Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Không ai dám nói đến tiêu cực xã hội, kéo theo tiêu cực trong giáo dục

 

Không ai dám nói đến tiêu cực xã hội, kéo theo tiêu cực trong giáo dục

Chu Mộng Long

20-5-2021

Bài báo trích lời các nhân vật tai to mặt lớnđồng thanh nói về nguyên nhân giáo dục Việt Nam “tụt hậu”. Tóm tắt các nguyên nhân:

1) “Cách chúng ta đổi sách giáo khoa và chương trình rất lạ lùng”.

2) Bệnh đối phó, thành tích, trong khi chưa có “hệ giá trị” của giáo dục.

3) Chính sách tiền lương và thu nhập tệ hại so với thời gian, công sức làm việc của giáo viên.

4) Kiến thức lỗi thời, phi thực tế, người học chỉ copy theo mẫu, không có chính kiến.

5) Chủ trương dùng công nghệ (online) thay thế người dạy là giáo dục robot.

Cả 5 nguyên nhân trên đều đúng cả. Nhưng nếu chỉ nhìn thấy như thế thì không cần các bố tổ chức một hội thảo để lên tiếng. Một anh dân quê có con đi học cũng nhìn thấy nhiều hơn điều các bố nhìn thấy. Nếu liệt kê hết ra thì có đến cả trăm nguyên nhân.

Theo tôi, trong hàng trăm nguyên nhân có tính di căn ấy, phải có nguyên nhân cốt tử. Dám chỉ ra được nguyên nhân ấy mới mong giải quyết tận gốc và giáo dục mới thay đổi. Còn không thì có đặt ra hàng trăm dự án đổi mới, tăng tiền lương và thu nhập cho giáo viên đến gấp trăm lần thì tệ hại lại chồng thêm tệ hại. Tiền tạo động lực, nhưng tiền cũng tàn phá nhân cách nếu không có cơ chế tự điều chỉnh. Tôi tin các bố biết rõ, nhưng các bố không dám nói, hoặc cũng chỉ… ngậm miệng ăn tiền.

Theo tôi, nguyên nhân cốt tử là tiêu cực, tham nhũng trong xã hội, kéo theo tiêu cực, tham nhũng trong giáo dục, từ đó đẻ ra các loại bệnh khác. Xã hội đang chạy đua theo đồng tiền, bằng cấp và danh vọng biến giáo dục thành cái ổ chứa của những kẻ làm tiền, mua bán bằng cấp và danh vọng.

Một ví dụ đơn giản: các cơ quan bổ nhiệm và tuyển dụng, chỉ riêng trong ngành giáo dục, người ta bổ nhiệm và tuyển dụng qua chạy tiền, hợp thức hoá các loại bằng cấp, chứng chỉ, học hàm, học vị và danh hiệu, ngành giáo dục không chạy theo để đáp ứng thì nó phải làm gì? Cầu nào, cung nấy, giáo dục làm khác đi để tự sát sao? Đó chính là lý do sinh bệnh đối phó, bệnh thành tích, bệnh mua bán, hợp thức hoá các loại bằng cấp, chứng chỉ và danh hiệu, và cao nhất là bịa dự án tiêu tiền và mua bán sách giáo khoa nhân danh đổi mới. Hậu quả, không có động cơ chân chính, tích cực trong dạy và học được.

Đêm qua, khi thảo luận chương trình đào tạo cao học, ngoài nói về các học phần nhai đi nhai lại đến kiến thức ở dưới đáy là cấp tiểu học và phổ thông, tôi có xoáy sâu vào các môn chung: Triết học, ngoại ngữ, tâm lý học, giáo dục học. Triết học (4 tín chỉ) thì vẫn nhai lại Chủ nghĩa Marx – Lenin đã từng dạy học ở đại học. Người ta không nghĩ được cái tối thiểu là triết học ấy ứng dụng cho giáo dục thế nào chứ chưa nói phát triển ở cấp độ khác. Ngoại ngữ (3 tín chỉ), người học phải học và thi học phần, cuối cùng vẫn phải đóng tiền học thêm và thi B1 cho đảm bảo chuẩn đầu ra.

Hai cái chồng lên nhau nhưng vẫn không bỏ được một cái là sao? Tâm lý học và giáo dục học thì mới nhìn vào đề cương tôi đã khóc. Học lại tâm lý học và giáo dục học giáo điều đã học trong chương trình đại học. Tuyệt nhiên không cập nhật được cái mới gì trong tâm lý học và giáo dục học hiện đại của thế giới. Không cập nhật được nền tảng tri thức này thì đổi mới và phát triển chương trình ra cái gì?

Mà những cái môn chung trên, qua nhiều năm đào tạo thạc sỹ từng đẻ ra bao nhiêu tiêu cực. Trừ ngoại ngữ thi đối phó hình thức, các môn triết học, tâm lý học, giáo dục học, đến trình độ học viên cao học mà phải học thuộc bài trả bài như con vẹt, và để qua kỳ thi người học phải tìm cách bôi trơn bằng đủ trò nhưng không có cách nào dập tắt.

Tóm lại, một nền giáo dục với động cơ làm tiền trắng trợn như bọn buôn gian bán lận thì không việc tệ hại gì không xảy ra. Nó nát như tương chứ không phải tụt hậu. Nó không được xếp vào hạng nào trong hệ thống giáo dục thế giới được. Nó chỉ có thể được xếp vào hệ thống ngoại hạng khác: hệ thống buôn gian bán lận ở những cái chợ đen, chợ xổm.

Theo tôi, giải pháp lúc này là chống buôn gian bán lận đã. Cái gốc vẫn từ bổ nhiệm và tuyển dụng ngoài xã hội. Còn nếu nói nó ngoài tầm của ngành giáo dục, không thể làm gì được thì giải pháp tốt nhất lúc này là… Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên làm gì cả. Không đổi mới, không cải cách gì nữa. Trong tình thế buôn gian bán lận lây lan như dịch, lây từ trên trời xuống dưới đất, toàn bộ hệ thống quản lý giáo dục ai ở đâu ngồi im đó rồi ăn lương, ăn phụ cấp. Mọi việc cứ để thầy trò tự lo liệu. Với cách ấy, tôi dám chắc sẽ có thay đổi tốt hơn là các bố già loay hoay với các dự án cải cách áp đặt từ trên trời xuống!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.