Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Người miền Nam: Từ người làm chủ, biến thành làm thuê ngay trên mảnh đất của mình

Người miền Nam: Từ người làm chủ, biến thành làm thuê ngay trên mảnh đất của mình

Thuận Đạo
Hàng loạt thông tin gần đây trên báo chí cho thấy một tình cảnh khá tồi tệ cho miền Nam Việt Nam, nào là TP HCM không được đầu tư đủ để phát triển hạ tầng làm đường sá kẹt cứng, ngập lụt, chỉ có một sân bay bị quá tải cả trên không lẫn dưới mặt đất, bến cảng thì chật chội, không kết nối, đường vành đai 2 thì chưa kết nối, đường cao tốc chỉ có 2, chi phí vận chuyển một container từ TPHCM đi Hà Nội đắt gấp hai lần đi Mỹ, các tỉnh thành phố phía Nam thì có cơ sở hạ tầng lạc hậu, xập xệ, v.v…
Trong khi đó, nhìn ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thì hạ tầng phát triển tốt, xung quanh Hà Nội có 14 đường cao tốc, hạ tầng Hà Nội cũng phát triển với 3 đường vành đai đã hoàn thiện, trong đó có một đường vành đai trên cao. Có bao giờ mọi người tự hỏi rằng tại sao?
Có lẽ chúng ta cần tìm hiểu lại lịch sử cận đại một chút. Miền Bắc đã tốn nhiều xương máu cho cuộc nội chiến để giành lại thống nhất cho Việt Nam. Người miền Nam bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, theo chiêu bài mà miền Bắc đưa ra giai đoạn trước 1975 là cuộc chiến chống xâm lược của Mỹ, đem lại cơm no áo ấm, làm cách mạng dân tộc dân chủ, v.v… để giúp người dân Việt Nam chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, dân tộc, để mọi người được no ấm, công bằng, v.v…
Trong cuộc chiến trước 1975, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam được thành lập để thu hút người dân miền Nam trong cuộc chiến này, rất nhiều người miền Nam bị lợi dụng. Thực chất, Mặt trận bị điều khiển bởi miền Bắc ngay từ đầu cho đến khi kết thúc chiến tranh.
Nhiều người đến gần đây mới biết mình bị lợi dụng như thế nào cho cuộc chiến tranh này, rất nhiều ví dụ sinh động, điển hình là nhóm học sinh sinh viên miền Nam, Giáo hội Phật giáo Miền Nam đã bị cuốn vào cuộc chiến, họ đi biểu tình, phản đối chế độ Mỹ-Diệm, làm rung chuyển miền Nam gần hai thập kỷ và góp phần quan trọng cho sự sụp đổ của chế độ miền Nam trước 1975.
Sau 1975, họ nhận ra mình bị lợi dụng trắng trợn như thế nào, đầu tiên họ tham gia vào bộ máy chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, vào Giáo hội Phật giáo, v.v… nhưng dần dần họ bị loại ra khỏi bộ máy bằng những người từ miền Bắc vào với lý lịch trong sạch theo chủ nghĩa lý lịch (một hình thức tinh vi để dần dần thay thế người miền Nam, được áp dụng triệt để và xuyên suốt) hoặc người do nhà nước đào tạo, đó là các ông/bà Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, v.v… là các vị sư sãi như Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Trí Quang, Thích Quảng Độ, Thích Thiện Minh, v.v… Về việc thức tỉnh của những vị này thì tôi không đi sâu, mọi người có thể tìm hiểu từ nhiều nguồn tư liệu khác.
Với khí thế chiến thắng, kết thúc đánh nhau tang thương, người dân miền Nam còn mải mê hưởng hòa bình sau nhiều năm chiến tranh, thống nhất đất nước, thế là Quốc hội đầu tiên sau 1975 đã được bầu, vì có vài người miền Nam tham gia ở các vị trí lãnh đạo cao cấp, như Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ, Phó thủ tướng Phạm Hùng, Huỳnh Tấn Phát, v.v… Do vậy đa số đại biểu Quốc hội đã thống nhất chọn Hà Nội làm Thủ đô.
Người miền Nam không nhận ra là mình đang bị lừa, vì thấy thành phần Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có người miền Nam. Bi kịch cho người miền Nam bắt đầu từ đây.
Thật ra các vị trí lãnh đạo cao cấp như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Thủ tướng chỉ là “bù nhìn” trong hệ thống mà đảng CSVN toàn quyền định đoạt. Nếu quý vị có cơ hội tìm hiểu sâu hơn thì với nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và nguyên tắc tập trung dân chủ thì các cá nhân đứng đầu chẳng có một quyền hạn gì.
Quyền hạn thật sự nằm ở bên Đảng, ở các cơ quan giúp việc, như Văn phòng Trung ương Đảng, các ban của Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội. Những chuyên viên cao cấp, các trợ lý thật ra mới là những người điều hành, chấp bút cho lãnh đạo. Họ tham mưu và chuẩn bị các văn bản, nếu họ bảo là trái quy định thì không lãnh đạo nào dám ký cả.
Có nhiều ví dụ là những vị ở vị trí cao cấp trong bộ máy bị “thất sủng” như Trần Xuân Bách, Nguyễn Hà Phan, v.v… Từ đó ta mới nhận ra các vị ở bộ máy giúp việc có vai trò to lớn như thế nào trong hệ thống quyền lực. Chính bộ máy này đã “tham mưu”, ra chính sách, v.v… có lợi như thế nào cho các tỉnh thành miền Bắc và các tỉnh thành miền Nam đã dần trở thành công cụ để cho miền Bắc lãnh đạo.
Với một câu nói bất hủ của ông Nguyễn Phú Trọng trong tiêu chí lựa chọn người đứng đầu Đảng CSVN cho Đại hội 12 phải là “người miền Bắc, có lý luận” đã đúc kết đầy đủ chính sách vùng miền và quyền quyết định.
Ở các cơ quan miền Bắc người ta thường dè bỉu người miền Nam, luôn có thành kiến xem người miền Nam là lười biếng, không biết ứng xử khéo léo, họ thường dùng từ “bọn miền Nam” để nói về người miền Nam. Với chủ nghĩa lý lịch, việc tiếp cận cơ hội học hành, nâng cao trình độ, du học, thì người miền Bắc chiếm tỷ trọng hơn 85%. Từ đó, họ có đủ điều kiện để được nhận vào làm việc và được bổ nhiệm ở vị trí cao trong bộ máy chính quyền.
Ngay sau chiến tranh, các tỉnh thành miền Nam được thừa hưởng sự đầu tư rất lớn của Mỹ, nên hạ tầng, cơ sở vật chất rất tốt so với sự kiệt quệ, lạc hậu của các tỉnh thành miền Bắc. Với tinh thần tương trợ đồng bào, san sẻ, lúc đó người miền Nam chấp nhận đóng góp nhiều hơn để miền Bắc phục hồi, mà không kêu ca, đòi hỏi gì, vì người miền Bắc đã chết quá nhiều cho cuộc chiến tranh, hạ tầng bị tàn phá, v.v…
Nhưng chiến tranh kết thúc hơn 45 năm, các tỉnh thành miền Nam vẫn tiếp tục “chi viện” để nuôi các tỉnh thành miền Bắc thông qua tỷ lệ đóng góp ngân sách cho trung ương ngày càng tăng và việc xác lập ngân sách địa phương như thế nào, cũng như vai trò các cơ quan trung ương, bộ ngành đối với các địa phương. Các tỉnh thành miền Nam ngày càng kiệt quệ, ví như con bò sữa bị vắt đến giọt sữa cuối cùng, không được nuôi và chăm sóc đầy đủ.
Gần đây, TPHCM xây dựng đề án phân chia ngân sách và đề nghị Trung ương giảm thu để TPHCM đủ nguồn kinh phí, tái đầu tư, bảo đảm phát triển bền vững, lâu dài, giúp người dân thành phố có cuộc sống tốt hơn, với phát biểu của người đứng đầu TPHCM là, một đồng để lại cho ngân sách thành phố thì sẽ tạo ra ba đồng. Các bạn có nghĩ rằng đề án này sẽ được trung ương phê chuẩn không? Chắc chắn là không!
Với vị trí là Thủ đô, tất cả các cơ quan bộ, ban ngành trung ương đều nằm ở Hà Nội. Để phục vụ cho các cơ quan này thì phải có con người, chắc chắn phần lớn là người Hà nội hoặc từ những vùng lân cận, còn người miền Nam hầu như không có, ngoại trừ vài gương mặt miền Nam ở các vị trí cao nhưng chỉ để tô điểm cho đẹp đội hình, cho mọi người thấy là lãnh đạo có người miền Nam.
Tất cả chỉ là con rối hoặc bị vô hiệu hóa trong hệ thống chỉ đạo của Đảng. Ví dụ như trong Bộ Chính trị của Đảng CSVN, người miền Nam chỉ có 5 người trong tổng số 19 người. Tỷ lệ đảng viên trong toàn Đảng thì người miền Bắc chiếm hơn 70%. Do vậy, để biểu quyết thì người miền Bắc luôn thắng áp đảo.
Việc phân bổ vốn ngân sách cho các địa phương hầu hết dựa vào mối quan hệ. Những người ở miền Bắc có lợi thế là ở gần cơ quan đầu não, nên việc tiếp cận khá thuận lợi, qua việc thăm viếng, lễ tết, v.v… vì vậy họ thuận lợi trong việc tiếp nhận ngân sách hàng năm.
Thứ hai nữa là việc phân bổ vốn đầu tư công hoặc các dự án vay vốn nước ngoài thì cũng dựa trên mối quan hệ, đó là các doanh nghiệp của các địa phương miền Bắc với mối quan hệ chặt chẽ của mình với bộ máy ở trung ương tìm cách tác động để các địa phương được rót vốn đầu tư, với lợi ích là họ được trúng thầu các công trình đầu tư này, chi phí bỏ ra để chung chi cho cán bộ trung ương và địa phương với luật ăn chia sòng phẳng. Vì vậy, việc các địa phương miền Bắc tiếp nhận vốn đầu tư công bằng ngân sách nhà nước và bằng vốn vay quốc tế cao gấp nhiều lần các tỉnh thành miền Nam, vì các tỉnh thành miền Nam không có chân rết ở Hà Nội.
Mặt khác, các dự án đầu tư công của nhà nước nếu muốn được giải ngân thì các bước thủ tục cũng phải tuân thủ chặt chẽ, người miền Nam làm sao biết được các thủ tục đó, thủ tục “đầu tiên”, người thẩm định và phê duyệt cũng nằm ở các cơ quan trung ương như Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, v.v…
Các bộ ngành trung ương là nơi tập trung quyền lực, khi xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì họ làm sao để quyền hành chuyển vào tay của họ, để họ có quyền “ban phát”, mà ban phát là có tỷ lệ phần trăm “biết điều”. Các đại biểu Quốc hội (chỉ phân bổ theo vùng miền, không căn cứ vào trình độ, đặc biệt là không có khả năng phản biện) làm sao có đủ trình độ và hiểu biết để mà biểu quyết các văn bản quy phạm pháp luật này.
Chắc mọi người cũng không lạ gì tiến độ giải ngân của đường sắt nội đô TPHCM cứ ì ạch mãi, đó là điển hình của thủ tục xin cho, thẩm định, phê duyệt của các cơ quan trung ương mà người đứng đầu dự án này đã không “đủ trình” để biết cách “làm ăn”, “chung chi” với các cơ quan, đặc biệt là tại các bộ ban ngành trung ương. Có người nói rằng, nếu kinh phí đầu tư cho tòa nhà Quốc hội hiện tại mà không bị “ăn xén” thì xây được hai tòa nhà như vậy. Qua đó đủ biết là “tỷ lệ” ăn chia đó cao như thế nào.
Từ các dữ liệu trên, việc đề xuất của TPHCM dù có đúng cho tương lai tươi sáng của ngân sách trung ương và thành phố, chắc chắn là với bộ máy hiện tại không ai sẽ ủng hộ, không cán bộ công chức hiện tại nào trong bộ máy nhà nước lại để nguồn lợi cá nhân mình cho vài chục năm tới. Cái gì ăn được ngay là ăn lập tức, không chờ.
Vì vậy với đóng góp của các tỉnh thành phía Nam thì người thụ hưởng là các tỉnh thành phía Bắc với đa số người trong bộ máy là người miền Bắc, nhất là người “có lý luận”. Và chẳng ngạc nhiên khi hạ tầng miền Nam ngày càng lạc hậu, nền kinh tế miền Nam ngày càng suy kiệt, người miền Nam trở thành người làm thuê ngay chính trên quê hương của mình để đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội.
Người dân miền Nam hãy cố gắng tiếp tục chịu đựng và hy sinh để nuôi bộ máy của đảng, nhà nước tại miền Bắc, “trái tim” của cả nước, đừng bao giờ kêu ca về tình trạng tồi tệ mà hãy tự nhận biết mình nằm ở đâu trong trong cỗ máy vận hành hiện tại của đất nước!
T.Đ.
Nguồn: baotiengdan.com/2020/07/22

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.