Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Một trang hồi ký về “Lênin toàn tập”, thanh gươm không đối thoại

 

Một trang hồi ký về “Lênin toàn tập”, thanh gươm không đối thoại

Tôi có một kỷ niệm khá thú vị về bộ sách Lênin toàn tập 55 cuốn, mỗi cuốn dày cộp, chữ nhỏ li ti này. (Thực ra những lần đầu bộ sách này được in bằng tiếng Việt thì đều in ở nhà xuất bản Tiến Bộ bên Liên Xô).

Số là, những năm làm phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng bằng Sông Cửu Long, tôi có giao du với anh Kim Tinh, quê Bến Tre, là Phó Tổng biên tập báo Ấp Bắc của đảng bộ tỉnh Tiền Giang. Anh Kim Tinh vì in tại nhà in báo Ấp Bắc tờ báo “Người Kháng chiến cũ” của ông Nguyễn Hộ, Chủ tịch Hội Người Kháng chiến cũ của thành phố Hồ Chí Minh, nên bị khai trừ đảng, cách chức Phó Tổng biên tập. Ông Nguyễn Hộ thì bị bắt tại Sông Bé, sau bị giam lỏng ở Sài Gòn.

Chán ngán sự đời, anh Kim Tinh lập một trang trại nhỏ ở ngoại vi thành phố Mỹ Tho nuôi chim cút. Thời gian rảnh rỗi anh đọc Lênin toàn tập. Mấy năm sau, tôi có dịp đến thăm trang trại nuôi chim cút của Kim Tinh. Vừa gặp tôi, anh đã khoe: Tôi đã đọc hết Lênin toàn tập!

Tôi “kinh hoàng” quá, vì ở Việt Nam, và có lẽ, trên cả thế giới, ít ai dám cả gan đọc hết bộ Lênin toàn tập gồm 55 cuốn dày cộp! Tôi hỏi Kim Tinh: Anh đọc hết Lênin toàn tập thấy thế nào? Kim Tinh nói: Lênin sai, Causki đúng! Tôi lại hỏi: Sai đúng ra sao? Kim Tinh nói: Causki phê phán Lênin rằng, khi có chính quyền trong tay rồi, mà vẫn thực hiện chuyên chính vô sản thì đó là thanh gươm không đối thoại!

Về sau, tôi có để thời gian tìm hiểu tác phẩm “Cách mạng vô sản và tên phản bội Causki” của Lênin, được xuất bản lần đầu vào tháng 10 năm 1918, và còn tìm hiểu cả tác phẩm “Bàn về chuyên chính vô sản” của Causki. Đã ở tuổi 79, có nghĩa là, tôi đã sống cả đời người trong chế độ chuyên chính vô sản “ở ngay cả các nước lạc hậu, công nhân và nông dân nghèo, thậm chí thiếu kinh nghiệm nhất, thiếu học thức…” như Lênin đã từng viết trong tác phẩm “Cách mạng vô sản và tên phản bội Causki”. Chế độ đó đã quản lý đất nước như thế nào?

Tôi đã chứng kiến các toà án nhân dân trong Cải cách ruộng đất, đã chứng kiến cải tạo tư sản ở Hà Nội, đã chứng kiến đấu tố Nhân văn – Giai phẩm, v.v… càng thấy Causki đúng khi ông phê phán “thanh gươm không đối thoại” của chuyên chính vô sản!

Chính “thanh gươm không đối thoại” ấy đã phạt đầu cụ già Lê Đình Kình ở Đồng Tâm khi cụ dám chống lại chuyên chính vô sản.

Giáo sư Hoàng Xuân Phú đã bào chữa cho cụ Kình: Tội của cụ Kình là vô tội. Vì nếu có tội thì cụ Kình đã bị bắt và đem xử trước toà. Và như thế thì không chết. Vì vô tội nên cụ Kình phải chết!

Tháng 3 năm 1991, lúc Liên Xô sắp tan rã, tôi được may mắn cơ quan cử đi Liên Xô làm việc với Ban Việt ngữ của Đài Phát thanh Đối ngoại Mátxcơva. Các bạn trong Ban Việt ngữ Đài Phát thanh nói tiếng Việt rất trôi chảy. Chị Irina, Trưởng ban Việt ngữ hỏi tôi: Anh Phú Khải có biết vì sao ở Liên Xô người ta nói: Lênin là người nói đến dân chủ nhiều nhất không? Tôi chưa biết trả lời thế nào, thì Irina nói: Vì người thứ hai nói đến dân chủ đã bị ông ta đập đầu chết rồi…!!!

Các bạn trong Ban Việt ngữ còn cho tôi biết, ở Liên Xô không có gia đình nào, không có dòng họ nào không có người bị Stalin giết hại!

Chuyên chính vô sản đã sụp đổ ngay chính trên quê hương của nó. Còn “ở ngay các nước lạc hậu, công nhân và nông dân nghèo…” như Việt Nam, thì người cầm “thanh gươm không đối thoại” bây giờ không phải là giai cấp vô sản mà là những ông chủ ở biệt phủ và ăn thịt bò dát vàng!!!

Anh Kim Tinh dân Bến Tre đã đi xa… Bài viết này là để tưởng nhớ đến người đã có công đọc hết 55 cuốn sách trong bộ Lênin toàn tập để phát hiện ra câu nói bất hủ của “tên phản bội” Causki!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.