Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Quyền được can thiệp trong trường hợp Miến Điện

 

Quyền được can thiệp trong trường hợp Miến Điện

Trương Nhân Tuấn

5-3-2021

Ngày 1 tháng 3 tôi có viết về khả năng Mỹ sẽ nhận một nghị quyết của LHQ để cầm đầu một liên minh các quốc gia để can thiệp vào chuyện nội bộ của Miến Điện. Một số điều cần được soi sáng dưới ánh sáng của công pháp quốc tế để cho mọi người biết rằng đây là chuyện “khả tín” và “khả thi”.

Ta biết mục đích thành hình của Hiến chương LHQ 26/6/1945 nhằm cổ xúy nhân quyền và bảo vệ hòa bình cho cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Nội dung Hiến chương có nguyên tắc cấm việc sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trong quan hệ quốc tế. Nội dung Hiến chương cũng nhấn mạnh các qui tắc không can thiệp vào nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.

Người ta đặt vấn đề, LHQ có sứ mạng bảo vệ hòa bình và cổ súy nhân quyền, LHQ sẽ phải có những hành vi nào để đối phó với các quốc gia sử dụng vũ lực, gây bất ổn và đe dọa an ninh khu vực, cũng như xâm phạm ở mức qui mô các quyền con người của nhân dân trong quốc gia đó?

LHQ sẽ phải có biện pháp nào để không bị tự mâu thuẩn, khi vừa tôn trọng các nguyên tắc “không can thiệp vào nội bộ các quốc gia”, vừa bảo vệ được các tiêu chí đặt ra (về hòa bình và cổ súy nhân quyền)?

Về mặt bảo vệ hòa bình. Nếu ta xét Chương VII điều 2 của Hiến chương LHQ về các biện pháp cưỡng chế. Nội dung điều này cho phép Hội đồng Bảo an LHQ can thiệp vào chuyện nội bộ của một quốc gia khác, nếu những bất ổn phát sinh từ quốc gia này đe dọa đến an ninh và nền hòa bình của thế giới.

Nếu ta so sánh trường hợp đảo chánh quân sự ở Miến Điện. Kết quả bầu cử dân chủ đã bị phe quân phiệt tước đoạt. Toàn bộ nội các chính phủ cũ nếu không bị sa thải thì bị cầm tù. Người dân liên tục biểu tình phản đối thì bị phe đảo chánh thảm sát, hôm trước 19 người, hôm qua 38 người.

Nội bộ các quốc gia ASEAN lên tiếng yêu sách quân phiệt Miến tôn trọng kết quả bầu cử và không được sử dụng vũ khí sát thương giết dân biểu tình. Mỹ và các quốc gia Châu Âu lên án vụ đảo chánh và yêu cầu phe quân phiệt tôn trọng các nguyên tắc dân chủ. Sự bất ổn từ nội bộ Miến điện có nguy cơ đe dọa an ninh khu vực.

Hiện nay Hội đồng Bảo an nhóm họp kín để biểu quyết về vấn đề Miến Điện. Điều này cho thấy rằng, nếu không có sự phản đối của Trung quốc (điều này có thể đoán trước vì TQ là quốc gia duy nhứt không phản đối cuộc đảo chánh), một Nghị quyết của LHQ có thể được ban bố, theo đó các quốc gia “có quyền” can dự vào nội bộ của Miến điện để cứu vãn hòa bình khu vực.

Về việc can thiệp đến từ nguyên nhân “nhân đạo”. Trường hợp tàn sát người biểu tình bằng vũ khí sát thương, trên nguyên tắc LHQ cũng “có quyền can thiệp” vào nội bộ Miến Điện. Việc này có thể được các tổ chức thuộc LHQ thể hiện qua các hình thức khác.

Trên quan điểm “luật quốc tế”, ta thấy từ năm 1979 đã phát sinh khái niệm về “quyền can thiệp – droit d’ingérence” của học giả Jean-François Revel. Theo đó một hay nhiều quốc gia có thể can thiệp vào nội bộ (vi phạm chủ quyền) của của một quốc gia khác, nếu có sự ủy nhiệm từ một cơ quan quyền lực “siêu quốc gia”, như Liên hiệp quốc.

Ý tưởng này phát sinh từ các thảm trạng thuyền nhân VN.

Trước đó, vào các năm 1967-1970, cuộc chiến Biafra (Nigeria) đã gây nạn đói trên bình diện rộng. Tổ chức Medecins sans Frontières (tổ chức Bác sĩ không biên giới) cùng nhiều tổ chức phi chính phủ khác được thành lập sau sự kiện này. Các tổ chức này kêu gọi đặt lại vấn đề “chủ quyền quốc gia”, trong một số trường hợp khẩn cấp, như tính mạng người dân bị đe dọa. Các quốc gia khác có quyền can thiệp để cứu vãn.

Ý tưởng về “quyền can thiệp vào nội bộ của một quốc gia” không phải là mới. Tác phẩm De Jure Belli Ac Pacis của Hugo Grotius từ năm 1625 đã bàn luận đến khả năng can thiệp để ngăn chặn hành vi vô đạo của các bạo chúa. Thế kỷ 19 ta thấy các quốc gia Châu Âu can thiệp vào nội bộ đế quốc Ottoman (Thổ nhĩ kỳ) với lý do “bảo vệ sinh mạng hững người theo Thiên chúa giáo”. Hội Hồng thập tự (chữ thập đỏ) được thành lập năm 1864, mở đầu cho “chủ nghĩa nhân đạo mới”.

Hệ quả là một số các công ước về “chiến tranh” giữa các quốc gia được ký kết. Mục đích buộc các bên cam kết dành một “không gian nhân đạo” trong không gian bạo lực. Nội dung công ước buộc phe hiếu chiến phải mở một “không gian trung lập”, mà họ có bổn phận phải bảo vệ, để các việc trợ giúp nhân đạo tù binh, cứu thương các thương binh được thực hiện.

Đến năm 1987 Hội nghị quốc tế về “luật nhân đạo và đạo đức” được trường Luật ở Paris tổ chức. Các bên tham gia có thông qua một nghị quyết có nội dung: “các quốc gia thành viên của cộng đồng quốc tế công nhận, qua một văn kiện quốc tế duy nhứt, về quyền của nạn nhân được hỗ trợ nhân đạo cũng như nghĩa vụ của các quốc gia trong việc đóng góp của họ”.

Ta thấy trên thực tế, “quyền nạn nhân được hỗ trợ nhân đạo” đã được nhìn nhận và việc này trở thành một “nghĩa vụ” của cộng đồng các quốc gia văn minh.

Năm 1988, sau đó năm 1991, Đại hội đồng LHQ ra hai nghị quyết có nội dung nhìn nhận quyền được hỗ trợ nhân đạo của các nạn nhân. Giới hạn của hai nghị quyết là chỉ bảo đảm “quyền hỗ trợ nhân đạo” mà không can dự vào chuyện “nội bộ của quốc gia”. Tháng 12 năm 1988 động đất phá hủy một phần lãnh thổ Armenia, Liên Xô lúc đó mở cửa biên giới để tiếp nhận các viện trợ nhân đạo của các nước trên thế giới dành cho Armenia. Trước đó, các việc này đều bị Liên Xô từ chối, vì “can thiệp vào nội bộ”.

Về nội dung liên quan đến “can thiệp quân sự”. Ta thấy Liên minh các quốc gia do Mỹ cầm đầu đã can thiệp vào Irak tháng Tư năm 1991, mục đích bảo vệ người Kurdistan đang bị đàn áp bởi Saddam Hussein. Hội đồng bảo an LHQ ra nghị quyết, nội dung đã viện dẫn lý do “đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”.

Ta cũng thấy Nghị quyết tương tự của HĐBA LHQ về Somalie cuối năm 1992. Tình trạng vô chính phủ ở Somalie thời đó đã gây bất ổn, đe dọa hòa bình và an ninh toàn khu vực.

Năm 1994 ta thấy nghị quyết của LHQ ủy quyền cho Pháp cầm đầu các hoạt động nhân đạo ở Rwanda nhằm bảo vệ các sắc dân đang bị đe dọa “diệt chủng” vì cuộc nội chiến đang chia cắt đất nước.

Ta cũng thấy các cuộc can thiệp quân sự tương tự như cuộc chiến Nam tư cũ (Bosnia-Herzegovina) các năm 1994-1995. Cuộc can thiệp quân sự ở Liberia, Siera Leone hoặc ở Albania năm 1997. Các cuộc can thiệp quân sự này đều được thực hiện dưới quyền “siêu quốc gia” của tổ chức LHQ.

Trường hợp đặc biệt, tổ chức NATO can thiệp vào cuộc chiến Kosovo năm 1999. Đây là một chiến dịch đơn phương của lưc lượng quân sự thuộc Minh ước Bắc đại tây dương. Lý do can thiệp: Cuộc chiến Kosovo-Serbia đe dọa an ninh nội bộ các quốc gia nhành viên của NATO.

Trở lại bài tôi viết hôm 1 tháng Ba. Ý kiến của tôi về khả năng Mỹ dẫn đầu một liên minh can thiệp vào nội bộ Miến Điện là khả tín và khả thi. Các lý dể can thiệp đều hội đủ.

Ngoài các lý do về “nhân quyền” và “an ninh và hòa bình thế giới bị đe dọa”, các quốc gia còn có lý do can thiệp vào nội bộ Miến Điện qua sự yêu cầu của chính quyền dân cử chính đáng. Ngay cả khi toàn bộ nội các cũ, từ tổng thống trở xuống, đều bị phe quân phiệt bắt bỏ tù. Tiếng nói của đại diện Miến Điện tại LHQ vẫn có hiệu lực của một lời kêu cứu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.