Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Tín ngưỡng thờ Donald Trump và một số tín đồ của đảng Cộng hòa

 

Tín ngưỡng thờ Donald Trump và một số tín đồ của đảng Cộng hòa

Joaquin Nguyễn Hòa

5-3-2021

Tín ngưỡng, hay sự sùng bái cá nhân (cult of personality) thường xảy ra nhiều hơn với những người dân sống ở các quốc gia toàn trị, chẳng hạn như các nước cộng sản hay các nước có chế độ độc tài. 

Nhưng một hiện tượng mới xuất hiện đó là tín ngưỡng Donald Trump ở Mỹ, mà đỉnh điểm của nó là bức tượng vàng lớn hơn người thật của Donald Trump, cựu tổng thống Mỹ tại đại hội phái bảo thủ Đảng Cộng hòa (CPAC), diễn ra tại Orlando, Florida, từ ngày 25 đến ngày 28/2/2021.

Những người tham dự CPAC chụp ảnh với bức tượng ‘Golden Don’ của Trump trong phòng trưng bày tại Hyatt Regency ở Orlando ngày 26/2/2021. Nguồn: © TNS/ ZUMA Wire

Phiên bản Mỹ của sự sùng bái cá nhân này thật ra mang hình hài nhẹ hơn loại tín ngưỡng này ở các quốc gia cộng sản. Tượng các ông Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, Kim Chính Vân, thường có vẻ rất nghiêm khắc, tay vung về phía trước, ngực ưỡn ra. Tượng ông Trump mặc quần đùi màu quốc kỳ Mỹ, tay cầm một ngôi sao, có vẻ giống một chú hề ở gánh xiệc hơn.

Ở đây cũng xin nói rõ là, ngay ở các quốc gia cộng sản, không phải các bức tượng lúc nào cũng đằng đằng sát khí. Bức tượng của điêu khắc gia Diệp Minh Châu tại TP HCM mang tên “Bác Hồ với thiếu nhi” nhẹ nhàng hơn, có người bình luận là giống như “Bác Hồ đang te” (Terre tiếng Pháp, chỉ một động tác khiêu vũ khi người đàn ông dìu người phụ nữ nhảy chung ở tư thế sát đất).

Sau khi ông Trump bị thất cử, báo chí đặt vấn đề rằng, liệu chủ nghĩa Trump (Trumpism) hay hiện tượng cuồng Trump có còn tồn tại nữa hay không. Các ý kiến đa phần là vẫn còn, nhưng nó sẽ kéo dài và đậm nhạt ra sao thì chưa biết được.

Tôi đang viết những dòng này trong ngày 4/3/2021 ở Mỹ, là ngày mà phong trào QAnon, một phong trào đưa ra nhiều thuyết âm mưu, trong đó có liên quan đến ông Trump, mang hình thức sấm giảng, mê tín dị đoan, cho rằng Donald Trump sẽ quay trở lại, tuyên thệ làm tổng thống Mỹ vào ngày 4/3/2021.

Đó là những người bình dân, tin vào những chuyện không có căn cứ. Còn giới tinh hoa chính trị Mỹ thì sao? Xin sơ lược 4 nhân vật theo chủ nghĩa Trump rất cuồng nhiệt trong chính giới Mỹ hiện nay là hai dân biểu và hai thượng nghị sĩ liên bang. Cả bốn người này là những người ủng hộ ông Trump 100% và họ chống lại kết quả bầu cử, trong đó ông Joseph Biden chiến thắng.

Dân biểu Marjorie Taylor Greene

Bà Greene năm nay 46 tuổi, là dân biểu Quốc hội Mỹ, đại diện cho khu vực 14 của tiểu bang Georgia. Bà thắng cử trong kỳ bầu cử tháng 11/2020 và làm dân biểu từ tháng 1/2021. Bà Greene là người đi lên từ phong trào QAnon, tuy nhiên sau khi đắc cử bà nói rằng bà không thuộc phong trào đó.

Bà Greene đưa ra nhiều phát biểu dựa vào thuyết âm mưu, trong đó nổi tiếng nhất là hai chuyện: Thứ nhất, bà bảo rằng công ty điện lực ở California làm cháy rừng vì thí nghiệm tia laser, theo lệnh của Bill Gates để phát triển năng lượng sạch. Thứ hai, bà bảo rằng các vụ xả súng giết người vô tội ở Mỹ là dàn dựng, bà gọi một nạn nhân sống sót trong vụ xả súng Parkland, Florida, là con chó được huấn luyện để dựng chuyện.

Ngoài ra, bà còn cho rằng sự kiện khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001 là một phần âm mưu do chính phủ Mỹ dàn dựng; bà cho rằng cựu Tổng thống Barack Obama là một tín đồ Hồi giáo bí mật; hay bà Hillary Clinton đã sát hại kẻ thù chính trị của mình…

Vì những phát biểu như vậy, nên bà Greene đã bị Hạ viện bỏ phiếu loại bà ra khỏi Ủy ban Giáo dục, Lao động và Ngân sách của Hạ viện.

Lauren Boebert

Bà Boebert năm nay 34 tuổi, cũng là tân dân biểu như bà Greene, đại diện cho khu vực số 3 của tiểu bang Colorado. Bà Boebert học chưa xong lớp 12 thì bỏ học vì có con sớm. Bà cùng chồng mở một quán ăn tên là Shooters Grill và khuyến khích nhân viên mang súng có lắp đạn khi đi làm. Bà Boebert cũng là người nhiệt tình ủng hộ QAnon, nhưng hiện tại bà bảo rằng bà không dính tới phong trào đó.

Trong cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021, khi những người ủng hộ ông Trump tấn công điện Capitol nhằm lật ngược kết quả bầu cử, bà Boebert tweet rằng, đây là ngày trọng đại như cuộc cách mạng Mỹ 1776. Bà cũng tweet rằng, các dân biểu được dời đi khi Capitol bị tấn công. Các tweet này bị nhiều người cho rằng bà Boebert có ý thông đồng với bọn phản loạn. Bà Boebert cũng được biết là người thách thức quy định cấm mang súng vào điện Capitol.

Bà Boebert đã gặp rắc rối nhiều lần với pháp luật trước khi bà trở thành dân biểu. Một tiệm chế biến thức ăn của vợ chồng bà, hồi năm 2017 bị cáo buộc đã làm cho hàng chục người bị ngộ độc thực phẩm.

Năm 2015, bà bị cảnh sát còng tay vì la ó, phản đối cảnh sát can thiệp khi hai thanh thiếu niên trong một fesstival âm nhạc, phạm tội uống rượu khi chưa tới tuổi quy định. Bà bị bắt vài lần vì một số tội bị cáo buộc khác nhau; ngoài ra, bà và chồng bà cũng vài lần bị bắt vì đánh nhau trong nhà, gây thương tích.

***

Cả hai dân biểu Greene và Boebert đều là những người đại diện cho các khu vực thôn quê với đa số cư dân da trắng ít học và làm nông nghiệp. Cả hai trường hợp này rất đúng với câu “dân nào chính quyền nấy” trong nền dân chủ đại diện. Bà Greene dù bị truất phế khỏi một ủy ban ở Hạ viện, nhưng được các cử tri khu vực bà đại diện rất yêu mến.

Tại khu vực số 3 của Colorado thì tình hình có khác hơn, nhiều người bất bình trước những lời ăn tiếng nói và hoạt động của bà Boebert, và họ đang vận động để đẩy bà ra khỏi Hạ việntrong kỳ bầu cử năm 2021.

Đó là những dân biểu đại diện cho các khu vực nhỏ, nhưng ở mức độ thượng nghị sĩ thì có khác hơn vì mỗi tiểu bang chỉ có hai thượng nghị sĩ đại diện cho toàn tiểu bang, các thành phố lớn lẫn thôn quê. Cho nên hai trường hợp thượng nghị sĩ là tín đồ của chủ nghĩa Trump dưới đây, nên được nhìn theo một lăng kính khác, đó là thái độ cơ hội để lấy cảm tình số cử tri cuồng nhiệt của ông Trump.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz

Vị thượng nghị sĩ này đại diện cho tiểu bang Texas, từng là một luật sư tốt nghiệp đại học Harvard, nổi tiếng hùng biện. Cruz năm nay 50 tuổi, đi lên từ phong trào bảo thủ Tea Party của đảng Cộng hòa, chống lại những chính sách cấp tiến của tổng thống Obama.

Ông Cruz từng ra tranh cử tổng thống vào năm 2016. Trong những lần tranh luận sơ bộ, Ted Cruz bị ông Trump sỉ nhục là Ted nói láo. Ông Trump cũng mắng vợ ông Cruz là đồ xấu xí, nhưng sau khi ông Trump thắng cử năm 2016, ông Cruz ủng hộ ông Trump hết mình. Cuối tháng trước, tại CPAC, ông Cruz nói rằng, ông Trump sẽ là người của đảng Cộng hòa mãi mãi.

Ông Cruz gặp rắc rối khi Texas bị bão tuyết bất thường, dân chết cóng vì lạnh, trong khi ông cùng vợ con bỏ qua Mexico trốn lạnh. Hôm 26/2, tại CPAC, Cruz giễu câu chuyện đó khi nói rằng: “Orlando thì tuyệt vời. Nhưng nó không đẹp như Cancun (Mexico)”.

Được biết, ông Cruz có ý định ra tranh cử lần nữa vào năm 2024, cho nên ông rất cần phiếu của các tín đồ của ông Trump.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley

Ông Hawley là thượng nghị sĩ trẻ tuổi (41) nhiều tham vọng, thắng cử lần đầu tiên vào năm 2018, đại diện cho tiểu bang Missouri. Vừa vào thượng viện chưa được bao lâu, ông đã nổi tiếng với vai trò dẫn đầu hơn 10 thượng nghị sĩ Cộng hòa chống lại kết quả bầu cử.

Ông Hawley là thượng nghị sĩ liên tục lặp đi lặp lại các cáo buộc gian lận bầu cử vô bằng cớ của ông Trump, và cũng bị chỉ trích là góp phần kích động cuộc bạo loạn ngày 6/1.

Cho tới nay, ông Hawley là thượng nghị sĩ Cộng hòa duy nhất bỏ phiếu chống lại tất mọi ứng viên do tổng thống Biden bổ nhiệm vào nội các. Ông nói rằng, ông làm như vậy là vì lợi ích của tiểu bang Missouri. Có những trường hợp như tân ngoại trưởng Anthony Blinken được đông đảo thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ, ông Hawley cũng chống, không rõ là vai trò đối ngoại của ông Blinken có tác hại như thế nào đối với bang Missouri?

Người ta nói rằng, ông Hawley có tham vọng đi đến tận cùng của con đường hoạn lộ là chức vụ tổng thống Mỹ, nhưng có vẻ tại đại hội CPAC, người ta không đếm xỉa gì đến các cố gắng ủng hộ Trump của Hawley, khi chỉ có 3%số người dự CPAC nói, ông có thể làm ứng cử viên tổng thống năm 2024. Báo St Louis Post Dispatch của Missouri bình luận là “cả đám bảo thủ ở CPAC cũng chẳng ấn tượng gì cả với kiểu cách làm màu của Hawley”.

Trên đây là vài gương mặt tiêu biểu của các tín đồ sùng bái Trump, nhưng bên cạnh đó cũng có những người Cộng hòa xa rời Trump, tạo nên một tình huống nói không ngoa là nội chiến trong đảng Cộng hòa.

Tại CPAC, với sự “đồng tâm nhất trí” của đại đa số những người tham dự là tín đồ, ông Rick Scott, thượng nghị sĩ Cộng hòa của bang Florida tuyên bố rằng, “cuộc nội chiến của đảng Cộng hòa đã bị hủy bỏ”. Nhưng nhà báo Anthony Zurcher của BBC nhận định rằng, CPAC là một cuộc vỡ trận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.