Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Môi trường làm ăn vẫn còn bất bình đẳng

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Môi trường làm ăn vẫn còn bất bình đẳng

Thượng Tùng - Duy Thông thực hiện

Tình trạng “không chịu lớn” và không muốn chính thức hóa hoạt động kinh doanh của số đông doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phản ánh niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh ở Việt Nam.

Ngay cả khi Đổi mới, Nhà nước Việt Nam vẫn áp dụng chính sách đối xử khác nhau đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Mỗi thành phần kinh tế có cơ sở pháp lý riêng, với những quy định thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau, và quá trình thực thi luật pháp, chính sách càng khắc sâu thêm sự phân biệt đối xử đó.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước luôn được coi trọng và dành nhiều đặc quyền đặc lợi, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) được “trải thảm đỏ” bằng nhiều chính sách cởi mở và ưu đãi, còn với doanh nghiệp tư nhân của người Việt, con đường hồi sinh của họ vẫn đầy chông gai. Sự phân biệt đối xử đó kéo dài tới tận ngày nay, khi môi trường pháp lý và mọi tuyên bố chính sách đều cam kết tạo sân chơi bình đẳng. 

Thừa nhận các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước (Điều 51). Doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vị thế độc quyền hoặc chi phối thị trường trong một số lĩnh vực quan trọng như năng lượng, viễn thông, ngân hàng, xây dựng, tiện ích… Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy những tập đoàn kinh tế nhà nước kém hiệu quả không chỉ gây thất thoát ngân sách, tăng nợ công… mà còn chèn lấn sự phát triển lành mạnh khu vực tư nhân. 

Về quy mô, theo Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Namnăm 2020, đến năm 2018, tổng số doanh nghiệp đã tăng gấp hơn 15 lần so với năm 2000, song 97,2% vẫn là doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trong đó 93,7% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, riêng doanh nghiệp siêu nhỏ lại chiếm tới 62,6%. Số đơn vị tổ chức kinh doanh theo dạng hộ gia đình hay phi chính thức vẫn rất lớn, trên 5 triệu, gấp hơn 7 lần khu vực chính thức, và rất ít đơn vị muốn hoặc có thể chuyển lên đăng ký thành doanh nghiệp chính thức.

Từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008 đến nay, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường liên tục tăng cao, và số doanh nghiệp mới thành lập tuy tăng nhanh trong một số năm sau nhưng quy mô bình quân về vốn và lao động lại giảm đáng kể, khiến quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt ngày càng nhỏ bé đi.

Quy mô nhỏ và tính phi chính thức gây nhiều hạn chế cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn lực, tiếp cận thị trường, liên kết với các doanh nghiệp khác, đồng thời cản trở doanh nghiệp tăng năng suất thông qua tính hiệu quả về kinh tế theo quy mô, khả năng chuyên môn hóa và đổi mới sáng tạo. 

Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế độc lập.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vắng doanh nghiệp quy mô vừa tiếp tục kéo dài. Với tổng số hơn 21.000, doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 3,5% tổng số doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2018. Tốc độ chuyển dịch doanh nghiệp từ nhỏ lên vừa rất chậm, và tỷ lệ chuyển lên được cũng rất thấp.

Vài năm gần đây có thêm hiện tượng hàng trăm doanh nghiệp phải mất 10-20 năm trời mới phát triển lên quy mô vừa, nhưng khi tương đối thành công lại quyết định rút khỏi thị trường, bán hoặc sáp nhập doanh nghiệp mình vào doanh nghiệp khác, chủ yếu là doanh nghiệp FDI.

Thiếu vắng doanh nghiệp quy mô vừa là một nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam khó có lực lượng doanh nghiệp đủ năng lực chuyên môn để đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ phụ trợ, và cùng các doanh nghiệp lớn kết nối với các doanh nghiệp nhỏ hình thành các chuỗi cung ứng hoặc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu ở những khâu cao hơn so với chỉ làm gia công. 

Tình trạng “không chịu lớn” và không muốn chính thức hóa hoạt động kinh doanh của số đông doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phản ánh niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh ở Việt Nam. Thiếu niềm tin ở năng lực của bản thân, ở môi trường kinh doanh và sự bảo vệ của luật pháp khiến nhiều người không dám tham gia kinh doanh, hoặc chỉ làm cầm chừng, cốt “đủ ăn” hơn là làm lớn. Ngay cả trào lưu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ 2016 tới nay dù được Chính phủ khuyến khích bằng nhiều chính sách ưu đãi cũng chỉ thu hút được vài ngàn người tham gia. 

Doanh nghiệp tư nhân trong nước quy mô lớn đã xuất hiện và tăng khá nhanh trong hơn một thập niên vừa qua, nhất là khi hai thị trường chứng khoán và đất đai bùng nổ sau khi nước ta gia nhập WTO và luồng vốn đầu tư gián tiếp từ bên ngoài đổ vào. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân Việt quy mô lớn nổi lên từ tập trung vào đầu tư, kinh doanh bất động sản và tích tụ tài sản từ đất, nhờ sử dụng mối quan hệ thân hữu với nhà nước - người có quyền phân bổ đất đai là thứ tài nguyên được hiến định thuộc sở hữu toàn dân và quyền quản lý, phân bổ của nhà nước. Một số doanh nghiệp tư nhân hình thành từ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa cũng lớn nhanh hơn nhờ kinh doanh bất động sản.

Doanh nghiệp nhà nước, nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước dù nắm giữ các lĩnh vực chiến lược khác nhau cũng không bỏ qua cơ hội nhảy vào lĩnh vực này và mau chóng tăng quy mô tài sản. Doanh nghiệp Việt quy mô lớn dồn tài lực vào bất động sản tuy có giúp tăng trưởng GDP và ngành xây dựng, giúp thay đổi bộ mặt một số đô thị và đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội về chỗ ở và nơi làm việc, nhưng không giúp nhiều cho phát triển công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam. 

Thuộc khu vực kinh tế đóng vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước gắn bó trực tiếp với hệ thống nhà nước, nơi có quyền lực tối cao cả trong thiết kế và thi hành luật pháp, chính sách lẫn sở hữu và phân bổ các nguồn lực quan trọng nhất của đất nước. Tuy có bị gò bó do chịu sự quản lý trực tiếp của các cơ quan nhà nước, song các doanh nghiệp nhà nước thường được bảo hộ khỏi sự cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế, đồng thời được hưởng nhiều đặc quyền trong tiếp cận các nguồn lực và giành thương quyền trong các lĩnh vực và dự án có khả năng sinh lời cao.

Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp nhà nước phải theo đuổi nhiều mục tiêu, nên động lực kinh doanh của họ dễ bị méo mó và lợi nhuận tối đa không phải là mục tiêu cao nhất. Tình trạng “lời doanh nghiệp ăn, lỗ nhà nước và nhân dân chịu” (Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), vẫn khá phổ biến trong doanh nghiệp nhà nước ngày nay. 

Với mục tiêu thu hút FDI, nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI đã được áp dụng, đặc biệt các ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai và giá cả đầu vào (giá năng lượng, phí môi trường…). Các quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, thanh tra kiểm tra, xử lý những khúc mắc của doanh nghiệp… đối với FDI cũng được giảm thiểu đáng kể so với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Những điều này tạo thêm sự bất bình đẳng đối với khu vực tư nhân trong nước.

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) đưa ra năm 2018, 45% doanh nghiệp Việt được khảo sát cho rằng doanh nghiệp FDI được ưu tiên giải quyết khó khăn hơn doanh nghiệp dân doanh; 37% doanh nghiệp cho rằng chính quyền tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn phát triển khu vực tư nhân trong nước; 27% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp FDI thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai… Ngoại lực quan trọng nhưng nội lực mới quyết định năng lực cạnh tranh và sức sống quốc gia. Nhìn lại lịch sử phát triển của những con rồng châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, tỷ lệ FDI trong tổng đầu tư xã hội cũng như đóng góp vào GDP đều rất khiêm tốn. 

Một vấn đề nữa là sự liên kết giữa FDI với doanh nghiệp nội địa ở nước ta khá yếu, do đó hiệu quả chuyển giao công nghệ từ FDI không được như mong đợi...

Mặt khác, hiện tượng “lợi ích nhóm”, “doanh nghiệp sân sau”, “doanh nghiệp thân hữu” khá phổ biến những năm gần đây đã tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp thân hữu với doanh nghiệp không có quan hệ thân hữu. Theo Báo cáo Việt Nam 2035, trong nhiều trường hợp, lợi ích thương mại nhờ quan hệ thân hữu với cán bộ, cơ quan nhà nước quyết định khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp hơn là nỗ lực của chính doanh nghiệp. Còn theo Báo cáo PCI năm 2018, tới 70% doanh nghiệp cho rằng “nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai, v.v...) chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen cán bộ công quyền”. Việc tiếp cận thông tin cũng thiếu công bằng, với 69% doanh nghiệp cho rằng cần phải có “mối quan hệ” để có thông tin hay tài liệu của tỉnh. 

T.T. - D.T.

Nguồn: Nguoidothi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.