Save Vượng
4-7-2020
Có vẻ mọi người đang nhầm. Mình kí tên vào Bản kiến nghị yêu cầu xem xét lại khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ không phải là để cứu khu dự trữ sinh quyển số 1 Việt Nam này. Xét đến bối cảnh người dân Saigon có vẻ như đang theo dõi và cổ động cho cơn sốt bất động sản ở Cần Giờ hơn là nghĩ đến tương lai của lá phổi xanh này, thì không việc gì phải mất công để save nó cả.
Không khí Saigon đã ô nhiễm trầm trọng lắm rồi, giờ ô nhiễm thêm tí cũng chả sao. Kẹt quá thì ta di cư sang nước khác sạch hơn.
Thật ra, mục tiêu của mình là để Save Vượng.
Mình mới xem được báo cáo địa chất khu Cần Giờ. Mũi khoan đến độ sâu 100m chỉ toàn bùn cát, bùn chảy và đất sét. Ở độ sâu 200m thì được cho là có 1 lớp đá trẻ. Đá trẻ rất khác đá già. Cả 1 vùng địa chất cửa sông Cần Giờ có thể nói là mềm nhoẹt ra, và có độ biến động rất phức tạp.
Nếu chỉ phát triển 1 dự án tầm 600ha ven bờ theo kế hoạch cách đây 20 năm, bao gồm chia lô biệt thự mặt biển thấp tầng, nhà trên cọc, resort mật độ xây dựng cực thấp thì khá là hợp lý. Đằng này lại phình to ra lấn biển đến gần 2.870ha để chứa 230.000 người. Muốn có đủ lượng cát san lấp gần 137,6 triệu m3 cát này, kế hoạch ban đầu của Vin sẽ là khai thác tại các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến sự tan rã và xói lở của khu vực này. Nên khả năng cao là Vin chuyển sang phương án 2: hút vật chất từ khu biển nhân tạo ở giữa lòng dự án để san nền.
Để làm được điều này, Vin cần phải tiến hành xây dựng 2 lớp siêu đê dài tầm 23-35km bọc cả vành ngoài lẫn vành trong khu biển nhân tạo để cố định lớp địa chất nhão nhoét này. Các lớp siêu đê này cùng lắm là cắm được móng vào lớp đá trẻ. Khi hút lớp bùn cát sình lầy nơi đây, những biến động rộng khắp trên toàn khu vực là rất khó tiên đoán. Xây thì được, nhưng hết sức rủi ro và siêu tốn kém.
Sau đó, họ sẽ cắm 1 lượng cao ốc khá khá vào đây. Bạn hãy tưởng tượng tải trọng của 30-40 nhà cao tầng-hàng trăm chung cư-hàng nghìn biệt thự sẽ thúc đẩy cho tốc độ lún của toàn khu tăng nhanh. Với tốc độ lún 5-10cm/ năm, sau 10-20 năm, khu đô thị này dù có được tôn nền thì sẽ lún xuống ngang luôn mặt nước biển Atlantic là 1 viễn cảnh không có gì hay ho cho lắm.
Đấy là chưa nói đến mực nước biển đang dâng cao theo 1 tốc độ rất bất thường. Bao nhiêu dự báo đều không đúng nữa.
Nhiều người bảo có tiền thì làm được tuốt, công nghệ bây giờ hiện đại lắm. Ukie, vậy mời bạn đọc lại phân tích của mình về công nghệ xây dựng của Vin ở đây.
Dự án này của Vin chứa rất nhiều tham vọng lẫn khát vọng. Nhưng tóm lại 1 câu thì đó là người anh hùng chống trên đôi chân đất sét.
Tư duy cốt lõi của dự án này xoay xung quanh 1 thứ chủ nghĩa hiện đại đã lỗi thời, mơ về 1 thứ tương lai lạc hậu, và kiên quyết bằng mọi giá đập đá vá trời, đem tiền đổ sông đổ bể chế ngự thiên nhiên. Làm 1 biển nước mặn giữa đồng lúa Hà Nội, cho đến xây siêu nhà kính trồng hoa tulip ở đảo Hòn Tre – Nha Trang thì cũng chỉ hơi ngớ ngẩn. Nhưng chọc đô thị cao tầng vào lớp bùn thì là 1 sai lầm nghiêm trọng. Đội nào tư vấn dự án này thế nhờ, xúi cho người khác sa lầy.
Dự án lấn biển 14 tỉ đô của Dubai đã thất bại về mọi mặt. Nhẽ không sang đấy mà học?
Nói đến đây đã dài, thôi thì mời mọi người cùng nhau góp chữ kí để Save Vượng tại đây các bạn nhé!
Lãng mạn và mơ mộng, tinh thần chấp nhận hiểm nguy và máu phiêu lưu phải nói là hiếm thấy trên thế gian, mình thích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.