Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

Những khoảnh khắc kỳ lạ (Phần 4)

 

Những khoảnh khắc kỳ lạ (Phần 4)

Tạ Duy Anh

3-3-2021

Tiếp theo Phần 1 – Phần 2 và Phần 3

4- BỊ BIẾN THÀNH “NGƯỜI KHÁC”

Truyện ngắn “Người khác” của tôi in lần đầu trên số Tết Nhâm Ngọ, báo Gia đình và xã hội. Báo ra buổi sáng, thì buổi chiều đã rộ lên tin đồn nội dung của nó ám chỉ “không thể rõ ràng hơn” nhằm bôi nhọ một ông lãnh đạo tối cao. Hôm sau thì nhiều ban ngành ở trung ương trong tình trạng như vừa xảy ra “đảo chính”.

Lập tức có đề nghị phải xử lý hình sự tác giả, vì tội “láo xược”. Tôi nghe một anh bạn thân với giới an ninh kể lại, trong lòng tuyệt đối không hề bợn lên chút sợ hãi, mà chỉ muốn ôm bụng cười.Một câu chuyện khôi hài có lẽ chỉ xảy ra ở nước ta.

Nguyên do là thế này. Trước đó tôi có một truyện thiếu nhi được Ban soạn thảo đưa vào giảng dậy chính thức ở trường phổ thông, sách ngữ văn lớp sáu, chương trình cải cách. Để phục vụ mục đích giảng dạy, Bộ giáo dục chủ trương làm bộ ảnh chân dung cỡ lớn một số tác giả có tác phẩm trong sách giáo khoa, kèm theo tiểu sử in riêng ở một tờ áp-phích. Lần ấy có Tố Hữu, Đoàn Giỏi, Nguyễn Tuân, Trần Đăng Khoa, Đích-ken, A. Đô-đê… và tôi, tổng cộng khoảng chục người. Ảnh thì có người của Bộ đến tận nhà chụp. Tiểu sử tóm tắt tác giả do một ông tiến sỹ viết, kèm theo ít tác phẩm.

Vì cẩn thận nên sau khi có bản in mẫu, những người thực hiện bèn đến tận nhà đưa cho tôi kiểm tra giúp lần cuối xem có sai sót gì không. Chính vì thế mà tôi phát hiện ra họ ghi sai tên thật của tôi. Tên thật của tôi là Tạ Viết Đãng, thì trong phần tiểu sử ghi là Tạ Viết Dũng, do họ lấy theo Kỷ yếu Hội nhà văn. Tôi bèn lấy bút sửa lại, coi đó như cơ hội đính chính tên mình. Người của Bộ giáo dục rối rít cảm ơn tôi, bảo nếu không có tôi thì họ lại làm sai lần nữa theo quyển Kỷ yếu.

Nhưng chỉ vài hôm sau chính ông ấy quay lại, lần này mặt phiền muộn bảo với tôi: “Chúng tôi nghĩ kỹ rồi, anh đành mang tên thật là Dũng thôi”.

Tôi hỏi: “Sao lại kỳ thế?”

Ông ta giải thích: “Kỷ yếu của Hội nhà văn in là Dũng, mọi người đều nghĩ tên anh là Dũng, nay nếu chúng tôi sửa thành Đãng, thì họ không nghĩ Hội nhà văn sai, mà nghĩ chúng tôi làm ẩu, quan liêu, tắc trách, chỉ có việc chép lại cái tên cũng không xong. Chắc chắn họ sẽ nghĩ như vậy mà chúng tôi thì không biết làm sao để có thể thanh minh được”.

Tôi nghe xong thì muốn cười phá lên. Tôi bảo lại bằng giọng vui đùa: “Thế chả lẽ tôi không được mang chính cái tên bố mẹ đặt cho, mà phải mang tên của người khác ư”.

Ông của Bộ Giáo dục bảo: “Chính chúng tôi cũng thấy buồn cười nhưng không có cách nào, đành thế vậy, anh đành tạm là người khác vậy”.

Cuối cùng, nghĩ mãi, tôi đưa cho họ một giải pháp là không cần ghi tên thật, chỉ ghi bút danh thôi. Họ chấp nhận như một lối thoát khả dĩ nhất. Thế là trong tư liệu Bộ giáo dục dùng làm giáo cụ trực quan gửi cho tất cả các trường Trung học cơ sở, tôi chỉ có tên Tạ Duy Anh.

Khi ông của Bộ Giáo dục về rồi, tôi cứ ngẫm mãi về chuyện đó, vừa buồn cười vừa bực mình. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc, tôi nảy ra tứ truyện với cái tên Người khác. Tôi ngồi ngay xuống bàn và cứ như thể chép ra một chuyện mà mình thuộc lầu trong đầu. Khi chép lại và so với bản in sau này, hầu như tôi không sửa chữa, thêm thắt cắt xén gì mấy.

“Có một người đàn ông, vì sự lầm lẫn của đám đông mà vô tình trở thành người có lý lịch và gốc gác hoàn toàn khác, khác rất xa so với nguồn gốc xuất thân của anh ta. Lúc đầu anh ta chỉ nghĩ đó như một sự cố. Nhưng sống dưới cái lý lịch của người khác (do đám đông tưởng tượng ra rồi gán cho), anh ta được hưởng biết bao nhiêu quyền lợi, danh tiếng cùng với sự trọng vọng. Anh ta nhanh chóng trở thành người của công chúng, thần tượng của hàng triệu người trẻ tuổi với hàng loạt việc làm phi thường cũng do đám đông tưởng tượng ra rồi gán cho anh ta.

Sau đó anh ta thấy mình là chính NGƯỜI KHÁC ấy từ khi nào không biết. Mọi chuyện cứ thế cuốn anh ta ngày một xa gốc gác thật của mình. Anh ta cũng định thây kệ sự nhầm lẫn của thiên hạ, coi như một thứ lộc trời ban.Nhưng rồi một sự việc xảy ra khiến lương tâm anh ta bị phán xét nghiêm khắc. Anh ta quyết định viết cuốn hồi ký, kể lại toàn bộ sự thật, rằng bố anh ta chẳng phải là ông tai to mặt lớn nào cả, mà chỉ là ông dân cày. Bản thân anh ta cũng chẳng có tí tài cán nào như mọi người vẫn nghĩ. Rằng phải sống dưới cái vỏ bọc NGƯỜI KHÁC khiến ạnh ta chả ngày nào được sống thực sự…

Viết xong anh ta quyết định đem đến một nhà xuất bản có tay giám đốc là chỗ quen biết. Ông giám đốc đón tiếp anh ta, thần tượng của công chúng, một cách vô cùng nồng hậu.

Ông đưa ngay ra dự định sẽ in số lượng cực lớn, làm truyền thông rầm rộ để quảng bá.

Nhưng sau khi mang về đọc và biết nội dung là bản thú nhận về nguồn gốc thật của tác giả, thì tay giám đốc không dám in, vì không thể trở thành kẻ đồng phạm làm sụp đổ trước mắt đám đông một thần tượng lớn. Ông giám đốc van xin anh ta tha cho ông, sau khi nói rõ sự tình như vậy. Rằng ông ta không muốn bị nguyền rủa hoặc ăn trứng thối vì đã bôi nhọ thần tượng của hàng triệu người. Đám đông sẽ không tha cho ông ta. Nghe xong, anh ta cố vật nài ông giám đốc cho anh ta một cơ hội để về lại với chính bản thân mình.

Nhưng ông giám đốc vẫn chỉ một mực van xin. Cuối cùng anh ta lên cơn khùng điên đấm ông giám đốc tới tấp, khiến ông ngã xuống sàn nhà, máu me tung tóe. Anh ta nói ra miệng là anh ta sẽ đi tự tử. Nghe thấy thế, dù đầu óc đang quay cuồng vì những cú đấm trời giáng, ông giám đốc vẫn cố vùng dậy ôm ghì lấy chân anh ta, tiếp tục van xin anh ta đừng chết.

Anh ta điên tiết quát lên: “Bố mày thích chết chả lẽ cũng không được?” Ông giám đốc cố nghển cổ lên nói: “Không được”. Rồi mới gục xuống.

Kết truyện nhân vật đành tiếp tục nghiêm trang trong vai diễn và anh ta cảm thấy như mang theo một nghiệt án” (Lúc đầu tôi định đặt tên truyện là Nghiệt án).

Đại loại truyện có nội dung như vậy. Những gì tôi gán ghép cho nhân vật phải mang thân phận người khác phần lớn lấy từ chính bản thân tôi. Khi viết tôi chỉ nghĩ đến mình, nhất là tình tiết tôi nhập học muộn và bị mọi người thêu dệt là con ông lớn. Những hành động của nhân vật cũng chủ yếu lấy từ chính những việc tôi làm trong thời gian học Trung cấp kỹ thuật ở Hòa Bình.

Nói tóm lại, truyện ngắn Người khác là hình thức tôi tự nhạo chính mình. Thế mà tôi lại bị quy là viết truyện ám chỉ một lãnh đạo cỡ bự. Nhân vật của tôi có lý lịch giống tới 90% ông bự kia-như lời một cán bộ ngành an ninh-nhất là chi tiết bị đồn là con cụ lớn, rồi cũng lên rừng phát nương trồng sắn. Chệch vào đâu được, vì nhân vật cỡ bự kia xuất thân từ nghề lâm nghiệp…!

Tổng biên tập báo là nhà thơ Trần Quang Quý, có tên trong đoàn đi thăm quan Hoa Kỳ với tôi theo lời mời của Bộ ngoại giao Mỹ, nửa đêm gọi cho tôi, giọng lo lắng cứ hỏi xem khi viết tôi có nghĩ tí gì đến nhân vật bự kia không. Tôi bật cười bảo tôi còn không coi ông ta có mặt trên đời, nếu có nghĩ thì chỉ nghĩ đến đàn bà thôi. Ông tổng biên tập sau đó bỏ chuyến đi Hoa Kỳ theo lời khuyên của lãnh đạo Bộ, để ở nhà lo giải quyết vụ việc.

Một buổi sáng, sau khi truyện Người khác gây ầm ĩ khoảng hơn chục ngày, tôi đang ngồi viết thì có chuông điện thoại. Tôi nhấc máy, nghe rõ tiếng đầu dây bên kia là nhà văn Vũ Hữu Sự, cứ rối rít hỏi đi hỏi lại: “Có phải tiên sinh đấy không?”

Tôi trả lời đến lần thứ ba là chính tôi đây, Vũ Hữu Sự vẫn hỏi thêm: “Nhưng tiên sinh đang ở nhà đấy chứ” khiến tôi bật cười.

Bấy giờ Sự mới thở trút ra: “Vậy thì tôi yên tâm rồi. Tôi vừa ngồi ở báo Đại đoàn kết, nghe ông TBH bảo công an đã bắt TDA sáng nay. Tôi cãi là sáng nay tôi còn thấy ông ấy đưa con đi học. TBH một mực khẳng định là tiên sinh chính thức bị bắt rồi, còn nói rõ họ chở đi bằng xe ba-đờ-sốc. Tôi vội phóng về nhà và gọi hỏi xem thực hư thế nào”.

Tôi nghe Sự nói vậy thì cười phá lên. Nhưng sau đó là một nỗi buồn mênh mông…

Ôi cái kiếp nghệ sỹ ở xứ này? Mãi sau này tôi mới biết không phải vô cớ mà ông TBH lại nói thế với Vũ Hữu Sự. Ông ta có thông tin về việc đó từ trước. Mọi chuyện chỉ dừng lại, khi một ông lớn, sau này chính là “ông to thứ mười lăm đất nước” như cách diễn đạt của ngài đại tá an ninh mà tôi có nói đến ở kỳ trước, đã gạt đề nghị “vớ vẩn” kia đi, với lập luận: “Cứ đọc theo lối suy diễn thế thì còn gọi gì là sáng tác văn học”.

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.