Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ dễ hay khó, mấu chốt chỗ nào?

Nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ dễ hay khó, mấu chốt chỗ nào?

Tổng thống Mỹ Donald Trump quan tâm Việt Nam
Chụp lại hình ảnh, 
Tổng thống Mỹ Donald Trump quan tâm Việt Nam
Nâng cấp quan hệ đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ sau 25 năm thiết lập bang giao giữa hai quốc gia từng là đối thủ trong chiến tranh dễ, khó thế nào và phải chăng 'thể chế' là một vấn đề chìa khóa, mấu chốt, hai nhà phân tích chính sách, chiến lược và thời sự kinh tế, chính trị từ Việt Nam trong dịp này chia sẻ quan điểm với BBC.
Trước hết, tại một cuộc hôi luận trực tuyến hôm 23/7/2020 trên kênh Facebook của BBC News Tiếng Việt, từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà phân tích chính sách công, PGS. TS. Phạm Quý Thọ nêu ý kiến:
"Năm 1995, dưới thời của Tổng thống Bill Clinton, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ rồi, sau đó chúng ta đã tiến tới quan hệ toàn diện đối với Mỹ và bây giờ có một phương án nữa là trong tình hình này nên chăng là nâng cấp lên thành quan hệ chiến lược, có nghĩa là cấp cao nhất trong quan hệ hai quốc gia mà theo thể thức ngoại giao hiện nay.
"Theo ý kiến riêng của tôi đây là một dịp tốt để Việt Nam nâng quan hệ với Mỹ lên cấp chiến lược vì rất nhiều lý do, không phải chỉ là vì lý do là Mỹ đã có những công bố, tuyên bố mà gần đây nhất đã bác bỏ gần hết những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông; điều đó tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc có cách nhìn nhận, cũng như là trong cách ứng xử ở Biển Đông thuận lợi hơn."

'Cân bằng hóa các quan hệ'

Vẫn theo ông Phạm Quý Thọ, đây còn là một cơ hội để Việt Nam cân bằng hóa quan hệ với các nước khác, khi nâng cấp đối tác thành chiến lược với Hoa Kỳ:
"Thứ hai, theo tôi là trong những dịp này Việt Nam cải cách thể chế mạnh thì cũng là những hướng mà chúng ta có thể nâng cấp chiến lược lên được, bởi vì sau Covid-19 này đang đặt ra rất nhiều vấn đề mà trong đó thực lực của Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài, trong đó lệ thuộc vào Trung Quốc, với những hiệu quả rất thấp và rất nhiều dự án mà không rõ ràng.
"Cho nên, đối với Mỹ theo tôi đây là một dịp, tất nhiên người ta sẽ nói đến vấn đề là có những lời đe dọa, thậm chí rằng sẽ phải trả giá nếu như mà ngả theo Mỹ v.v… Nhưng tôi nghĩ Việt Nam cũng đã chuẩn bị khá là tốt.
"Thậm chí là đã có những đồn đoán rằng lãnh đạo cao cấp của Việt Nam có thể sang Mỹ vào năm nay để xúc tiến cùng với chính phủ Donald Trump để thực hiện điều đó, nhưng Covid-19 đã ngăn cản điều đó.
"Còn riêng ý kiến cá nhân của tôi, tôi cho rằng đây là một cơ hội rất là tốt để cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bằng cách là nâng cấp chiến lược với Mỹ, bởi vì nếu chúng ta nói 'thoát Trung' theo nghĩa tiêu cực, thì có thể người ta nói rằng làm sao mà 'thoát Trung' được.
"Nhưng mà ở đây 'thoát Trung' tích cực là Việt Nam không nên lệ thuộc quá nhiều vào kinh tế Trung Quốc cũng như trong vấn đề Biển Đông mà bị sức ép rất lớn như thế này. Nên tôi nghĩ rằng giải pháp nâng cấp chiến lược lên cũng là một cách cân bằng giữa quan hệ giữa hai nước lớn hiện nay và cũng là một hướng cải cách theo tôi nghĩ rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước."
Việt Nam đang có dân số trẻ
Chụp lại hình ảnh, 
Việt Nam đang có dân số trẻ

'Không phải cứ muốn là được'

Về phần mình, kinh tế gia, nhà phân tích Bùi Kiến Thành từ Hội An nêu quan điểm của mình với BBC:
"Vấn đề này không đơn giản như thế đâu. Theo những điều kiện văn bản để nâng cấp từ một đối tác toàn diện lên một đối tác chiến lược - là cấp thứ hai, rồi từ đối tác chiến lược lên cấp đối tác toàn diện chiến lược - là cấp thứ nhất, vấn đề về đối tác chiến lược, thì theo những văn bản về bên phía Mỹ mà Việt Nam đã biết, là nó có ba điều kiện căn bản.
"Thứ nhất là về vấn đề an ninh quốc phòng của nhau như thế nào, thứ hai là thể chế như thế nào và thứ ba nữa là không can thiệp vào trong vấn đề nội bộ của nhau.
"Thì ba điều kiện ấy, giữa Việt Nam và Mỹ chưa thỏa thuận với nhau được. Nếu về an ninh quốc phòng thì có những cái là lợi ích chung.
"Nhưng mà về thể chế thì hoàn toàn là khó, tại vì Việt Nam vẫn là một chế độ độc đảng, vẫn là một chế độ chuyên chính vô sản và vẫn là một chế độ mà dựa trên học thuyết Marxism-Leninism, mà chính phủ Mỹ không thỏa thuận được.
"Ngoài ra nữa là nếu mà nói là không can thiệp vào vấn đề nội bộ của nhau, thì mỗi một năm chính phủ Mỹ, Quốc hội Mỹ đều có nghiên cứu về vấn đề nhân quyền của Việt Nam, đều mỗi năm đều phát hành ra một cuốn Sách trắng về vấn đề nhân quyền trên thế giới và trong đó luôn luôn phê phán về vấn đề nhân quyền của Việt Nam, thì đối với Việt Nam, Việt Nam cho đó là vấn đề can thiệp nội bộ của Việt Nam mà Việt Nam không chấp nhận được.
"Vì vậy, điều kiện nâng cấp thành đối tác chiến lược là con đường xa chứ không phải đơn giản là muốn mà được, mà hai bên phải làm những gì, đáp ứng những gì như là điều kiện, để mà đi tới là việc hợp tác chiến lược với nhau, thì Việt Nam với Mỹ chưa có những điều kiện ấy."
Một đầm sen ở Hà Nội
Chụp lại hình ảnh, 
Một đầm sen ở Hà Nội

'Muốn có hãy chuẩn bị'

Trao đổi, bình luận lại ý kiến trên của kinh tế gia Bùi Kiến Thành, ông Phạm Quý Thọ nêu quan điểm của mình:
"Có thể là về ngoại giao với nhau, người ta cũng có thể bàn với nhau những điều kiện, với Mỹ có thể họ đặt những điều kiện cao, nhưng hôm 22/7, tôi thấy bà Thủ tướng New Zealand với bên Việt Nam ký đối tác chiến lược, tôi thấy cũng không đến mức độ căng thẳng, đặt hết vấn đề.
"Có thể Mỹ người ta làm được vấn đề đó, người ta đặt ra những điều kiện nghiêm khắc hơn về dân chủ, về nhân quyền, rồi về thể chế, thì điều đó có thể đúng, nhưng có lẽ trong tình huống này tôi không chủ quan lắm, song có lẽ đã có một bước chuyển để đàm phán làm sao đấy để có thể hướng tới những việc đó, hay là bằng những cam kết, chứ chưa chắc đã phải chờ đến khi nào đến lúc Việt Nam thay đổi hẳn thể chế này mới có thể thành đối tác chiến lược.
"Nếu như thế thì tôi nghĩ là rất là khó vì một số nước châu Âu đã từng nâng cấp chiến lược lên với Việt Nam rồi, Tây Ban Nha v.v…, tôi nghĩ là cũng đã nâng cấp chiến lược lên với Việt Nam, nên tôi nghĩ rằng thể chế đôi khi người ta cũng có thể chấp nhận ở một mức độ nào đấy và theo một hướng cải cách, cam kết nào đấy mà người ta có thể chấp nhận được.
"Nhưng điều này, vấn đề ngoại giao hết sức khó, tôi nói là không thể ngay được, nhưng có thể xúc tiến và đây là một cơ hội và tôi nghĩ cái mâu thuẫn Mỹ - Trung không chỉ ngừng ở thương mại nữa, mà nó ở cả khía cạnh thể chế, nhưng đối với Việt Nam, vấn đề thể chế đối với Mỹ, về lịch sử rất là ác liệt rồi, thậm chí báo chí nay còn đưa tin là nhiếp ảnh gia mà đã chụp những bức hình thảm sát ở Sơn Mỹ, Quảng Ngãi, cũng đã thôi kiện Việt Nam đăng những bức ảnh đó, trong ngôi nhà lưu niệm đó.
Cuộc sống ở Việt Nam đang trở lại bình thường, ảnh ngày 9/6, tỉnh Bắc Giang
Chụp lại hình ảnh, 
Cuộc sống ở Việt Nam đang trở lại bình thường, ảnh ngày 9/6, tỉnh Bắc Giang
"Tôi nghĩ rằng là người ta chưa thể quên ngay được quá khứ, nhưng mà phải có những bước tiến của hai bên xích lại gần nhau mới được, thế còn chờ khi mà Việt Nam thay đổi thể chế rồi mới có đối tác chiến lược, thì tôi nghĩ cái đó khó khả thi và gần như là đóng cửa về nâng cấp chiến lược đối với Việt Nam.
"Cho nên, muốn có được cái đó, trước hết hãy chuẩn bị, hãy cải cách một cách tích cực và có những cam kết để hướng tới đó, đặc biệt trong những vấn đề mà Mỹ đối xử với Trung Quốc hiện nay cũng là những bài học rất là tốt đối với Việt Nam trong cải cách thể chế, đặc biệt là Mỹ rất căng thẳng trong những vấn đề về Tân Cương, vấn đề Pháp Luân Công, rồi vấn đề dân chủ Hong Kong, rồi vấn đề Đài Loan, tôi thấy đấy cũng là những bài học đối với Việt Nam mà không nên thể hiện cái chuyên chế của mình một cách gọi là quá thái.
"Tuy Việt Nam chưa có điều kiện để làm thế, nhưng cái hướng xích sang phía Mỹ là có thể chấp nhận được và có thể có những bước chuẩn bị để làm sao đấy mà dần dần Việt Nam nâng cấp lên đối tác chiến lược trong bối cảnh mà phải có cải cách thể chế mạnh hơn, chứ không phải là thay đổi ngay lập tức."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.