Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội Lương Thế Huy: Mong người trẻ sẽ quan tâm hơn với các hoạt động của Quốc hội

 

Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội Lương Thế Huy: Mong người trẻ sẽ quan tâm hơn với các hoạt động của Quốc hội

Khi học luật và bắt đầu tìm hiểu về hệ thống Nhà nước, tôi mới hiểu rõ hơn về vai trò của cơ quan lập pháp, đại diện cho ý chí và quyền lợi của người dân. Tôi bắt đầu chú ý tới hai chữ “gần dân” khi nói về ĐBQH và HĐND.Thời đại học, tôi thích tham gia công tác xã hội, thích được đi và lắng nghe câu chuyện của nhiều người khác nhau, cảm thấy mình trưởng thành hơn khi được ở gần những mảnh đời như thế.Công việc của tôi hơn 10 năm nay cơ bản đứng giữa cộng đồng người dân và cơ quan Nhà nước; làm nghiên cứu, phân tích rồi đưa những thông tin, quan điểm người dân và gợi ý chính sách cho quá trình soạn thảo các dự luật. Tôi hiểu rõ một luật được làm ra như thế nào và điều gì tạo nên một hồ sơ dự án luật tốt.Có thể nói, ý nghĩ về việc trở thành đại biểu dân cử đến rất tự nhiên với tôi. Lắng nghe, thích nói lên quan điểm, chính kiến của mình lẫn cho những người mà tôi đã có may mắn lắng nghe. Tôi nghĩ, mình sẽ có ích cho nhiều người hơn nếu tham gia trực tiếp vào cơ quan lập pháp vì một chính sách tốt có thể mang lại hạnh phúc cho hàng triệu người, tôi sẽ sử dụng hết thẩm quyền của mình để làm tròn nhiệm vụ.

“Mong người trẻ sẽ quan tâm hơn với các hoạt động của Quốc hội”

Những ưu tiên cũng như chương trình hành động cụ thể của anh thế nào nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV?

Công việc của một đại biểu có thể tóm gọn lại thành hai ưu tiên: đại diện cho cử tri và xây dựng pháp luật. Điểm đầu tiên trong chương trình hành động của tôi luôn thực hiện phân công của Quốc hội và tuân thủ niềm tin của cử tri đã bầu cho mình.

Bên cạnh đó, Quốc hội là một tập thể của trí tuệ mà mỗi người mang đến một năng lực, sở trường, kinh nghiệm rất khác nhau. Chính sự đa dạng, khác nhau của các đại biểu Quốc hội là thứ làm nên sức mạnh và hiệu quả cho cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất này.

Vậy nên, khi xây dựng chương trình hành động, tôi tự trả lời câu hỏi: Mình đang có, và mình muốn mang tới điều gì mà Quốc hội đang cần thêm nhiều nữa? Tôi quyết định đó là hình ảnh và tiếng nói của một người trẻ, là kiến thức về mảng chống phân biệt đối xử với các nhóm yếu thế mà tôi đang làm.”Những nguồn lực sáng tạo, đóng góp trong xã hội đang sẵn có rất dồi dào, chỉ chờ được ‘khai thác’. Tôi mong mọi người, đặc biệt là người trẻ, sẽ quan tâm hơn với hoạt động của Quốc hội, tương tác tốt hơn, chắc chắn Quốc hội sẽ có thêm vô vàn sự cống hiến, tình nguyện, góp sức”, Thạc sĩ Lương Thế Huy.

Tôi hay lấy ví dụ, xã hội phát triển sẽ có nhiều nhà cao tầng hiện đại, nhưng xã hội văn minh thì tòa nhà đó phải có lối đi dành cho người dùng xe lăn. Mức độ văn minh của xã hội không phải đo bằng số lượng tỉ phú, mà là bằng số luật, chính sách ban hành ra để bảo vệ cho những người yếu thế, thiệt thòi.

Lập luận “chính sách này tác động đến nhóm nhỏ nên chưa ưu tiên” là lập luận khá phổ biến. Tôi muốn thay đổi góc nhìn một chút rằng “nếu chính sách cho nhóm nhỏ mà còn làm chưa tốt được thì làm sao có thể làm chính sách tốt cho tất cả mọi người”.

Anh mong muốn như thế nào về một “Quốc hội mở” để tạo điều kiện, cơ hội cho những người trẻ tuổi có năng lực, trình độ, tâm huyết được cống hiến nhiều hơn?

Trong quá trình vận động tranh cử của mình, tôi nghĩ ra nhiều thứ để cử tri có thể tiếp nhận, đánh giá chương trình hành động tốt nhất. Tôi làm video, làm inforgraphic được rất nhiều người khen việc truyền tải của ứng cử viên rất ấn tượng.

Mà đấy là tôi chỉ nhờ bạn bè của mình làm giúp. Nghĩa là, những nguồn lực sáng tạo, đóng góp trong xã hội đang sẵn có rất dồi dào, chỉ chờ được “khai thác” mà thôi. Tôi mong mọi người, đặc biệt là người trẻ, sẽ quan tâm hơn với hoạt động của Quốc hội, tương tác tốt hơn, chắc chắn Quốc hội sẽ có thêm vô vàn sự cống hiến, tình nguyện, góp sức.

Là người dành nhiều tâm huyết cho các vấn đề an sinh, anh đã có những nghiên cứu về tác động của dịch Covid-19 tới các cộng đồng yếu thế, thiểu số trong xã hội thế nào?

Từ đầu dịch Covid-19, cơ quan tôi đã thực hiện 3 nghiên cứu về tác động của dịch bệnh lên các nhóm yếu thế. Một điểm chung là nó cho chúng ta thấy, Covid-19 làm “lộ” ra những vấn đề vốn vẫn luôn ở dưới bề mặt rõ hơn bao giờ hết: bạo lực gia đình gia tăng vì người ta dành thời gian ở nhà nhiều hơn, hũ gạo gia đình hết nhanh hơn mọi tháng vì người con lao động di cư mất việc về quê, tình trạng phân biệt đối xử với F0, F1, F2 khiến người ta tăng động lực che giấu hơn là hợp tác vì họ đã cân nhắc lợi – thiệt giữa việc bị kì thị và bị bệnh.

Dịch bệnh cũng là khi các biện pháp giới hạn quyền công dân được Hiến pháp cho phép và cộng đồng cũng chấp nhận rộng rãi vì lợi ích chung. Tuy nhiên, một mặt phải đẩy mạnh việc tuyên truyền các quyền đang bị hạn chế như quyền riêng tư để người dân lẫn Nhà nước đều hiểu đâu là giới hạn hợp lý.

Giáo dục nên hướng tới việc thích nghi với sự thay đổi

Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu giáo dục “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Là một người trẻ tuổi tiên phong, anh kỳ vọng gì về một nền giáo dục trung thực?

Tôi cũng có một thời gian đi dạy cấp 3 ở Hà Nội. Năm 2020, tôi làm cố vấn xây dựng chương trình và đi dạy các em học sinh môn Giáo dục công dân. Tôi thích môn học này vì với tôi, nó quan trọng trong việc giúp các em định hình những giá trị tiến bộ như bình đẳng, khoan dung, liêm chính.

Trung thực nên tới như sự tự nguyện và cảm thấy đó như một nhu cầu ăn, ngủ, thở, để khi không thể trung thực thì người ta cảm thấy khó chịu, bứt rứt như không được phép là chính mình.

“Giáo dục nên hướng tới việc trẻ biết thích nghi với sự thay đổi, biết rung động trước điều thiện, biết yêu thiên nhiên, nghệ thuật, vì những thứ này máy móc sẽ còn lâu mới thay thế con người được!”, Thạc sĩ Lương Thế Huy.

Tức là, phải giáo dục làm sao để trung thực, liêm chính trở thành một nhu cầu. Muốn vậy phải chỉ ra, giúp các em hiểu tại sao chúng ta cần nó, nếu không có nó, dù có thể được lợi trước mắt nhưng nó tác động tới cuộc sống quanh ta ra sao. Tránh hết những thứ sáo rỗng, khuôn mẫu, khuyến khích tự do thể hiện vì khi đó con người sẽ biết yêu và quý giá trị bản thân mình, không bị ép buộc phải giống số đông. Cố gắng gò mình vào số đông luôn là bước đi đầu tiên của sự im lặng, đồng lõa với dối trá.

Bầu cử đại biểu Quốc hội© Được Thế giới & Việt Nam cung cấp Bầu cử đại biểu Quốc hội 

Giáo dục Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh toàn cầu hóa và đứng trước nhu cầu cấp bách phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng. Cá nhân anh đánh giá ra sao và đề xuất chính sách thế nào về việc tiếp cận giáo dục công bằng giữa các đứa trẻ?

Nền giáo dục phổ thông nước ta nhìn chung rất đáng khích lệ, có những thành tựu về phát triển con người vượt bậc so với nhiều quốc gia khác. Nhưng toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng, khiến những kỹ năng mà thế hệ nhiều thập kỷ trước đang có sẽ không còn phát huy trong nhiều thập kỷ sắp tới.

Nếu người lớn vẫn nghĩ theo lối mòn của mình mà áp con trẻ cần cái này, cái kia giống mình, thì giáo dục sẽ lạc hậu, “dậm chân tại chỗ”.

Còn cá nhân tôi vẫn nghĩ, giáo dục nên hướng tới việc trẻ biết thích nghi với sự thay đổi, biết rung động trước điều thiện, biết yêu thiên nhiên, nghệ thuật, vì những thứ này máy móc sẽ còn lâu mới thay thế con người được!

Anh có nghĩ mình đang là người “truyền lửa” cho các bạn trẻ trong việc dám thử thách, biết tự trao cơ hội cho mình?

Tôi thấy người trẻ bình luận rất nhiều về mình, ý kiến ủng hộ cũng có mà góp ý, thậm chí họ nói thẳng và rất gay gắt là cho rằng tôi quá trẻ, không đủ kinh nghiệm.

Nhưng nói thật, tôi mừng vì dù họ chọn hay gạch tên tôi trên lá phiếu nghĩa là, họ đã đặt ra một tiêu chuẩn thật sự cao cho người đại biểu. Họ thấy nếu tôi làm được thì họ cũng có thể làm được. Đồng thời, họ đã biết sử dụng quyền của mình một cách trách nhiệm chứ không chọn bỏ qua hay tìm hiểu qua loa về các ứng viên.

Cuối cùng, tôi cũng tự hào vì 5 năm hay 10 năm sau họ vẫn có thể sẽ nhớ rõ tên tôi, người mà họ đã tranh luận rất nhiều là chọn hay bỏ. Thế là, tôi sẽ luôn hiện diện trong rất nhiều trái tim và ký ức của giới trẻ rồi. Chúng ta chính là người truyền cảm hứng cho nhau.

Xin cảm ơn anh!

Thạc sĩ Lương Thế Huy, Ứng cử ĐBQH khóa XV và Đại biểu HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

– Là Chuyên gia chính sách về giới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường. 

– Năm 2017, Lương Thế Huy được tạp chí kinh doanh Forbes Việt Nam bầu chọn là 1 trong 30 người dưới 30 tuổi có ảnh hưởng trong lĩnh vực hoạt động xã hội…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.