Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

Điểm sách: Tuyển tập II Chân dung Văn học Nghệ thuật và Văn hóa của Ngô Thế Vinh

 

Điểm sách: Tuyển tập II Chân dung Văn học Nghệ thuật và Văn hóa của Ngô Thế Vinh

Nguyễn Văn Tuấn

6-3-2022

Ảnh chụp bìa sách tuyển tập I và II

“Tuyển tập II – Chân dung văn học nghệ thuật và văn hóa” là một công trình mới của Nhà văn Ngô Thế Vinh, giới thiệu 15 văn nghệ sĩ và nhà văn hóa thành danh thời trước 1975 ở miền Nam Việt Nam. Những tác phẩm, chân dung và chứng từ trong tuyển tập này minh chứng cho một nền văn nghệ nhân bản, năng động và đột phá đã bị bức tử sau biến cố 30/4/1975. Do đó, tuyển tập là một nguồn tham khảo quý báu về di sản của nền văn nghệ và giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa.

***

Để cảm nhận đầy đủ ý nghĩa của Tuyển tập này, cần phải điểm qua diễn biến của nền giáo dục và văn nghệ miền Nam thời Việt Nam Cộng Hòa trước và sau 1975. Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) chỉ tồn tại vỏn vẹn 20 năm. Nhưng trong một quãng thời gian tương đối ngắn ngủi đó, VNCH đã để lại một di sản quý báu về một nền giáo dục mà ngày nay có người ‘tiếc nuối vô bờ bến’.

Nền giáo dục VNCH được xây dựng trên ba trụ cột Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng. Nhân Bản là lấy con người làm gốc, là cứu cánh chứ không phải phương tiện của đảng phái nào. Trụ cột Dân Tộc là nền giáo dục đó có chức năng bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Trụ cột Khai Phóng là nền tảng để nền giáo dục tiếp nhận những thành tựu và kiến thức khoa học kỹ thuật trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ và các giá trị văn hóa nhân loại, giúp cho Việt Nam hội nhập thế giới.

Ngoài giáo dục, VNCH còn để lại một di sản đồ sộ về văn học – nghệ thuật. Người viết bài này cảm thấy mình may mắn vì lớn lên và được thụ hưởng những tác phẩm trong nền văn học đậm chất nhân văn đó, được tiếp xúc với những tư tưởng mới từ phương Tây qua những sách dịch và sách triết học. Nếu phải mô tả một cách ngắn gọn nền văn nghệ đó, tôi sẽ tóm tắt trong bốn chữ: nhân bản, tươi tắn, năng động,  đột phá.

Tính nhân bản và tươi tắn có thể thấy rõ qua những tác phẩm thơ và nhạc được giới thanh niên yêu thích. Tính năng động và đột phá được minh chứng qua những diễn đàn quan trọng như tạp chí Bách Khoa, từng làm say mê chúng tôi một thời. Nhà văn Võ Phiến từng nhận xét rằng: “Trước và sau thời 1954 – 1975, không thấy ở nơi nào khác trên đất nước ta, văn học được phát triển trong tinh thần tự do và cởi mở như vậy“.

Tuy nhiên, sau biến cố 1975, nhà cầm quyền mới với chủ trương “chuyên chính vô sản” đã có nhiều biện pháp nhằm hủy diệt những di sản đó. Với sự phụ họa của một số cây bút ngoài Bắc và một số người ‘nằm vùng’ trong Nam, họ kết án rằng nền văn nghệ VNCH là “văn học thực dân mới” hay “văn học tư sản” có mục đích phục vụ cho thực dân. Họ quy chụp cho các tác giả miền Nam là “những tên biệt kích văn hóa“, “phản động và suy đồi“, “thù địch với nhân dân“, “phục vụ đắc lực nhất cho Mỹ Ngụy“.

Không chỉ vu khống và quy chụp, nhà cầm quyền còn phát động nhiều chiến dịch lùng sục tịch thu và tiêu hủy sách báo cũ, và bắt giam nhiều tác giả nổi tiếng trong các trại tập trung để ‘cải tạo tư tưởng‘. Chiến dịch tiêu diệt di sản của nền văn nghệ VNCH được thực hiện một cách có tổ chức và kéo dài đến 20 năm.

Hậu quả của sự vùi dập đó là một thế hệ người Việt hoặc là không hiểu biết gì về nền văn nghệ VNCH, hoặc là hiểu biết một cách méo mó do chánh sách tuyên truyền gây ra.

Tuy nhiên, trong thời gian chừng 10 năm trở lại đây, quan điểm của giới cầm quyền về nền văn nghệ VNCH đã thay đổi đáng kể. Theo thời gian, họ đã nhận thức rằng nền văn nghệ thời VNCH là một di sản văn nghệ của dân tộc. Theo đó, nhiều tác phẩm văn học và sách khảo cứu văn hóa thời VNCH đã được tái xuất bản, và khá nhiều nhạc phẩm sáng tác từ trước 1975 đã được ‘cho phép’ lưu hành. Nhiều tác giả từng bị vu cáo là ‘biệt kích văn hóa’ cũng được ghi nhận đúng đắn. Theo một ước tính gần đây, đã có chừng 160 tác giả thời VNCH đã được ‘phục dựng’.

Song song với sự ghi nhận giá trị của nền văn nghệ VNCH, người ta cũng bắt đầu tìm hiểu và đánh giá đúng hơn về nền giáo dục VNCH. Ở miền Bắc Việt Nam trước 1975 và Việt Nam sau 1975 nền giáo dục không có triết lý giáo dục. Người ta loay hoay đi tìm một triết lý giáo dục cho Việt Nam, nhưng dù đã có nhiều cố gắng mà vẫn chưa đi đến một sự đồng thuận, có lẽ vì sự chi phối quá nặng nề của thể chế toàn trị.

Những nhận thức mới đó và sự loay hoay đi tìm một triết lý giáo dục hiện nay gián tiếp nói lên rằng nền văn nghệ và giáo dục VNCH đã đi trước thời đại.

Trong bối cảnh đó, Tuyển tập chân dung văn nghệ sĩ của Nhà văn Ngô Thế Vinh là một đóng góp có ý nghĩa. Tuyển tập I bao gồm ‘chân dung’ của 16 tác giả và 2 nhà giáo: Mặc Đỗ, Như Phong, Võ Phiến, Linh Bảo, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn-Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyên Khai, Cao Xuân Huy, Phùng Nguyễn, Phạm Biểu Tâm và Phạm Hoàng Hộ.

Trong Tuyển tập II, bạn đọc sẽ ‘gặp’ 15 tác giả:  Nguyễn Tường Bách & Hứa Bảo Liên, Tạ Tỵ, Trần Ngọc Ninh, Lê Ngộ Châu, Nguyễn Văn Trung, Hoàng Tiến Bảo, Lê Ngọc Huệ, Nghiêm Sỹ Tuấn, Đoàn Văn Bá, Mai Chửng, Trần Hoài Thư & Ngọc Yến, Phan Nhật Nam, John Steinbeck, và đặc biệt là Dohamide (Đỗ Hải Minh).

Viết chân dung của những tác gia là một việc rất khó khăn, nhưng Nhà văn Ngô Thế Vinh đã có một ‘công thức’ dung hòa giữa thông tin về cá nhân và thông tin về tác phẩm của họ. Không giống như các tuyển tập văn học khác thường chú trọng vào tác phẩm, Nhà văn Ngô Thế Vinh tập trung vào tác giả và hoàn cảnh sáng tác. Do đó, mỗi tác giả được mô tả bằng một tiểu sử ngắn, những tác phẩm chánh, và đặc biệt là những tâm tư cũng như hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm. Qua những thông tin đó, có thể dễ dàng phác họa các tác giả như sau:

– Nguyễn Tường Bách: nhà cách mạng gian truân & Hứa Bảo Liên: nhà văn gốc Hoa mang tâm hồn Việt.

– Tạ Tỵ: một họa sĩ tiên phong và một nghệ sĩ đa tài.

– Trần Ngọc Ninh: một đời mang ước vọng duy tân cho Việt Nam.

– Lê Ngộ Châu: linh hồn của diễn đàn Bách Khoa khai phá những cái mới.

– Nguyễn Văn Trung: lập thuyết gia cánh tả nhiều lận đận.

– Hoàng Tiến Bảo: một nhân cách lớn.

– Lê Ngọc Huệ: điêu khắc gia làm tỏa sáng sự mầu nhiệm Mân Côi.

– Nghiêm Sỹ Tuấn: một tấm gương trí thức – y sĩ dấn thân thời chiến.

– Đoàn Văn Bá: một tấm gương sáng về lòng dũng cảm và y đức của một y sĩ.

– Mai Chửng: một tượng đài của cây lúa miền Tây.

– Trần Hoài Thư & Ngọc Yến: người nâng niu và bảo tồn di sản văn học nghệ thuật VNCH.

– Phan Nhật Nam: một cây bút nhà binh sắc bén và phân định chánh trị rạch ròi.

– Dohamide: một nhà khảo cứu văn hóa Chàm ôn hòa và đầy trăn trở.

– John Steinbeck: nhà văn cánh hữu với những trang viết thật về cuộc chiến Việt Nam.

Một trong những nhân vật mà tôi nghe nhiều trước đây, nhưng qua Tuyển tập này mới biết hơn: đó là ông Lê Ngộ Châu, chủ bút Tạp chí Bách Khoa. Có thể xem ông là một nhà báo. Có thể ông không lừng danh như các tác giả Mai Thảo, Du Tử Lê, Doãn Quốc Sỹ, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, v.v…, nhưng ông là người giúp cho họ nổi tiếng qua tạp chí Bách Khoa.

Đối với tôi, tạp chí Bách Khoa là một diễn đàn trí thức quan trọng nhứt nhì ở miền Nam về văn hóa, văn nghệ, xã hội, kinh tế, và cả chánh trị. Qua 426 số báo từ 1957 đến 1975, Bách Khoa đã giới thiệu hơn 100 tác giả đến công chúng, những người sau này trở thành nổi tiếng. Những người tử tế ngoài Bắc trước 1975 nhận xét rằng, Bách Khoa là một tạp chí nghiêm chỉnh, ngôn ngữ đàng hoàng, và là diễn đàn giúp họ hiểu các vấn đề ở miền Nam. Qua Tuyển tập II, độc giả sẽ biết rằng ông Lê Ngộ Châu là ‘linh hồn’ của tạp chí Bách Khoa.

Nếu ông Lê Ngộ Châu là người tạo ra di sản văn hóa, thì Nhà văn Trần Hoài Thư và phu nhân Nguyễn Ngọc Yến là người phục hồi di sản đó. Nhà văn Trần Hoài Thư từng là một nhà giáo, quân nhân, đi tù cải tạo, và khi sang Mỹ thì thành chuyên gia về điện toán. Nhưng trước và trên hết, Trần Hoài Thư là người của văn chương. Ông  khởi sự viết văn từ năm 1964, và từng có bài trên tạp chí Bách Khoa. Dù bị chi phối bởi ‘cơm, áo, gạo, tiền’ trong đời sống ở Mỹ, nhưng hai vợ chồng Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến dành nhiều thời gian cất công sưu tầm, hệ thống hóa, điện toán hóa, và kết quả là một thư mục quý báu về các tác phẩm văn học ở miền Nam Việt Nam trước 1975.

Ông thổ lộ rằng … nhờ văn chương mà tiếng chuông ngân vang, như những niềm vui lẫn tự hào kỳ diệu. Nhờ văn chương mà ta quên đi thân phận nhục nhằn, nhờ văn chương mà ta thấy ta cao lớn hơn bao giờ.”  Có thể nói một cách tự tin rằng, so với những bài viết về Trần Hoài Thư trước đây, bài viết về Trần Hoài Thư trong Tuyển tập II là đầy đủ nhứt. Bài viết còn có những bức hình rất cảm động về đôi uyên ương này trong tuổi xế bóng. Sự tận tụy cho văn học của họ thật đáng ngưỡng phục.

Một học giả khác có nhiều đóng góp cho văn hóa học thuật trước 1975 là Giáo sư Nguyễn Văn Trung. Ông cũng là người có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của sinh viên thời trước 1975 như tôi. Tuy thời đó (thập niên 1960 – 1970) ông còn tương đối trẻ, nhưng rất năng động trong các hoạt động văn hóa và học thuật. Ở tuổi 28, ông cùng với các đồng nghiệp ở Đại học Huế sáng lập ra các tạp chí nổi tiếng Đại Học (1958 – 1964). Sau đó, ông sáng lập các tạp chí như Hành Trình sau này là Đất Nước (1964 – 1966) và Trình Bầy (1970 – 1972).

Có thể nói ông là một trí thức thiên tả, nên các tạp chí do ông phụ trách cũng mang màu sắc tả khuynh. Chẳng hạn như tạp chí Hành Trìnhtuyên bố chủ trương ‘làm cách mạng xã hội không cộng sản’. Hành trình trí thức của ông khá lận đận trong một Việt Nam với nhiều chao đảo. Nhưng những lận đận của một trí thức như ông là một bài học kinh nghiệm cho thế hệ trí thức tương lai.

Một nhân vật quan trọng được đề cập trong Tuyển tập là nhà văn người Mỹ John Steinbeck, người được trao giải Nobel văn học năm 1962. Có thể xem John Steinbeck là một trí thức cánh hữu, vì ông công khai ủng hộ sự tham chiến của Mỹ ở Việt Nam. Ông tin rằng, Nhà văn phải tin tưởng rằng điều hắn đang làm là quan trọng nhất trên thế giới. Và hắn phải giữ ảo tưởng ấy cho dù khi biết được điều đó là không thực”.

Ông không tin vào những bản tin về cuộc chiến Việt Nam của giới báo chí cánh tả, nên ông xung phong đi Việt Nam vào cuối năm 1966 để tận mắt nhìn thấy cuộc chiến và ghi lại cảm nhận cho riêng mình. Những cảm nhận và nhận định đó sau này được sưu tập thành một cuốn sách ‘Dispatches from the War’ (xuất bản 2012). Như Nhà văn Ngô Thế Vinh nhận xét, rằng những trang ông viết là một bài học cho các thế hệ tương lai.

Tuyển tập dành nhiều trang cho họa sĩ Tạ Tỵ,và hai nhà điêu khắc Lê Ngọc Huệ và Mai Chửng. Những trang viết về Tạ Tỵ thật hấp dẫn, vì cuộc đời và sự nghiệp đa dạng. Ông nổi tiếng là một họa sĩ, nhưng ông còn là người lính của hai chiến tuyến khác nhau, là tù nhân, là người tị nạn, và cũng là nhà văn. Cá nhân tôi biết đến Tạ Tỵ qua cuốn Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn xuất bản trước năm 1975 và sau này là cuốn hồi ký Đáy Địa Ngục viết về những năm tháng ông đi tù cải tạo. Đó là những tác phẩm viết ra bởi ‘người trong cuộc’, nên chất chứa nhiều nỗi niềm về thân phận của người lính sau cuộc chiến và thân phận lưu vong.

Tuyển tập II có một tác giả mà tôi nghĩ rất mới đối với nhiều người: Dohamide hay Đỗ Hải Minh. Dohamide là người gốc Chàm (nay gọi là ‘Chăm’), là một nhà khảo cứu về văn hóa và dân tộc Chàm. Từ năm 1962, ông là một trong những tác giả có nhiều bài viết khảo cứu về văn hóa Chàm cho tạp chí Bách Khoa. Tác giả Ngô Thế Vinh nhận xét rằng, “Dohamide với suốt một cuộc đời đau đáu đi tìm về cội nguồn, chỉ mong sao phục hồi được nền văn hóa Champa như một căn cước của dân tộc Chăm nhưng rồi cuối đời Dohamide cũng phải đứng trước những ‘Cộng đồng Chăm đôi bờ’.”

Tại sao đứng trước đôi bờ? Tại vì cộng đồng Chàm bị giằng co giữa một bên là mối hận ‘mất nước’ đòi ly khai và một bên là hòa nhập vào đại gia đình dân tộc Việt Nam. Dohamide muốn dùng văn hóa và những thành quả khảo cứu của ông để thuyết phục giới trẻ không bị lôi cuốn vào những trào lưu cực đoan. Trong bối cảnh căng thẳng giữa các sắc tộc, những học giả độc lập và ôn hòa như Dohamide có thể giúp cho các sắc tộc hiểu nhau hơn, và nhà cầm quyền hoạch định những chánh sách đem lại công bằng và nhân văn cho các sắc tộc.

Những trang viết về các nhân vật Nguyễn Tường Bách & Hứa Bảo Liên, Trần Ngọc Ninh, Hoàng Tiến Bảo, Nghiêm Sỹ Tuấn, Đoàn Văn Bá, và Phan Nhật Nam cũng giàu hàm lượng thông tin. Đó là những bài viết có nhiều dữ liệu mới chưa từng được công bố trước đây, giúp cho người đọc hiểu hơn về những suy tư đằng sau các tác phẩm của họ.

Một đặc điểm độc đáo của Tuyển tập là những hiện vật, hình ảnh, và thủ bút của tác giả. Những chứng từ mang tính lịch sử này rất đáng để thế hệ sau sử dụng làm chất liệu cho các nghiên cứu về văn học và văn hóa thời Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời gian gần đây, một người cầm quyền chánh trị cao nhứt ở trong nước phàn nàn rằng Việt Nam thiếu những tác phẩm hay và lớn, thì Tuyển tập này sẽ giúp cho người đó suy nghĩ lại.

***

Nhà văn Ngô Thế Vinh là một bác sĩ, nên văn phong của anh mang dáng dấp khoa học: trong sáng. Độc giả sẽ không tìm thấy những ngôn từ hoa mỹ hay những ví von thái quá trong Tuyển tập; thay vào đó là những trang mô tả sự việc đã xảy ra như thế nào, ở đâu, và lúc nào. Văn phong trong tuyển tập không có những mỹ từ, nhưng là những chữ chính xác, và do đó, độc giả chỉ có thể hiểu theo logic đường thẳng.

Nền văn nghệ và giáo dục VNCH là tập hợp nhiều tác giả và tác phẩm. Qua hai tuyển tập chân dung văn nghệ sĩ, Nhà văn Ngô Thế Vinh dìu dắt độc giả đi qua một hành trình văn học và văn hóa, và gặp những tác giả tiêu biểu đã có những đóng góp mang tính khai phá trong nền văn học nghệ thuật đó.

Là một người trong cuộc và chứng nhân của cuộc chiến vừa qua, tác giả mô tả hành trình văn nghệ đã qua như là người thư ký của thời cuộc. Nhưng là một người lưu vong lúc nào cũng trăn trở về quê hương, tác giả nhìn lại hành trình văn nghệ đã qua bằng một lăng kính mới, một cách hiểu mới, và đó chính là một đóng góp có ý nghĩa của Tuyển tập.

_____

Sách đã được phát hành tháng 2/2022

Việt Ecology Press

ISBN # 9781990434181

www.amazon.com, các hiệu sách

P.O.Box 3893, Seal Beach, CA 90740

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.