Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Những câu hỏi về vụ Hồ Duy Hải và Lê Đình Kình (Bài 3)

Những câu hỏi về vụ Hồ Duy Hải và Lê Đình Kình (Bài 3)

Nghiêm Huấn Từ
29-7-2020
Tiếp theo bài 1Nếu lâm nạn, liệu cách ứng phó nào tối ưu? Bài 2Chống oan sai: Khó như lên Trời!
Vì sao Hồ Duy Hải chưa thể bị thi hành án
1. Nhiều lần suýt chết
a- Theo thứ tự, đầu tiên là 2 lần bị kết án tử, do tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên, vào ngày 1-12-2008 và ngày 28-4-2009. Cách nhau 5 tháng.
b- Không muộn, cũng năm 2009, luật sư Nguyễn Văn Đạt (người đã bào chữa tại hai phiên tòa nói trên) gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm cho Hồ Duy Hải. Hơn ai hết, vị luật sư này thấy hồ sơ vụ án và cáo trạng có nhiều mâu thuẫn, vi phạm. Những lời biện minh rất thuyết phục của ông đều bị cả hai cấp tòa phớt lờ. Trong cáo trạng có những lời nhận tội của Hải, nhưng đứng trước tòa đương sự lại kêu oan…
Cũng hơn ai hết, người mẹ Hồ Duy Hải thấy rõ con mình không phạm tội. Do vậy, sau phiên phúc thẩm người mẹ này đã gửi hàng trăm đơn đi khắp nơi. Cũng thời gian này, mọi người chưa thể quên những vụ án oan liên tiếp xảy ra. Tất cả, khiến dư luận nhìn ra nỗi bất công với bị cáo, cũng như sự ngoan cố đến vô lý của phía kết tội. Do vậy, ngày 1-7-2009, Văn phòng chủ tịch nước có công văn gửi TAND tối cao, VKSND tối cao: Đề nghị xem xét lại bản án.
Cả hai cơ quan “tối cao” là Tòa Án ND và Viện Kiểm Sát ND đều trả lời: Vụ án đã được xét xử “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”. Đó là các ngày 24-5-2011 và 24-10-2011. Cũng cách nhau 5 tháng. Ra cái điều đã xem xét kỹ.
c- Bốn tháng sau, nghĩa là cũng không muộn, ngày 16-2-2012, luật sư Trần Hồng Phong – lúc này được gia đình ủy quyền – thay luật sư Đạt (sang Mỹ đoàn tụ gia đình) lại gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm cho Hồ Duy Hải.
Lần này, lá đơn dài trên 20 trang, chứng minh Hồ Duy Hải ngoại phạm và chỉ rõ những mâu thuẫn, vô lý trong cáo trạng và bản án. Lẽ ra, phải trả lời “từng điểm một”; và nếu không trả lời nổi, phải mở phiên giám đốc thẩm. Nhưng vẫn như lần trước, hai cơ quan “tối cao” chỉ trả lời cụt lủn vài dòng: Đã xét xử “đúng người, đúng tội”. Điều khác trước là sự trả lời chóng vánh hơn; cụ thể: VKSND trả lời ngày 13-4-2012, còn TAND là ngay 16-5-2012. Chỉ cách nhau 1 tháng.
Để dứt khoát hơn, cả hai cơ quan tối cao này còn (cẩn thận) có tờ trình lên chủ tịch nước: Đề nghị không miễn chết cho Hồ Duy Hải. Thế là, cả gia đình, luật sư và dư luận đều bừng tỉnh giấc mơ về một phiên tòa giám đốc thẩm cứu mạng Hồ Duy Hải.
d- Ngay hôm sau, ngày 17-5-2012, chủ tịch nước – cũng ở cương vị tối cao – quyết định không ân xá.
Tóm lại, Hải hai lần bị khép án tử và 5 lần bị các cấp tối cao chặn đường sống sót, lần sau nhanh gọn hơn lần trước.
e- Kể từ thời điểm này, Hồ Duy Hải có thể bị thi hành án bất cứ lúc nào. Chẳng hạn, sau 1 ngày, sau một tuần, hoặc sau một tháng… Tóm lại, cơ hội cứu Hải đã hết, Hải không thể sống qua cái năm 2012 này. Trong khi đó, tòa án Long An và hai cơ quan tối cao cũng đã ớn vụ này tới tột cùng, chỉ muốn thanh toán gọn. Vậy mà, sự lạ là tận cuối năm 2014 Tòa án Long An mới ra quyết định thi hành án. Nghĩa là Hải sống thêm tới hai năm rưỡi. Chuyện bất ngờ này ắt có nguyên nhân.
2. Tạm thoát chết vì những bất ngờ
– Tính từ khi tòa sơ thẩm xử “chết” (hoặc từ khi chủ tịch nước không tha chết) cho tới khi tòa Long An quyết định ngày chết cho Hồ Duy Hải, thực tế Hải sống thêm 3,5 năm (hoặc 2,5 năm). May thay, đây cũng là thời gian đủ dài để báo chí và dư luận mạnh lên rất nhiều – dựa vào sự kêu oan liên tục kèm theo ngày càng nhiều chứng cứ mà gia đình và luật sư thu thập được. Ví dụ, trong đơn đề nghị giám đốc thẩm (14-11-2013) luật sư Trần Hông Phong còn đính kèm cả một tệp dầy các bài báo liên quan tới vụ án, nói lên dư luận dai dẳng và nhiều lúc rộ lên, không thể dập tắt.
– Càng may thay, cũng thời gian này, VN cố gắng chứng tỏ sự nhân đạo khi đưa ra cách tử hình bằng tiêm độc chất, thay vì bằng bắn “đòm đòm”. Khốn nỗi, dư luận trong nước đã lan ra quốc tế; do vậy nơi bán độc chất đã bất ngờ từ chối dính líu vào tội ác. Năm 1912, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang báo cáo trước quốc hội “Chưa có thuốc độc để thi hành án tử tù“. Rồi sang năm 2013, VN vẫn chưa mua được thuốc độc; nhờ vậy, Hồ Duy Hải vẫn còn thở… cho đến khi nước ta tự sản xuất được “thuốc”… giết người.
– Đến ngày 24-11-2014, TAND tỉnh Long An đủ điều kiện ra quyết định giết Hải và sẽ thực thi nó sau 10 ngày. Ngay hôm sau (25-11), đại diện tòa tức tốc về tận xã (sau khi thân ái hỏi thăm sức khỏe gia đình), đã bùi ngùi thông báo vắn tắt về thời điểm thi hành án (5-12-2014); đồng thời ân cần hỏi nguyện vọng: Muốn đem xác Hải về, hay muốn chôn tại nơi xử? Cách nào Tòa cũng hết lòng giúp đỡ… Cả nhà Hải rụng rời trước nhiệt tình…
– Đến thời điểm này, gia đình Hồ Duy Hải đã gửi 2000 đơn cho nhiều cơ quan và đã rất nhiều lần ra tận Hà Nội kêu oan. Báo chí vẫn không ngừng đề cập. Do vậy, tin này chỉ cần vài ngày đã loang ra cả nước và 24 giờ trước khi thi hành án (tức ngày 4-12-2014) báo chí đồng loạt đưa tin về cái chết oan khiên này. Nay, sau 6 năm, chỉ xin giới thiệu một bài của báo Pháp Luật để ai còn quan tâm số phận Hồ Duy Hải, hãy dành ra 1 phút đọc lại. Đó là bài: Trước ngày thi hành án tử hình Hồ Duy Hải vẫn thảm thiết kêu oanra ngày thứ Năm, 4/12/2014 lúc 12h08’.
– Lần này, không hiểu vì sao, chủ tịch nước không tham khảo hai cơ quan “tối cao”, mà lại dựa vào ý kiến một cá nhân (bạn cũ), cũng ngày 4/12/2014 ông kịp ký ngay văn bản đề nghị Long An tạm hoãn việc giết Hải… Đúng là phút 89. Hôm sau Tòa án Long An ra quyết định hoãn thi hành án.
Hồ Duy Hải lại bất ngờ thoát chết trong gang tấc.
3. Người quyết giết Hồ Duy Hải
a- Thắng thế của chính nghĩa và dư luận
Nếu đồng chí Nguyễn Hòa Bình có đọc vài bài (trong cả rừng bài báo) vào cái ngày 4/12/2014 định mệnh nói trên, thì đồng chí không thể trơ trẽn nói rằng Hồ Duy Hải không oan. Đồng chí đủ tư liệu và tin tức để thấy rằng: Hễ nằm trong vòng khống chế của Công An, Hồ Duy Hải luôn luôn có bản khai nhận tội. Nhưng khi tạm thoát (khi ra tòa, khi gặp gia đình) y như rằng Hải lại kêu oan. Và kêu thảm thiết.
Dẫu sao, sau lần thoát chết nói trên, vụ Hồ Duy Hải chuyển sang giai đoạn mới. Chứng cứ thu thập ngày càng nhiều, được công khai hóa trong 3 lá đơn gửi các cấp có trách nhiệm. Theo đó, báo chí và dư luận trong nước càng lan rộng và càng mạnh mẽ. Ngoài kêu oan, như ở giai đoạn trước, gia đình Hải và luật sư còn dấn thêm những bước mới: Đó là tố giác nghi can Nguyễn Văn Nghị và tố cáo tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cụ thể:
Lá đơn 2020 này trình bày rất đầy đủ, rất chi tiết, dài 30 trang, với mọi chứng cứ. Ngoài ra còn hàng chục trang đính kèm. Đơn này giúp bất cứ ai lần đầu tìm hiểu vụ Hồ Duy Hải đều có được cái nhìn toàn bộ và chính xác.
b- Dư luận quốc tế
Giai đoạn này, vụ Hồ Duy Hải càng có tiếng vang quốc tế. Một sự kiện gây được tác dụng là Văn Bản ngày 23/10/2019, của ông John Peder Egenaes, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá quốc tế của nước Na Uy (xa lắc) gửi đến Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Nội dung kêu gọi hủy án tử hình cho Hồ Duy Hảicó đính kèm chữ ký của 25.543 người dân nước này. Theo tỷ lệ dân số thì con số này tương đương với nửa triệu người Việt.
Tin này rõ ràng dành cho người Việt, nhưng chỉ một số rất ít đồng bào ta biết được – qua “đài địch” (RFA). Do vậy, khi chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đề nghị VKS tối cao ra văn bản kháng nghị vụ án, nhiều người Việt cứ tưởng rằng đây là cử chỉ nhân từ của một đức minh quân.
Theo Luật, một khi có kháng nghị của VKS, ắt Tòa án cao phải mở phiên giám đốc thẩm. Cần có cả một bài phân tích về cái phiên xử “diễn kịch” này; hy vọng nó sẽ giúp phương hướng và biện pháp tiếp tục giải oan triệt để cho Hồ Duy Hải; đồng thời giải oan cho nạn nhân Lê Đình Kình trong vụ án sắp tới.
c- Điều trớ trêu
– Hai cơ quan “tối cao” từng hai lần hè nhau giết Hồ Duy Hải, nay trở thành đối chọi nhau trong cuộc đấu phân định Thắng – Thua. Như ta thấy, tuy đã kết thúc phiên giám đốc thẩm, với 17/17 cánh tay giơ lên khẳng định “giết Hải”, nhưng chuyện Thắng – Thua vẫn chưa kết thúc, mà còn mở rộng hơn, leo lên cấp cao hơn và quyết liệt hơn.
– Càng trớ trêu, cuộc đối chọi này đặt đồng chí Nguyễn Hòa Bình (bí thư Trung ương đảng, cựu viện trưởng VKSNDTC, nay là chánh tòa tối cao) vào vị trí ngày càng khó xử và thất thế. Chả là, trước đây đồng chí này đã kinh qua lãnh đạo cơ quan điều tra (2008), rồi được đề bạt đứng đầu VKS (2011), thì chuyện đồng chí công nhận kết quả điều tra (gian lận) và công nhận cáo trạng (nhằm giết Hồ Duy Hải) chẳng có gì lạ. Nó thể hiện ra hành động. Đó là hai lần đồng chí kiên quyết không kháng nghị vụ án này.
Khi đồng chí dời nhiệm sở (VKS) để lên làm chánh tòa tối cao, thì người kế nhiệm lại làm ngược lại, cứ như bôi tro, trát trấu vào người tiền nhiệm. Và những nhân viên cũ của đồng chí ở VKS (trước đây răm rắp nghe đồng chí) nay lại răm rắp nghe thủ trưởng mới. Nhưng đây là chuyện tất nhiên dưới chế độ ta. Họ không thể, và không dại gì, mà giữ lòng trung thành với thủ trưởng cũ. Họ phải rào cái cây đang ban cho họ hoa quả.
d- Vẫn quyết giết Hồ Duy Hải
Đến nay, ở cấp quyền lực cao nhất có lẽ chỉ còn một người công khai quyết giết Hồ Duy Hải. Đó là đồng chí Nguyễn Hòa Bình, đương nhiệm bí thư trung ương đảng, chánh án TANDTC.
– Hành động quyết liệt nhất mà đồng chí Nguyễn Hòa Bình đã thực hiện là ngày 6-5-2020 đồng chí huy động toàn bộ thẩm phán cao cấp của cả nước tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, do chính đồng chí chủ tọa để hai hôm sau họ bỏ phiếu 100%, giữ nguyên bản án phúc thẩm vụ Hồ Duy Hải.
Sau đó, việc đáng kể đồng chí làm được, chẳng qua chỉ là cố thuyết phục sao cho Quốc hội tin rằng “tuy có một số sai sót trong điều tra, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án“. Đó là ngày 15-6-2020. Phiên tòa mà đồng chí chủ trì đã lùi vào quá khứ được 40 ngày. Trong thời gian này, rất nhiều chứng cứ mới đã xuất hiện thêm, rất bất lợi cho lập luận của đồng chí.
– Một người nữa là đồng chí Trương Hòa Bình có dính líu vụ này khi đồng chí đương nhiệm chánh tòa tối cao (2 nhiệm kỳ, từ 2007 đến 2016). Đây cũng là giai đoạn xuất hiện rất nhiều vụ án oan “thấu trời”. Ở cương vị này, đồng chí cũng 2 lần không tha chết cho Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, sau đó đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, làm phó thủ tướng phụ trách nội chính. Với cương vị này, đồng chí có thể ủng hộ đồng chí Nguyễn Hòa Bình, nhưng không thể chia sẻ gánh nặng.
Khi tiếp xúc cử tri ngày 26/6/2020, đồng chí phó thủ tướng Trương Hòa Bình  nói rằng: “Chúng ta chưa có cơ sở nói oan hay không oan, nhưng nguyên tắc là phải tôn trọng phán quyết của tòa án, xã hội văn minh bao giờ cũng phải tôn trọng phán quyết của tòa án“. Xin tùy bạn đọc bình luận.
4. Nhờ đâu Hồ Duy Hải sống sót?
a – Tổng quát, đến nay, có lẽ ai cũng trả lời được những ý chính.
Đó là nhờ sự kiên nhẫn của gia đình Hồ Duy Hải: Đã gửi 2000 lá đơn và rất nhiều lần lặn lội ra “trung ương” kêu cứu. Đó là sự tận tâm và giỏi nghề của luật sư. Đó là nhờ báo chí và dư luận mạnh mẽ trong nước và quốc tế, khiến kẻ sát nhân phải chùn tay. Đó là nhờ chính bản thân Hồ Duy Hải hễ mỗi khi có điều kiện là kêu oan… Lại còn phải nhờ cả sự “giấu đầu hở đuôi” của tư pháp Long An nữa. Đã chủ ý vu tội chết cho người lương thiện, thế nào cũng có những sơ hở…
Tất cả đều đúng. Nhưng đúng nhất, là Hải bị oan thật sự.
Nếu Hải không bị oan, thì mẹ Hải thương con đến đâu cũng không thể cứu Hải. Luật sư nào cãi nổi cho một tên sát nhân giết một lúc tới hai mạng người? Báo chí và dư luận càng hả hê và nguyền rủa thủ phạm… Làm gì có chuyện ủng hộ Hải?
b – Về chi tiết, nhờ có những chứng cứ khách quan, không ai có thể sửa đổi, nhờ vậy, Hải sống sót trong gang tấc. Dưới đây xin đưa ra 3 chứng cứ có lợi cho Hải, được phát hiện ngay từ đầu và vẫn là dấu hỏi cho đến hôm nay, khiến những kẻ muốn giết Hải phải chùn tay.
– Giấy trắng, mực đen, cáo trạng viết rằng, Hồ Duy Hải có mặt ở bưu điện Cầu Voi vào hồi 19 giờ 30 phút (để sau đó giết 2 nạn nhân). Nhưng con số còn lưu trong điện thoại di động, thì lúc 19 giờ 13 phút 39 giây (19h13’39”) Hải vẫn đang ở tiệm cầm đồ, cách bưu điện Cầu Voi 7,5 km. Hải làm tiếp các công việc sau: Cầm đồ, về nhà đổi xe máy, gặp bạn, đi đưa tiền cá độ. Với ngần ấy việc, với đoạn đường không bằng phẳng và thiếu ánh sáng, Hải không thể có mặt ở bưu điện Cầu Voi lúc 19 giờ 30 phút như cáo trạng khẳng định. Suốt 12 năm nay, tư pháp Long An không thể làm sáng tỏ điều này. Chỉ có cách thực nghiệm hiện trường công khai, nhưng chưa làm.
– Cũng giấy trắng, mực đen, cáo trạng viết rằng: Nhân chứng Đinh Vũ Thường là người đã vào Bưu điện và “phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong ghế tại Bưu điện lúc 19h39′ (nguyên văn). Nhưng trong bản khai của anh Thường, anh chỉ nói: Nhìn thấy một thanh niên khoảng trên 20 tuổi, không rõ mặt. Dám bịa đặt trong cáo trạng quả là liều mạng. Đến nay tư pháp Long An vẫn lúng túng, lờ đi, không giải thích.
– Cũng giấy trắng, mực đen, cáo trạng viết rằng: Vụ án xảy ra, hai nạn nhân bị giết lúc 20h30′. Nhưng theo một chứng cứ “không thể sửa đổi” thì thảm họa xảy ra muộn hơn ít nhất 30 phút.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.