

 

Nhìn lại cuộc xung đột giữa Việt Minh và Phật Giáo Hoà Hảo, nhân 75 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn

Đỗ Kim Thêm

Vấn đề

27-3-2022

Lễ tưởng niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn, được tổ chức tại tư gia của một tín đồ trong năm 2021. Ảnh: Giáo hội PGHH Thuần túy.

Ngày 27/3/2022 các tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo (PGHH) trong nước lại âm thầm tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày Đức Thầy thọ nạn tại Đốc Vàng (25/2/1947 Đinh Hợi – 25/2/2022 Nhâm Dần) để tưởng nhớ đến công lao dựng Đạo cứu Đời của Đức Thầy và cầu nguyện cho Ngài “sớm trở lại để cứu độ chúng sinh”.

Lịch sử đấu tranh cách mạng của Việt Nam bằng bạo lực đã sang trang từ lâu, nhưng cho đến nay, mọi chủ trương hoà giải dân tộc và xoá bỏ hận thù của chính quyền đối với PGHH đều thất bại, mà lệnh cấm tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Thầy “vắng mặt” là một thí dụ điển hình.

Hiện nay, hầu hết các tín đồ đều mang tấm lòng giữ Đạo chờ Thầy vẫn còn son sắt, nhưng cũng mong muốn sống yên lành và đóng góp tích cực cho đất nước thống nhất được ngày thêm phát triển.

Trái ngược với các ước vọng chân thành của tín đồ, sinh hoạt tín ngưỡng của Giáo hội, nhìn chung, còn bị nhiều cấm đoán.

Cụ thể là, sau ngày 30/4/1975, chính quyền cách mạng đã thành lập một Ban Đại diện PGHH mới với chương trình đạo sự mang nội dung hủy bỏ toàn diện các cơ sở điều hành Giáo hội, các Ban Trị sự trung ương cho đến địa phương bị cấm hoạt động, đạo kỳ, danh xưng Tổ Đình và Thánh Địa bị cấm sử dụng, các tài sản của Giáo hội như trường học và bệnh viện bị tịch thu và một số nội dung Sấm Giảng bị thay đổi.

Quan trọng nhất là, hiện nay chính quyền không cho phép các tín đồ làm lễ tưởng niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ bị ám hại tại Đốc Vàng và Ban Tôn giáo chính phủ vẫn chưa bao giờ làm sáng tỏ sự việc, mà chỉ thông báo một cách né tránh là: Bối cảnh xã hội phức tạp của không khí chiến tranh thế giới lần thứ hai đã ảnh hưởng đến cá nhân ông Huỳnh Phú Sổ và ảnh hưởng đến sự phát triển của PGHH”.

Sự thật khác hẳn.

Trong bối cảnh này, nhu cầu tìm hiểu của những người hậu thế về những xung đột trong quá khứ là cần thiết hơn bao giờ hết, vì khi nhìn lại lịch sử đẫm máu này, không phải chỉ nhằm khơi lại hận thù, mà chủ yếu là có thể học hỏi để tránh tái diễn những sai lầm trong quá khứ và tạo điều kiện khả thi cho việc hoà giải trong tương lai.

Trong chiều hướng này, bài viết sau đây không đem lại những khám phá mới lạ, mà đúc kết các diễn tiến của hai giai đoạn khác nhau, một là cuộc xung đột giữa Việt Minh và PGHH trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và hai là thảo luận về các hợp tác hiện nay giữa chính quyền và Giáo hội để hy vọng tìm ra một triển vọng mới.

Bối cảnh xung đột giữa Việt Minh và PGHH

Việt Minh và Hồ Chí Minh

Sau một thời gian dài mất tích đầy bí ẩn, Hồ Chí Minh từ Trung Hoa về Việt Nam vào ngày 28/1/1941 để lãnh đạo Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (Việt Minh), một tổ chức quy tụ được hầu hết các người Việt đấu tranh mang chung khẩu hiệu là “Phản Pháp – Kháng Nhật – Liên Hoa – Độc Lập”. Lúc đó, không có dấu hiệu nào chứng tỏ Việt Minh là một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản Đông Dương, sự thật này là một phát hiện dần dà về sau.

Dù Hồ Chí Minh là một tên tuổi vẫn còn xa lạ trong giới đấu tranh đương thời, nhưng tất cả đều có một nhận định chung, ông Hồ là một nhân vật có tầm vóc cho công cuộc cách mạng.

Bằng ngôn ngữ bình dị và cử chỉ thân thiện, ông Hồ tạo sự thu hút dân chúng dễ dàng khi giải thích về khát vọng giành độc lập. Ông thể hiện tài năng lãnh đạo qua uy tín cá nhân, thu phục nhân tâm và huy động tài nguyên vật lực.

Thuận lợi cơ bản này giúp cho Việt Minh kết hợp được dễ dàng các trào lưu chống thực dân Pháp đang đô hộ ở Việt Nam. Một thực tế không gây tranh cải là, tại miền Bắc, ít nhất trong giai đoạn đầu, Việt Minh không có đối thủ và ông Hồ chiếm được ưu thế lãnh đạo.

Nhưng ở miền Nam thì tình hình ngược lại. Việt Minh, ngay từ đầu và cho đến cả về sau, không gây được thiện cảm trong quần chúng.

Nguyên nhân chính cho trở lực này là hai giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo đang nắm ưu thế địa phương trong các sinh hoạt tự trị, có hằng triệu tín đồ trong hai trọng điểm kinh tế trù phú và biến thành hai tổ chức đấu tranh vũ trang tự vệ.

Đó là lý do tại sao Việt Minh không thể hoạt động ở miền Tây Nam Bộ, nơi có Đức Huỳnh Phú Sổ đang lãnh đạo PGHH.

Phật Giáo Hoà Hảo và Hùynh Phú Sổ

Huỳnh Phú Sổ là tên của vị giáo chủ khai sáng đạo PGHH. Ông sinh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi, nhằm ngày 15 tháng Giêng năm 1920, tại làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Sở dĩ có tên là PGHH vì đạo phát sinh tại làng Hoà Hảo, nơi ông ra đời.

Đức Huỳnh Giáo Chủ. Nguồn: PGHH thuần túy

Sau khi học xong chương trình tiểu học, ông phải nghỉ vì lý do sức khoẻ. Đến năm 18 tuổi, bỗng nhiên ông hết bệnh và thay đổi toàn diện từ thể xác lẫn tinh thần. Ông trở nên khôi ngô tuấn tú và có kiến thức uyên bác về Phật học và Hán học, hai tài năng nổi bật là xuất khẩu thành thơ và chữa bịnh.

Đến năm 19 tuổi, ông nổi danh khi trị được nhiều bệnh nan y với các phương thức trị liệu dân tộc thật đơn giản. Bằng những lời thơ đầy chân tình và dể hiểu, ông khuyên mọi người nên học Phật và tu nhân, như:

“Quyết dạy trần nên nói lời thường
Cho sanh chúng đời nay dễ biết”

hoặc

“Thuyền Bát Nhã ta cầm tay lái

Quyết đưa người khỏi bến sông mê”

Nhờ hai cách này mà ông thu hút được hằng triệu nông dân trở thành tín đồ và thanh thế ngày càng lan rộng khắp miền Tây.

Đến ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, nhằm ngày 4 tháng 7 năm 1939, ông thành lập đạo PGHH khi tuyên bố:

“Ta thừa vâng sắc lệnh Thế Tôn
Khắp hạ giới truyền khai đạo pháp”

Kể từ ngày này, với lòng tôn kính thiêng liêng, tất cả tín đồ gọi ông là Đức Thầy hay Đức Huỳnh Giáo chủ.

Về nội dung giáo lý, Đức Thầy khuyến khích dân chúng tu theo đạo Phật với các nội dung Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập Nhị Nhân Duyên và Tứ ân. Với việc đơn giản hoá giáo pháp cao siêu cho phù hợp với trình độ nông dân, Đức Thầy đã biến Phật giáo có được một nền tảng thuần tuý dân tộc Việt Nam, làm thành một cuộc cách mạng tôn giáo, văn hoá và xã hội.

Đức Thầy sáng tác được sáu tác phẩm bằng 3602 câu thơ, trên 200 bài thơ đối đáp và một số bài văn xuôi. Bằng các thi kệ bình dân, dễ học và dễ nhớ, Đức Thầy đã đưa ra nội dung chính là khuyên người đời tu niệm, kêu gọi lòng ái quốc, đấu tranh cách mạng và cải tạo xã hội.

Về hình thức tu tập, Đức Thầy đề ra tám điều răn cấm và các lời khuyên bổn đạo, đề cao việc tu tại gia. Trong Giác Mê Tâm Kệ, Đức Thầy nêu cao vai trò của cư sĩ:

“Tu đầu tóc không cần phải cạo
Miễn cho rồi cái đạo làm người”
.

Đức Thầy không lập các tăng đoàn chuyên lo hoằng pháp và xây dựng các cảnh chùa nguy nga. Trong Sấm giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm, Đức Thầy nói rõ:

“Muốn cho dân hiểu đạo mầu
Chớ không có muốn chùa, lầu cho cao”.

Vì thế, Đức Thầy lập ra các Ban Trị sự địa phương để khuyến khích đồng đạo tu tập và các Độc Giảng đường đơn sơ là nơi gặp gỡ để tụng niệm. Tín đồ cũng thay đổi các việc thờ phượng, hành lễ, tang lễ, hôn nhân trong chiều hướng Việt hoá các nghi thức và bài trừ mê tín dị đoan. Bằng chứng là trong Giác Mê Tâm Kệ, Đức Thầy khuyến khích:

“Bỏ dị đoan mới thấy đạo mầu
Bớt giả dối gặp người Thượng Cổ”

Ngoài việc dựng Đạo, Đức Hùynh Giáo Chủ còn lo cứu Đời bằng cách trực tiếp tham gia vào các sinh hoạt chính trị, cụ thể là thành lập Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội và Việt Nam Ái Quốc Đảng.

Ngay khi Nhật đảo chính Pháp thành công, vào ngày 10/3, Đức Thầy đưa ra lời kêu gọi tín đồ nên tha thứ cho những người đã gây tội ác cho dân tộc để cùng chung lo xây dựng đất nước trong tinh thần từ bi hỷ xã.

Sau khi Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố Việt Nam giành được độc lập và huỷ bỏ các Hiệp ước với thực dân Pháp, Đức Thầy nhân danh Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội và Cố vấn danh dự của Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng hô hào mọi tầng lớp xã hội phải ý thức về một giai đoạn nghiêm trọng của lịch sử đã đến, do đó, tất cả phải đoàn kết để xây dựng đất nước, và đặc biệt lên án nghiêm khắc mọi hành vi tư thù gây đẫm máu.

Sau đó, do nhu cầu của tình thế thay đổi liên tục, Đức Thầy tham gia nhiều tổ chức khác như Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, Uỷ Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ.

Điểm sáng chói trong sự nghiệp của Đức Thầy, một thanh niên 26 tuổi và tràn đầy nhiệt huyết, là đứng ra thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng ngày 21/9/1946, một chính đảng để cứu nước và xây dựng một nền móng dân chủ cho xã hội. Cho đến ngày nay, Bản Tuyên ngôn của Đảng vẫn còn có giá trị nội dung cao cả và mang tính thời sự.

Trong bối cảnh xung đột cực kỳ đẫm máu giữa Việt Minh và PGHH tại miền Tây, đáp lời mời của hai đại diện cho Việt Minh là Trần Văn Nguyên, Đặc phái viên kiêm Thanh tra Chánh trị Miền Tây Nam bộ và Bửu Vinh, Uỷ viên Quân sự tại Long Xuyên, Đức Thầy tham dự một phiên họp hoà giải vào ngày 16/4/1947 (tức ngày 25/2/1947 Đinh Hợi) tại Đốc Vàng, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) và tại đây đã bị Việt Minh sát hại.

Biến cố này là nguyên nhân làm cho sự hợp tác giữa PGHH và Việt Minh trong việc chống Pháp chấm dứt và một cuộc xung đột “không đội trời chung” của hai bên khởi đầu, gây ra bao kinh hoàng trong giai đoạn lịch sử cận đại của miền Nam.

Hợp tác 

Ngay sau khi Nhật đảo chánh Pháp, tình hình tại miền Tây là vô chính phủ và luật pháp. Để tạm thời giải quyết, nỗ lực trước tiên của Đức Thầy là lo cũng cố tiềm lực của PGHH thành hệ thống Bảo An Đoàn, một lực lượng vũ trang tự vệ đã được thành lập vào năm 1944 và sau đó kết hợp với các đoàn thể khác để thành lập một phong trào đấu tranh thống nhất về chính trị lẫn quân sự.

Do đó, sau nhiều vận động của Đức Thầy, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ra đời với sự tham gia của Cao Đài, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, Đại Việt và Bình Xuyên.

Theo dự kiến, Mặt Trận chuẩn bị thành lập bốn sư đoàn dân quân cách mạng: Bình Xuyên thành lập Đệ nhất sư đoàn, Cao Đài Đệ nhị sư đoàn, Quốc Dân Đảng Đệ tam sư đoàn và PGHH Đệ tứ sư đoàn. Thành lập xong, Mặt Trận sẽ biểu tình để phô trương thanh thế.

Sau khi tổ chức được một cuộc biểu tình rầm rộ với khoảng 200.000 người tham dự vào ngày 21/8/1945 tại Sài Gòn, Mặt Trận không thành lập được chính quyền và quân đội như dự kiến.

Trong chiến dịch Pháp trở lại Đông Dương, đại tá Cédile nhảy dù xuống Tây Ninh ngày 22/8/1945 làm cho tình thế đấu tranh chống Pháp của các tổ chức thay đổi triệt để.

Tương tự như đã xảy ra tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, dù là còn tổ chức phôi thai, nhưng Việt Minh biết lợi dụng tình thế hỗn loạn này để gây tiếng vang trong quần chúng miền Nam.

Ngày 25/8/1945 Việt Minh thành lập Uỷ Ban Hành Chánh Nam Bộ Lâm Thời (Lâm Uỷ Hành Chánh) gồm có 8 uỷ viên thuộc Đảng Cộng Sản và một độc lập. Trần Văn Giàu tự phong là Chủ tịch Ủy ban.

Trong thời gian ngăn ngủi, Việt Minh đạt được một vị thế lãnh đạo tạm thời trong hệ thống chính quyền mới và mong manh, trong khi các đoàn thể đấu tranh khác, do thiếu đoàn kết và thực lực, không tạo nên một chuyển biến đáng kể nào cho tình thế.

Ngày 27/8/1945, Trần Văn Giàu lén gặp Cédile để tìm cách thương thuyết. Hành động đơn phương của Việt Minh bị toàn thể các lực lượng phản đối mạnh mẽ.

Để cải tổ nhân sự cho phù hợp với tình hình mới, Đức Huỳnh Giáo chủ đã chủ tọa một cuộc họp giữa Việt Minh và Mặt trận QGVN Thống nhất trong ngày 4/9/1945 tại trường Mỹ Nghệ Gia Định.

Trong cuộc họp tiếp theo vào đêm 7/9/1945 tại trụ sở Tổng Công đoàn đường De la Grandière (trước là đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng) có kết quả là Lâm Uỷ Hành chánh được cải danh thành Uỷ ban Nhân dân Nam Bộ, đặt văn phòng tại Chợ Đệm với thành phần nhân sự mới.

Phạm Văn Bạch được đề cử làm Chủ tịch, Trần Văn Giàu làm Phó chủ tịch kiêm Uỷ viên Quân sự và Đức Thầy là “Ủy viên Đặc biệt”. Mục đích của Đức Thầy trong lúc này là tìm cách hoà giải với Việt Minh, nhưng thiện chí không được đáp ứng.

Bằng chứng là hai ngày sau (9/9), Trần Văn Giàu tung người bao vây bắt Đức Thầy tại văn phòng ở số 8 đường Sohier, (đường Tự Đức, bây giờ là Nguyễn Văn Thủ), góc đường Miche (đường Phùng Khắc Khoan, bây giờ vẫn là Phùng Khắc Khoan). Nhờ cải trang và di chuyển bằng một xe của Hiến binh Nhật, Đức Thầy thoát nạn và đến một điểm bí mật an toàn.

Về sau, các tín đồ cho biết là Đức Thầy lui về sống ẩn dật tại một miền rừng núi tại Bà Rịa, cải trang thành một người Thượng để tránh thuộc hạ của Trần Văn Giàu theo dõi và chờ Tổng Bộ Việt Minh giải quyết việc hợp tác.

Sở dĩ có sự chờ đợi này và không có ý định trả thù, vì trước đó, Đức Thầy đã được Tổng Bộ Việt Minh công nhận là Đại diện cho Việt Minh tại Nam Bộ. Ông Nguyễn Xuân Thiếp, đại diện cho Đức Thầy khi tháp tùng phái đoàn Nam Bộ ra tham dự Hội nghị Tân Trào, cũng như ông Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lĩnh (Đại Diện Tổng Bộ Việt Minh) về sau đều xác nhận vai trò này của Đức Thầy. Nhưng Tổng Bộ Việt Minh cũng không giải quyết vấn đề.

Chủ trương của Uỷ Ban trong lúc này là không trực tiếp đấu tranh vũ trang với Pháp mà tìm cách thương thuyết. Sau khi các đàm phán thất bại, chiến sự bộc phát dữ dội, đó cũng là lý do làm cho các tranh chấp trong các đường lối đấu tranh chống Pháp của các tổ chức càng trầm trọng hơn.

Điển hình là việc Việt Minh liên tục sát hại các tín đồ PGHH và nổi tiếng nhất là vụ ông Hùynh Thạnh Mậu và sau đó, chính Đức Thầy là nạn nhân.

Xung đột

Sát hại Huỳnh Thạnh Mậu 

Một tiếng vang chính trị lớn nhất trong lịch sử đấu tranh tại miền Tây là ngày 8/9/1945. Khoảng 20.000 tín đồ PGHH khắp các tỉnh miền Tây đổ dồn về Cần Thơ, địa điểm cuộc biểu tình.

Mục đích của tín đồ là kêu gọi chống chính sách độc tài của thực dân Pháp, yêu cầu phải vũ trang cho quần chúng, thanh lọc thành phần nhân sự trong Uỷ Ban Hành Chánh Nam Bộ và ủng hộ Việt Minh.

Ban tổ chức gồm có các ông Huỳnh Thạnh Mậu, em ruột của Đức Thầy, Trần Văn Hoành, trưởng nam của ông Trần Văn Soái và Nguyễn Xuân Thiệp (thi sĩ Việt Châu). Cuộc biểu tình này có xin phép và được Trần Văn Khéo, Chủ tịch Uỷ ban Hành Chánh tỉnh Cần Thơ, chấp thuận.

Theo dự kiến, các tín đồ tụ tập tại địa điểm, nhưng cho đến buổi trưa trong ngày, bị ngăn trở tiến hành vì nhiều lý do, mà về sau, có nhiều giải thích khác nhau.

Chính quyền nghi ngờ là Ban Tổ chức âm mưu nổi loạn bằng vũ trang để chiếm tỉnh Cần Thơ, hoặc có khuynh hướng thân Nhật, vì Huỳnh Thạnh Mậu có thời gian làm thông dịch viên cho Nhật.

Do đó, Ban Tổ chức phải tìm cách điều đình với Việt Minh nhưng không có kết quả. Không thể chờ đợi, tất cả phải tự động giải tán.

Nhưng thình lình, bên Việt Minh bắn xả vào đoàn người không vũ trang đang trên đường trở về nhà, bắt Ban Tổ chức và nhiều tín đồ khác. Tất cả bị giam cầm và đánh đập tàn nhẫn.

Cuối cùng, cả ba trong Ban Tổ chức bị Quốc gia Tự Vệ Cuộc (Công An Việt Minh) vu cáo là “âm mưu cướp chính quyền và chiếm tỉnh Cần Thơ” và xử tử hình tại vận động trường Cần Thơ vào ngày 7/10/1945.

Sau vụ này, hàng ngàn tín đồ khác bị Việt Minh giam cầm và sát hại. Theo một ước lượng, chỉ trong năm 1945, số tín đồ và cán bộ của Hoà Hảo bị giết chết lên đến khoảng 10.000.

Sát hại Đức Huỳnh Giáo Chủ 

Sang năm 1946, tại miền Tây, tình hình cực kỳ căng thẳng khi xung đột giữa lực lượng vũ trang Hòa Hảo và Việt Minh ngày càng đẫm máu.

Trước không khí ngột ngạt này, một Uỷ ban Hoà giải đã thành hình với các thành viên gồm có ông Hoàng Du Khương (Việt Minh), Linh mục Nguyễn Bá Luật (Công Giáo) và Luật sư Mai Văn Dậu (Hoà Hảo).

Sau các phiên họp đều bất thành, cuối cùng, hai phía đồng thuận là Bửu Vinh, Uỷ viên Quân sự đại diện cho Việt Minh tại Long Xuyên, và Đức Huỳnh Giáo Chủ, sẽ gặp nhau tại Tân Phú, Đồng Tháp Mười vào đêm 16/4/1947 để giải quyết.

Diễn tiến của cuộc họp lịch sử này được tường thuật trong tác phẩm “Thất Sơn Mầu Nhiệm” của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu, xin được trích dẫn như sau:

“Y lời hẹn, Đức Thầy xuống ghe ra văn phòng Bửu Vinh, có một liên lạc của Uỷ ban Hành chánh dẫn đường.

Trời tối như mực. Đi một đổi xa xa bỗng trên bờ có tiếng la: “Ghe ai đó? Tại sao giờ này đã thiết quân luật mà còn dám đi?”

“Đi ra văn phòng ông Bửu Vinh”, người liên lạc trả lời.

“Ghe ghé lại”. Một tiếng khác tiếp theo.

Đèn chói rọi xuống ghe và có người ra lệnh trình giấy tờ. Ông Thiện lật đật chạy lên cho coi giấy. Thì ra người hỏi đó là Bửu Vinh. Y hỏi ông Thiện “Ông Uỷ Viên Đặc Biệt có dưới ghe không?

“Có, Đức Thầy ở dưới ghe”, người này vội vã trả lời.

Bửu Vinh mời Đức Thầy lên văn phòng. Ngài liền đi với bốn tự vệ quân.

Văn phòng này đặt trong một ngôi nhà ngói. Đức Thầy vào bàn giữa tiếp chuyện với Bửu Vinh, còn bốn tự vệ quân thì cầm súng đứng hai bên cửa, cách Đức Thầy một thước tây.

Mười phút sau, lối 7 giờ rưỡi tối, bọn Việt Minh ở ngoài đi vô 8 người chia ra cặp nách bốn tự vệ quân của Đức Thầy và đâm chết ba người. Người thứ tư, anh Phan Văn Tỷ, tức mười Tỷ nhờ giỏi võ và lanh trí nên thoát khỏi, chạy ra ngoài có bắn một loạt mi tray dết. Lúc anh mười Tỷ né khỏi mũi dao găm của một trong hai lính Việt Minh cặp nách thì người lính kia bị đồng chí của mình đâm trúng té quị.

Vừa lúc đó thì Đức Thầy, từ trước đến giờ vẫn bình tĩnh, lẹ làng thổi tắt đèn. Trong văn phòng tối thui, không ai biết Đức Thầy đi đâu cả…

Vào lúc 12 giờ khuya, một người tín đồ PGHH ở gần chỗ xảy ra cuộc bạo hành, chạy ngựa mang đến Phú Thành một bức thư chính của Đức Thầy trao tận tay cho ông ta. Bức thư ấy có nội dung như sau:

“Ông Trần Văn Soái và Ông Nguyễn Giác Ngộ.

Tôi vừa hội hiệp với ông Bửu Vinh bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và ông Bửu Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân, còn điều tra, trong mấy anh em phòng vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay là mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo động.

Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân tại ch.

Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưng rồi sẽ về sau. 

Phải triệt để tuân lịnh.

Ngày 16.4.1947, 9 giờ đêm.

Ký tên: Huỳnh Phú Sổ

Thế là từ ngày 16.4.1947 đến nay không ai biết Đức Thầy lưu trú phương nào”. (Hết trích dẫn)

Luật sư Mai Văn Dậu có cho giảo nghiệm lá thư và chữ ký, xác nhận là đích thực của Đức Thầy. Nhưng tại sao lại có việc thành hình lá thư này, về sau, có nhiều lối giải thích khác nhau.

Một là, Bửu Vinh sát hại Đức Thầy ngay trong đêm này rồi viết thư giả và yêu cầu một tín đồ đến trao cho hai ông Soái và ông Ngộ.

Hai là, sau khi bị mưu sát, Đức Thầy thoát nạn và lại bị Bửu Vinh bắt. Muốn tránh cảnh lực lượng vũ trang Hoà Hảo đến giải cứu, nên Bửu Vinh ép buộc hay thuyết phục Đức Thầy viết thư và nhờ một tín đồ chuyển đi, rồi mới sát hại.

Ba là Đức Thầy thoát nạn và tạm thời vắng mặt mà không ai biết nơi lưu trú. Giả thuyết này khó thuyết phục, vì khi thoát được thì không có lý do gì để Đức Thầy cần đến lá thư và không xuất hiện.

Bốn là, Đức Thầy không còn xuất hiện nữa là chuyện “thiên cơ bất khả lậu”, vì không thể giải thích theo lý trí thông thường mà theo niềm tin tôn giáo, thiên chức dựng Đạo và cứu Đời của Đức Thầy đã chấm dứt trong hoàn cảnh này.

Cho đến ngày nay, nhiều tín đồ luôn luôn tin tưởng về giả thuyết này, cho là Đức Thầy còn “vắng mặt” hay “đi xa” và hy vọng sẽ còn dịp “trở về để cứu độ chúng sinh” trong một hoàn cảnh khác. Nhiều tín đồ còn chứng minh, Đức Thầy có lần dặn dò bổn đạo là:

“Ta là kẻ vô hình, hữu ảnh
Ẩn xác phàm gìn đạo Thích Ca”.

Tài liệu dẫn chứng

Về sau, có nhiều tài liệu khác nhau được lần lượt khám phá và công bố nội dung việc sát hại.

Báo Phục Hưng

Ngày 16/4/1949, báo Phục Hưng có bài tường thuật về việc Đức Thầy bị Việt Minh bắt, sau một phiên xử thì bị hành quyết.

Trong phiên xử, Trần Văn Nguyên và Bửu Vinh đã tranh cải quyết liệt về việc bắt và xét xử. Nếu Đức Thầy là một thành viên cấp cao của Nam Bộ thì Bửu Vinh, một Uỷ Viên tỉnh, không có quyền gì đối với một Uỷ Viên Đặc Biệt như Đức Thầy.

Bửu Vinh biện minh đây là vấn đề an ninh địa phương trong tình thế nguy ngập và ra lệnh hành quyết Đức Thầy. Thi thể bị ba người chặt làm nhiều khúc và đem đi chôn giấu nhiều nơi.

Đức Thầy ra đi năm 27 tuổi, trong lúc uy tín của một lãnh tụ tôn giáo và chính trị đang lên cao nhất, một hy vọng chung cho việc kết hợp các phong trào đấu tranh tại miền Nam.

Có một truyền thuyết khác cho là Đức Thầy cảm hoá được ba người thi hành án và họ tha cho ông được thoát đi trong đêm tối.

“Notes sur la Secte PGHH”

“Notes sur la Secte PGHH” (Những ghi chú về Giáo phái PGHH) là một tuyển tập tài liệu bằng Pháp ngữ do Savani, Đại tá Phòng Nhì sưu tập, hiện đang lưu trữ tại thư viện CHEAM, Paris VI, mang mã số 300 893.

Theo tài liệu này, Ông Phạm Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Ủy Ban Thường vụ Ủy Ban Hành chánh Nam Bộ ký Quyết định vào ngày 28/04/1947, với nội dung chính lên án Giáo chủ PGHH là phản động và cụ thể là:

1- Ông Huỳnh Phú Sổ bị cách chức Ủy viên Đặc biệt của Nam bộ kể từ ngày ra Quyết định này.

2- Giám đốc Tư Pháp có nhiệm vụ truy tố Ông Huỳnh Phú Sổ về tội phản động.

3- Quyết định này sẽ gởi khẩn về Chánh phủ Trung ương.

4- Ủy viên Nội vụ và Giám đốc Tư pháp, tùy theo nhiệm vụ của mình, nhận lãnh thi hành Quyết định này.

Văn bản này có một điểm đáng nghi ngờ là Chủ tịch Phạm Văn Bạch không ký mà là ông Phạm Ngọc Thuần.

Một nghi vấn khác là ông Phạm Ngọc Thuần, lúc cuối đời sống tại Paris, khi được hỏi về quyết định này, ông xác định là không bao giờ ký và chỉ biết được văn bản sau khi được công bố, nhưng cho biết thêm là Hồ Chí Minh có biết hoặc ra lệnh cho việc sát hại này.

Thông Cáo của Uỷ Ban Nam Bộ

Sau đó, ngày 20/5/1947, Ủy Ban Nam Bộ ra Thông cáo về bản án với nội dung như sau:

“Ban Chấp Hành Nam Bộ thông báo với đồng bào những điều sau đây:

Trong buổi hp bất thường ngày 25 tháng 4 năm 1947, Ban Chấp Hành Nam Bộ đã đề cử một Tòa án Đặc biệt cách chức Ủy viên Đặc biệt của Ông Huỳnh Phú Sổ và tuyên án tử hình Ông vì ti phản động và âm mưu tạo bất ổn tại Miền Tây trong lúc mọi lực lượng nhân dân phải được bảo vệ để theo đuổi Kháng chiến.

Ông ấy tổ chức cho riêng Ông những toán võ trang, Cơ quan An ninh và Tòa Án đặc biệt giống như một Quốc gia trong một Quốc gia.Ông ra lịnh cho Dân Xã Đảng và tín đồ PGHH nổi dậy, bắt giết cán bộ Chánh phủ và dân chúng. Ông bí mật gởi lực lượng võ trang của Ông tới Miền Tây để bảo vệ và khuyến khích những người cướp bóc và gây bất ổn.

Đảng viên Dân Xã Đảng và tín đồ PGHH đã hợp tác với Quân đội Pháp để đánh lại Quân đội Chánh phủ và khủng bố đồng bào dân sự. Ông Huỳnh Phú Sổ đã bị hành quyết”.

Điểm nghi vấn là Ban Chấp Hành Nam Bộ ký bản Thông cáo, nhưng ai ký thì không rõ mà cũng không phải là do Chủ tịch hay Phó Chủ tịch ký.

Hai văn bản, một Quyết định, một Thông cáo có nội dung giống nhau, nhưng ngày khác nhau, người ký khác nhau cho thấy cả hai là bất thường, không đem lại giá trị về hiệu lực của một văn kiện hành chánh.

Sư Thúc Hòa Hảo

Sư Thúc Hoà Hảo là một truyện kể của tác giả Nguyên Hùng do Nhà xuất bản Tổng Hợp Hậu Giang ấn hành năm 1990.

Nội dung sách nhằm tường thuật về cuộc đời của Huỳnh Văn Trí, tức Mười Trí, là đảng viên Cộng sản nhưng tham gia hoạt động trong Quân đội Bình Xuyên, năm 1949 được Trung ương đưa về miền Tây để lãnh đạo PGHH thay cho Đức Thầy với danh nghĩa Sư Thúc.

Cũng cần phải ghi nhận một sự kiện bên lề là Mười Trí và Đức Thầy có sinh hoạt chung tại miền Đông trong một thời gian và gọi nhau là anh em trong tình chiến đấu, đó là sự thật.

Nhưng theo quan điểm chung của các tín đồ, Mười Trí không phải vì thế mà là Sư Thúc của PGHH theo ý nghĩa truyền thừa trong tôn giáo, như về sau Việt Minh tuyên dương hay tác giả đề cập trong tác phẩm này.

Truyện kể là, lúc Mười Trí đang đóng quân tại Đình Quỳnh, Rạch giá và một hôm có tiếp Bửu Vinh tại văn phòng. Hồng Anh và Tư Đốc, trước đây là hai tín đồ PGHH nay đi theo Mười Trí, cũng có mặt trong buổi hội kiến.

Tình cờ, Hồng Anh nhìn thấy chiếc đồng hồ vàng Bửu Vinh đang đeo trên tay và nhớ lại đó chính là của Đức Huỳnh Giáo chủ đeo trước đây. Sau đó, Tư Đốc cũng nhìn thấy khẩu súng lục của Bửu Vinh đang mang và đoán chắc cũng là di vật của Đức Huỳnh Giáo chủ.

Khi cả hai đặt vấn đề là hai tang vật là không còn có thể chối cải, Mười Trí xác nhận Bửu Vinh là người bắt Đức Thầy, nhưng không phải là người mà là nhiều người đã lấy quyết định giết (trang 325, 326, 327).

Quyết định

Dù cán bộ Việt Minh tại địa phương đã giết Đức Huỳnh Giáo chủ, nhưng Trung ương và ông Hồ có ra lệnh sát hại hay không, đó là một vấn đề không được sáng tỏ.

Sau này có nhiều bức điện tín của Ủy Ban Kháng chiến Nam Bộ gởi đến Trung Ương liên quan đến cái chết của Đức Huỳnh Giáo Chủ được phát hiện. Tài liệu này hiện còn tại Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia IV Hà Nội đã soi sáng vấn đề.

Các văn kiện quan trọng nhất là Quyết định bắt Đức Huỳnh Giáo chủ và hai bức điện ngày 17 và 20/4. Nội dung đều xác nhận một điểm chung là Nam Bộ có báo cáo ra Hà Nội đều đặn và đầy đủ về sự việc.

Do đó, Hồ Chí Minh phải biết toàn bộ sự việc, có tham gia vào việc quyết định bắt và giết. Việc làm này không phải như Hà Nội thường biện minh là do các cán bộ địa phương tự quyền trong tình hình bất ổn.

Lý do

Nhưng lý do nào để Trung Ương đưa đến quyết định này? Theo một suy luận chung, tham vọng lãnh đạo của Việt Minh trong công cuộc kháng chiến tại Nam Bộ là động cơ chính. Khí thế đấu tranh sôi sụt của khối PGHH và các đoàn thể khác sẽ làm cho Việt Minh gặp nhiều khó khăn trong việc đạt được mục tiêu.

Khi nhìn lại trong toàn cảnh lúc bấy giờ tại miền Nam, ai cũng thấy về nhân lực, PGHH có trên hai triệu tín đồ, Dân Xã Đảng là một đảng mạnh và đưa ra lý thuyết “Dân chủ Xã hội” phù hợp với giáo lý Tứ Ân của PGHH, mà “Ân Đồng bào và Nhân loại” vốn là nền tảng của tư tưởng dân chủ xã hội.

Do đó, PGHH và Dân Xã Đảng có nhiều triển vọng hợp tác cùng các tổ chức khác để nắm toàn quyền lãnh đạo kháng chiến ở Nam bộ. Trong khi Hồ Chí Minh không đủ uy tín như Đức Thầy, Việt Minh thực lực còn suy yếu và không gây được thiện cảm, nên sẽ không thể chiếm vai trò lãnh đạo. Cuối cùng, Việt Minh chỉ còn giải pháp sắt máu và bất chấp hậu quả về sau cho đất nước.

Hậu quả

Ngày 21/4, sau khi Đức Huỳnh Giáo chủ bị bắt, Giám đốc Công An Kiều Tân Lập thay mặt Ban Chấp Hành và Ban Thường Vụ Nam Bộ ra lịnh cho các tất cả cơ quan Hành chánh, Quân đội và Công An truy lùng các cán bộ, đảng viên Dân Xã Đảng, nếu bắt gặp, có toàn quyền xử lý tùy theo sáng kiến, có nghĩa là, giết ngay tại chỗ.

Do lệnh này mà các cuộc tàn sát vô cùng đẫm máu đã diễn ra tại các tỉnh Long Xuyên, Cần Thơ và Sa Đéc. Việt Minh tùy tiện đốt các nhà có bàn thông thiên và giết người không cần lý do.

Cảnh tượng kinh hoàng diễn ra khắp mọi nơi: ngày lửa cháy ngập trời, xác chết nổi lểnh bềnh trên các sông rạch mà không thể nhận diện, đêm đến dịp để cho “Ban tối trời” thanh toán. Dân chúng các địa phương khác lần lượt ồ ạt tràn về Thánh địa để tìm nơi lánh nạn càng tạo thêm cảnh hỗn loạn.

Thánh địa lâm nguy và trở thành cao điểm của biến cố khi bị Chi đội 18 của Việt Minh vây chặt trong khi các tín đồ quyết tâm tử chiến để bảo vệ.

Sau mấy ngày chiến đấu dũng cảm của các tín đồ trung kiên, Việt Minh đã tháo chạy và số thương vong của hai bên không được xác định.

Để ứng phó trước tình thế nguy ngập, một Hội nghị Tối cao của Giáo hội được khẩn cấp triệu tập, các chức sắc của Ban Trị sự đi đến quyết định là phải giữ đạo chờ Thầy, bảo tồn chánh pháp; các lãnh đạo của Đảng Dân Xã cương quyết phải tiếp tục con đường đấu tranh cách mạng để bảo tồn chính nghĩa và kiên quyết không hợp tác với Pháp.

Do tình thế thay đổi quá nhanh và nhất là không đủ sức để vừa chống Pháp và chống Việt Minh, nên quyết định này không được tuân hành. Ngược lại, từ ngày 18/5/1947, việc hợp tác liên quân với Pháp-Hoà Hảo ra đời tại Cần Thơ.

Theo một ước lượng, có khoảng 25.000 tín đồ PGHH và đảng viên Dân Xã Đảng bị giết trong thời kỳ này và con số Việt Minh bị sát hại là không ai rõ. Riêng Bửu Vinh, về sau trong một tự sự, đã thú nhận là đã trực tiếp ra lệnh cho hành quyết trên 2.500 tín đồ.

Khi các phe phái lo chống nhau vừa làm suy yếu tiềm lực và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ cục diện đấu tranh chống Pháp.

Điển hình là Mặt Trận Quốc Gia Liên Hịệp do Đức Huỳnh Giáo chủ lãnh đạo với bí danh là Hoàng Anh không còn tiếp tục hoạt động. Mặt trận này nhằm kết hợp các phong trào đấu tranh không Cộng sản gồm các lực lượng của Cao Đài, Hoà Hảo, Đại Việt và Bình Xuyên, với mục tiêu là đoạt thế chủ động đấu tranh tại miền Tây.

Với tư cách là Uỷ viên Đặc biệt trong Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ, tiếng nói hoà giải của Đức Thầy vốn đã khiêm nhường nhưng nay không còn nữa. Thật ra, đây là một tổ chức do Việt Minh lập ra nhằm thu phục các phong trào đấu tranh khác trong âm mưu độc quyền lãnh đạo. Nhờ thế, Uỷ viên Quân sự của tổ chức này là trung tướng Nguyễn Bình nắm toàn quyền.

Nhận thấy việc hợp tác với Nguyễn Bình tại miền Đông không có kết quả, Đức Thầy quay về miền Tây lãnh đạo chiến khu 8 Đồng Tháp và chiến khu 9 U Minh.

Đầu năm 1947, Đức Thầy dự kiến là, với Chiến thuật Liên khu miền Tây sẽ tái chiếm Đồng Tháp Mười đã bị thực dân Pháp oanh kích và Việt Minh đánh phá. Khi người lãnh đạo không còn, nên chiến thuật không thể tiến hành.

Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, một tiếng nói mới đang bắt đầu gây ảnh hưởng trong chính trường lịm tắt. Đây là một chính đảng do Đức Thầy sáng lập cùng với các bậc trí thức khác không cùng tôn giáo là các ông Nguyễn Bảo Toàn, Trình Quốc Khánh, Trần Văn Ân, Nguyễn Văn Sâm. Đức Thầy là lãnh tụ tối cao và linh hồn của Đảng không còn, nên bộ máy tê liệt.

Cuối năm 1947, Nguyễn Văn Sâm bị giết tại Chợ Lớn và Trần Văn Tân tại Gia Định, cái chết của hai Uỷ Viên Trung Ương Đảng tạo thêm một chấn động lớn khác buộc Đảng phải triệu tập một Đại hội bất thường và đi đến quyết định là ngưng hoạt động, các cơ quan tuyên huấn báo chí tự đình bản và các đảng viên chuyển sang lĩnh vực giáo dục và hoạt động bí mật.

Kết luận

Đối với các tín đồ PGHH, Đức Thầy “ra đi” là một thương tổn không thể hàn gắn và làm cho mọi hợp tác với Việt Minh trong công cuộc đấu tranh chống Pháp là bất khả thi.

Về sau, trước sự kiện đã rồi của lịch sử, các nhà sử học có đưa ra chữ “nếu” để thảo luận và đi đến một kết luận chung: Nếu Đức Thầy không bị Việt Minh sát hại, thì lịch sử cận đại của Việt Nam sẽ hoàn toàn khác hẳn.

Còn tiếp: Triển vọng hợp tác giữa chính quyền và Giáo hội (Phần cuối)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.