Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Vụ án Hồ Duy Hải và vụ án Dreyfus

Vụ án Hồ Duy Hải và vụ án Dreyfus

Đặng Đình Cung
Kỹ sư tư vấn
Ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Bưu cục Cầu Voi, tỉnh Long An, hai nữ nhân viên bưu điện bị cắt cổ chết. Một tháng sau, công an bắt một nghi phạm tên là Hồ Duy Hải. 
Trong bản khai đầu tiên thì ông này nhận tội[1]. Nhưng ở phiên tòa sơ thẩm thì ông kêu oan và cho tới nay ông vẫn liên tục kêu oan[2]. Mặc dù luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều nhiều bằng chứng cơ quan tố tụng đã rút bớt hoặc không đưa vào kết luận điều tra, cáo trạng những bằng chứng, hồ sơ có lợi cho ông[3], ông vẫn bị tòa án Long An tuyên án tử hình. Tất cả các cấp xét xử tiếp theo đều xác nhận tội trạng của ông Hồ Duy Hải và y án tử hình.
Với tư duy "Cứ giết đi. Trời sẽ nhận ra ai thiện ai ác" của thời Trung Cổ, hai phụ nữ bị giết thì bắt buộc phải có một phạm nhân để tế thần[4]. Vô phúc cho ông Hồ Duy Hải, ông là người xấu số đó.
Ngày 15 tháng 6 năm 2020, sau giám đốc thẩm vụ án, chánh án Nguyễn Hòa Bình giảng nghĩa ở Quốc hội tại sao phải giữ nguyên án tử hình ông Hồ Duy Hải[5].
Vị này tập trung cả ba quyền lực xác định trong Hiến pháp: ông là tướng công an (hành pháp), thẩm phán (tư pháp) và đại biểu Quốc hội (lập pháp). Đó là chưa kể ông cũng làm Bí thư Trung ương ĐCSVN. Điều này không có gì lạ vì ở nước ta không có tam quyền phân lập. Khi ông phát biểu ở Quốc hội thì có thể tưởng rằng thiếu tướng Nguyễn Hòa Bình được Quốc hội triệu tập để điều trần về vụ án Hồ Duy Hải như một việc tầm thường ở các quốc gia dân chủ khác. Nhưng không, ông là dân biểu Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của các đồng nghiệp dân biểu Quốc hội khác. Thực ra thì nội dung phát biều của ông là phân bua của chánh án Nguyễn Hòa Bình.
Ông Nguyễn Hòa Bình nêu trong số lý do để kết án tử hình ông Hồ Duy Hải là ông này đã nhận tội đến 25 lần.
Dù con số này có đúng hay không thì nhận tội chỉ là một yếu tố hướng dẫn để CSĐT điều tra sâu rộng hơn chứ không phải là một bằng chứng cụ thể để kết tội. Ở nhiều nước dân chủ người ta không coi lời nhận tội là một bằng chứng để kết tội vì nếu làm thế thì nạn bức cung sẽ duy trì với những bạo hành quá đáng của nó. Ở bên Mỹ, người ta dùng lời thú tội để thương lượng với nghi can về khả năng được giảm tội đổi với mức độ cộng tác của nghi can trong điều tra về tội nhân khác. Nhưng khi bắt một người nào để tra hỏi thì điều tra viên phải nói với nghi can những quyền lợi pháp lý của người đó gọi là "Miranda warning"[6].
Nhưng ở nước ta thì cảnh sát điều tra có nhiều phương pháp khủng khiếp để bức cung, từ dọa nạt, dụ dỗ, đánh đập đến tra tấn tới chết. Hình ảnh một nhà báo nổi tiếng bị đánh què chân hay hình ảnh những vết thương của một số người đối lập chính trị sau khi "làm việc" với công an cho thấy những trường hợp tra tấn là có thực ở Việt Nam chứ không phải là tin đồn nhảm (fake new)[7]. Báo trong nước của chính phủ im lỉm về những chuyện này. Khi không thể che giấu được nữa thì Bộ Công an tuyên bố nghi phạm tự gây thương tích hay tự sát[8]. Nhiều người dân thường chỉ nghĩ đến vào đồn công an để làm một thủ tục hành chính là đã run lẩy bẩy. Huống chi một thanh niên, khi bị bắt mới 23 tuổi, bị còng tay, xô đẩy và la mắng như ông Hồ Duy Hải. Không cần phải tra tấn, chỉ cần hét một tiếng là một nghi can có tinh thần yếu ớt sẽ khai tất cả những gì điều tra viên muốn người đó khai.
Ông Nguyễn Hòa Binh cũng nói rằng vụ án này đã qua bao nhiêu cấp xét xử và mỗi cấp đều kết luận rằng ông Hồ Duy Hải có tội.
Theo ông Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ Thực hành Quyền Công tố và Kiểm soát Xét xử Án Hình sự, thì quá trình điều tra vụ án Hồ Duy Hải đã để xảy ra một số sai sót, nhiều tình tiết mâu thuẫn, đến nay vẫn chưa được làm rõ một cách triệt để, thuyết phục[9]. Đâu cần phải có nhiều cấp kiểm tra thì mới loại bỏ được những sai sót. Nếu cảnh sát điều tra có kỹ năng nghiệp vụ và lương tâm nghề nghiệp thì đã điều tra kỹ và đã không có sai sót về chứng cứ khi khởi tố. Nếu thẩm phán tòa sơ thẩm có kỹ năng nghiệp vụ và lương tâm nghề nghiệp thì đã nghiên cứu kỹ cáo trạng và đã phát hiện những sai sót còn lại của cảnh sát điều tra. Nếu có hai điều kiện đó thì ông Hồ Duy Hải đã được trắng án ngay từ phiên xử sơ thẩm năm 2008 rồi[10]. Chẳng lẽ mấy cấp xét xử trước đã kết tội thì các thẩm phán giám đốc thẩm bắt buộc phải y theo hay sao?
Công an Long An tuyên bố sẽ xử lý cán bộ điều tra vụ án đã có những sai sót trong khi điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ[11].
Những người này chỉ là một phần nhỏ của vụ án. Cả cơ quan điều tra, tòa sơ thẩm lẫn tòa phúc thẩm đều liên quan đến vụ án. Tại sao mà hồ sơ có sai sót rõ rệt như vậy mà các vị vẫn kết tội người ta? Các vị hưởng lợi gì khi làm như vậy? Phạm nhân thực là ai và hưởng lợi gì? Những người đã giúp phạm nhân đó chốn tội là ai và hưởng lợi gì?
Khi chính quyền nói về xử lý thì chỉ có nghĩa là xử phạt hành chính hay khởi tố hình sự. Làm như vậy là cần thiết nhưng chưa đủ. Trong ngành quản lý chất lượng thì xử lý có nghĩa là tìm hiểu tại sao lại có tình trạng không có chất lượng (non quality state) để sửa chữa và cải thiện quy trình. Trong một vụ án Hồ Duy Hải thì quy trình là điều tra - tố tụng - kết án và tình trạng không có chất lượng là một người đã bị xử oan. Như viết ở trên, nếu tất cả mỗi người tham gia xử lý vụ án này có kỹ năng nghiệp vụ và lương tâm nghề nghiệp thì án oan có thể không xẩy ra. Trong số những người này thì có ít nhất một người không có một hay cả hai đặc tính đó và cần được xử lý (đào tạo lại, chuyển sang công tác khác hay xa thải). Đó mới là những việc phải làm để cho công lý mỗi ngày mỗi hoàn thiện.
Vụ án này gợi lại một vụ án Pháp khét tiếng diễn ra vào cuối thế kỷ XIX: vụ án Dreyfus (affaire Dreyfus)[12].
Sở phản gián quân đội Pháp nhận thấy có tài liệu mật được chuyền sang tòa đại sứ Đức. Đây là một vụ việc rất nghiêm trọng vì từ năm 1871 Đức đã tước tỉnh Alsace và một phần tỉnh Lorraine của Pháp trở thành tử thù của nước này. Ngày 15 tháng mười năm 1894 đại úy Alfred Dreyfus bị bắt với cáo buộc thông đồng với thế lực thù địch.
Tòa án quân sự quyết định xử kín để bảo mật. Cáo buộc chỉ dựa trên một phiếu chuyển công văn đến tòa đại sứ Đức mà sở phản gián chặn được. Các chuyên gia về bút pháp nói rằng chữ viết trên phiếu chuyển gần giống như lối viết của đại úy Dreyfus. Công tố thì nêu bị can là một sĩ quan thuộc bộ tham mưu có khả năng tiếp cận tài liệu mật của quân đội, thông thạo tiếng Đức và theo đạo Do thái. Dựa trên những chứng cứ mong manh đó và mặc dù bị can kêu oan, bảy thẩm phán của tòa án quân sự đã nhất trí kết án đại úy Alfred Dreyfus vì tội thông đồng với thế lực thù địch ngoại quốc với hình phạt tước quân tịch và khổ sai chung thân.
Cuối năm 1894, một đại tá đến nhà tù gặp đại úy Dreyfus đề nghị ông ta nhận tội để được giảm án. Nhưng ông này từ chối và ông tiếp tục kêu oan trong buổi lễ tước quân tịch của ông diễn ra ở Trường Quân sự (Ecole Militaire). Sau đó ông bị dẫn đi đày biệt ly ở đảo Ile du Diable, Guyana. Nhưng vợ, bà Lucie, và người anh cả, ông Mathieu, vận động tất cả năng lực, thời gian và tiền của để khôi phục danh dự cho ông Alfred Dreyfus mà họ cho là đã bị kết án oan.
Vào thời đó ở Pháp có hai luồng dư luận. Một bên là phe hữu, ghét người Do thái, muốn xây dựng một chế độ độc đoán với một quân đội hùng mạnh để dành lại Alsace Lorraine đã mất về tay Đức. Một bên là phe tả muốn củng cố nền cộng hòa, chống quân phiệt và có xu hướng xã hội chủ nghĩa.
Bà Lucie và ông Mathieu đang thuyết phục được một số nhà báo thuộc phe tả thì quyền giám đốc sở phản gián quân đội, trung tá Georges Picquart, khám phá một điện tín của một nhân viên tòa đại sứ Đức gửi cho một sĩ quan Pháp, thiếu tá Ferdinand Walsin Esterhazy, và một bức thư khác cho thấy quan hệ gián điệp giữa hai người này. Nhưng tòa án quân sự tha bổng Esterhazy dưới áp lực của phe hữu và để tránh phải thú nhận rằng quân đội đã sai lầm. Trung tá Picquart bị chuyển sang chức vụ khác ở Bắc Phi.
Nhà văn Emile Zola viết một thư ngỏ gửi Tổng thống Felix Faure trong đó ông trách bộ tổng tham mưu đã kết án một người vô tội, Dreyfus, và tha một người có tội, Esterhazy, và ông yêu cầu xét xử lại để giải oan cho đại úy Dreyfus. Ngày 13 tháng giêng 1898 tờ Aurore đăng thư này trên trang nhất dưới tựa đề "J'accuse". Dư luận Pháp chia rẽ thành hai một cách rõ rệt: Dreyfusard, khuynh tả, ủng hộ Dreyfus, và anti-Dreyfusard, khuynh hữu, chống lại Dreyfus. Mỗi phe tranh cãi với những lời lẽ cứng rắn, thô tục và hung bạo. Phe này kiện phe kia vu khống, hành hung, lăng mạ. Phe Dreyfusard thành lập Liên đoàn Nhân quyền (Ligue des Droits de l'Homme). Phe anti-Dreyfusard bôi nhọ gia đình Dreyfus, Emile Zola và cộng đồng Do thái bằng tin tặc. Emile Zola phải sang tỵ nạn bên Anh cho tới ngày mở phiên tòa phúc thẩm. Trầm trọng hơn, một vài anti-Dreyfusard kêu gọi lật đổ chính thể công hòa để tái lập một chính thể quân chủ độc đoán hơn.
Trước tình hình rối ren đó các nội các được quốc hội bầu mau chóng từ chức để tránh phải chọn lập trường về vụ án. Rút cục thủ tướng Waldeck-Rousseau đưa vụ việc lên tòa phá án. Tòa phá án hủy bản án năm 1894 và ra lệnh xử lại. Lẽ cố nhiên quân đội tìm cách giữ thể diện cho mình và động viên phe anti-Deyfrusard. Ở phiên kháng án, tất cả các nhân chứng của bộ tổng tham mưu đều kết tội ông Dreyfus nhưng không đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào. Luật sư Labori bào chữa cho ông bị một người lạ mặt bắn chết. Mặc dù thiếu cáo buộc rõ ràng, tòa án quân đội lại tuyên Alfred Dreyfus phạm tội phản quốc, nhưng với tình tiết giảm nhẹ, và phạt ông mười năm tù. Quân đội Pháp đã từ chối nhận sai lầm năm 1894 của mình.
Phe Dreyfusard phẫn nộ phản đối rầm rộ. Thủ tướng Waldeck-Rousseau đề nghị với tổng thống Emile Loubet ân xá tất cả các đối tượng liên quan đến vụ án. Trước viễn cảnh thêm mười năm tù đày, quá mệt mỏi và vì yêu nước muốn tránh hiểm nguy cho chính thể Đệ tam Cộng hòa, ông Dreyfus chấp nhận quyết định ân xá. Nhưng phe Dreyfusard tiếp tục đòi công lý. Năm 1903 nghị sĩ Jean Jaures, thuộc Đảng Xã hội, khui ra vài tài liệu giả mạo trong hồ sơ cáo buộc. Năm 1906 tòa phá án lại hủy bản án năm 1894 nhưng lấy cớ không có gì để buộc tội ông Dreyfus không bắt tòa án quân sự phải sự xử lại. Suy ra ông Dreyfus được trắng án. Sau đó thì ông được phục hồi vào quân đội với hàm thiếu tá. Ông tham gia Đệ nhất Thế chiến rồi mất năm 1935. Vợ ông, bà Lucie, lìa trần năm 1945 sau một nửa cuộc đời đấu tranh để khôi phục danh dự cho chồng.
Hai vụ án Hồ Duy Hải và vụ án Dreyfus có ba điểm giống nhau:
1. Một người bị kết án oan dựa trên những chứng cớ mong manh hay giả tạo.
2. Gia đình bị can đã cố gắng minh oan cho một thành viên gia đình mình.
3. Dưới áp lực của dư luận, hai vụ án trở thành một vấn đề chính trị đặt nghi ngờ đến tính trong sạch của công lý.
Trong vụ Dreyfus thì chính quyền đã tìm được một lối ra nửa nạc nửa mỡ để khôi phục uy tín cho chính thể cộng hòa. Vụ Hồ Duy Hải vẫn còn thời sự. Không biết chính quyền sẽ giải quyết ra sao và với hậu quả nào cho chính thể cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Lịch sử sẽ xét.
Trước mắt thì chúng tôi lo ngại ở nước ta có quá nhiều vụ án oan làm cho người dân bây giờ không còn tin cậy vào Nhà nước nữa[13]. Họ giải quyết mâu thuẫn giữa nhau chứ không kiện tụng trước tòa án. Để đòi nợ chẳng hạn thì người dân không khiếu kiện mà thuê chuyên gia đòi nợ. Nếu hai bên không giải quyết được một cách ôn hòa thì họ không thông qua công an mà họ thuê côn đồ xã hội đen[14]. Khi xưa chỉ có vài người tay không đấu đá nhau. Bây giờ thì nổi lên những băng đảng đông đến cả trăm "chiến sĩ" mặc đồng phục và có trang bị vũ khí[15]. Chúng ta đang dần dần tiến tới một xã hội vô trị.
Đâu phải chỉ có tham nhũng mới làm cho ĐCSVN mất uy tín. Cũng như trinh tiết của vợ Hoàng đế[16], công lý không được để cho người dân nghi ngờ.
Vì lý do duy nhất đó mà chúng tôi xin Quốc hội hủy các bản án để cho ông Hồ Duy Hải được xử lại từ khâu sơ thẩm.
Đ.Đ.C.
__________
[1] Sát hại người tình để cướp thẻ cào điện thoại 
https://vnexpress.net/sat-hai-nguoi-tinh-de-cuop-the-cao-dien-thoai-2103645.html
Vụ giết hai nhân viên Bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, Long An 
https://baocantho.com.vn/hung-thu-giet-nguoi-de-lay-tien-co-bac-a46309.html
[2] Trước ngày thi hành án tử hình, Hồ Duy Hải vẫn thảm thiết kêu oan 
https://baophapluat.vn/phap-luat/truoc-ngay-thi-hanh-an-tu-hinh-ho-duy-hai-van-tham-thiet-keu-oan-202989.html
[3] Làm rõ 'nhân chứng đặc biệt' vụ tử hình Hồ Duy Hải 
https://tuoitre.vn/lam-ro-nhan-chung-dac-biet-vu-tu-hinh-ho-duy-hai-1322151.htm
Theo luật sư Trần Hồng Phong người bào chữa cho ông Hồ Duy Hải thì trong hồ sơ vụ án có nhiều bút lục là các biên bản, kết luận giám định hoặc giấy xác nhận liên quan đến vụ án nhưng lại không thể hiện trong kết luận điều tra và cáo trạng.
[4] "Tuez les tous! Dieu reconnaîtra les siens!". Lời gán cho tổng-giám-mục Arnaud Amaury, người chỉ huy dẹp loạn tà-đạo cathare.
[5] Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình nói về vụ Hồ Duy Hải 
https://plo.vn/thoi-su/chanh-an-tand-toi-cao-nguyen-hoa-binh-noi-ve-vu-ho-duy-hai-918663.html
[6] "Ông (bà) có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì ông (bà) nói có thể được sử dụng chống lại ông (bà) tại tòa án. Ông (bà) có quyền nói chuyện với một luật sư để được tư vấn trước khi chúng tôi hỏi ông (bà) bất kỳ câu hỏi nào. Ông (bà) có quyền có một luật sư với ông (bà) trong khi hỏi. Nếu ông (bà) không đủ khả năng thuê luật sư, một người sẽ được chỉ định cho ông (bà) trước khi có bất kỳ câu hỏi nào nếu ông (bà) muốn. Nếu ông (bà) quyết định trả lời các câu hỏi ngay bây giờ mà không có luật sư có mặt, ông (bà) có quyền ngừng trả lời bất cứ lúc nào".
Đây là những câu nói được biết đến là "Miranda warning" một nghi can phải được nghe rõ và phải trả lời rằng đã hiểu để thích nghi với Sửa đổi thứ sáu (Sixth Amendment hay là Amendment VI) của hiến pháp Hoa Kỳ.
[7] Đây là những vi phạm nghiêm trọng "Công ước Chống Tra tấn và các Hình thức Trừng Phạt hay Đối xử Tàn ác, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục" mà Việt-Nam đã ký.
Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment 
https://www.un.org/en/development/desa/population/migration/generalassembly/docs/globalcompact/A_RES_39_46.pdf
[8] Chết bất minh trong đồn công an vẫn tiếp diễn, nhưng sự phản kháng gần như không còn 
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/deathlessness-in-the-police-station-continued-but-the-protest-was-almost-over-03102020125952.html
[9] VKSND Tối cao giữ quan điểm về vụ án Hồ Duy Hải
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/vksnd-toi-cao-giu-quan-diem-ve-vu-an-ho-duy-hai-659685.html
[10] Một người có kỹ năng nghiệp vụ và lương tâm nghề nghiệp thì bỏ sót ít sai sót sau khi kiểm tra. Theo định luật xác suất hai sự kiện xẩy ra cùng một lúc là nhân số của xác suất mỗi sự kiện xẩy ra riêng lẻ thì hai người liên tiếp kiểm tra đủ để làm cho tỷ số sai sót không còn đáng kể nữa. Vậy, hai người có kỹ năng nghiệp vụ và lương tâm nghề nghiệp là đủ, không cần phải có thêm người kiểm tra nữa.
[11] Vụ Hồ Duy Hải: 'Long An sẽ xử lý cán bộ điều tra sai sót, dù sai không ảnh hưởng bản chất' 
https://tuoitre.vn/vu-ho-duy-hai-long-an-se-xu-ly-can-bo-dieu-tra-sai-sot-du-sai-khong-anh-huong-ban-chat-20200703185935578.htm
[12] Affaire Dreyfus: résumé, explications et dates clés 
https://www.linternaute.fr/actualite/guide-histoire/2367773-affaire-dreyfus-dates-cles-resume-et-recit-du-grand-scandale/
Đọc giả có thể xem thêm chuyện vụ Dreyfus này trong phim "J'accuse" của đạo diễn Roman Polanski.
[13] Xin nêu vài ví dụ:
Tử tù được minh oan Hàn Đức Long nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng 
https://vnexpress.net/tu-tu-duoc-minh-oan-han-duc-long-nhan-huy-hieu-30-nam-tuoi-dang-3664977.html
Hung thủ giết người vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén bị tù chung thân 
https://thanhnien.vn/thoi-su/hung-thu-giet-nguoi-vu-an-oan-cua-ong-huynh-van-nen-bi-tu-chung-than-1003115.html
Y án 12 năm tù kẻ giết người làm ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan 
https://tuoitre.vn/y-an-12-nam-tu-ke-giet-nguoi-lam-ong-nguyen-thanh-chan-bi-oan-1339320.htm
[14] Cấm dịch vụ đòi nợ vì liên quan đến băng nhóm tội phạm 
https://plo.vn/thoi-su/cam-dich-vu-doi-no-vi-lien-quan-den-bang-nhom-toi-pham-914886.html
[15] Khởi tố vụ 200 giang hồ hỗn chiến ở Bình Tân 
https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/khoi-to-vu-200-giang-ho-hon-chien-o-binh-tan-917186.html
[16] "La femme de César ne doit pas être soupçonnée". Lời gán cho hoàng-đế Iulius Caesar khi đơn phương hủy hôn nhân với người vợ Pompeia Sulla.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.