Cứu những dòng sông đang chết
Kiên Trung
Thầy Tống Ngọc Thắng, Hiệu trưởng trường THCS Phong Khê (Bắc Ninh) cùng 694 học sinh thẫn thờ trước cảnh sân trường ngập mênh mông. Nhưng, hôm đó trời không mưa và nước có màu đen kịt, hôi thối…
Toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất giấy từ làng nghề Phong Khê (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã tràn theo các cống thoát nước dân sinh của hệ thống đường xương cá, dềnh lên mặt đường, tràn vào sân trường, sân trụ sở UBND phường Phong Khê.
Và cuối cùng, cả thầy, trò phải bì bõm lội trong nước thải để về nhà. Chiều cùng ngày, 1.400 học sinh của phường Phong Khê phải nghỉ học vì nước thải ô nhiễm của làng nghề gây ngập trường!
Lụt trong nước thải
Ngày 27/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn chủ trì cuộc họp với nhiều sở, ngành, đưa ra quyết tâm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, quyết liệt xử lý dứt điểm vấn nạn ô nhiễm tồn tại nhiều thập niên có tên “ô nhiễm làng nghề giấy Phú Lâm, Phong Khê”: không cho xả nước thải sản xuất không qua xử lý ra sông Ngũ Huyện Khê.
Người phụ nữ bên núi rác khổng lồ của làng nghề sản xuất giấy Phong Khê
Qua kiểm tra, rà soát, Bắc Ninh yêu cầu tháo dỡ tất cả hệ thống xả thải không đúng quy định; không cho phép tất cả các cơ sở sản xuất không tuân thủ được xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê. Ngoài ra, yêu cầu tháo dỡ, cắt bỏ toàn bộ đường ống dẫn nước trái phép từ mặt đập Phú Lâm (huyện Tiên Du) để lấy nước phục vụ sản xuất của các cơ sở nói trên.
Ngay trong ngày 27/4, nhiều đường ống dẫn nước ra sông đã được cắt bỏ. Kết quả của việc cấm các làng nghề xả thải ra sông, một ngày sau đó, phường Phong Khê ngập cục bộ… nước thải ô nhiễm; 1.400 học sinh tiểu học, THCS phải bì bõm lội trong nước thải ô nhiễm khi tan trường.
Chung một dòng sông
Câu chuyện của con sông Ngũ Huyện Khê không phải là trường hợp duy nhất. Các lưu vực sông liên tỉnh cũng chịu chung số phận khi đầu nguồn xả thải, hạ nguồn hứng ô nhiễm.
Tại địa phận huyện Thường Tín, sông Nhuệ là nơi tiếp nhận nước thải của nhiều làng nghề dọc lưu vực sông đi qua. Hàng chục năm qua, người dân các xã Hữu Hòa, Tân Minh, Nguyễn Trãi, Tả Thanh Oai… phải khoan giếng ở độ sâu vài chục mét lấy nước sinh hoạt, nước tưới cho rau màu…
Trong ký ức của họ, trước đó, sông Nhuệ êm đềm thơ mộng, nước trong xanh, là nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng vạn hộ dân sinh sống ven sông. Nước thải ô nhiễm của làng nghề đã biến con sông mộng mơ thành những dòng sông chết.
Theo Tổng cục Môi trường, lưu vực sông Nhuệ - Đáy là một trong những lưu vực sông có chất lượng môi trường nước sông kém nhất trong số các lưu vực sông khu vực phía Bắc.
Dòng sông Ngũ Huyện Khê sau 20 năm làng nghề giấy tồn tại
Năm 2004, nước sông Nhuệ ô nhiễm nghiêm trọng, nhà máy nước sạch Hà Nam phía hạ nguồn phải dừng sản xuất. Giải pháp tức thời được đưa ra thời điểm đó là tạm đóng cửa cống Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) để ngăn nước ô nhiễm không tràn về Hà Nam.
Câu chuyện tương tự đối với 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Thuận cùng chung một dòng sông. Năm 2008, Đồng Nai duyệt dự án Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm công suất 72 triệu lít cồn/năm tại địa điểm xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc. Với nguyên liệu đầu vào khoảng 500 tấn sắn mỗi ngày, Công ty cồn Tùng Lâm phải dùng tới 6.000 m3 nước lấy từ sông Giêng. Tuy nhiên, cách đó không xa, Bình Thuận lại phê duyệt nhà máy sản xuất nước sạch sinh hoạt cấp nước cho hàng vạn hộ dân thị xã La Gi. Năm 2012, sự cố xả thải gây ô nhiễm môi trường ra sông Giêng của nhà máy cồn khiến Bình Thuận chịu trận. Thanh tra Bộ TN&MT kết luận, nhà máy cồn Tùng Lâm đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; một số thời điểm nước thải có một số thông số ô nhiễm đặc trưng vượt ngưỡng cho phép 2,1-2,4 lần. Sau sự cố nói trên, Nhà máy cồn Tùng Lâm được Bình Thuận đặt trong tình trạng “giám sát đặc biệt”, được xem là một trong những mối đe dọa nguồn nước ở các sông, suối chảy về Bình Thuận.
Sức khỏe cho những dòng sông
Theo TS Đào Trọng Tứ (Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), đối với mỗi quốc gia, dân tộc, sông ngòi như mạch máu và nước như máu đối với cơ thể của một con người. Việc bảo vệ sự sống của các con sông, suối cũng chính là bảo vệ sự sống của chúng ta.
Người dân chung sống bên ô nhiễm làng nghề
Các nền văn minh nhân loại được hình thành bởi các con sông. Nhiều đô thị trên thế giới được hình thành bên những dòng sông và giờ đô thị quay trở lại giết chết dòng sông sinh ra mình. Giữ gìn sức khỏe các dòng sông chính là giữ gìn quyền sống, phát triển của quốc gia, dân tộc và chính con người.
Lấy Nhật Bản làm ví dụ, GS Tứ cho biết, những năm 1960 - 1970, các sông đô thị ở Tokyo vẫn có rác thải ngập đầy mặt sông, ngay cạnh là biển cấm đổ rác. Để có được môi trường sạch, Nhật Bản đã nỗ lực thực hiện các biện pháp tổng thể, từ hệ thống pháp luật đến xây dựng hệ thống quản lý, điều phối rác thải, xử lý nước thải tiên tiến; luật hóa các chế tài. Ở Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến việc “làm sống lại" sông Nhiêu Lộc - Thị Nghè đầy ngoạn mục. Cách đây hơn 20 năm, khi nói về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, người ta sẽ nghĩ ngay đến con kênh ô nhiễm bậc nhất ở TP Hồ Chí Minh với màu nước đen đặc, đầy rác và hôi thối, sinh vật khó lòng sống nổi.
Giờ đây, nước kênh đã xanh trở lại, cá bơi lội dưới kênh. 1,2 triệu người sống xung quanh lưu vực kênh, trong đó hầu hết là người nghèo có hệ thống thu gom nước thải tập trung, trực tiếp được hưởng lợi thông qua cải tạo điều kiện vệ sinh, giảm nguy cơ ngập lụt. Tới đây, kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng đang được cải tạo, hứa hẹn một hệ sinh thái sẽ được phục hồi góp phần thay đổi lớn tới đời sống của hơn 1 triệu dân. Cùng với sự hồi sinh của dòng kênh, giá trị đất đai cũng nhờ đó được tăng cao, tình trạng bệnh tật được đẩy lùi.
“Đối với một quốc gia, nước là máu, sông chính là mạch máu như đối với con người. Năm 2021, thế giới kỷ niệm Ngày hành động vì các dòng sông với chủ đề “Quyền của các dòng sông” để nói lên rằng các con sông có quyền sống và đó cũng là bảo đảm quyền sống cho chính con người” – ông Tứ nhấn mạnh.
Ngày 3/6/2020, Bộ TN-MT ban hành Thông tư số 04 về các quy định đối với việc quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh.
Thông tư yêu cầu: quy hoạch cần xác định, giải quyết các vấn đề tồn tại chính, cấp bách, ngắn hạn và dài hạn về tài nguyên nước trên lưu vực; bảo đảm mục tiêu quản lý nhằm điều chỉnh hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong kỳ quy hoạch.
Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN-MT) đang lập quy hoạch điều tra cơ bản 11 hệ thống lưu vực sông liên tỉnh. Trong năm 2021, 6 lưu vực sông liên tỉnh sẽ được công bố quy hoạch; 5 lưu vực sông còn lại sẽ được công bố quy hoạch điều tra tổng hợp vào năm 2022.
Đối với các dòng sông đang bị ô nhiễm, thứ tự ưu tiên là điều tra đánh giá dữ liệu dòng chảy tối thiểu, khả năng tiếp nhận nước thải đối với các đoạn sông.
Bộ TN-MT cũng xây dựng, trình Chính phủ 11 quy trình vận hành liên hồ chứa; kiểm soát, điều tiết nước cho các dòng sông theo quy trình này.
K.T.
Nguồn: Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.