Trao đổi ý kiến “Tiên học lễ hậu học văn” - Hòa nhập thế giới hay 'độc đáo Việt Nam'?
Nguyễn Ngọc Lanh
08/08/2012 / 08:25 GMT+7
- Tham gia diễn đàn về khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, GS Nguyễn Ngọc Lanh đặt vấn đề: Ta nên hoà nhập thế giới hay cứ “độc đáo Việt Nam? Độc đáo và độc đoán có gì giống nhau, khác nhau?
Tin liên quan:
Độc giả đề xuất khẩu hiệu thay thế 'Tiên học lễ...'
Luận bàn về những hệ lụy của chữ 'Lễ'
'Tiên học lễ...' không có lợi?
Người xưa hiểu rất đúng và làm đúng “lễ”
Các cụ tổ chúng ta đã học và thực hành nghiêm chỉnh chữ “lễ” ghi trong kinh Lễ của đạo Nho (bốn kinh khác là: Thi, Thư, Dịch và Xuân Thu).
Thoạt tiên, Lễ nói về cách ứng xử với quỷ thần (thần linh), mà nguyên tắc là:- Kính cẩn (phân biệt với kính phục, kính trọng…);
- Đứng xa ra (sợ sệt). Về sau, Lễ được mở rộng, gồm phép ứng xử với người trên (vua, thầy và cha - với nguyên tắc: Kính cẩn và Tuân phục - cũng ở mức tuyệt đối) và với người ngang hàng (Anh em, Vợ chồng, Bè bạn - với nguyên tắc: Trọng, Thuỷ chung và Nhường).
Sách không những nêu quy tắc mà còn nêu những quy định rất cụ thể khi giao tiếp. Ví dụ, không được nhìn vào mặt vua (long nhan), khi chầu vua phải quỳ lạy 3 lần (trán phải chạm sàn: gọi là dập đầu). Ngay cách chào bạn đến chơi nhà cũng được quy định: hai tay chắp lại, vái dài và gập lưng, cúi rất thấp…
Một quy tắc của “lễ” là trai gái không được thân nhau. Cụ Nguyễn Đình Chiểu (chưa xa ta lắm) vẫn hiểu và làm đúng “lễ”. Khi Kiều Nguyệt Nga định bước ra khỏi cái kiệu (che kín tứ bề) để tạ ơn Lục Vân Tiên cứu nàng thoát bọn cướp, cụ tả rằng cô tiểu thư này liền bị vị tráng sĩ kia xua tay lia lịa, nói: Khoan Khoan! Ngồi đó! Chớ ra!
Nàng là phận gái, ta là phận trai… Tóm lại, trong “lễ” không có chuyện… thảo luận, tranh cãi, phản biện. Chân lý là từ “người trên” phát ra, cấm cãi. Muốn “nên thân người”, trước hết là tuân phục. Khi cha mẹ bảo gì, con cái chỉ có “vâng”.
Xin trích vài câu trong các bài học thuộc lòng (sách giáo khoa thời trước). Xin nhớ là “học thuộc lòng” nhé (!):
Bảo vâng, gọi dạ, con ơi! Vâng lời sau trước, con thời chớ quên
Công cha, nghĩa mẹ khôn đền
Vào thưa, ra gửi, mới nên thân người
Con ơi! Muốn nên thân người Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha… Cá không ăn muối cá ươn Con cãi cha mẹ trăm đường con hư Xin nhớ: Cha còn đứng sau Thầy và vua (thứ tự: Quân – Sư - Phụ). Một kiểu lập luận: Tội “bất trung” là tội chết. Lại có câu: Vua bảo bề tôi chết, nếu không chịu chết đi, là bất trung. Nghĩa là vẫn cứ chết. Tuân phục đến mức ấy mới được coi là giữ đúng “lễ”.
Cắt nghĩa chữ “lễ” thời nay: Rất bí bét, kể cả tuỳ tiện xuyên tạc
Nếu nay cứ giữ đúng “lễ”, thì… khi thấy chủ tịch nước xuất hiện trên lễ đài, hàng trăm (có khi ngàn) người phải quỳ lạy 3 lần (!). Hài thật. Chẳng “lễ” thì đừng! Tất nhiên, khái niệm “lễ” thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên không ai được phép làm nó thay đổi đến đảo ngược khái niệm gốc. Sử dụng một khái niệm có sẵn, phải tôn trọng nội dung gốc của nó. Lương thiện mà!
Vậy thì, một trong những nội dung gốc của “lễ” là tuyệt đối tuân phục người trên. Do vậy, ngày nay học sinh không cần quá lễ phép (quỵ luỵ) trước thầy, nhưng nếu ta cho phép (hoặc khuyến khích) họ “trao đổi lại”, “thảo luận lại”, thậm chí “tranh luận lại” với thầy, là ta đã vô tình vứt béng cái gốc của “lễ” rồi vậy.
Đến đây, có lẽ chúng ta phải chọn một trong hai: giữ lại hay sổ toẹt cái gốc của “lễ”.Vâng! Học “lễ”! Nhưng đó là học cái gì?
“Tiên học lễ” là câu răn dạy học sinh. Mà đây là những học sinh cấp 1 và 2. Vậy cần nói với các cháu cho cụ thể: Học “lễ” là học cái gì.
Các cháu 7-14 tuổi xin “đủ” với những lý lẽ cao siêu, phát ngôn trên những diễn đàn trịnh trọng, nhằm đưa ra lập trường cách mạng để đi đến kết luận gang thép (và… chung chung): Các cháu cứ phải học “lễ”, mà phải học… trước! Từ ba chục năm nay, số người được răn dạy: cần “học lễ trước” đã chiếm gần nửa dân số. Vậy mà năm 2012 vẫn chưa có văn bản nào chính thức cho các cháu 7 tuổi biết nội dung “lễ”. Chỉ có vô số phát biếu của cá nhân. Ơ hay! Thế thì các cháu phải nghe ai? Cả nước, cả phe ta (và có lẽ cả thế giới) sẽ khâm phục, biết ơn, nếu ai soạn cho bộ GD - ĐT một văn bản chính thức: Nội dung cụ thể của môn học mới: “Lễ”. Các cháu phải học, phải thi. Tất nhiên, phải có chương trình, phải có sách, có giờ giảng, có thầy… Và thi xong, phải đảm bảo là từ nay họ có “lễ”.
Tuỳ tiện tới mức khiên cưỡng, kể cả bóp méo khái niệm
Với cụm từ “tiên học lễ”, Google cho ra không dưới 1,5 triệu kết quả, trong đó có vô số người giải thích chữ “lễ” thời nay.
- Có vị viết ngay ở những dòng đầu: Học “lễ” là học cách ứng xử sao cho đúng với cái “lễ nghĩa” ở đời.
Ấy! Tôi xin. Lễ và Nghĩa là hai khái niệm khác nhau. Chúng ta có thể nói gộp hai khái niệm cho tiện (Nhân-Nghĩa, Cần-Kiệm, Lễ-Nghĩa), nhưng khi cắt nghĩa riêng chữ “Lễ” thì chớ lôi cả “Nghĩa” vào. Khổng Tử phân biệt rất rõ khi nêu 5 đức tính của người quân tử: Nhân – Nghĩa - Lễ - Trí – Tín (có vị gọi (sai) là luân thường).- Có vị cứ sưng sưng coi Lễ là đạo đức. Ấy! Tôi can. Đây cũng là hai khái niệm khác nhau. Một người chào hỏi rất đúng “lễ”, nhưng không vì thế mà bảo anh ta là nhà đạo đức. Nhầm lẫn kiểu này sẽ đưa đến suy luận sai về khái niệm “Văn”. - … - Xa nhất, khi có vị dám suy chữ “lễ” là Hồng (lập trường cách mạng vô sản), còn “văn” là Chuyên (!).
Ấy! Tôi van. Một bên là lễ giáo (phong kiến) bên kia là lập trường (vô sản). Phong kiến khác XHCN; cụ Khổng khác cụ Mác. Suy luận kiểu này chẳng thà nêu khẩu hiệu: Học HỒNG trước, học CHUYÊN sau.
Đạo đức Nho giáo
Đây không phải chỗ để bàn về lý thuyết đạo Nho. Còn về đạo đức, có nhiều nội dung đến nay vẫn có thể kế thừa, sau khi chắt lọc. Những từ như Nhân, Nghĩa, Trí, Tín, Trung, Hiếu, Liêm, Kiệm, Cần… vẫn có ý nghĩa tốt đẹp. Và khi nói ra, không cần cắt nghĩa nhiều, vì nghĩa gốc của chúng vẫn được bảo tồn.
Chỉ có Lễ là mơ hồ, rắc rối, mỗi khi cần đi vào cụ thể. Nhất là nói với trẻ em.
Nếu bỏ “lễ” thì học gì?
UNESCO đã khuyến nghị từ lâu: Học chung sống, học cách chung sống. Học sinh cần học các kỹ năng chung sống. Khi còn nhỏ thì biết cách chung sống với anh chị em, cha mẹ, ông bà. Rồi đi học thì chung sống với thầy và bạn… Ra đời, chung sống với xã hội. Muốn hoà nhập, phải học kỹ năng chung sống với với thế giới, với người khác ý thức hệ, khác chế độ, khác tôn giáo… Ta nên hoà nhập thế giới hay cứ “độc đáo Việt Nam? Độc đáo và độc đoán có gì giống nhau, khác nhau?
N.N.L.
Bài viết đăng VNN từ 2012, tác giả gửi BVN góp phần vào cuộc thảo luận “Tiên học lễ hậu học văn” 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.