Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

Phán quyết của tòa quốc tế về chủ quyền của Mauritius đối với quần đảo Chagos và cách hành xử đạo đức giả của các nước lớn

 

Phán quyết của tòa quốc tế về chủ quyền của Mauritius đối với quần đảo Chagos và cách hành xử đạo đức giả của các nước lớn

Nguyễn Tuấn Anh dịch và tổng hợp

Việc các nước lớn tôn trọng phán quyết của tòa quốc tế sẽ có ảnh hưởng tới việc giữ chủ quyền Trường Sa của Việt Nam, vì thế tuy bài nói về đảo Chagos xa xôi nhưng vẫn cho chúng ta thêm tư liệu để ngẫm nghĩ.

Bauxite Việt Nam

I. Toà Quốc tế về Luật Biển xác nhận chủ quyền của Mauritius đối với quần đảo Chagos1

Phán quyết của Tòa Quốc tế về Luật Biển (ITLOS)

Vào ngày 28/1/2021, trong Phán quyết về Các phản đối sơ bộ về tranh chấp liên quan đến Vụ phân định ranh giới biển giữa Mauritius và Maldives ở Ấn Độ Dương, ITLOS đã bác bỏ những phản đối của Maldives đối với thẩm quyền của Tòa. Một trong những lập luận Maldives đưa ra để thách thức thẩm quyền của Tòa: (1) Anh là bên thứ ba không thể thiếu trong tranh chấp và (2) chủ quyền của Maldives đối với quần đảo Chagos đang bị tranh chấp.

Do sự phản đối sơ bộ của Maldives, ITLOS đã thẩm vấn về tình trạng pháp lý của Quần đảo Chagos, nơi Anh tuyên bố chủ quyền với tên gọi Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh (BIOT). Dựa trên những quyết định pháp lý quốc tế trước đây (phán quyết của trọng tài về Chagos, ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý Quốc tế năm 2019 về Chagos, và Nghị quyết 73/295 của Đại hội đồng Liên hợp quốc), ITLOS đã kết luận rằng rằng: (1) Anh không có “đủ lợi ích hợp pháp” với quần đảo Chagos và (2) Mauritius là "một bên liên quan của quá trình phân định ranh giới biển thuộc quần đảo Chagos trước cả khi quá trình phi thực dân hóa Mauritius hoàn thành".

Tóm tắt bối cảnh tranh chấp và quá trình xét xử

Trước khi Mauritius giành được độc lập từ Anh năm 1968, Anh đã tách quần đảo Chagos khỏi Mauritius vào năm 1965. Trong những năm tiếp theo, Anh đã cưỡng bức tái định cư hàng nghìn cư dân khỏi quần đảo. Anh cũng cho Mỹ thuê Diego Garcia, đảo lớn nhất của quần đảo, Mỹ thiết lập tại đây một căn cứ quân sự như một cơ sở chiến lược ở Ấn Độ Dương. Mauritius đã liên tục tranh chấp chủ quyền quần đảo Chagos với Anh, cho rằng họ bị cưỡng bức từ bỏ quần đảo và việc tách quần đảo khỏi thuộc địa cũ của Anh là vi phạm một số nghị quyết của Liên Hợp Quốc về phi thực dân hóa, bao gồm Nghị quyết 1514 (1960), trong đó cấm việc chia cắt các thuộc địa trước khi độc lập. Năm 2017, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã yêu cầu Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến tư vấn về hai câu hỏi liên quan đến hậu quả pháp lý của việc tách quần đảo Chagos khỏi Mauritius vào năm 1965.

Chiến dịch lâu dài của Mauritius đối đầu với Anh về tình trạng của quần đảo Chagos cuối cùng đã được ICJ giải quyết vào năm 2019. Trong một lời phê phán đáng kinh ngạc, tòa án đã đưa ra ý kiến của một cố vấn trong đó tuyên bố rằng yêu sách của Anh đối với quần đảo là bất hợp pháp và việc nước này giữ lại quần đảo đã dẫn đến sự thất bại trong việc phi thực dân hóa hoàn toàn. Một nghị quyết không ràng buộc của Đại hội đồng Liên hợp quốc sau đó, (được thông qua với đa số chưa từng có 116 thuận, 6 chống trong đó có Mỹ, Anh, Úc, và 56 quốc gia bỏ phiếu trắng trong đó có các nước phương Tây lớn như Pháp, Đức), đã thúc giục Anh rút "chính quyền thuộc địa" của mình khỏi quần đảo Chagos vô điều kiện trong vòng sáu tháng và trao trả nó cho Mauritius vào cuối năm 2019. 

Năm 2021, ITLOS đã bổ sung xác nhận của riêng mình về chủ quyền của Mauritius đối với Quần đảo Chagos và chỉ trích Anh không tuân thủ nghị quyết năm 2019 của Liên hợp quốc 2.

II. Phản ứng của các nước lớn

1. Anh: bất chấp luật lệ quốc tế1

Kể từ tháng 10 năm 2020, bản đồ thế giới chính thức của Liên Hợp Quốc ghi rõ quần đảo Chagos là lãnh thổ của Mauritius. Bất chấp những quyết định pháp lý quốc tế và những điều chỉnh của thể chế này, Anh vẫn tiếp tục bày tỏ rằng họ “không nghi ngờ gì” về chủ quyền của mình đối với quần đảo Chagos và sẽ giữ vững “cam kết lâu dài, lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1965, sẽ nhượng lại chủ quyền lãnh thổ cho Mauritius khi nó không còn được sử dụng cho mục đích quốc phòng”.

2. Sức mạnh hành động gương mẫu: Sự hiện diện của Mỹ ở Diego Garcia2

Việc Mỹ tuyên bố duy trì trật tự dựa trên luật lệ, không phù hợp với sự im lặng của họ về chủ quyền của Mauritian ở Chagos.

Trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào đầu tháng Hai, Tổng thống Joe Biden đã ủng hộ chế độ pháp quyền như một phần của “lợi thế vĩnh cửu của Mỹ” và tầm nhìn của ông về một quốc gia dẫn đầu “không chỉ bằng tấm gương về sức mạnh của chúng ta mà còn bằng sức mạnh hành động gương mẫu của chúng ta” *1. Trong quá trình cạnh tranh với Bắc Kinh, Mỹ đã cố gắng hết sức để thu hút sự chú ý của dư luận tới việc Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế và Mỹ thể hiện mình là người đấu tranh cho trật tự dựa trên luật lệ trong khi dễ dàng bỏ qua việc áp dụng luật lệ đối với sự hiện diện của quân đội Mỹ trên Diego Garcia.

Diego Garcia đã là một căn cứ tối quan trọng trong cuộc viễn chinh của Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Đến nay nó vẫn là một căn cứ quân sự vô giá trong một khu vực có ít căn cứ thường trú của Mỹ. Nhưng các luật lệ và giá trị hiện đang là trung tâm của việc gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong khi Mỹ tuyên bố Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách đảo ngược trật tự dựa trên luật lệ, Mỹ cũng làm như vậy khi đối mặt với lời kêu gọi của Mauritius về việc khôi phục lãnh thổ của họ và việc gần như cả thế giới phản đối tuyên bố chủ quyền của Anh đối với quần đảo này.

Mỹ hiện tại không có ý định từ bỏ căn cứ chiến lược của mình ở Ấn Độ Dương, và chính phủ bảo thủ của Anh cũng không sẵn sàng từ bỏ các tuyên bố chủ quyền đối với thuộc địa này. Cả hai đều lo sợ những hậu quả tiềm ẩn của việc nhường quyền kiểm soát [Diego Garcia], họ sẽ phải chịu sự thay đổi thất thường của nước chủ nhà, chủ nhà có thể đuổi họ khỏi chiếc tàu sân bay không thể bị đánh chìm này. Phải thừa nhận rằng, việc trao trả lại quần đảo sẽ gây ra rủi ro. Một chính phủ Mauritius trong tương lai có thể ít chào đón Mỹ hơn và có thể thu hồi hợp đồng cho thuê. Mỹ cũng có thể buộc phải đàm phán lại để đạt được những lợi ích mà họ đang được hưởng.

Luật pháp đứng về phía Mauritius, như đã nêu trên, dù vậy Chính phủ Mauritius vẫn tìm cách xóa bỏ những lo ngại của Mỹ qua hai lần đề nghị cho Mỹ thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm, nếu quốc gia này giành lại quyền kiểm soát đối với quần đảo. Đại sứ Mauritius tại Liên Hợp Quốc nói rõ ủng hộ Mỹ tiếp tục hiện diện tại Diego Garcia, cũng như ảnh hưởng của Mỹ đến sự ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương. Thủ tướng Mauritius đưa ra những đảm bảo của riêng mình rằng “Sự kết thúc quyền cai quản của Anh không có liên quan đến căn cứ quân sự Mỹ tại Diego Garcia, Mauritius cam kết vẫn tiếp tục duy trì”. Mauritius đã đề xuất cho cả Mỹ và Anh một cách để khẳng định cam kết của họ đối với luật lệ thay vì bỏ qua chúng, trong khi vẫn duy trì quyền tiếp cận quân sự tại một địa điểm quan trọng trong thế kỷ tới.

Do đó, chính quyền Biden có cơ hội để tháo gỡ xung đột giữa lợi ích chiến lược quan trọng và tuyên bố ủng hộ một trật tự dựa trên luật lệ. Với sự tham vấn của London, Washington nên nhanh chóng hành động, tuyên bố ủng hộ việc chuyển Quần đảo Chagos cho Port Louis [thủ đô của Mauritius] kiểm soát, chấp nhận hợp đồng thuê 99 năm được đề nghị và ký một thỏa thuận quốc phòng với một đối tác dân chủ bình đẳng theo luật lệ. Thực tế là phe đối lập chính trị ở Anh đã thông báo ý định tuân thủ Nghị quyết của Liên Hợp Quốc một cách sớm nhất có thể. Với việc dư luận quốc tế ngày càng phản đối việc Anh tiếp tục kiểm soát quần đảo, việc trao trả Chagos của Anh không chỉ đúng đắn về đạo đức mà còn đúng về chiến lược.

Tiếp tục thực hiện thỏa thuận hiện tại [giữa Anh và Mỹ] khiến Anh và Mỹ phải hứng chịu những lời chỉ trích về hành vi đạo đức giả trong cách tiếp cận luật pháp quốc tế của họ. Việc Luân Đôn từ chối tuân thủ phán quyết ITLOS có thể được ví như việc Bắc Kinh từ chối phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông, vì cả hai cơ quan pháp lý này đều được triệu tập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Chỉ với sự thiếu tự trọng đến vô sỉ, thì hai nước này mới có thể cáo buộc Bắc Kinh phá hoại trật tự dựa trên luật lệ trong khi họ thách thức Liên Hợp Quốc về chủ quyền của Mauritius. Tốt hơn hết hãy nắm bắt cơ hội này để thể hiện cam kết tuân thủ luật pháp, hơn là tiếp tục thách thức và bị cô lập về vấn đề nhân quyền.

Với việc yêu cầu Trung Quốc tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ, Mỹ và Anh đã thiết lập một khuôn cửa hoa mỹ nhưng nhỏ hẹp mà giờ đây chính họ phải bước qua.

Nỗ lực biện minh cho việc Anh tiếp tục kiểm soát quần đảo Chagos giống như phá hủy trật tự dựa trên luật lệ để cứu nó, và củng cố quan điểm của Trung Quốc về một thế giới, mà ở đó những nước yếu thế gánh chịu những gì họ phải gánh chịu.

Hành động quyết định của chính quyền Biden sẽ tạo điều kiện cho Diego Garcia trở về với Mauritius không chỉ đúng đắn về mặt đạo đức mà còn củng cố cam kết của Mỹ đối với luật pháp quốc tế và nhân quyền. Bằng cách cam kết thực hiện tiến trình này, Washington có thể tránh được tác động tiêu cực đến các lợi ích chiến lược của Mỹ, đồng thời củng cố trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

3. Úc: sự im lặng không thể biện minh3

Đảm bảo một cách tiếp cận nhất quán đối với “các luật lệ” sẽ khiến Trung Quốc khó phá vỡ chúng hơn rất nhiều.

Úc bảo vệ các trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có tính đến các lợi ích của chính nước Úc. Sách Trắng về Chính sách Đối ngoại năm 2017 của Úc nêu rõ: “Chúng tôi sẽ hành động trên nguyên tắc rằng Úc sẽ an toàn và thịnh vượng hơn trong một trật tự toàn cầu mà các luật lệ được đồng thuận thay vì chỉ dựa trên việc thể hiện quyền lực đơn phương”. Tuy nhiên, trong trường hợp phi thực dân hóa quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương, Úc dường như đã bỏ qua lợi ích của mình trong việc bảo vệ các quy tắc và luật lệ quản lý toàn cầu. Cụ thể, Úc và 5 quốc gia khác đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết (tháng 5/2019) của Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi phi thực dân hóa đối với quần đảo này, theo ý kiến tư vấn của ICJ: “Anh có nghĩa vụ chấm dứt chính quyền của mình tại quần đảo Chagos càng nhanh càng tốt”. Úc cũng im lặng trước phán quyết do ITLOS đưa ra với nội dung ủng hộ ý kiến tư vấn của ICJ trước đó. 

Quan điểm của Canberra làm suy yếu nỗ lực của chính họ trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế và hàm ý về “sự tương đương về đạo đức” *2 đáng lo ngại. Úc dường như ngầm tán thành việc các nước bạn bè của mình phớt lờ luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi các nước khác tôn trọng luật pháp quốc tế 5.

Vị thế của Úc trên trường quốc tế – một mục tiêu chiến lược của Úc – cũng sẽ thất bại như thất bại về mặt đạo đức. Điều này cung cấp thêm một cơ hội để Trung Quốc coi Úc là một người bảo vệ không chân thành và đạo đức giả đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Vậy, Canberra nên làm gì? Có nguy cơ là việc công khai kêu gọi phi thực dân hóa mà không có sự đồng ý của London sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ chính trị với Anh. Một phản ứng như vậy của Canberra cũng khó có thể làm thay đổi quan điểm của Anh nếu không có áp lực chính trị từ Mỹ.

Tuy nhiên, Canberra nên dẫn đầu một nỗ lực phối hợp thông qua các kênh chính thức để thuyết phục London rằng việc tuân thủ quan điểm và luật pháp quốc tế là lợi ích của Anh và các đồng minh. Cùng với việc theo đuổi thảo luận song phương này với Anh, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng nhóm Ngũ Nhãn cung cấp cho Canberra một cơ chế mạnh mẽ để nêu lên vấn đề.

Để thuyết phục một nước Anh không sẵn lòng, Úc cũng có thể tìm cách phối hợp với các thành viên khác để trấn an rằng nhóm sẽ sử dụng các nguồn lực kinh tế và ngoại giao tập thể để khuyến khích Mauritius tiếp tục duy trì các thỏa thuận hiện diện quân sự tại Diego Garcia, điều mà Mauritius cũng sẵn sàng tiếp tục.

Một khi sử dụng luật pháp và các quy định áp dụng toàn cầu làm tiêu chuẩn mà qua đó Úc đánh giá hành vi của các quốc gia khác, Canberra không thể biện minh về mặt đạo đức cho việc áp dụng các ngoại lệ cho bạn bè của mình. Và việc áp dụng một tiêu chuẩn kép như vậy làm suy yếu nỗ lực của Úc yêu cầu Trung Quốc và các quốc gia khác tuân theo các tiêu chuẩn này.

4. Ấn Độ: tiến thoái lưỡng nan 4

Hệ lụy của việc Trung Quốc trỗi dậy và những thách thức mới đối với chủ quyền của Anh ở Diego Garcia trên Ấn Độ Dương là những yếu tố quan trọng khiến London muốn tăng cường mối quan hệ với New Delhi.

Và điều đáng lo ngại không kém đối với nước Anh là tương lai của Diego Garcia (Anh lo lắng về lãnh thổ này là do vào năm 2019, ICJ đã phán quyết rằng việc Anh chiếm hữu nó là bất hợp pháp), đảo san hô tối quan trọng của Lãnh thổ Anh tại Ấn Độ Dương (BIOT). Đảo này được cho Mỹ thuê từ năm 1965 như một căn cứ quân sự và là nơi Mỹ có các tài sản hải ngoại quan trọng nhất – và bí mật nhất – ở Ấn Độ Dương. Anh cũng chia sẻ các cơ sở quân sự tại đây.

Ấn Độ nằm trong số 116 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ việc khôi phục chủ quyền của Mauritian. Việc bỏ phiếu ủng hộ này thể hiện tính liên tục trong quan điểm truyền thống của Ấn Độ về phi thực dân hóa cũng như mối quan hệ thân tình về mặt lịch sử với Mauritius, nơi cộng đồng kiều dân Ấn Độ có vị trí lãnh đạo trong chính thể và nền kinh tế của nước này, với người gốc Ấn Độ nhiều lần chiếm giữ các chức vụ Tổng thống và Thủ tướng.

Nhưng vì cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp quốc về Diego Garcia là "không bắt buộc" đối với Anh. Và điều đó tạo ra phạm vi để kéo dài hiện trạng và vai trò trung gian của Ấn Độ đối với Anh (và Mỹ như một bên liên quan) và Mauritius. London và Washington muốn New Delhi sử dụng ảnh hưởng của mình tác động Port Louis.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Diego Garcia có vì lợi ích chung của Anh, Mỹ và Ấn Độ không? London và Washington mong muốn New Delhi nhận ra rằng cả ba hiện đang ở trong cùng một “cấu trúc an ninh” và do đó, căn cứ này có lợi cho tất cả.

Đây chính là lập luận mà Boris Johnson, khi đó là Ngoại trưởng Anh, đã đưa ra với Thủ tướng Modi trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2017. Và đây cũng chính xác là lập luận mà ông ta sẽ lặp lại, lần này với tư cách là Thủ tướng Anh, khi ông gặp Modi, theo các nguồn tin ngoại giao.

Trong những năm Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đi đầu trong việc kêu gọi tuyên bố Ấn Độ Dương là 'Khu vực Hòa bình', không có mọi hình thức hiện diện quân sự của các cường quốc. Nhưng trong bối cảnh địa chính trị thay đổi trên thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh, các tuyên bố về khu vực hòa bình hầu như không còn trong từ điển ngoại giao của Ấn Độ.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và các dự định xâm lăng của nước này đã khiến không chỉ Ấn Độ mà còn các nước hàng đầu khác trong Khu vực Ấn Độ Dương như Úc, Singapore, Ả Rập Xê-út, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đánh giá cao vai trò ổn định nhờ sự hiện diện của Mỹ ở Diego Garcia.

Bên cạnh đó, liên minh chiến lược giữa Ấn Độ và Mỹ đã có một bước nhảy vọt trong những năm gần đây. Điều này bao gồm hợp tác chung, tuần tra và các cuộc tập trận quân sự. Các đối tác Bộ Tứ QUAD khác cũng đang tham gia vào những nỗ lực này. Pháp và Anh cũng mong muốn hợp tác và liên kết với Ấn Độ trong lĩnh vực an ninh. 

Ngày nay, một “Ấn Độ Dương ổn định” quan trọng hơn đối với lợi ích quốc gia của Ấn Độ, bao gồm các mục tiêu kinh tế, xét trên phương diện thực tế hơn là lập trường ý thức hệ của nước này. Và vì thế, sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực thông qua căn cứ Diego Garcia là rất quan trọng, đó chính là logic.

Có một sự thừa nhận rộng rãi rằng cơ sở quân sự chung của Anh và Mỹ ở Diego Garcia giữ cho các đồng minh và bạn bè của họ trong khu vực được an toàn và đảm bảo.

Vì vậy, Diego Garcia được các nhà phân tích mô tả là một “tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược” đối với Ấn Độ. Một mặt, đó là lịch sử và hệ tư tưởng. Mặt khác, đó là các lợi ích quốc gia thực tế cần được theo đuổi. Anh sẽ muốn Ấn chọn vế sau.

5. Trung Quốc: Tấn công là cách phòng thủ tốt nhất 3

Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hiện thực hóa “sự phục hồi tuyệt vời của Trung Hoa vĩ đại” không chỉ diễn ra trong các lĩnh vực công nghệ, kinh tế và quân sự. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng tìm kiếm “sức mạnh diễn ngôn”. Như nhà phân tích Elsa Kania mô tả:

“Trung Quốc đang hướng tới việc nâng cao năng lực quốc gia của mình để tác động đến các giá trị, quản trị toàn cầu, và thậm chí là các cuộc thảo luận hàng ngày trên trường quốc tế, mà Bắc Kinh tin rằng phải tương xứng với sức mạnh kinh tế và quân sự của họ.

Mặc dù sự thúc đẩy “sức mạnh diễn ngôn” này thường được tập trung vào việc sáng tác ra các câu chuyện về ĐCSTQ và Trung Quốc dưới ánh sáng tích cực, nhưng việc áp dụng một hình thức ngoại giao hiếu chiến gọi là “Chiến lang” cho thấy một quan điểm hiện đang được phổ biến rộng rãi tại Bắc Kinh: tấn công tốt là cách phòng thủ tốt nhất” 6.

Bắc Kinh không chỉ đơn giản là tung hô những điểm mạnh và thành tựu của Trung Quốc – họ còn tìm kiếm những hành động không hợp pháp của những quốc gia cản trở "lợi ích cốt lõi" của họ liên quan đến an ninh chế độ, ổn định nội bộ, tăng trưởng kinh tế, yêu sách lãnh thổ và lãnh hải, v.v. 

Nhất quán với kịch bản này, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm nổi bật những cáo buộc tội ác chiến tranh của Úc ở Afghanistan được coi là một cuộc phản công trực tiếp chống lại những quan ngại lâu nay của Úc về vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Zhao Lijian đã làm chính xác điều đó khi công bố báo cáo vào năm 2020 về các cáo buộc chống lại lực lượng đặc biệt Úc:

“Úc và một số quốc gia phương Tây khác luôn tự nhận mình là những người bảo vệ nhân quyền và cố ý chỉ trích các điều kiện nhân quyền của các quốc gia khác. Những sự thật được tiết lộ trong bản báo cáo này đã phơi bày toàn bộ sự giả hình về “nhân quyền” và “tự do” mà các nước phương Tây luôn hô hào”.

Cho dù chế nhạo việc cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ăn mừng những việc làm tồi tệ của CIA hay chế nhạo sự giám sát hàng loạt của NSA, Bắc Kinh đang thể hiện xu hướng càng ngày càng tấn công các kẻ thù và đối thủ của mình bằng cách nêu bật những vi phạm được phát hiện và các tiêu chuẩn kép”.

Điều này đưa chúng ta trở lại vấn đề phi thực dân hóa quần đảo Chagos. Mỹ, Anh và Úc đã mở đường cho Trung Quốc, trong tương lai, san bằng mọi phản đối bằng “thủ pháp đánh trống lảng”*3 mỗi khi Phương Tây kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng bất kỳ vấn đề nào của luật pháp quốc tế, dù ở Tân Cương hay Biển Đông./.

---

Chú giải của người dịch:

*1 Đây là lời phát biểu của Tổng thống Mỹ Biden tại lễ nhậm chức ngày 20/01/2021 và nhắc lại khi phát biểu tại Bộ Ngoại giao vào tháng 2/2021 nguyên văn: “not just by the example of our power but by the power of our example”.

*2 Nguyên văn: moral equivalence = Sự Tương đương về đạo đức là một thuật ngữ được sử dụng trong tranh luận chính trị, thường để phủ nhận rằng sự so sánh đạo đức có thể được thực hiện từ hai bên trong một cuộc xung đột, hoặc trong các hành động hoặc chiến thuật của hai bên.

*3 Nguyên văn: whataboutism = kỹ thuật trả lời một lời buộc tội bằng cách nêu ra một vấn đề khác.

N. T. A. dịch

Nguồn tài liệu

1. International: International Tribunal for the Law of the Sea Confirms Sovereignty of Mauritius over Chagos Archipelago. Elizabeth Boomer February 23, 2021 Library of Congress

https://www.loc.gov/law/foreign-news/article/international-international-tribunal-for-the-law-of-the-sea-confirms-sovereignty-of-mauritius-over-chagos-archipelago/

2. The power of example: America’s presence in Diego Garcia. Blake Herzinger - 15 Feb 2021 – The Interpreter. 

https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/power-example-american-presence-diego-garcia

3. Australia’s silence on Chagos dispute doesn’t help. BENJAMIN HERSCOVITCH 25 Feb 2021

https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/australia-s-silence-chagos-dispute-doesnt-help

4. How India’s Help on Diego Garcia Will Make British PM Boris Johnson Grateful To Narendra Modi? By Prakash Nanda January 27, 2021 The Eur Asian Times

https://eurasiantimes.com/how-indias-help-on-diego-garcia-will-make-british-pm-boris-johnson-grateful-to-narendra-modi/

5. Australia’s stance on Diego Garcia dispute is increasingly untenable. DAVID BREWSTER 11 Dec 2019

https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/australias-stance-diego-garcia-dispute-increasingly-untenable

6. The Right to Speak: Discourse and Chinese Power. Elsa Kania Nov 27, 2018. https://www.ccpwatch.org/single-post/2018/11/27/The-Right-to-Speak-Discourse-and-Chinese-Power

Người dịch gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.