Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp: Bài 2

 

Bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp: Bài 2

Chu Mộng Long

5-3-2021

Tiếp theo bài 1

Bài 2: Chương trình và tài liệu dạy học

Từ năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hàng loạt các Quyết định ban hành Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Theo đó, các trường sư phạm được giao trách nhiệm thực hiện, chỉ trong một thời gian cực ngắn. Cuối tháng 6 họp triển khai, đến tháng 9 thì chào hàng, tuyển sinh và mở lớp.

Mỗi Chương trình cho các hạng có 3 phần: 1) Kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung (từ 4 đến 5 học phần, tổng 60 tiết); 2) Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp (từ 7 đến 8 học phần, tổng 132 tiết); 3) Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch (từ 2 đến 3 học phần, tổng 44 tiết).

Chương trình các hạng cao thấp chỉ khác nhau ở một số học phần. Đa số là biến báo cho có vẻ khác hạng, khác cấp học.

Trong cuộc họp triển khai thực hiện, khi nhìn vào chương trình, tôi phát biểu:

1) Các khổi kiến thức được đưa ra trong văn bản của Bộ, riêng phần 1 với nội dung tổ chức bộ máy nhà nước, luật giáo dục… rất cũ kỹ, ai cũng có thể tìm hiểu được chứ không cần phải dạy; phần 2 cũng chủ yếu là cũ kỹ vì các vấn đề tâm lý – xã hội, quyền trẻ em, đạo đức nghề nghiệp, sáng kiến kinh nghiệm… lẽ nào các giáo viên chưa từng học ở đại học hay cao đẳng và chưa từng làm khi dạy học? Một số vấn đề có vẻ mới của giáo dục hiện đại như dạy học phát triển năng lực thì ai đủ trình độ để viết tài liệu và đứng lớp khi tôi biết chắc đa số giảng viên lâu nay chỉ biết dạy nhồi nhét kiến thức?

2) Phần 3 tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch thì thừa và rất chiếu lệ. Tìm hiểu thực tế gì nữa khi đây là chương trình bồi dưỡng cho chính giáo viên đang dạy học, lẽ nào họ chưa biết thực tế dạy học là gì? Còn viết thu hoạch thì chẳng khác gì mấy trò học chính trị trên hội trường, bài thu hoạch cứ chép lẫn nhau là xong?

Một chương trình như vậy, liệu có hơn chương trình đào tạo đại học, cao đẳng sư phạm mà giáo viên đã từng học không? Mỗi học phần lên lớp từ 8 đến 12 tiết thì dạy kiểu gì? Nói về thực tế, thì chắc gì giảng viên đại học, cao đẳng có kinh nghiệm thực tế so với giáo viên phổ thông? Một chứng chỉ nhìn chung chẳng nâng cao hơn về nghề nghiệp người ta đã từng được đào tạo thì sao có thể gọi là tương ứng với chức danh nghề nghiệp hạng này hạng kia? Lẽ nào chương trình đào tạo đại học, cao đẳng lâu nay, kể cả kinh nghiệm dạy học nhiều năm của cá nhân mỗi giáo viên đang nằm ở hạng bét bây giờ cần phải giữ hạng bét hay nâng hạng cao hơn?

Bài trước, tôi nói tôi từ chối tham gia giữa cuộc họp, vì trong tất cả các chương trình ở các hạng, không có nội dung nào thuộc chuyên môn của tôi. Nhưng người chủ trì cuộc họp bảo, tất cả các giảng viên đều có trách nhiệm nghiên cứu và tham gia giảng dạy.

Tôi nói thẳng, một là, luật chỉ quy định tôi dạy đúng chuyên môn tôi được đào tạo; hai là, vì không đúng chuyên môn, cho nên tôi nghiên cứu được thì giáo viên đã có trình độ cao đẳng hay đại học cũng có thể nghiên cứu được mà không cần tôi phải dạy họ; ba là, muốn nghiên cứu để đứng lớp được thì phải có thời gian đầu tư, không thể vài ba tháng ăn xổi được một hệ thống kiến thức dù chỉ một học phần!

Người chủ trì không cãi nhưng bảo lệnh trên thì phải chấp hành, không cần chuyên môn sâu; cũng không cần mất thời gian, vì tài liệu Bộ đã giao cho Trường Đại học sư phạm Hà Nội viết, cứ theo đó mà dạy. Tôi thốt lên, giời ạ, lâu nay, giáo trình do chính tay tôi soạn tôi dạy chứ không thể dạy giáo trình do ai đó soạn sẵn, trừ kẻ ngu dốt hay thiếu tự trọng cứ bê giáo trình của người khác lên lớp đọc chép.

Kết quả, trừ tôi, không ai có ý kiến gì ngoài sự sung sướng được giao nhiệm vụ kiếm tiền khi hệ tại chức đang ngày một ít đi hoặc bị đứt hẳn ở nhiều ngành. Tôi chỉ xin nhà trường, rằng trách nhiệm thì tôi phải chấp hành, nhưng cho tôi được tham gia phần dạy học phát triển năng lực, điều mà lâu nay tôi đã nghiên cứu, và xin không dùng tài liệu viết sẵn của các tác giả Trường Đại học sư phạm Hà Nội.

Tôi không tin ai, trừ tin vào tri thức của chính mình, những nỗ lực đầu tư của tôi có thể giúp gì cho các giáo viên phổ thông chứ không phải vì tiền. Có điều, trừ một vài nội dung được đầu tư như tôi, giáo viên phải bị hành hạ trong một mớ những thứ chẳng có ích gì đến nghề nghiệp của họ để lấy cái chứng chỉ hành nghề. Phải chăng người ta đã bóp méo chữ “hành” thành “hành hạ”?

___

Chú thêm: Sau đó, tôi có mượn các giáo trình của Trường Đại học sư phạm Hà Nội ban hành. Tôi đọc qua và tá hoả khi họ biên soạn vội vàng, ẩu tả, cũ kỹ và nhiều sai sót nghiêm trọng. Khi nào có thời gian, tôi sẽ phơi trần những trang giáo trình ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.