Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Nền pháp trị phọt phẹt thì tất cả đều phọt phẹt (Phần 1)

Nền pháp trị phọt phẹt thì tất cả đều phọt phẹt (Phần 1)

8-7-2020
Năm trước, Trần tôi đã có loạt bài về nền pháp trị phọt phẹt, với chủ hướng cùng cung cách san định luật pháp phọt phẹt (do chính các đơn vị hành pháp chủ trì), tất đẻ ra một hệ thống văn bản pháp quy phọt phẹt (từ luật cái đến luật con đều có vấn đề – chủ yếu là xuất phát từ lợi ích cục bộ và thiển cận, chứ không vì đại cuộc dân nước làm trọng, nên cứ phải loay hoay cải sửa liên tục – kiểu nay đúng, mai sai, ngày kia lại có thể đúng).
Ngay cả Hiến pháp, luật cái của nước nhà cũng thế, thì thử hỏi sao nghiệp lớn quốc gia được ổn định và phát triển bền vững, sao con đường dân nước được hanh thoát và bình yên dài lâu? Trên thực tế lịch sử nhân loại tiến bộ và văn minh, xem ra chỉ có mấy nước cộng sản còn sót lại là hay có cái trò này – sẵn sàng sửa đổi/ thay đổi Hiến pháp như thay áo, đủ thấy sự phọt phẹt của thể chế vốn nhiều nghịch ngược và tầm mức trí tuệ cùng năng lực cầm lái yếu kém, thậm chí cực kì độc đoán và mù quáng, tức thiếu dân chủ nghiêm trọng, không và ít trí tuệ nhưng có thừa thủ đoạn và tham vọng xấu ác trong quản trị quốc gia.
Trên nền tảng ấy, dĩ nhiên là sản sinh ra một đội ngũ hoạt động tư pháp từ trung ương tới địa phương về cơ bản đều là phọt phẹt, không đủ sức, cả tâm và tầm để cầm giữ cán cân công lý và thực thi lẽ bại thành, thậm chí còn gây bất ổn ghê gớm cho xã hội và gieo rắc vô vàn oan khổ cho con người, khiến biến loạn chuẩn sống và vơi cạn niềm tin – đồng nghĩa với hình ảnh một quốc gia lạc hậu và dễ bị coi thường, một dân tộc yếu hèn và quen ngụy trá, một xã hội thiếu nhân văn và vô đạo – ham hố đua tranh kiểu loài vật “quần ngư tranh thực, bá súc đoạt mồi”, một cộng đồng vô cảm và ít nhân tính, một nền kinh tế chắp vá, kém hiệu quả, nhặt lảy và chụp giật là chính, một gương mặt đạo đức-tinh thần suy bại và cằn cỗi, một thể chế hủ lậu và thối tha, một bộ máy công quyền trương phình và tham tàn, một nhân dân tăm tối và khốn khổ, một tiền đồ không hẹn sáng, rất khó lớn mạnh và hơn thế còn phải đứng trước vô số những thách thức nan giải, kể cả nguy cơ mất nước và trở thành nô lệ lầm than.
Tóm laị, tất cả những gì dự phần đưa dẫn tới thực trạng đó, tức đất nước bị kìm hãm và không thể phát triển, người dân không thực sự được hưởng dân chủ, tự do và khai phóng (như cụ Hồ nói – nước nhà được độc lập mà dân không được tự do thì cũng chẳng có ý nghĩa gì), thảy đều là phọt phẹt đúng nghĩa của nó.
Nay xin đề cập rõ và trực diện về cả căn nguyên và hệ quả của tình trạng này, tức một khi nền pháp trị đã phọt phẹt, thì tất cả đều phọt phẹt. Đó là cách thức nhận chân lý và sự thật chính đính, duy nhất và sống còn để có thể yên bề dấn bước trên con đường sáng trong cơ vận ngàn năm có một – đưa dân tộc nhanh chóng tới hùng cường. Không thế, tất sẽ là thảm họa khôn cùng.
Và như thế, có hai điều cần nói trước và một điều nói sau cùng: Thứ nhất là về khái niệm và từ loại, thì “phọt phẹt” vốn không có trong kho tàng chữ nghĩa của Trần tôi. Mãi khi sắp hưu trí thì mới được nghe một đồng nghiệp là phóng viên chương trình phát thanh “Thanh niên” – vốn là cơ quan của TW Đoàn Thanh niên cộng sản HCM, sau thuộc Đài TNVN, nói trong một cuộc cờ, có ý chê bác gay gắt nước đi kém cỏi và tối hù, dẫn đến thất bại của người chơi. Về sau còn nghe anh nói trong một vài trường hợp khác – như về chính một số gương mặt ở TW Đoàn đương thời là hạng “phọt phẹt”, hay tự biếm chính mình – vì anh sinh ra trong một gia đình thuộc diện tư sản giàu có của đất Hà thành xưa, nhưng mạt lụn dưới chính thể mới và sau một lần yêu đơn phương không thành – anh quyết định không lấy vợ, gọi là chấp nhận “đời phọt phẹt”…
Đại khái là thế, nhưng Trần tôi thấy biểu nghĩa của nó cũng thú vị và rất thật đời, tượng thanh, tượng hình… đủ cả. Ví như ai đó từng một thời mò cua bắt ốc nơi đồng quê – hẳn còn nhớ, mỗi lần thọc tay vào hang để móc, vì có nước nên khi thò ra thụt vào – cứ nghe âm thanh “phọt phẹt, phọt phẹt…”, sướng tai nhưng cũng hơi ghê ghê. Còn về từ loại thì chắc chắn nó là tính-động từ, vừa bổ nghĩa, vừa đơn nghĩa hành động. Tiếc là đem tra trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học – xuất bản năm 2000, tịnh không thấy liệt kê.
Vậy nó đích thị là của dân gian, mà dân gian thì muôn đời sống động và bền lâu – gọi là vạn đại, hay “miệng mẻ nói không sứt” – chỉ có đúng trở lên. Và Trần tôi chọn nghĩa “phọt phẹt” là để chỉ tất cả những thứ chẳng ra gì, có thể/ cần vứt bỏ được rồi. Với đường tu thì đó là cách gột rửa tâm/ thanh lọc tâm/ chuyển hóa tâm theo hướng giác ngộ và giải thoát. Với đường đời thì đó là nguyên lý thích ứng, thức thời, hợp nhiên và không ngừng phát triển. Khác đi chỉ có bại mà không thành, chỉ có họa mà không phúc, chỉ có tối mà không sáng.
Thứ nữa, như ở đầu đã nêu, thì mở nền pháp trị là một bước tiến hóa căn bản của nhân loại trên hành trình văn minh – theo hướng dân chủ và công bằng. Một khi để rơi vào tình trạng phọt phẹt, tức quốc gia và thể chế cầm quyền ở đó đã tới hồi cùng đường nghẽn lối – chẳng ra gì nữa rồi và cuộc sống người dân ở đó đã mạt vận sa cơ, không được thụ đắc các quyền cơ bản về dân sinh, thậm chí còn bị gia tăng áp chế cường quyền bạo ngược – tức cũng chẳng ra gì nữa rồi.
Vậy cần phải thay đổi hay là chết, hoàn toàn ứng thuận với thời Hoán-Sư-Cổ tất yếu và không thể khác. Vấn đề là một khi đã như thế thì nào có ai, lực lượng nào và có gì còn đáng giá để cố kiết bám víu và tự hào trong ánh hôn quang, mà phải biết dứt khoát vứt đi/ nghiền nát/ loại bỏ không thương tiếc (như tượng quẻ Hỏa Lôi Phệ Hạp) và duy chỉ có một ngả thoát, biểu hiện của sư cao cả và sáng láng tuyệt đối, đó là nỗ lực và dũng cảm thức nhận sự thật, một sự thật phọt phẹt để tự cân chỉnh và vượt lên ngời chói.
Thiển nghĩ, hầu như ai cũng thấy và rõ cả, nhưng không dám thẳng thắn mổ xẻ và hành động quyết liệt, nhất là vào thời tiểu nhân đương đắc chí và ở ngôi, thậm chí còn dễ bề thỏa hiệp và cam tâm tìm mọi cách kìm từ từ, không chịu buông bỏ đặc quyền đặc lợi, ắt đường tu như thế sẽ không thể đạt tới giới hạn giải thoát vô ngại và đường đời như thế, từ cá nhân đến cộng đồng dân tộc sẽ trầm luân và rất có thể phải chịu cảnh chìm sâu, thậm chí tàn lụi khó tránh. Tấn bi kịch ấy hoàn toàn có thể dự báo trước, thậm chí nhãn tiền, nếu không kịp thời và mạnh mẽ thay đổi tận gốc rễ.
Trước hết, với vai trò lãnh đạo-cầm quyền-toàn trị thì đảng phải tự thức nhận/ thừa nhận và đừng lo bao biện nữa, rằng đảng đang thực sự phọt phẹt – từ/ trên cả 3 phượng diện chính: Chủ thuyết, đường lối chiến lược và đội ngũ.
Về chủ thuyết thì từ lý luận đến thực tiễn gần 100 năm qua đã cho thấy chủ nghĩa Mác Lê và mẫu hình của nó là nghịch ngược, cộc lệch và quá cổ hủ. Thử hỏi giờ còn sót lại được mấy mống nữa, sau khi Liên Xô và hệ thống Đông Âu sụp đổ tan tành?
Trung Quốc thì đã hoàn toàn lộ mặt là nguyên bản tư tưởng Đại Hán truyền kiếp, bị thế giới coi là Phát xít mới, chứ cộng với trừ và mác với mỏ nỗi gì nữa.
Cuba thì thực chất đã muốn vùng vẫy thoát khỏi vòng kim cô ý thức hệ lắm rồi, chưa kịp mừng trong chút thoáng tổng thống Mỹ Obama buông tay, thì đã lại bị khép chặt trước ngưỡng luồng gió mới của tự do và tiếp tục phải trầm luân-trả giá cho sự chọn đường của mình. Còn đôi ba chốn dặt dẹo đó đây thì không đáng để bàn tới.
Riêng Việt Nam vốn hí hửng theo đòi bài bản ngụy trá – mô hình CNXH mang màu sắc này nọ, hay thị trường định hướng XHCN, nhưng thực chất là nửa đời nửa đoạn – sao dễ nên hồn? Nên nhớ, mẫu hình kinh tế thị trường là sản phẩm đặc hữu của nhân loại trên hành trình tiến bộ và văn minh, chứ chẳng phải của riêng ai, sao lại cứ phải rẫy đây đẩy như đỉa phải vôi, mà nào có nổi, cuối cùng cũng vẫn phải nượng dưa và hội vào.
Đừng thấy các nước phương Tây tư bản diệu dụng thành công mà khởi tâm đố kỵ hẹp hòi, tẩy chay và quen thói ghét người-thể chế, nhưng lại yêu của (kiểu cộng sản nào cũng chê bai tư bản cạn lời, nhưng đều chọn sống ở những nơi “đang giãy chết’ cả, (như Mĩ, Anh, Pháp, Canada…). Thế là vô minh và giả dối.
Đặc biệt, đảng và các nhà lý luận gạo cội của mình đều không thể hình dung nổi thực chất mô hình CNXH là như thế nào và cái gọi là thời kì quá độ là bao giờ, bao lâu (như TBT-CTN và nhiều vị lãnh đạo khác đã công khai thừa nhận)…, vậy mà cứ đè ra khăng khăng đòi dẫn dắt cả dân tộc đi vào như cõi vô định và vô phương như thế, sao gọi là đúng đắn và sáng suốt cho được mà cứ tự vỗ ngực khoe giỏi khoe tài, là người đưa đường chỉ lối cho quốc dân đi.
Các vị quả là kiêu ngạo và vô thức, kiểu mục hạ vô nhân, quá coi thường trí tuệ nhân gian soi thấu, nhất là với một dân tộc vốn thông tuệ và đầy lịch lãm như dân tộc Việt Nam. Rao giảng theo kiểu nói lấy được như thế mà không thấy ngượng mồm và xấu hổ sao? Vả nữa, nhân thế vốn là cõi vô thường, chẳng gì là thực sự hơn thua và mãi mãi mà phải cố kiết níu giữ và cay cú hận thù, huống hồ ba thứ triết thuyết lậu hoặc đề cao tranh đấu và bạo lực làm đầu, như một thứ quái thai trên hành trình nhân loại, thì sao mà tạo lập nổi thiên đường nơi trần thế mà mơ. Nhìn ảnh ông Phó ban lý luận trung ương họ Phùng, đúng là phùng mang trợn mắt với mớ giáo điều phọt phẹt mà thấy tội nghiệp và lo cho con đường dân nước lắm truân chuyên – khi ngọn đèn dẫn lối không có, hoặc có thì bị mê mù và phàm thường đến thế.
Về đường lối chiến lược, không kể 30 năm chiến tranh, đảng đã cam tâm đem xương máu đồng bào để “đánh Mỹ là đánh cho cả Liên Xô và Trung Quốc” (như TBT Lê Duẩn từng lớn tiếng) và kết quả thế nào, ai là bạn và ai là thù đã rõ. May mà còn tỉnh ngộ dấn bước thống nhất nước nhà, thu non sông về một mối, nếu không thì máu xương đổ ra thành vô nghĩa.
Riêng trong xây dựng đất nước thì đảng đã liên tục mắc những sai lầm chiến lược, thậm chí đều xứng là tội lỗi lớn mang tính hệ thống, như việc học theo Trung Quốc cộng sản làm cải cách ruộng đất, phá đình-đền-chùa…(thảy đều thuộc hàng rào tâm linh thần thánh của nước Việt muôn đời), rồi dìm đắm khoán hộ của ông Kim Ngọc, rồi cú thần sầu giá-lương-tiền những năm 80 của thế kỷ trước, rồi cơn cuồng say công nghiệp hóa-hiện đại hóa tưa như ễnh ương muốn làm bò, đã dự phần băm nát đất đai thuộc quốc gia công thổ, nhất là những vùng bờ xôi ruộng mật sống còn của nông nghiệp – nông thôn (vốn là miền đất cũ và đất lớn của văn hóa và nền sống Việt muôn đời), biến những quả đấm thép-các tập đoàn kinh tế nhà nước thành hàng loạt hang ổ tham nhũng lớn, làm hao rỗng nguồn lực cho phát triển, khánh kiệt nguồn tài nguyên và tàn hủy nghiêm trọng môi trường sinh thái…
Đặc biệt trong giữ nước, có thể nói chưa bao giờ dân tộc ta lại rơi vào cảnh lệ thuộc đớn hèn vào ngoại bang đến thế, chưa bao giờ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia lại bị xâm lấn/ cướp chiếm nhiều và đe dọa trắng trợn đến thế, chưa bao giờ kẻ thù truyền kiếp và bè lũ nuôi dã tâm hại nước hại dân để cầu vinh lại tự tung tự tác – có lúc như múa gậy vườn hoang trong đầu tư và đứng chân ở những địa bàn trọng yếu cả về kinh tế-an ninh-quốc phòng đến thế – không chỉ trên đất liền mà còn ngang ngược làm càn ngay nơi biển đảo quê nhà.
Một cách sòng phẳng, đó thảy đều là những thất bại căn bản và ê chề, thế thôi đã thừa đủ để làm suy kiệt nghiệp nước, khiến nghiêng lệch thế nước, khốn khó nhân dân, gây nguy khốn cho hiện tại và âu lo cho tương lại. Có thể nói, trong toàn bộ lịch sử của mình, càng ngày đảng càng bộc lộ rõ sự xa rời, thậm chí coi nhẹ lợi ích dân tộc, mà chỉ lo cho sự tồn vong của đảng mà thôi.
Điển hình cho sự thật này là thời TBT Nguyễn Văn Linh, với tuyên bố thà mất nước còn hơn mất đảng, đã chọn ngả hẳn vào vòng tay kẻ thù truyền kiếp, khi khói súng xâm lược kéo dài suốt 10 năm còn chưa tan hết trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Tổ quốc, bằng việc ký Mật ước Thành Đô năm 1990, để lại di họa tiềm tàng và không biết còn dây dưa đến bao giờ mới dứt. Điếm nhục đến thế là cùng.
Đó là chưa kể tới 15 hiệp định ký kết giữa hai đảng vào năm 2017 được dư luận coi là bước cụ thế hóa của Mật ước Thành Đô 1990, chưa chờ “cái quan định luận” cũng đã rõ hai cái, về dẫn độ và đóng mở cửa khẩu biên giới quốc gia, cho thấy Việt Nam đã hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc, tựa như gã giáo sư sử học đốn mạt nào đó phát biểu, phải ngồi lại với giới sử học Trung Quốc để thống nhất về biên soạn Bộ lịch sử Việt Nam mới.
Thật là hết chỗ nói và có lẽ dải đất hình chữ S này cũng không còn lỗ cho những kẻ ấy chui xuống để mà kiếm tìm lại liêm sỉ. Như thế đã đủ chưa để nói – cho dù là với bất cứ lý do nào – non kém, dại dột, cả tin hay cam tâm bán nước cầu vinh…, thì trên thực tế, những sai lầm chết người về đường lối chiến lược suốt mấy chục năm qua là một chuỗi sự thật không thể biện minh và thảy đều là những cú trời giáng vào nghiệp lớn nước nhà, không dễ khắc phục đối với tiến trình dân nước vốn đã quá nhiều gian khó và khổ đau. Cho nên, nếu chưa hoặc không đủ dũng khí có lời cáo lỗi chân thành và thiện chí với tiên tổ anh linh và nhân dân thuần hậu, thì chí ít cũng xin đừng phách lối tụng ca điệu cũ và cố kiết với những gì đã trở nên phọt phẹt, để kịp hồi đầu.
Về đội ngũ mới thực sự phọt phẹt và khó gỡ. Với vẻn vẹn hơn 4 triệu đảng viên trong số gần 100 triệu dân, nhưng đảng thực sự chiếm đòi quyền ăn trên ngồi trốc, kiểu tiên chỉ làng thời phong kiến. Bằng chứng là toàn bộ các chức sắc lớn nhỏ trong bộ máy công quyền từ trung ương xuống cơ sở, thảy đều phải là người của đảng trước tiên. Mà sự đời, làm quan thì mới có lộc lá để ăn, vậy còn gì cho dân, những con sâu cái kiến muôn đời muôn kiếp đây?
Đặc quyền đặc lợi từ đó mà ra, khó buông lắm. Mọi hư hỏng, thối nát, đồi bại, tham tàn, bạo ngược, chạy chức chạy quyền… từ đó mà nên, khó dẹp lắm. Hành lang tư duy của bá quan văn võ trong triều ngoài nội bây giờ dường như chỉ còn một chữ, vơ vét và vơ vét, để làm giàu cho nhanh bằng mọi giá và lao vào hưởng lạc phàm phu. Bằng chứng là cụ Tổng đã ngoại thất thập cổ lại hi rồi mà vẫn phải lọ mọ đốt lò lịch sử, để thiêu đốt ai? Thiêu đốt chính các đồng chí của mình.
Riêng ở thành phố HCM rực rỡ tên vàng mà theo công bố mới đây của Ban nội chính thành ủy, chỉ 2 năm qua mà đã có hơn 600 cán bộ đảng viên bị kỷ luật (đó là số bị lộ, còn bọn đang trong đống rơm thì hẳn là lúc nhúc như ròi bọ), thì thử hỏi cụ ngồi đốt đến bao giờ đây? Nói là đốt như thế, đau xót lắm ư? Thì đó đã là một sự thừa nhận hiển nhiên, nhưng đường đường chính chính thì phải là tủi hổ và nhục nhã, bởi nếu có thể đốt hết được, thì coi như gần sạch cốt cán của đảng, mà không đốt cho đến nơi đến chốn thì đảng càng khó bề tồn tại và đứng vững, xứng đáng bị đào thải như một tội đồ dân tộc, không oan.
Tiếp đến là Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của dân, do dân và vì dân. Có đúng vậy không, khi có tới hơn 90% số đại biểu là đảng viên và họ đều phải nhất nhất tuân thủ điều lệ đảng, không đước phép nói và làm trái với nghị quyết của đảng. Vậy thì dân ở đâu và ý chí, nguyện vọng của dân được đề đạt/ thể hiện thế nào?
Thực tế không thể che đậy và mị lừa được, khi trên nghị trường số các gương mặt dám công khai nói lên tiếng nói của dân hoàn toàn có thể đếm trên đầu ngón tay. Họ thành thiểu số ít ỏi và thậm chí còn đang bị “vùi dập” vì sự chụp mũ ác độc và trắng trợn như chính các vị đã tỏ bày và dư luận rộng rãi đều biết tới, thành như phá rối, phá đám, thậm chí là “có vấn đề”….
Không phải ngẫu nhiên mà một nguyên Chủ tịch QH đã từng ngông ngạo thách thức: Quốc hội là cơ quan quyền lực của dân. Vậy dân quyết sai thì ai chịu trách nhiệm? Đúng là một phát ngôn manh xảo, bất nghĩa và bỉ lậu của bọn tiện nhân lục lâm thảo khấu. Nhưng quả thật, có hai điều nổi bật và dễ cho thấy hình ảnh một QH phọt phẹt, đó là:
1-Tuy là diễn đàn quyền lực cao nhất, nhưng nhiều vấn đề lớn, sống còn và thiết thân nhất của đất nước lại ít khi được bàn thảo và quyết đáp công khai để thực hành an dân trị quốc. Trong khi lại đầy rẫy những ý kiến vớ vẩn, ngô nghê, vặt vãnh, thậm chí dọn đường hòng bao che cho cái xấu ác của bè lũ quan quyền.
Ví như trước các đòi hỏi và hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông suốt mấy năm nay mà QH cứ im re như ngậm thóc. Đừng ngụy trá bằng lý lẽ bí mật đại sự quốc gia, hay tế nhị trong bang giao quốc tế này nọ. Bởi nghiệp nước và mối an nguy xã tắc hoàn toàn không phải là việc riêng của đảng và cơ quan quyền lực, mà là quyền lợi và bổn phận toàn dân. Nói chính xác là hoàn toàn phải trông cậy vào dân, mà không biết thỏa đáng và tôn trọng dân như thế, thì quá là phọt phẹt, chứ còn gì nữa.
Đó là chưa kể tới QH còn né tránh và nợ dân, từ việc nhỏ như cố tình che dấu không công khai danh tính những người đi nhờ chuyên cơ Chủ tịch QH sang và trốn lại Hàn Quốc…, cho đến những bộ luật căn bản thuộc về Hiến định hẳn hoi, như Luật biểu tình chẳng hạn, chính là đang gây những ách tắc-cục máu đông nghẽn mạch trong vận hành trơn tru nền pháp trị chính danh v.v… và v.v…
2- QH hay khoe về việc đổi mới tranh luận công khái trên nghị trường. Ấy là tiến bộ so với thời “u tì quốc” trước đây thôi, chứ tranh luận kiểu cầm giấy viết sẵn để đọc, thì sao gọi là tranh luận trực tiếp được? Của đáng tội, thi thoảng cũng có chút lời qua tiếng lại, nhưng thật hiếm hoi và thường không đến nơi đến chốn, bởi bị ngắt dừng vì quy định thời lượng. Vả lại, để có thể tranh luận trực diện thì không hề đơn giản và không phải ai cũng có thể đạt tới được.
Cần phải loại bỏ, thậm chí cấm các đại biểu đọc bài như học trò, vừa cho thấy các vị không hề có trình độ và năng lực đã đành, nhưng chắc chắn là không hề nắm vững vấn đề thuộc về bổn phận sự của mình. Bởi vậy các vị không những chưa thực sự xứng đáng là đại biểu của trí tuệ và lòng dân, mà còn gây phản cảm ghê gớm về hoạt động nghị trường. Nói thật là tất cả phải biết ngượng và xấu hổ vì điều đó – nó thực sự là trò gian dối, không thực chất và rất lãng phí về cả con người, đã nhầm chỗ, cùng tiền của và thời gian, mà đáng tiếc lại là đa số chứ không phải ít, quá phọt phẹt.
Dẫu có xu hướng tăng lượng đại biểu chuyên trách, hạn chế dần những người từ bên hành pháp tham gia QH…, nhưng đó cũng mới chỉ là những canh cải bề nổi. Thực chất phải là sự rạch ròi trong phân quyền và QH phải thực sự được trao vào tay nhân dân bằng phổ thông đầu phiếu, thì khi ấy tự khắc sẽ không còn hình ảnh một quốc hội phọt phẹt, mà là một cơ quan quyền lực tối cao để giám sát mọi hoạt động của hành pháp và tư pháp, tức thực hành thể chế pháp quyền, dân chủ và công bằng triệt để.
Về Chính phủ, dẫu vô cùng kính trọng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tả xung hữu đột không biết mệt mỏi trong suốt thời gian cầm quyền vừa qua và kỳ vọng ở nhân cách quan trường cùng tấm lòng dân nước của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc, thì Trần tôi vẫn không thế dối lòng mà nói lên một sự thật:
Một là, bộ máy công quyền quá trương phình, mà đa phần là hạng công chức lồi rốn tốn cơm, không mẫn cán, thiếu tận tụy và cực kỳ lười nhác. Đó thực sự là gánh nặng cho dân nước. Ấy là chưa kể nạn tham nhũng vặt chính là đa phần từ đám người này mà ra, gọi là tệ nhũng nhiễu. Để tránh tình trạng phọt phẹt này thì chính phủ không thể lề mề và nhu nhơ trong vấn đề xử lý biên chế và nâng cấp cả từ năng lực, phẩm chất và nhân cách đội ngũ công quyền. Chậm ngày nào thì không riêng Thủ tướng, mà cả sự nghiệp dân nước sẽ không thể cất cánh nổi với cái phao câu quyền lực phì nộn và ba bị như thế. Phi lý đến tột cùng, như thế cũng là đồng nghĩa với tội ác vậy.
Hai là, xem ra giá trị và hình ảnh tỏa sáng trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc cùng những bài học quý giá của nó đã không thành động lực và không được phát huy trong mục tiêu kép, ổn định và tăng trưởng kinh tế. Có những dấu hiệu rất rõ về tình trạng mà Thủ tướng từng phàn nàn: trên nóng dưới lạnh, gây khó trong chỉ đạo và điều hành. Ví như vấn đề giá cả thịt lợn, câu chuyện xuất khẩu gạo, đang dịch thì man trá đòi xuất, nhưng ngay sau đó trên diễn đàn QH lại xoét miệng thừa nhận là tình hình thiếu lương thực là có thật v.v…
Vậy đâu là vấn đề và phải chăng là Thủ tướng mới có ơn mà chưa có uy trong trị quốc thời Phong-Tùy đã chỉ ra? Nếu thế thì chính trường – quan trường có vấn đề, tức đã sẵn lối để mầm họa xen vào và không khéo ắt sẽ gây họa khốn cả trước và sau kỳ đại hội 13 đang đến gần. Mà một khi vấn đề nhân sự trở nên hệ trọng/ coi trọng, thậm chí sống còn với từng cá nhân đương quyền, với đảng và thể chế, thì hiển nhiên đại cuộc dân nước sẽ bị xếp lại, thậm chí không loại trừ cả dẫm đạp không thương tiệc. Đó chính là cái dớp của lịch sử nước nhà, là chỉ dấu phọt phẹt của cả hệ thống, khiến phận nước vốn gian nan lại càng khốn khó bội phần.
Vậy đảng đang phọt phet, QH đang phọt phẹt và chính phủ cũng không tránh khỏi, còn dân thì sao? Dân cũng phọt phẹt, thậm chí phọt phẹt hơn. Bởi trên thực tế, họ đã không hề được giáo hóa đúng mức, chuẩn mực và ngay lành. Ngay như bộ phận tinh hoa thì cũng cơ bản bị cuốn vào vòng danh lợi thường tình mà cam phận giá áo túi cơm, hoặc bon chen xu thời, hoặc an phận thủ thường, ít người nuôi giữ được chính khí và chính trí đại trượng phu.
Lịch sử đã chứng minh, khi chính sự rối ren và thế nước lâm nguy, thì chính thái độ và cung cách ứng xử của giới này lại là trở lực, thậm chí còn dự phần dìm đắm sâu hơn khát vọng và công cuộc vượt thoát cộng đồng. Riêng số đông chúng dân hiện thời thì nhiều nỗi lắm, chủ yếu là tối mặt lo sống và khát cháy làm giàu để lao vào cuộc tôn thờ tiện nghi vật chất thời thượng, hầu như bỏ qua bổn phận di dưỡng văn hóa-tinh thần làm trọng, thành thử khí chất con người suy giảm, tính thiện nhẫn bị xói mòn, nghĩa tình trở nên phai nhạt, nhu cầu bình yên dường đã xa lạ trong đời sống thường nhật lắm bon chen…
Nhưng đáng lo ngại nhất là thói vô cảm, khiến con người dễ cam phận và buông thả, ít có trách nhiệm và coi nhẹ bổn phận, với mình và với cả cuộc đời rộng lớn, thậm chí sẵn sàng bỏ qua cả liêm sỉ và tiết tháo… Đó chính là nguy cơ lớn nhất và tiềm tàng nhất, gọi là mục ruỗng giống nòi và cằn khô hồn nước, đồng nghĩa với đại phọt phẹt đấy thôi.
Một cách thành thực, Trần tôi coi đó là khúc đoạn gian nan không đáng có trên hành trình dân nước và thân phận đồng bào, là trang nhiều nỗi và xót xa mà lịch sử sẽ phải phán xét nghiêm khắc. Cho nên nói ra và chia sẻ không phải để mưu toan kết tội/ đổ lỗi và càng không phải để bi lụy và yếm thế trước hiện tình và tiền đồ xứ sở, mà cốt là mong cùng thức nhận để hồi đầu và kịp đón lấy cơ vận ngàn năm có một lần này, hiếm hoi và đại phúc vô ngần.
Và như thế, trong số những nội dung và việc làm cụ thể cho cuộc hồi đầu đã đề cập rõ trong loạt bài trước, giờ Trần tôi chỉ xin nhấn mạnh và vẫn giữ nguyên hai quan điểm chính:
1- Vào thời điểm này, tuy mắc lỗi lầm và tệ hại, nhưng đảng vẫn là lực lượng duy nhất có thể chèo lái con thuyền dân nước, trước là tránh họa nội thương, sau là tỉnh thức chọn đường chọn bạn để cải sửa thể chế và mở cuộc thịnh cường. Ai đó hay ỉ eo về chuyện hướng tới quan hệ Việt-Mỹ nồng ấm và có lợi cho cả hai bên, bằng luận điệu “Từ cựu thù thành bạn tốt” – cứ tưởng là hay và thiện ý, nhưng thực chất là hậm hực và muốn phá ngầm.
Thử hỏi, nếu là cựu thù thì giữa Mỹ và Trung Quốc, ai mới là cựu thù/ thâm thù hơn ai đối với Việt Nam? Thậm chí mãi tới 1979 Trung Quốc còn gây chiến tàn ác như và hơn cả cha ông chúng từng làm suốt hàng ngàn năm qua và được ghi trong Hiến pháp hẳn hoi – Trung Quốc là kẻ thù số 1 và trực tiếp của Việt Nam. Thế cơ mà, đến trẻ chăn trâu cũng dễ dàng trả lời được. Vậy mà vẫn nhanh chóng là bạn, mà bạn vàng hẳn hoi, sao không đặt vấn đề bình bán kiểu trên đây, mà hễ cứ xích gần với Mĩ, dù chỉ vướng một cuộc chiến tranh và không hề nuôi tham vọng thôn tính lãnh thổ và đe dọa chủ quyền của chúng ta, thì lại cứ đai và móc máy như thế.
Xin lỗi, nếu buộc phải chọn giữa cái xấu và cái tồi tệ, kẻ trí thức thời cần phải biết chọn cái xấu là hơn. Tức chọn Mỹ vạn lần hơn. Chắc chắn đảng đã thấy rõ điều đó và sẽ dấn bước viên minh.
Còn viện dẫn lý lẽ ‘bán anh em xa mua láng giềng gần’ thì với ai, chứ với ông hàng xóm xấu bụng truyền kiếp, chúng ta không cạch mặt đã là phúc cho kẻ thù lắm rồi. Vả lại, thời này là thời nào mà ngồi tính chuyện xa với gần? Chỉ cần một đường lối và chủ trương dứt khoát vượt thoát, mà thoát Trung là căn bản và nhanh chóng hùng cường thì con hổ giấy lân bang phương Bắc lúc nào cũng bị ướt đũng quần, thậm chí còn phải chịu thần phục là cái chắc. Về các phương diện thâm sâu khác soi thấu và cho thấy, Việt Nam sinh ra là để kiềm tỏa và hàng phục Trung Quốc. Đó là câu chuyện sứ mạng tiên thiên trước sau gì sẽ thành hiện thực.
Cho nên chỉ cần đảng biết hồi đầu đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, kịp thời chọn con đường sáng và kết bạn chí thành với bộ tứ kim cương, nhất là đại hội 13 này cũng chỉ cần rành rẽ chiến lược và mục tiêu như thế, còn mọi sự hãy biết nhất tâm trao quyền vào tay nhân dân, kể cả vấn đề thẩm định nhân sự, thì vạn sự sẽ như ý và nghiệp lớn tất thành.
Được thế là phúc-thành, không thế là họa-bại. Thế cho nên Trần tôi mới có câu: Phọt phẹt là phọt phẹt ơi!/ Hồi đầu tỉnh thức ta thời xá cho/ Nghiệp dân, nghiệp nước mới to/ Phận đảng quá nhỏ, chớ lo làm đầu/ Trăm năm một cuộc bể dâu/ Biết thờ đại cuộc trước sau ắt thành.
Giờ như quẻ báo, tháng 7-8 âm lịch, tức mùa thu năm 2020 này sẽ có những dấu hiệu chuyển dịch khác thường trong nhân thế, mà chắc chắn sẽ thấy rõ ở những tâm điểm của cuộc trị bình thần thánh, theo vòng xoáy Dịch thời Hoán-Sư-Cổ huyền linh – trong đó có Việt Nam. Cái gì đến tất đến, dù buồn hay vui thì người tính không bằng trời tính.
Và cuộc đại định kinh thiên động địa lần này sẽ gối sang đầu năm Trâu mộng 2021 – ứng với dự báo “Gió tây quất tới mưa bắc tạnh/ Chỉ nam tụ hội ánh dương hòa”. Hy vọng và tin mong đảng tuyệt đối nhận chân và dũng cảm hành động đúng, chớ để thành tội đồ dân nước. Mô Bụt!
Trang 2 / 2
Để lâu quá rồi, hôm nay mới có cơ hội viết phần 2 của bài về phọt phẹt, gọi là thể chế phọt phẹt, đảng phọt phẹt, quốc hội phọt phẹt, chính phủ phọt phẹt và dân càng phọt phẹt hơn. Giờ là đạo phọt phẹt, coi như toàn phần.
Có một thực tế, dưới thời cộng sản cầm quyền gần một thế kỷ qua, người ta đã đơn giản và ngô nghê đánh đồng đạo với các tôn giáo. Đó là hệ quả của sự ngu tối, thói kiêu ngạo vô lối và tệ lười nhác, thậm chí vô trách nhiệm trong thực thi bổn phận với dân nước. Có 3 vấn đề/3 căn nguyên chính yếu của thực trạng này.
1- Sai lầm trong thức nhận dẫn tới xã hội loạn chuẩn. Đây chính là chỗ tệ hại và kém cỏi nhất của mô hình/ thiết chế xã hội cộng sản nói chung và ở Việt Nam bấy lâu nói riêng. Khi thủy tổ cộng sản là Mác coi tôn giáo là thuốc phiện đối với quần chúng, thì để bài trừ tôn giáo – người ta vì thế mà diệt luôn cả đạo.
Nên nhớ – đạo/ đạo gốc vốn là toàn bộ các chân lý, nguyên lý và quy luật của vũ trụ, mang tính trùm phủ và chi phối tất thảy mọi hoạt động sống của cả tự nhiên và xã hội. Cho nên, thuận thảo thì hanh thịnh, nghịch ngược là suy bại- khó tránh. Còn tôn giáo chỉ là dụng/ phương tiện của đạo mà thôi – ví như con thuyền chở đạo đến cho nhân gian, hoàn toàn do con người tao ra và đắp đổi qua nhiều thời mà nên, thành ra mới sinh lắm mối nhiều đường.
Vậy ở một mức độ nào đó, có thể coi tôn giáo thuộc về đạo/ là một thành tố của đạo, nhưng tuyệt nhiên không phải là đạo, thậm chí còn lỗi đạo và khiến rối rắm cả đạo và đời. Những người cộng sản đã không nhận chân được vấn đề, nên ngay từ trong trứng nước đã xa rời đạo gốc, thậm chí dẫm đạp lên nó – nên thể chế rơi vào nghịch ngược và xã hội không có chân đế/ nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững.
Thực tế đã cho thấy quá rõ về điều đó – với sự sụp đổ của hệ thống đã diễn ra vào thập niên cuối của thế kỉ 20 và một dự báo không hề sáng sủa gì cho vài ba mống còn sót lại – thực sự đổ đốn bằng sự giả dối, bạo quyền và xa rời với các giá trị nhân bản cùng các nguyên tắc sống còn của dân chủ – dân sinh. Đó là con đường phi nhân, dẫn tới tội ác và họa lụy khôn cùng.
2- Về bản chất, cộng sản là vô thần, nên quá trình bài trừ tôn giáo dưới chiêu bài chống mê tín dị đoan càng trở nên gay gắt hơn, mà thực chất mê lầm như trên đây càng khiến cho đạo gốc bị tàn diệt nhanh hơn. Không phải ngẫu nhiên mà trong tâm thức dân tộc suốt mấy thập kỉ qua không dễ phai mờ vết bầm đấu tố trong cải cách ruộng đất năm 1954 – khi đạo lý luân thường bị đảo lộn hoàn toàn, ươm mầm cho một thực trạng xấu ác và nuôi lớn bè lũ tiểu nhân đắc chí lên ngôi – càng ngày càng trở nên tồi tệ và u ám hơn.
Nói chính xác thì hơn 70 năm qua, dân tộc ta đã không có một nền giáo hóa chuẩn mực và ngay lành theo cách thiện – từng là chỗ dựa vững chắc cho công cuộc giữ nước và dựng nước suốt hàng ngàn năm lịch sử, đảm bảo cho sự trường tồn và triển nở lành mạnh nòi giống. Đặc biệt dưới chính thể này, các tôn giáo đã không làm tròn được phận sự chở đạo chân chính của mình, thậm chí còn là tầm gửi/ sống dựa vào thể chế là chính, không đủ sức nêu gương và nhiếp hóa chúng sinh trên đường diệt khổ tìm vui.
Trên thực tế, dân chúng xem ra rất mộ đạo và sính lễ lạt, nhưng đó thực không phải là sùng đạo-đạo gốc, mà chỉ là bám víu mãi vào con thuyền chở đạo phọt phẹt, tức mải miết với phương tiện, chứ không phải là tìm tới/ đạt tới cứu cánh-mục đích. Cho nên càng thấy sính lễ, càng thấy chùa to, tượng lớn, chuông bự… thì đời sống con người và xã hội càng trở nên vô cảm, vô định và vô nghĩa lý. Đó không gì khác, chính là thực cảnh xa đạo, thậm chí vô đạo.
Mà đời một cá nhân, cho đến cả cộng đồng dân tộc – đã vô đạo thì sao mà lập đức và tôn đức cho được, nghĩa là tất sẽ ít phúc/ mạt phúc/ vô phúc. Mà đã bất đức-bất phúc thì sao có thể vun đắp nên phẩn giá-nhân cách-liêm sỉ cho được. Mà người xưa đã dạy rồi – người không có liêm sỉ thì không bằng loài vật và không xứng có chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Cũng vì thế mà chính khí – nguyên khí bị suy kiệt, tà khí lên ngôi và lấn lướt, khiến cảnh sống như ao tù nước đọng.
Đó là bức tranh toàn cảnh về một xã hội ít nhân tính, lấy đua chen, giành giậ, tham bẩn, vị kỷ làm đầu và không thể che đậy, thì hãy nhìn vào đảng và bộ máy công quyền, cùng đời sống xã hội dân nước hiên thời xem có gì oan sai không? Giống như trên đường tu chứng nhiệm màu- phải có dũng khí tỏ tường sự thật một cách thỏa đáng như thế, chúng ta mới mong có tinh tấn và giải thoát viên mãn. Đó là chính pháp và là con đường sáng, còn không- thảy đều là tà giả, tăm tối và lụy khốn mà thôi.
3- Điều đáng nói nữa, chính từ bản chất và sự thức nhận sai lầm như thế mà những người cộng sản càng lún sâu vào những điều tối kị, khiến thành hư đạo và nát tục. Trên thực tế, với đầy rẫy những thất bại và sai lầm chiến lược mang tính đường lối như thế, cả về nội trị và quan hệ quốc tế, nhất là để rơi vào vòng lệ thuộc kẻ thù truyền kiếp, xem ra càng gỡ càng bí, càng chống đỡ càng rối hơn – ví như cảnh đốt lò chống tham nhũng của cụ Tổng có cháy đấy, thậm chí cháy to hẳn hoi, nhưng dân gian dạy rồi: “Đố ai quét sạch/ cũng như đốt sạch lá rừng. Để tôi ngăn gió – gió đừng rung cây…” . Bởi một xã hội đã vô đạo rồi thì những giải pháp như thế mới chỉ là phần ngọn, chưa tới gốc thì rất khó thành.
Mà cả trên đường đạo lẫn đường đời, cốt tủy phải trông vào nền giáo hóa theo chuẩn đạo, mà giáo hóa thì cốt ở thân giáo-nêu gương sống. Mà sống đây là phải biết sống cho ra sống – cả với mình và với đời, như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chỉ dạy: “Nhân vô bổ thế trượng phu tàm”- có nghĩa: Sống mà không giúp ích gì cho đời thì không đáng mặt trượng phu.
Vậy thử hỏi – những người cộng sản, nhất là những ông nọ bà kia có chức quyền, cả lớn bé – giờ có bao người biết xả thân vì đại cuộc dân nước, hay đa phần chỉ lo vơ vét, thậm chí cam tâm vì đại cuộc với kẻ thù truyền kiếp mà bất chấp cả hại nước hại dân? Không khác được đâu – phải lập đạo, có đạo và giữ đạo thì mới mong thịnh ổn được.
Trần tôi tin là những người cộng sản đã thấy được, nhưng cái khó là để làm được như thế thì phải thành tâm/ nhất tâm. Bởi trước đạo và với đạo – xin nhớ là đạo gốc của trời đất nhé, chứ không phải là các tôn giáo thuần túy, thì tối kỵ là vờ vịt – như Phật hoàng Trần Nhân Tông chỉ dạy: “Miệng rằng tin, lòng lại lỗi”. Trần tôi dám chắc – không vị lãnh đạo cộng sản nào ở ngôi mà dám báng bổ thánh thần đâu, thậm chí còn tín mộ hơn người, nhưng họ vẫn phải làm ra vẻ vô thần và nói lời không thật. Vậy đã là bất thiện rồi.
Vả đa phần là giao phó việc ấy cho vợ con, mà các vị này rất dễ bị các loại thầy bà thực dụng vây bủa và lôi kéo vào mê lộ tâm linh, với đủ loại mục đích tư lợi vị kỷ, thậm chí cả tham vọng can thiệp vào công việc triều chính hẳn hoi. Thế là kính chẳng bõ phiền, từ cá nhân đến xã hội thành nửa đời nửa đoạn, nửa dơi nửa chuột mà nên nỗi – sao có được công quả linh ứng nhiệm màu – cho mình và cho dân nước?
Duy nhất sau đợt đầu chiến thắng ôn dịch Vũ Hán-Trung Quốc mới đây, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đã xuống chùa Viên Minh của đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ ở ngoại thành phía nam Hà Nội mà không ồn tạp bầu đoàn này nọ, thực đã là chỉ dấu của sự thấy biết thuần thành – đáng quý và đáng mừng. Tuy nhiên, điều tốt đẹp và chuẩn đạo như thế phải được lan tỏa mạnh mẽ ra cả đội ngũ và toàn dân – theo đúng nghĩa giương lên ngọn cờ chính đạo và chính pháp, mở cuộc hồi đầu – gột rửa tâm/ chuyển hóa tâm rốt ráo, thì mới hi vong công cuộc cải nghiệp sớm được tinh tấn và như ý. Đó là nghiệp lớn và phúc lớn.
Nhân đây không thể không nói đến một thực tế, hay nói cách khác là cung cách quản lý tôn giáo bằng cài cắm lực lượng nghiệp vụ an ninh vào giới tu hành. Phải nói ngay – thể chế nào và quốc gia nào thì cũng ít nhiều đều áp dụng như thế cả, bởi suy cho cùng thì đạo-đời là quy như thôi. Đó là cần, nhưng phải đủ và nên nhớ – đạo và đời tuy hai mà một và tuy một lại là hai. Và như thế, nó đòi hỏi những con người mang vác sứ mạng đạo-đời trên cả hai vai như thế phải được dạy bảo đúng mức và trau rèn chỉn chu, tức dứt khoát phải biết tự nỗ lực tu tập và mẫn cán hơn người, để hoàn mãn phận sự và ân hưởng phúc báu có thật, tức phải chỉn chu cả phần căn nghiệp hoằng pháp độ sinh-cứu khổ cứu nạn cao quý, chứ không phải là kẻ ngoại đạo ghé vào để lợi dụng, tệ hơn là phường tà đạo-mang theo con sóng đời thường uế trược – dự phần bung phá con thuyền chở đạo và con đê hộ đời bình yên.
Sự mất nết và hư đốn trong giới tu hành – vốn đã có sẵn (gọi là ma phật liền kề), nay lại càng xảy ra đậm đặc hơn – như dân gian gọi là các thầy tu giả cầy hay hổ mang… là có một phần lỗi rất nặng từ cuộc chơi này. Nó càng cho thấy thực trạng thể chế đương thời không chỉ không thấu suốt ngọn ngành chân lý đạo-đời, khiến coi nhẹ vị trí và vai trò sống còn của đạo – thông qua các tôn giáo, mà ở Việt Nam nhất là Phật giáo, thậm chí cả dấu hiệu phá đạo – cũng chính là tự phá đi các giường mối tinh thần cao trọng cho công cuộc dân nước lớn lao vậy.
Dân tộc và vận nước đang cần một cuộc đại chấn hưng – gọi là thay đổi hay là chết, trong đó dứt khoát phải sớm chấn chỉnh các chính sách và cung cách hành xử với tôn giáo, mở đường vãn hồi thực sự sức mạnh tinh thần từ cội nguồn đạo gốc – nhân bản và yêu thường, mới có thể sớm thúc đẩy tiền đồ hưng thịnh thành hiện thực.
Bài học lịch sử và căn cốt này – không thể không tôn vinh thế kỉ 13, thời nhà Trần vẻ vang. Đặc biệt là “Con đường Phật hoàng”, với tư tưởng lớn khai giải nội lực con người và dân tộc, mà khai giải nguồn trí tuệ và tinh thần là trọng yếu, để làm cuộc hưng thịnh Đại Việt đương thời và có ích cho muôn đời. Nên nhớ, Trần Nhân Tông khởi sự cho công cuộc chấn hưng Đại Việt như thế, chính là chọn điểm hỏa vào địa hạt Phật giáo đã trở nên quá thối nát từ cuối Lý sang đầu Trần.
Chính sự dấn thân cao cả – chấn hưng Phật giáo và giương cao ngọn cờ tư tưởng lớn của Thiền Việt Trúc Lâm Yên Tử, mà Người đã làm nên cuộc quật khởi toàn dân tộc, mở ra một hình mẫu đạo-đời hoàn mãn, làm tươi tốt lại nền giáo hóa chuẩn mực giàu truyền thống theo cách thiện, ghi dấu ấn về một thời cực thịnh-vàng son trong lịch sử nước nhà.
Nhưng bóng ma căn nghiệp cộng đồng lại hiện về và triều Trần suy vi. Thì căn nguyên chính cũng là do các thế lực ở ngôi sau đó đã không giữ được đạo cả chính, tức đánh mất các rường mối căn bản của đạo trị, sa vào ham hố danh lợi phàm trần, khiến tan đổ cả cơ đồ. Chính vua Trần Nghệ Tông đã lưu bút để cảnh thức hậu thế, rằng: “Tự hận nhi tôn tham bão noãn. Bất tùy sung mật báo thâm ân”, có nghĩa: Tự hận cháu con ham lợi lộc. Không theo nghĩa cả báo ơn dày.
Câu chuyện bại thành muôn đời chỉ có thế mà thôi. Cho nên một khi đã vô đạo, hoặc có đấy mà để rơi vào tình trạng phọt phẹt, thì họa lụy là khôn lường và suy vi đã nhãn tiền, chứ không phải đơn thuần chỉ là vấn đề chính đảng và thể chế.
Ta nói, vào thời điểm khắc nghiệt này, cần một cuộc hồi đầu – đảng hồi đầu, quốc hội hồi đầu, chính phủ hồi đầu và cả dân tộc hồi đầu, để kịp nâng đón lấy cơ vận ngàn năm có một, mở cuộc sang sông lớn thịnh cường là thế và không mong gì hơn thế. Bởi một khi đã bước lên đài hùng cường, thì không chỉ là hạnh phúc trong tầm tay đối với 96 triệu dân Nam đang khát cháy, mà chúng ta sẽ có cơ hội để làm được những điều ngàn lần lớn lao hơn thế- đó là nỗ lực thu về những gì đã mất vào tay kẻ thù truyền kiếp trong suốt chiều dài lịch sử nhiều nỗi, đặc biệt là thời của nhứng người cộng sản u tối, đớn hèn và vô đạo.
Phàm đã nói và bàn về đạo lớn thì mặc nhiên đã là chí thành và chí nghĩa vì đại cuộc và tin mong cho đại cuộc dân nước tất thành. Mô Bụt!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.