Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Về khởi điểm của giáo dục

 

Về khởi điểm của giáo dục

Thái Hạo

24-5-2021

Chúng ta đã bàn nhiều về mục đích của giáo dục (vẫn thường được gọi là “triết lý”), nhưng lại chưa thật quan tâm tới điểm xuất phát của nó. Hiện, ở VN, đây đang là một vấn đề hệ trọng, nhiều khi còn bức thiết hơn cả việc cứu xét về đích đến.

Để dễ hình dung, chúng ta hãy bắt đầu từ việc quan sát những cái cây. Nơi cằn cỗi của cây này lại có thể trở thành chỗ diệt vong của loài kia; ngược lại, chỗ phì nhiêu của một số cây lại có thể trở thành mồ chôn đối với những cây khác. Khi mà những cây bưởi phải chống chọi trong héo hon rã rời với nắng hạn thì hồng xiêm và na lại mơn mởn như xuân thì dưới nắng.

Vấn đề ở đây là gì? Mỗi cây sẽ mang trong nó một đặc tính sinh học phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và rất nhiều yếu tố khác nữa. Trồng cây phải xuất phát từ chỗ này: đặc tính sinh học của nó. Việc cưỡng bức, dù bằng các biện pháp khoa học tiên tiến nhất, cũng không hứa hẹn một đảm bảo dài lâu, thậm chí còn di hại không thể lường hết được.

Con người cũng vậy. Trước khi “trồng người” anh phải hiểu con người đã. Anh phải xem con người là gì và nó có thể học được điều chi. Tìm lại cái “bản tính người” phải là việc đầu tiên trước khi nói đến việc nó có thể trở thành cái gì. Chắc chắn, việc dạy cho một người biết bơi bao giờ cũng khó hơn là dạy cho nó biết đi. Vì con người không phải loài cá. Nếu anh nhìn thấy con cá có thể bơi lặn tung tăng tự tại dưới nước mà áp đặt vào con người cái mong muốn ấy thì anh đang đi ngược lại với giáo dục chân chính.

Nếu anh không biết rằng, “đạo đức” là một thứ tiên thiên trong con người, thì thay vì khơi dậy, anh sẽ cố rao giảng.

Nếu anh không biết rằng, “con người vốn sẵn đủ trí tuệ”, thì thay vì đánh thức nó, anh sẽ cố rót đầy và nhồi nhét.

Nếu anh không biết rằng, về tinh thần, con người hàm chứa một thế giới vô hạn, thì thay vì dự phóng những chân trời, anh sẽ chỉ vạch ra những giới hạn tầm thường.

Nếu anh không biết rằng, bản tính của con người là “bắt chước”, thì thay vì tạo ra một môi trường lành mạnh và lấy chính mình làm mẫu mực, anh sẽ dùng giáo điều và lên lớp…

Cái quan niệm rằng “đứa trẻ là tờ giấy trắng” cần phải được đặt dấu hỏi một cách nghiêm túc. Nó phải bị nghi ngờ. Tất nhiên, ngày nay đã có rất nhiều những thành tựu khoa học đủ sức phủ nhận nó. Chỉ một điểm này thôi, nếu không được nhận chân cũng sẽ đưa tới một chuỗi những sai lầm ghê gớm trong mục tiêu và phương pháp giáo dục.

Và điều này nữa là hệ trọng: mỗi người là một nhân vị độc đáo. Thấu hiểu bản tính của loài người mới chỉ là bước đầu, dù rất căn cốt; nhưng chừng đó là chưa đủ. Chúng ta phải thấy được rằng, con người là muôn sai ngàn biệt, không thể tìm thấy 2 cá thể nào giống hệt nhau về tinh thần. Vì thế, ta phải y cứ giáo dục trên từng chủ thể.

Việc đồng loạt đúc khuôn, “may đồng phục tư tưởng” là một thứ tệ hại nhất trong giáo dục. Nó gây ra sự tàn phá hủy hoại, nó cưỡng bức và làm thui chột; nó phát sinh đau khổ và chán chường. Nhà có 2 đứa con mà tính tình đã khác, đòi hỏi cách đối xử phải khác, huống chi một nền giáo dục có hàng triệu người học? Hãy tưởng tượng với một cái khuôn đúc có sẵn, người ta cố đẽo chân cho vừa giày, điều ấy tai hại biết bao nhiêu. Nó không phải chỉ là ngu dốt, mà đó là một tội ác.

Xuất phát và mục đích của giáo dục chỉ có 1: CON NGƯỜI. Bất cứ một nền giáo dục nào mà không đặt trên nền móng này thì đều phản tiến bộ. Nó chống lại tinh thần nhân bản, chống lại chính đối tượng mà nó đang đào tạo.

Phải chăng chúng ta đã bỏ quên con người quá lâu rồi, trong chính nền giáo dục của mình? Khi mà điểm xuất phát của nền giáo dục ấy là một tư tưởng xã hội mơ hồ nào đó, và đích đến của nó lại cũng là một mô hình xã hội chưa biết hình tướng ra sao thì có nghĩa rằng ta đã chối bỏ con người. Điều ấy là không thể tưởng tượng được.

Sửa chữa nền giáo dục dường như phải bắt đầu từ những nhận thức sơ đẳng nhưng trọng đại này. Bằng không, tất cả những loay hoay vá víu chỉ càng làm cho thân thể nó nhàu nát hơn mà thôi.

Nếu không muốn bị lịch sử kết án là ngu dốt hoặc ác độc thì một “cuộc cách mạng nhận thức” như thế phải được tiến hành, không thể trì hoãn. Hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc cần một sự dũng cảm để vượt lên lòng tự ái.

Đức phật nói, thế gian chỉ có 2 loại người được cho là dũng cảm: người chưa từng lầm lỗi, và người biết lỗi lầm mà sửa chữa. Chắc chắn chúng ta, những người phàm, không phải là loại thứ nhất rồi.

Tuy nhiên, những ai giao phó cuộc đời mình cho một chính phủ, dù đó là chính phủ nào đi nữa, cũng sẽ luôn là cách tốt nhất để nhận lại một tương lai nô lệ. Muốn thay đổi, mọi việc phải được bắt đầu từ bên ngoài – tức từ dân chúng – đó có thể là cảnh tỉnh, là áp lực, là kiến tạo một lối khác. Không có chỗ cho việc đổ lỗi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.