Quan hệ kinh tế Anh-Trung gắn bó tới mức nào?
Mối quan hệ kinh tế giữa Anh và Trung Quốc đã tăng mạnh mẽ trong hai thập niên vừa qua.
Năm 1999, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 26 của Anh. Nay Trung Quốc đứng hàng thứ sáu.
Quan hệ thương mại giữa hai nước đạt mức cao kỷ lục hồi năm ngoái, trong đó phần lớn là nhờ các dự án cơ sở hạ tầng và giáo dục.
Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng gia tăng giữa London và Bắc Kinh sau việc chính phủ Anh đảo ngược quyết định trong việc sử dụng thiết bị viễn thông 5G của Huawei đang khiến cho mối quan hệ vốn đem lại lợi ích cho cả hai nước bị đe dọa.
Thương mại
Hồi năm ngoái, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Anh, với trị giá 30,7 tỷ bảng, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia (ONS).
Đây là mức cao kỷ lục, tăng từ 23,4 tỷ bảng trong năm 2018, và cũng là năm thứ tư tăng liên tiếp.
Leslie Young, Giáo sư Kinh tế tại Cheung Kong Graduate, Trường Kinh doanh Bắc Kinh, nói với BBC rằng theo quan điểm của ông thì quan hệ thương mại giữa hai nước không thể trở thành nạn nhân của mối căng thẳng gia tăng hiện thời.
"Sự thù nghịch gia tăng giữa Anh và Trung Quốc khó có khả năng tạo tác động nghiêm trọng tới các nhân tố hàng đầu trong quan hệ thương mại. Các tác động chính nhiều khả năng sẽ là từ mảng giáo dục đại học và trên đại học của Anh, và vai trò của Anh trong việc trở thành cổng làm ăn cho các công ty Trung Quốc."
Cơ sở hạ tầng
Trung Quốc cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cơ sở hạ tầng của Anh, gồm cả trong các dự án nhà máy điện hạt nhân.
Hãng China General Nuclear Power (CGN) hiện đang tài trợ cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point trị giá 20 tỷ bảng ở Somerset.
Tập đoàn quốc doanh này của Trung Quốc cũng có quyền mua 20% cổ phần một nhà máy khác đang được dự kiến xây dựng tại Sizewell ở Suffolk, và phần lớn cổ phần của một doanh nghiệp quản lý một số dự án điện hạt nhân khác.
Tập đoàn China Investment Corporation thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hiện nắm 8,7% cổ phần trong nhà máy nước Thames Water và 10% cổ phần của hãng sở hữu sân bay Heathrow Airport London.
Trung Quốc cũng nắm cổ phần trong hoạt động khai thác dầu của Anh ở Biển Bắc, thông qua hãng China National Offshore Oil Corporation (CNOOC).
Sinh viên Trung Quốc
Số lượng sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học Anh đã tăng hơn ba lần kể từ năm 2006, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR).
Tiền học phí từ các sinh viên Trung Quốc đem lại ít nhất 1,7 tỷ bảng Anh mỗi năm cho các trường đại học và các trường tư của Anh.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng các trường đại học Anh sẽ gặp khó khăn về mặt tài chính nếu Trung Quốc áp lệnh cấm sinh viên sang Anh du học.
"Bởi sinh viên Trung Quốc chiếm một lượng lớn trong số các sinh viên quốc tế, tác động tài chính sẽ là rất lớn," phát ngôn viên của của hãng chuyên phân tích thị trường Emerging Strategy, đóng tại Thượng Hải, nói.
"Các trường đại học sẽ cần điều chỉnh chi phí của mình, hoặc phải tìm cách khác để tạo thu nhập."
Tuy nhiên, Hội đồng Anh đã làm giảm nhẹ bớt những lo sợ về làn sóng tháo chạy hàng loạt của sinh viên Trung Quốc.
"Việc lên kế hoạch du học dài hạn khó có thể bị ảnh hưởng bởi những mối quan hệ chính trị ngắn hạn. Anh Quốc luôn là một trong những điểm đến hàng đầu đối với sinh viên Trung Quốc," phát ngôn viên của Hội đồng Anh nói với BBC.
Mua bán công ty
Trung Quốc đã rất chủ động trong nhiều vụ mua bán công ty nổi bật ở Anh, kéo theo việc đầu tư nhiều tỷ bảng vào Anh.
Hồi tháng Ba, British Steel được tập đoàn Jingye của Trung Quốc mua lại, trong một bước đi được trông đợi là sẽ cứu vãn được hơn 3.000 công ăn việc làm.
Hãng Trung Quốc nói rằng họ sẽ đầu tư hơn 1 tỷ bảng nhằm giúp hiện đại hóa ngành thép.
Trong số các vụ mua bán đáng chú ý khác đang có vụ hãng sản xuất xe hơi Geely của Trung Quốc mua lại hãng sản xuất taxi Black Cab của Anh, và tập đoàn Fosun International mua lại câu lạc bộ bóng đá Wolverhampton Wanderers.
Công nghệ
Đầu tư của hãng công nghệ Huawei tại Anh Quốc là chuyện nổi bật, vốn đã được bắt đầu kể từ năm 2005.
Tuy sẽ không tiếp tục tham gia vào việc trực cung ứng thiết bị 5G mới, nhưng Huawei sẽ vẫn tham dự vào các cơ sở hạ tầng viễn thông đã có sẵn.
Trong lúc hầu hết các cuộc trao đổi đều xoay quanh Huawei, nhưng Huawei không phải là công ty công nghệ duy nhất mà Anh Quốc và Trung Quốc có mối liên hệ chung.
Cơn khát của Trung Quốc đối với các công ty công nghệ cao của Anh khiến Trung Quốc đã mua lại hãng sản xuất con chip Imagination Technologies hồi năm 2017.
Phần lớn số tiền được dùng trong vụ mua bán này đến từ quỹ đầu tư China investment được Bắc Kinh hậu thuẫn.
Các doanh nghiệp Anh tại Trung Quốc
Tuy dòng tiền chủ yếu là từ các công ty Trung Quốc và các tập đoàn quốc doanh của Trung Quốc chảy vào Anh, nhưng cũng có một số hãng lớn của Anh tới làm ăn tại Trung Quốc, một quốc gia có 1,4 tỷ dần với mức thu nhập đang gia tăng nhanh chóng.
Các công ty lớn của Anh có mặt ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như ở ngành năng lượng, sản xuất xe hơi, dược phẩm, và dịch vụ tài chính.
Hồi năm ngoái, đại sứ Trung Quốc tại Đức đe dọa sẽ có hậu quả xảy ra đối với khi các hãng sản xuất xe hơi Đức nếu như Huawei bị chặn, không được tham dự vào các hệ thống 5G của Đức, làm dấy lên những quan ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng chiến thuật tương tự đối với các nước khác.
Tuy nhiên, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc Steven Lynch nói với BBC, ông lạc quan rằng đây là tình thế có thể tránh được.
"Chúng tôi hy vọng rằng các hãng sản xuất xe hơi của Anh, những hãng vừa nhập khẩu hàng vào Trung Quốc vừa sản xuất nội địa, sẽ không bị tấn công do quyết định của chính phủ Anh," ông nói.
Phòng Thương mại Anh cảnh báo rằng ngành viễn thông Anh và các công ty công nghệ cùng các hãng IT cũng có thể bị rủi ro.
Tuy nhiên, ông Lynch nói thêm rằng hai nước cần phải "duy trì hoạt động thương mại, đầu tư mạnh mẽ trong những tháng tới, bất chấp môi trường chính trị nhiều thách thức".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.