Virus corona: Nhờ Covid-19, ĐCSVN giành lại niềm tin ngoài mong đợi từ người dân?
Một số nhà quan sát quốc tế cho rằng dường như ĐCSVN đã giành lại được niềm tin ngoài mong đợi từ người dân nhờ đại dịch Covid-19.
Bình luận với BBC News Tiếng Việt qua email, nhà báo chuyên về chính trị Đông Nam Á David Hutt nói:
"Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) không thể chịu được việc họ sẽ thất bại trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này."
"Thời gian vừa qua, đã có lúc các cuộc biểu tình của người dân chống lại chính phủ gia tăng. Cộng thêm việc có vẻ như sự lạc quan vào chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng đang giảm dần. Tiếp nữa là và nền kinh tế bắt đầu xuất hiện các vấn đề."
"Nếu ĐCSVN không làm tốt trong việc xử lý cuộc khủng hoảng này, và rồi lại kéo theo sau cái đuôi khủng hoảng kinh tế nữa, thì tôi cho rằng thậm chí sẽ có nhiều người Việt Nam hơn nữa đòi có những cải cách về chính trị."
"Nhưng phản ứng vừa qua của chính phủ Việt Nam với vụ dịch đã khiến đảng này có thể thở phào đôi chút."
'Tuyệt vọng cải thiện hình ảnh'
Theo tác giả Mai Trương trong một bài viết mới đây trên the Diplomat, đại dịch virus corona đã mang lại cho ĐCSVN cơ hội duy nhất để củng cố tính chính danh trong bối cảnh đang bị chỉ trích nặng nề vì cách họ xử lý các vấn đề của đất nước cuối 2019 đầu 2020.
Mai Trương chỉ ra rằng, ĐCSVN không may mắn trong khoảng thời gian nói trên, trên nhiều mặt trận. Ở mặt trận kinh tế, thảm kịch 39 người chết trong xe thùng ở Anh Quốc đã làm dấy lên câu hỏi các chính sách kinh tế của đảng này có mang lại cơ hội công bằng cho các tầng lớp khác nhau trong xã hội hay không.
Trên mặt trận xã hội, ĐCSVN bị chỉ trích vì phản ứng chậm trễ với các vấn đề ô nhiễm ở thủ đô Hà Nội, bao gồm ô nhiễm nguồn nước máy ở khu vực đông nam thành phố và sự cố cháy nổ nhà máy bóng đèn Rạng Đông ở quận Thanh Xuân.
Tiếp đó là vụ đụng độ chết người giữa chính quyền và người dân Đồng Tâm, Hà Nội, đã kéo theo các chỉ trích nặng nề từ các lực lượng ủng hộ dân chủ đối với các chính sách đất đai của chính phủ và tham nhũng tràn lan ở cấp địa phương.
Tất cả những điều này làm dấy lên nghi ngờ về lực lượng lãnh đạo ĐCSVN, Mai Trương, hiện là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Mỹ, bình luận.
Bổ sung thêm vào danh sách các sự kiện khiến niềm tin trong dân chúng đối với ĐCSVN lung lay, trong bài "Coronavirus Loosens Lips in Hanoi" trên Foreign Policy, nhà báo chuyên về chính trị Đông Nam Á David Hutt đề cập đến nỗ lực che đậy vụ xả thải của Formosa năm 2016 và một số vụ việc khác, dẫn đến biểu tình nổ ra ở nhiều tỉnh thành.
Nhà báo Mỹ nhắc lại rằng chính phủ Việt Nam từ lâu bị dân chúng cho là tham nhũng và không minh bạch, bị chỉ trích "là tay sai của Trung Quốc". Chính vì thế, ĐCSVN trong nhiều năm qua đã mất đi tính chính danh với tư cách là tổ chức thống nhất Việt Nam sau nhiều thập kỷ chiến tranh và chia ly, là tổ chức duy nhất của chủ nghĩa dân tộc và là đại diện cho người dân. Và đã không còn độc quyền chiếm tinh thần dân tộc nữa.
Tác giả Mai Trương kết luận rằng, đại dịch Covid-19 toàn cầu xảy ra đúng lúc ĐCSVN đang tuyệt vọng vượt qua các sự kiện này và cải thiện hình ảnh trong mắt người Việt Nam.
'Giành lại niềm tin ngoài mong đợi'
Theo tác giả Mai Trương thì cho đến nay ĐCSVN đã thành công với mục đích nói trên.
So sánh cuộc chiến chống Covid-19 của chính phủ Việt Nam với cuộc chiến mà ĐCSVN lãnh đạo chống Pháp và Mỹ trong thế kỷ 20, Mai Trương cho rằng ĐCSVN một lần nữa lại dựa vào chiến lược tổng động viên, huy động toàn xã hội bao gồm lực lượng quân đội, an ninh, chính quyền các cấp, và mọi cá nhân, để chống dịch.
Tác giả Mai Trương viết trên the Diplomat:
"Ở nhiều nơi, công an và tổ trưởng dân phố đến từng nhà để kiểm tra có ai về từ nước ngoài không. Hàng xóm cũng để mắt tới nhau để xem có ai có triệu chứng gì hay mới đi nước ngoài về là báo ngay cho chính quyền để cho đi cách ly."
"Chiến lược này, lần nữa, lại chứng tỏ hiệu quả." Không có ca tử vong nào cho tới nay, và nhiều ngày không ghi nhận ca nhiễm mới từ cộng đồng.
"Trên mặt trận truyền thông, báo chí nhà nước ngầm đặt cạnh nhau các con số người nhiễm tăng không kiểm soát ở các nước khác, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, trong khi tình hình ở Việt Nam thì kiểm soát được."
"Truyền thông Việt Nam cũng gây cảm giác rằng thậm chí cả người Việt hải ngoại cũng "chạy về nước" để tránh dịch và để được điều trị.
Các bài báo với các tít khơi gợi cảm xúc như "cuối cùng tôi đã sống sót", và "cảm ơn đất nước tôi đã cứu sống tôi" được chia sẻ rộng rãi trên các báo chính thống và mạng xã hội. Chiến dịch này đã làm khơi gợi tình cảm dân tộc và sự gắn bó với ĐCS và đất nước. Trên mạng xã hội tràn ngập các khẩu hiệu "Tự hào Việt Nam", "Tôi thật tự hào vì sống ở Việt Nam", "Tôi tự hào về chính phủ Việt Nam".
"Bất cứ ai chỉ trích điều kiện trong các khu cách ly tập trung hay chính sách của đảng sẽ đối mặt với nguy cơ làm bùng nổ sự giận giữ trong cộng đồng mạng và bị dán nhãn là sính Tây hay không yêu nước. Chẳng hạn, một video cho thấy cảnh một phụ nữ Việt Nam sống tại Ba Lan đang cãi nhau với cảnh sát ở sân bay Nội Bài đã nhận được hơn 500 bình luận. Nhiều bình luận đòi người này phải biết ơn đất nước đã sẵn lòng đón bà trở về trong khi châu Âu 'bỏ rơi' bà."
"Và để phản hồi lại vài du học sinh phàn nàn về điều kiện nơi cách ly, một giáo viên cấp hai đã làm một bài thơ hỏi những người than vãn rằng "các bạn đã đóng góp được gì cho đất nước?". Bài thơ này sau đó đã được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội với hình ảnh thủ tướng và khẩu hiệu "Việt Nam không bỏ ai lại phía sau!".
"Dịch Covid-19 cũng mang lại cho quân đội cơ hội cải thiện hình ảnh. Truyền thông nhà nước và mạng xã hội đầy hình ảnh cảnh sát và bộ đội đang làm nhiệm vụ. Người dùng mạng bắt đầu gọi họ là 'lính cụ Hồ. Có lẽ, nhiều người đã quên rằng chỉ mới một tháng trước, cũng chính những "lính cụ Hồ" này có thể đã được triển khai để vào làng Đồng Tâm trong một vụ tranh chấp đất đai ở ngoại thành Hà Nội."
"Đại dịch Covid-19 đã giúp ĐCS VN giành lại niềm tin của người dân ngoài mong đợi và khẳng định vai trò lãnh đạo đất nước của mình," Mai Trương bình luận.
Liệu niềm tin có kéo dài?
Mặc dù khẳng định rằng "không quá khi nói Đảng Cộng sản chưa từng được lòng như thế kể từ thời chiến tranh Việt Nam," cây bút David Hutt hoài nghi "liệu điều này có kéo dài sau khi đại dịch kết thúc hay không?"
Băn khoăn của David Hutt dựa trên thực tế là dù mới giành lại được niềm tin từ người dân, đội ngũ lãnh đạo ĐCSVN hiện nay, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, vẫn mang "một hệ tư tưởng già nua từ giới tinh hoa cũ của Hà Nội."
Bàn quanh vấn đề này với BBC News Tiếng Việt, ông David Hutt nói:
"Trong khủng hoảng vừa qua do đại dịch virus corona, ĐCSVN đã hành động có trách nhiệm và đặt người dân làm mối quan tâm hàng đầu. Tất nhiên có những mức độ ủng hộ khác nhau đối với ĐCSVN, tùy theo vùng địa lý - cũng như độ tuổi và nghề nghiệp."
"Nếu ĐCSVN có thể duy trì một mức độ xét nghiệm virus và các kết quả chống Covid-19 như hiện nay, nó sẽ là một trong những thành tựu tốt nhất, hơn bất kỳ nước nào ở châu Á (có vẻ Việt Nam sẽ hồi phục nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á khác).
"Tôi nghĩ rằng danh tiếng của ĐCSVN sẽ lớn mạnh lên trên khắp cả nước."
"Tuy nhiên, tôi sẽ nói rằng như họ đã thể hiện trong vụ dịch này, ĐCSVN phải tuân thủ chính sách minh bạch, cởi mở, và quản trị công bằng - vốn không phải là các đặc trưng của đảng này - và đừng có lại quay ngược lại cách cai trị độc tài và không minh bạch."
"Cuộc khủng hoảng này là thời điểm để người Việt Nam đoàn kết lại, như một. Bất kể Bắc hay Nam."
"Phản ứng của chính phủ Việt Nam với đại dịch Covid-19 gần giống như những cái mà chính trị thực sự nên làm. Chính phủ, và đảng cầm quyền, cũng như các đại biểu nhân dân, cần làm mọi điều có thể để bảo vệ công dân của mình. Và người dân, với một chính phủ được tin tưởng, có thể cảm thấy chính họ đang được bảo vệ. Việt Nam đã chưa từng làm được điều đó."
"Nhưng để xem niềm tin mới giành lại được có kéo dài được không, phải chờ đến Đại hội đảng toàn quốc vào tháng Giêng năm tới, xem đội ngũ lãnh đạo mới là ai," David Hutt nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.