Thế này là "khai thác nhỏ lẻ" ư, thưa ông Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai!
Đỗ Doãn Hoàng
- Sao các bác dám vào cả vườn quốc gia để chặt gỗ quý? Pháp lệnh của Đảng nghiêm thế mà không sợ tù mọt gông à?
- Ấy, cái thứ gỗ này mới hợp “gu” các ông ấy nhà báo ạ. Gỗ loại khác các ông ấy không gật cho. Thế mới phải liều.
- Mà sao chặt nhiều thế, trụi hết cả một rừng gỗ quý của đất nước rồi.
- Thì vẫn biết thế. Khổ nỗi cứ đến hẹn lại lên là y như cần nhiều ghế lắm, Nói nhà báo thông cảm, chặt mấy cũng không đủ. Mà nói cho cùng… rừng quốc gia có trụi đi thì cái khác lại mạnh lên, đằng nào cũng thế. Dân đều được nhờ cả thôi mà.
Với các súc pơ mu dài 4 - 5m chở trên xe máy choán đường liên xã, với dòng người "phá rừng" dài hút tầm mắt, "rồng rắn" như trẩy hội, nhưng Vườn Quốc gia Hoàng Liên vẫn báo cáo đó là "khai thác nhỏ lẻ, tận thu gỗ, củi đem về sử dụng trong gia đình, không có hành vi tổ chức khai thác và mua bán lâm sản".
Những tưởng xê ri phóng sự điều tra về thảm cảnh "lâm tặc" vào lõi Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên/ Vườn Di sản ASEAN (trên địa bàn tỉnh Lào Cai) cưa cây, vác gỗ "đông như trẩy hội" mà Dân Việt phản ánh sẽ góp tiếng nói cảnh tỉnh để rồi: sự "nhắm mắt" bất đắc dĩ của cánh rừng này sẽ mở mắt thức tỉnh chúng ta, rồi cùng chung lưng bảo vệ sự sống cho các cánh rừng khác. Những tưởng các hình ảnh và câu chuyện không thể thuyết phục hơn của nhóm phóng viên sẽ giúp bịt lại các lỗ hổng trong việc để mất các "lão mộc tinh" pơ mu hàng trăm đến cả nghìn năm tuổi trên khu vực núi thiêng Nóc nhà Việt Nam.
Đùng một cái, chúng tôi nhận được văn bản do ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc VQG Hoàng Liên gửi lên cấp trên là UBND tỉnh Lào Cai. Trong đó, có đoạn mấu chốt, rằng: các phóng sự điều tra của Dân Việt chỉ là câu chuyện về một số đối tượng "khai thác nhỏ lẻ, tận thu gỗ, củi đem về sử dụng trong gia đình, không có hành vi tổ chức khai thác và mua bán lâm sản".
Sự thật chỉ có một, không bảo vệ sự thật là tiếp tay cho gian trá
Thật sự, đến giờ phút này, với tư cách là người (cùng cộng sự) ăn rừng ngủ thác, dốc cạn mồ hôi leo núi và đánh cược sự an nguy thân xác mình để hóa trang điều tra rồi trực tiếp viết bài, dựng các video trên, tôi vẫn chưa biết mặt mũi hay tuổi tác của ông Nguyễn Hữu Hạnh. Cũng chưa gặp bất cứ một cán bộ nào của tỉnh Lào Cai, từ thôn bản đến tỉnh để trao đổi về việc này. Chúng tôi chỉ chân thành phản ánh sự thật thảm khốc mà rừng già thiêng quý đang phải oằn lưng gánh chịu.
Tất cả, tự các video, hình ảnh và lời thừa nhận của các "lâm tặc", "trùm buôn gỗ" cùng những người liên quan tưởng như đã đủ để cất lên tiếng nói của SỰ THẬT. Sự thật chỉ có một. Và chúng tôi không nhắc tới, càng không chỉ trích cá nhân ai khi thực hiện tuyến bài này.
Hình ảnh những cây pơ mu khổng lồ bị cưa xẻ giữa rừng Hoàng Liên.
Xẻ gỗ giữa rừng.
Tuy nhiên, có lẽ, đây là lúc, tôi buộc phải có vài lời trân trọng nhắc tới trọng trách của Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trong vụ phá rừng pơ mu ở VQG Hoàng Liên.
Bởi vì, thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!
Tại khoản 4 của Điều 102 của Luật Lâm nghiệp, nêu rõ: Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng gây ra thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý. Và, Quyết định số 90/2002/QĐ-TTG ngày 12/07/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc chuyển Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa, tỉnh Lào Cai thành Vườn quốc gia Hoàng Liên và Giao Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lào Cai trực tiếp quản lý. Vì vậy, để rừng Quốc gia Hoàng Liên bị tàn phá trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND tỉnh Lào Cai.
Bên cạnh đó, vừa qua, tại phiên họp Chính phủ ngày 15/4/2021, sau khi được kiện toàn nhân sự tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sớm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện để sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ. Trước mắt thực hiện theo hướng đoàn kết, thống nhất cao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch. Chính phủ, Thủ tướng chỉ giải quyết những việc thuộc thẩm quyền, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm cá nhân, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, bảo đảm chất lượng và thời hạn xử lý công việc.
Trở lại vụ việc chúng ta đang bàn. Cụ thể ở đây, với các súc pơ mu dài 4 đến 5m chở trên xe máy, choán hết cả con đường liên xã, với dòng người "phá rừng" dài hút tầm mắt, "rồng rắn" như trẩy hội thế kia. Thì làm sao gọi là "khai thác nhỏ lẻ"? Không thể nào là đi lấy gỗ quý bậc nhất/ đắt bậc nhất (giá chợ đen) của rừng Di sản ASEAN về "làm củi" được. Gỗ nhiều thế, không thể chỉ "sử dụng trong gia đình" được. Bằng chứng là các "lâm tặc" thừa nhận họ đi vác gỗ kiếm ăn, tuần vài ngày, đi liên tục. Gỗ về bán cho ai, giá bao nhiêu, chúng tôi đã phỏng vấn và ghi hình bí mật rồi đăng tải - đủ cả. Các video, bài điều tra của chúng tôi cũng xâm nhập cả một kỳ riêng, hết sức chi tiết về việc trực tiếp "đối thoại với trùm buôn gỗ" trong kho chứa pơ mu ngay khu vực cửa rừng. Họ thừa nhận ngày nào cũng mua gỗ pơ mu mới được vác về tận xưởng để bán. Và thủ đoạn "làm luật" để chở hàng xe gỗ pơ mu về xuôi thì phải như thế nào.
Hàng đoàn người khiêng gỗ pơ mu ra cửa rừng...
Không rõ lực lượng bảo vệ rừng ở đâu.
Ở cửa rừng là hàng đoàn xe máy chờ sẵn.
Những súc gỗ pơ mu dài 4-5m choán hết đường.
Rồng rắn chở gỗ pơ mu ra khỏi rừng.
Nếu những điều chúng tôi phản ánh không là thứ ngụy tạo nhằm thóa mạ phong trào bảo vệ rừng ở địa phương, thì nhất định bản báo cáo do Giám đốc VQG Hoàng Liên ký (đã trích ở trên) là dối trá trắng trợn. Vậy mà, UBND tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận bản báo cáo, rồi tiếp tục ra văn bản "chỉ đạo" "căn cứ" theo bản báo cáo đó mà không một lời bình luận. Có hay không sự "mũ ni che tai" ở đây? Có phải, thế là mặc nhiên báo cáo của VQG là thứ được chấp nhận để công bố "trấn an" dư luận?
Thưa ông Trịnh Xuân Trường, VQG Hoàng Liên đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Lào Cai trực tiếp quản lý. Nay việc để mất rừng đã rõ ràng. Chỉ một góc camera giấu kín, chỉ với hơn một giờ phục kích, ngay trong lõi rừng, chúng tôi ghi nhận hàng chục lâm tặc vác gỗ pơ mu đi ra ùn ùn. Xe máy chở gỗ pơ mu ăn trộm kia chạy rối mắt giữa ban ngày. Tất cả - thậm chí cả cảnh những người mặc sắc phục kiểm lâm "lượn" qua hiện trường mà không có động thái ngăn chặn hiệu quả nào - đã lọt vào ống kính của chúng tôi và được đăng khá đầy đủ trên Báo Điện tử Dân Việt. Tất cả các bài, ảnh, video đã đăng, ông có thể đọc ở đây: Phá rừng pơ mu ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên
Ngay sau khi chúng tôi đăng bài, Cục Kiểm lâm Việt Nam lên tiếng, Phó trưởng Đội Đặc nhiệm của Cục từ Hà Nội lên Lào Cai, vào VQG Hoàng Liên để điều tra, hai kiểm lâm viên của Vườn bị tạm đình chỉ công tác. Sự việc rõ mười mươi như vậy, thử hỏi Công an tỉnh ở đâu, cơ quan điều tra các cấp ở đâu, trách nhiệm của UBND tỉnh Lào Cai ở đâu? Tại sao khi Vườn báo cáo "trắng trợn" như trên, mà cơ quan quản lý (là UBND tỉnh) không có ý kiến chỉ đạo, chấn chỉnh một cách hiệu quả để tìm ra chân tướng vụ việc? Thử hỏi dư luận cả nước và các nhà báo chúng tôi nghĩ gì, khi bản báo cáo kia ra đời mà chưa vấp phải sự tuýt còi nào của cơ quan quản lý (UBND tỉnh Lào Cai)?
Các bức ảnh và video biết "lên tiếng", song vẫn cần con người phải minh bạch
Kèm theo bài viết nhỏ này, tôi xin kính gửi đến đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai các hình ảnh do chúng tôi chụp và do người dân chụp. Video và các bức ảnh có sức mạnh của nó, đôi lúc không cần lời bình, khỏi cần tranh biện. Ai cũng biết, Vườn Quốc gia Hoàng Liên có thể "ngại" nhìn thẳng vào vấn đề, giả dụ họ có lấp liếm vì sợ trách nhiệm thì cũng không có gì quá khó hiểu. Song, trước những hình ảnh này mà UBND tỉnh Lào Cai không có động thái quyết liệt làm rõ trắng đen thì quả thật là chúng tôi… không biết phải nói thế nào.
Báo cáo phủ nhận trách nhiệm của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Công văn của tỉnh sau báo cáo của Vườn Quốc gia.
Gỗ được chở đi bán công khai.
Ai phá rừng pơ mu trong lõi VQG? Phá để làm gì? Gỗ mang đi đâu? Làm sao qua được các trạm gác kiểm lâm? Nếu bị kiểm lâm bắt giữ thì phải làm gì? Tất cả các câu hỏi này, loạt bài của chúng tôi đã lần lượt trả lời hết. Không phải chúng tôi phỏng vấn một người mà là nhiều người. Không phải là hình ảnh vài tấm gỗ nhỏ lẻ, mà chúng tôi làm định vị các cánh rừng vùng lõi, trắc nghiệm "đếm xe gỗ, đếm lâm tặc" rất bài bản. Nếu sự thật chỉ có một, nếu chúng ta có lương tâm với rừng và có lòng thượng tôn luật pháp, thì "kết luận" trong bản báo cáo do ông Giám đốc Nguyễn Hữu Hạnh ký đã trích ở trên là một sự dối trá không thể chấp nhận được.
Có một chi tiết "ngộ nghĩnh" thế này, sau khi biết chúng tôi nhận được văn bản trên và dường như cũng đoán được là bất cứ ai yêu sự thật cũng sẽ cực lực bất bình, một vị cán bộ lĩnh trọng trách trong vụ này bèn nhắn tin cho phóng viên: khi đăng báo thì bỏ cái chữ "khai thác nhỏ lẻ", "về làm củi" đi giúp tôi nhé. Chắc là họ cũng biết họ "đổi trắng thay đen" như thế thì quá quắt lắm lắm, nên một mặt nhờ vả nhà báo để "trấn an dư luận", mặt khác vẫn có bản báo cáo "đẹp" kiểu "phủi bỏ sự thật" rồi đệ lên cấp trên. Nếu cấp trên của họ mà im lặng, hoặc "mũ ni che tai" trước chuyện này, thì chính người trong cuộc cũng phải thấy nực cười.
Rất mong nhận được hồi âm từ ông Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai. Kính chúc đồng chí sức khỏe và công tác tốt.
Dưới đây là một vài hình ảnh nữa liên quan đến phá rừng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên mà ống kính chúng tôi ghi nhận được.
Gỗ được chở đi bán công khai.
Cây bị hạ hàng loạt.
Tấp nập đưa gỗ khỏi rừng.
Không có sự trợ giúp của máy móc, hoàn toàn là những con người cụ thể mang gỗ đi.
Trong lúc ghi lại cảnh chở gỗ ra khỏi rừng, ống kính của chúng tôi cũng ghi nhận hai người này.
Gỗ được tập kết ở các xưởng
Sau khi được đưa đến bìa rừng, những chiếc xe máy đợi sẵn chở gỗ về nhà hoặc đem bán cho các chủ buôn gần trung tâm thị xã Sa Pa.
Đ.D.H.
Nguồn: Dân Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.