Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Việt Nam và Mỹ đã thực sự tin nhau để trở thành đối tác chiến lược?

 

Việt Nam và Mỹ đã thực sự tin nhau để trở thành đối tác chiến lược?

VOA tiếng Việt 

Phải mất 20 năm sau khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam và Mỹ mới bình thường hoá được mối quan hệ và hơn 1/4 thế kỷ kể sau đó, hai quốc gia cựu thù vẫn chưa thể nâng cấp mối quan hệ lên tầm chiến lược dù song trùng về lợi ích trước những quan ngại về Trung Quốc. Vì sao?

Cố Thượng nghị sỹ John McCain, trong bức ảnh chụp ngày 29/5/2015 tại một buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở TPHCM, là một trong những người đã nỗ lực rất lớn cho tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Cố Thượng nghị sỹ John McCain, trong bức ảnh chụp ngày 29/5/2015 tại một buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở TPHCM, là một trong những người đã nỗ lực rất lớn cho tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Với nhiều nỗ lực từ những thượng nghị sỹ Mỹ như John McCain và John Kerry trong hai thập kỷ sau chiến tranh, Việc Nam và Mỹ mới có được một sự tin tưởng và thiện chí để hoà giải mối quan hệ cựu thù. Từ đó, Tổng thống Bill Clinton mới ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam vào năm 1994 và hai nước chính thức bình thường hoá quan hệ một năm sau đó.

Nhưng trong một thời gian dài sau khi bình thường hoá, mối quan hệ của hai nước không thực sự là bình thường, theo nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Việt, trưởng khoa chính trị quốc tế và ngoại giao của Học viện Ngoại giao Việt Nam.

“Lòng tin là yếu tố lớn làm cản trở mối quan hệ giữa hai nước để có thể tiến xa hơn,” TS Việt nói tại buổi thảo luận về tương lai quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington tổ chức hôm 29/4 qua hình thức trực tuyến.

TS Việt, người có luận án tiến sỹ về mối quan hệ Mỹ-Việt tại Đại học Virginia, cho biết mối quan hệ giữa hai nước phát triển rất chậm trong những năm sau khi bình thường hoá. Ông Việt đưa ra ví dụ về sự khó khăn trong việc thương thảo giữa Mỹ và Việt Nam về Hiệp định Thương mại Song phương và Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn mà ông nói là đã mất rất nhiều thời gian. Theo TS Việt, một trong nhiều yếu tố, mà ông tìm hiểu được qua các nghị sỹ như John McCain và Jim Webb cùng nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam cho biết, đó là “lòng tin.”

Cuộc chiến tranh kéo dào gần 20 năm đã khiến cho cả hai phía mất mát nhiều sức người và của. Hơn 58.000 binh lính Mỹ thiệt mạng ở Việt Nam trong khi phía Việt Nam cho biết hơn 2 triệu người dân và quân nhân Việt bị giết hại. Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, Mỹ áp đặt lệnh cấm vận lên Việt Nam cho đến khi dỡ bỏ vào ngày 12/7/1995.

“Có những hận thù từ cả hai phía,” Murray Hiebert, nhà nghiên cứu cao cấp của Chương trình Đông Nam Á tại CSIS cho biết khi nói về lịch sử mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ tại buổi hội thảo của trung tâm nghiên cứu này. “Quân đội Việt Nam chắc chắc là rất coi trọng quân đội Mỹ nhưng họ thực sự không hoàn toàn tin tưởng nhau.”

Việt Nam và Mỹ đã đi một chặng đường dài từ cựu thù đến khi trở thành đối tác của nhau. Trong những năm gần đây, hai nước trở nên gần gũi hơn một cách nhanh chóng do mối quan ngại chung về các tuyên bố chủ quyền và hành xử hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

“Tuy nhiên vẫn còn thiếu vắng sự tin tưởng giữa Việt Nam và Mỹ,” Bich Tran, nhà nghiên cứu chuyên về chính sách an ninh và đối ngoại Việt Nam tại Viện nghiên cứu Verve, nói tại buổi thảo luận hôm 29/4. Một trong số những lý do để phía Việt Nam chưa có hoàn toàn niềm tin vào Mỹ, theo nhà nghiên cứu này, là vì “có những nghi ngờ từ phía Hà Nội rằng việc Mỹ ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến cỗ vũ cho dân chủ và ủng hộ những tiêu chuẩn về nhân quyền là nhằm lật đổ Đảng Cộng sản trong một tiến trình được gọi là ‘diễn biến hoà bình’.”

Một báo cáo cập nhật của Quốc hội Mỹ về tình hình quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đưa ra hồi tháng 2 vừa qua cho biết mối quan hệ song phương giữa hai nước còn bị hạn chế bởi một số yếu tố trong đó có việc các lãnh đạo Việt Nam còn nghi ngờ rằng “mục tiêu lâu dài của Hoa Kỳ là thấy được sự chấm dứt độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua diễn biến hoà bình.”

Một lý do khác, theo bà Bich Tran, hiện cũng là một thành viên của Chương trình Đông Nam Á tại CSIS và ứng viên Tiến sỹ tại Đại học Antwerp, là Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc miễn trừ Việt Nam khỏi bị trừng phạt nếu mua vũ khí của Nga theo Đạo luật Chống Đối thủ (CAATS) của Hoa Kỳ mặc dù Quốc hội Mỹ hồi tháng 7/2018 đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này.

Giám đốc cấp cao về Đông Á và Châu Đại Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Edgard Kagan cũng thừa nhận sự khó khăn trong việc thay đổi sự phụ thuộc về thiết bị quốc phòng của Việt Nam đối với Nga. “Đây không phải là điều có thể thay đổi nhanh chóng và có nhiều yếu tố trong đó,” ông Kagan nói tại buổi hội thảo của CSIS hôm 29/4.

Tuy nhiên dữ liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Hoà bình (SIPRI) ở Stockholm của Thuỵ Điển cho thấy giao dịch mua vũ khí của Việt Nam từ Nga giảm đáng kể trong giao đoạn từ 2000-2019 so với 10 năm trước đó, từ 68% xuống 25%. Các nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam giờ đây ngoài Nga, còn gồm có Canada, Israel, Ukraine và Slovakia trong số những nước khác.

Đối tác chiến lược

Việt Nam và Mỹ ký kết hiệp định đối tác toàn diện vào năm 2014 và kể từ đó đã có những cuộc hội thoại giữa hai bên về việc nâng tầm mối quan hệ. Theo các chuyên gia và các nhà quan sát chính trường Việt Nam, kể từ năm 2019, hai nước đã muốn nâng cấp đối tác toàn diện lên tầm chiến lược. Tuy nhiên, điều đó chưa xảy ra dù Việt Nam và Mỹ vừa kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, tại buổi thảo luận đầu tiên về tương lai quan hệ Việt-Mỹ do CSIS tổ chức hôm 27/4, nói rằng hợp tác song phương giữa Việt Nam và Mỹ bản chất đã là “chiến lược” và rằng điều duy nhất cần làm là đổi tên của mối quan hệ. Cùng có nhận định tương tự, nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách quốc phòng của RAND Corporation, Derek Grossman, cho biết trong một buổi hội thảo của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak gần đây rằng dù mối quan hệ của Việt Nam và Mỹ mới ở tầm toàn diện nhưng hai nước đã hợp tác ở tầm chiến lược trong nhiều lĩnh vực.

Theo Đại sứ Ngọc, cả Việt Nam và Mỹ đều mong muốn nâng mối quan hệ lên một tầm cao mới trong tương lai gần.

Hoa Kỳ được cho là muốn nâng cấp quan hệ toàn diện với Việt Nam lên tầm chiến lược để có khả năng hợp tác với quốc gia Đông Nam Á nhiều hơn nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc nhưng vì một số lý do mà điều này chưa được thực hiện, một phần trong đó như theo Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Úc từng cho biết trong lần trả lời phỏng vấn trước đây với VOA rằng có sự khác biệt trong các nhận định về “chiến lược” của hai nước. Việt Nam không muốn liên minh quân sự với bất cứ nước nào để chống lại nước thứ 3 trong chính sách quốc phòng “4 không” của mình trong khi theo GS Thayer, Mỹ nhìn nhận “chiến lược” theo hướng đồng minh trong hợp tác an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên điều này dường như đang thay đổi khi Việt Nam, trong Sách trắng Quốc phòng đưa ra năm 2019, dù chuyển chính sách “3 không” thành “4 không” nhưng lại mở ngỏ khả năng liên minh trong trường hợp cần thiết.

“Sách trắng Quốc phòng mới nhất của Việt Nam nói rằng tuỳ vào tình hình và điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ xem xét phát triển các mối quan hệ quốc phòng và quân sự phù hợp cần thiết với các nước khác bất kể sự khác biệt về thể chế chính trị và mức độ phát triển,” nhà nghiên cứu Bich Tran nói. “Điều này sẽ mở đường cho Việt Nam hợp tác sâu rộng hơn với các nền dân chủ như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.”

Theo ông Kagan, người được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm vào Hội đồng An ninh Quốc gia hồi tháng 1 vừa qua, cho biết Mỹ và Việt nam “có cơ hội để đưa mối quan hệ lên tầm cao mới.”

Cải thiện lòng tin

Có nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam và Mỹ đang xây dựng được lòng tin với nhau, trong hầu hết mọi lĩnh vực từ chính trị, an ninh, quốc phòng cho tới kinh tế, bất chấp một quá khứ bi kịch và những khác biệt giữa hai nước, theo TS Việt.

“Chúng ta thấy rằng ngày nay Mỹ tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam và đã có nhiều cuộc gặp cấp cao trong những năm gần đây hơn rất nhiều so với trước kia,” TS Việt nói.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên đến thăm Nhà Trắng trong chuyến công du tới Washington năm 2015. Một năm sau đó, Tổng thống Barack Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Mối quan hệ Việt-Mỹ càng sâu sắc hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump khi ông có 2 chuyến công du tới Việt Nam trong 4 năm nhiệm kỳ của mình. Bên cạnh đó là các chuyến thăm dày đặc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và các quan chức cấp cao tới Hà Nội.

Một khảo sát gần đây của một viện nghiên cứu ở Singapore cho thấy 84% người Việt Nam được hỏi trả lời rằng họ tin tưởng vào Hoa Kỳ, một trong những tỷ lệ cao nhất ở khu vực.

Không chỉ có mức độ lòng tin được nâng cao, Việt Nam giờ đây cũng đã thực hiện nghiêm túc hơn các yêu cầu của phía Hoa Kỳ, theo TS Việt. Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam tích cực giúp tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ hồi tháng 7 năm ngoái công bố sẽ trợ giúp Việt Nam trang thiết bị tách chiết và phân tích ADN hiện đại để tìm kiếm và xác định danh tính của hơn 200.000 quân nhân Việt Nam còn mất tích trong chiến tranh. Từ năm 1985, Mỹ và Việt Nam đã cùng phối hợp tìm kiếm hài cốt các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Hiện có hơn 700 trong tổng số gần 2.000 bộ hài cốt quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam đã được xác định và hồi hương.

Ngoài hợp tác về tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích, Mỹ còn giúp Việt Nam tẩy rửa chất độc dioxin ở những vùng ô nhiễm, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam và rà phá bom mìn chưa nổ.

“Giải quyết các di sản chiến tranh một cách có trách nhiệm hơn sẽ là chìa khoá để xây dựng lòng tin nhiều hơn giữa hai nước,” TS Việt nói.

Nhân quyền là một trong những khác biệt lớn nhất giữa hai nước và là một vấn đề “tế nhị” nhất trong mối quan hệ Việt-Mỹ, nhưng giờ đây hai bên đã có thể thẳng thắn nói chuyện được với nhau, theo nhận định của TS Việt.

Cùng nhận định này, ông Kagan cho rằng “nhân quyền rõ ràng vẫn còn là một thách thức nhưng chúng tôi đã đạt đến điểm mà không còn gì phải giấu giếm nữa khi chúng tôi nhận thấy là chúng tôi phải tìm cách để đạt được tiến bộ chứ không chỉ là chỉ tay về phía nhau.”

Mỹ và Việt Nam hàng năm tổ chức Đối thoại Nhân quyền, được coi là một trong 9 kênh thông tin trao đổi nhằm nâng cao sự phát triển mối quan hệ toàn diện giữa hai nước. Ngay sau khi Đối thoại Nhân quyền năm 2020 kết thúc hồi tháng 10 năm ngoái, Việt Nam đã bắt ngay nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ ngay sau đó cũng lên tiếng chỉ trích việc bắt giữ này.

Chính quyền Biden đặt nhân quyền vào trọng tâm trong chính sách đối ngoại với các nước và sự tiếp cận của Washington đối với các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, chưa rõ chính quyền Biden sẽ áp dụng chính sách này với Việt Nam như thế nào.

Theo ông Kagan, Mỹ xem Việt Nam là một lãnh đạo chủ chốt trong khu vực và là một đối tác quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Và dù còn có những “xích mích” trong mối quan hệ với Việt Nam, nhưng ông “cực kỳ lạc quan” về tương lai đối tác giữa hai nước.

Trong Hướng dẫn Tạm thời về Chiến lược An ninh Quốc gia mới được chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra hồi tháng 3, Việt Nam được nêu tên cụ thể như là một tối tác được Washington nhắm tới để làm sâu sắc hơn trong hợp tác an ninh khu vực. Gần đây nhất, chính quyền Biden cũng đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ của Mỹ.

“Đây là một mối quan hệ rất khác biệt nhưng cũng là mối quan hệ mà chúng tôi có rất nhiều mối quan tâm chung,” ông Kagan nói và cho biết Mỹ muốn mở rộng quan hệ đối tác với Việt Nam. Còn theo TS Việt, với thiện chí và sự tin tưởng lẫn nhau được tăng cao cùng nhiều lợi ích chung giữa hai nước, tương lai quan hệ đối tác Việt Nam và Mỹ sẽ ngày càng tiến lên.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.