Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

Ai học “Tiên học Lễ, hậu học Văn”?

 

Ai học “Tiên học Lễ, hậu học Văn”?

Trần Thanh Minh

1-12-2021

Việc GS Trần Ngọc Thêm đề xuất: “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’…” đã thu hút được nhiều người quan tâm và cũng đã có nhiều bài viết phản biện, cũng như “hưởng ứng” rất sắc sảo trên báo Tiếng Dân. Dù sau đó, thầy cũng đã lý giải trên báo chí rằng “Tôi đề xuất bỏ cách nói ‘tiên học lễ’ chứ không phải bỏ học lễ”. (*)

Đọc các bài phản biện hay “hưởng ứng” với đề xuất trên, tôi nhận thấy rằng mọi ý kiến đưa ra vẫn dựa trên những góc nhìn xoay quanh các trục khái niệm: “Lễ” – “Văn” và “Tiên” – “Hậu” mà chưa thấy đề cập đến “Học” trong câu “Tiên HỌC Lễ, hậu HỌC Văn”.

Theo tôi, để hiểu câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, không thể chỉ xoay quanh các trục “Tiên – Lễ”, “Hậu – Văn”. Việc này chỉ dẫn đến việc tầm chương trích cú, mà rõ ràng điều này là chưa đủ. Nó không dành không gian cho việc tự đối thoại của người học mà cũng chính là người dùng. Ví như, anh tân binh mới nhập ngũ, hay người cha dạy đứa con thơ 2 tuổi sẽ hiểu câu này ra sao.

Nếu đề nghị các bạn học sinh lớp 9 làm một bài nghị luận về câu này và không kèm một yêu cầu nào khác, thì cách hiểu “Lễ” là lễ phép và “Văn” là chữ nghĩa có lẽ là không hiếm. Khi đó, việc trách cứ không biết “Lễ” mà các cụ Đồ xưa đã hiểu, thì thật có vấn đề khi đã đánh đồng điều các em hiểu và điều các em phải hiểu trong bối cảnh “xưa”.

Như tôi biết, “Học” ngoài cái nghĩa bị động là bắt chước, thì còn là việc nghiên cứu mà biết tới giường mối ngọn ngành. (**) Cái giường mối ngọn ngành ấy phải chăng là chỉ cốt làm sao nguyên bản, còn cái bối cảnh được “học” và được sử dụng bởi người học thì bị bỏ qua.

Việc cắt nghĩa “Tiên – Lễ” và “Hâu – Văn” ra khỏi bối cảnh dụng nghĩa của nó, đẩy việc “Học” vào thế bị động, đồng thời nâng các trục khái niệm trên lên tầm chân lý mang tính phổ quát hay kiểu cân đo lợi – hại để rồi phán xét là nên bỏ hay không, hay một cách ít nhiều mang tính nước đôi là bỏ “khẩu hiệu”. Theo tôi, đó là một việc làm chưa phù hợp.

Vì vậy, thay vì đặt vấn đề bỏ hay không bỏ “Tiên học lễ, hậu học văn” mà tôi tin vấn đề đã được nêu ra từ rất lâu, cách đây cả mấy chục năm trước, thì có nên tự hỏi là: Ai “HỌC” “Tiên học lễ, hậu học văn”?

Nếu người học và người dạy vẫn với cái tâm thế thời xa xưa ấy thì xin các vị hãy dâng sớ cất “Tiên học lễ, hậu học văn” vào hòm niêm phong cẩn mật. Còn nếu người học và người dạy ở tâm thức tự do, khai phóng, “tự học” và tôn trọng việc “tự học” của người học, thì việc này xem ra là thừa.

Chính người “HỌC” sẽ quyết định lấy cách hiểu và cách dùng câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” mà không cần phải một quyết định từ một ý chí nào đó của ngày hôm nay.

Hãy đào tạo những con người “Học” thật sự, đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm trước việc “HỌC” của chính mình trước khi xếp xó một tri thức nào đó là giải pháp mà theo tôi là tốt hơn nhiều so việc bỏ hay không bỏ khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”.

Trần Thanh Minh, 33 tuổi, kỹ sư kỹ thuật điện.

______

Tài liệu có trích dẫn:

 (*) https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/gs-tran-ngoc-them-nhieu-nguoi-hieu-sai-y-toi-noi-20211128105628572.htm

(**) https://hvdic.thivien.net/whv/%E5%AD%B8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.