Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Nhà vua ở truồng và kẻ thiếu sáng suốt

 

Nhà vua ở truồng và kẻ thiếu sáng suốt

Đỗ Thành Nhân

20-5-2021

1. NHÀ VUA Ở TRUỒNG

Chuyên ngụ ngôn Andersen “Bộ quần áo mới của hoàng đế” nổi tiếng thế giới, với câu nói hồn nhiên của chú bé đã làm cho mọi người giật mình, thức tỉnh về sự dối trá với nhau và dối trá với chính cả bản thân mình.

Chuyện là Hoàng đế may bộ quần áo mới, hai tên bịp bợm làm tuyên láo tới hoàng cung khoe rằng, sẽ may được bộ quần áo có đặt tính phi thường: ai ngu độn quá thì không trông thấy quần áo ấy.

Vậy là ai ai cũng khen bộ quần áo của nhà vua vô cùng đẹp đẽ, đặc biệt. Cho đến khi một chú bé rất hồn nhiên thốt lên: “Kìa, hoàng đế cởi truồng kìa” vậy là tất cả mọi người đều “thấy” nhà vua không mặc gì cả, nhà vua đang trần truồng (xem hình 1).

Câu chuyện vừa hài hước vừa thâm thủy, mời các bạn xem lại chuyện tranh ở đây: Bộ quần áo mới của hoàng đế [Truyện tranh Andersen]

Ảnh minh họa: nhà vua ở truồng. Nguồn: Thế giới Cổ tích

2. KẺ THIẾU SÁNG SUỐT

Mấy hôm nay điện thoại thường nhận tin nhắn từ tổng đài HDBCQG (xem hình 2), có nội dung: “Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân bầu vào Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026!

Theo logic ngôn ngữ: Người “sáng suốt” đương nhiên sẽ lựa chọn được “người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân …” Còn người “không sáng suốt” tất nhiên sẽ không thể lựa chọn được ai!

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã từng nói: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?” Vì vậy cần phải có người thật sự “sáng suốt” mới chọn được Đại biểu Quốc hội đủ đức, tài; sau này không “quyết sai” để dân không phải chịu trách nhiệm về cái sai của Quốc hội.

Ảnh: Sáng suốt lựa chọn…

Nhưng làm sao để “sáng suốt”?!

Nhớ lúc tuyển nhân viên, trả lương dưới 3 triệu / tháng (tương đương chỉ vàng): buộc người xin việc phải nộp hồ sơ, bằng cấp cả hàng chục trang giấy; đọc kỹ từng chữ, rồi trực tiếp phỏng vấn cũng 30 phút, may ra mới tuyển được một người cho Công ty. Sau này nhân viên không đáp ứng yêu cầu, cũng có quyền đuổi việc.

Đằng này, chọn người “đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân” suốt 5 năm trời, lại phải chịu trách nhiệm, nếu họ làm sai cũng không được đuổi; nhưng lại không biết gì ngoài vài trang lý lịch trích ngang. Chẳng biết “đức, tài” ra sao?

– Về “ĐỨC”: họ có dám công khai, giải trình nguồn gốc tài sản đang có và thề không tham nhũng?

– Về “TÀI”: họ có dám hứa sẽ làm được việc gì, trong bao lâu và cam kết từ chức nếu không thực hiện được?

Ai mà chọn được “người tiêu biểu về đức, tài …”, thì phải nói người đó là “vô cùng sáng suốt”. Xin được “học tập, làm theo” chú bé trong câu chuyện trên đã hồn nhiên nói “nhà vua ở truồng”: tôi là kẻ “thiếu sáng suốt”. Và, cũng nói thêm là kẻ có trình độ “dân trí thấp” nữa, bởi vì theo ông nghị Hoàng Hữu Phước: “Chưa cần Luật biểu tình vì dân trí thấp”.

Tự nhận là kẻ “thiếu sáng suốt”, “dân trí thấp” rồi; và tiếp đến là chúc mừng trước: ngày hội bầu cử thành công tốt đẹp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.