Lịch sử Hoa Kỳ giai đoạn 1964-1973 (Phần 2)
Tác giả: Erling Bjøl
Dịch giả: Hoàng Thủy Ngữ
2-7-2020
Tiếp theo phần 1
Đường đến Việt Nam
Thế mạnh của Johnson trong chính sách đối nội lại là thảm kịch trong chính sách đối ngoại. Không ai hiểu Quốc hội, đặc biệt là Thượng viện, hơn ông. Chân trời của ông hoàn toàn bị che phủ bởi chính sách đối nội. Ngay sau khi nắm quyền, và từ lâu trước khi nhúng tay vào vấn đề VN, ông đã tuyên bố rằng, ông không muốn bị kết tội là vị tổng thống thất bại ở miền Nam châu Á.
Cố thượng nghị sĩ Joseph McCarthy ở hậu trường vẫn diễu cợt kết tội đảng Dân Chủ đã thua Trung Quốc. Trong mùa bầu cử 1964, chính sách của Johnson trước nhất là bỏ VN ngoài cuộc vận động và giảm nhẹ tình trạng bi thảm để tránh báo chí và đài truyền hình khai thác. Mặt khác, ông phải tìm cách ngăn chặn ứng cử viên đối thủ năng nổ Barry Goldwater độc diễn trước ánh sáng sân khấu chính trị. Vì vậy Johnson phải quyết tâm, nhưng cũng không tỏ ra quá hiếu chiến. Lá bài thuận lợi nhất cho ông là ứng viên đối thủ muốn sử dụng bom nguyên tử. Chiến thuật của Johnson đạt hiệu quả trong cuộc bầu cử nhưng lâu dài trở thành cái giá quá đắt.
Để chống lại Goldwater, tháng 8 năm 1964 ông đã thành công trong việc thuyết phục Quốc hội phê chuẩn nghị quyết cho ông quyền áp dụng mọi biện pháp trả đũa nếu quân đội Mỹ bị tấn công. Ông không muốn lặp lại sai lầm của Truman trong chiến tranh Triều Tiên, nhưng muốn có hậu thuẫn chắc chắn của Quốc hội như Eisenhower đã có trong các cuộc khủng hoảng. Ông dùng quyền này ra lệnh không kích Bắc Việt sau vụ chạm trán giữa chiến hạm Mỹ với tàu tuần tiễu Bắc Việt tại vịnh Bắc Bộ. Đồng thời, ông cũng bảo đảm “không gửi thanh niên Mỹ ra làm những việc mà thanh niên châu Á phải làm”.
Nhưng rồi nghị quyết Vịnh Bắc Bộ quay lại hại ông. Dần dần Quốc hội biết đã bị lừa. Đúng là chiến hạm Mỹ bị các tàu tuần tiễu Bắc Việt tấn công, nhưng bộ trưởng Bộ quốc phòng McNamara đã “quên” không báo cáo là chiến hạm đã xâm nhập hải phận Bắc Việt với mục đích thăm dò hệ thống ra-đa của miền Bắc để mở đường cho các cuộc không kích nếu cần sau này.
Ông Johnson cũng im lặng, không cho biết là lực lượng người nhái miền Nam đã mở những chiến dịch chống phá miền Bắc, là Bắc Việt cho rằng các chiến hạm Mỹ có nhiệm vụ hỗ trợ các chiến dịch này và các sĩ quan Mỹ tại hiện trường biết rất rõ diễn tiến qua điện đài – nói khác người Mỹ không hoàn toàn vô tội như những gì Quốc hội được biết.
Sau khi sự thật phơi bày, McNamara và tổng thống Johnson bị mất tin tưởng. Họ bị nghi ngờ đã dàn dựng mọi chuyện để được giao quyền quyết định. Trầm trọng nhất đối với Johnson là một người bạn cũ, thượng nghị sĩ J. William Fulbright, đang là chủ tịch Ủy ban chính sách đối ngoại Thượng viện, cắt đứt với Nhà Trắng khi ông biết mình bị lừa. Chính ông đã vận động Quốc hội chấp thuận giao quyền cho Johnson. Trong thời gian đó, nhờ nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, Johnson gửi quân sang VN.
Giới lãnh đạo quân đội đã lên kế hoạch tiến hành chiến tranh từ thời Kennedy. Kennedy chấp thuận tăng số cố vấn quân sự nhưng luôn chống đề nghị đưa quân sang Việt Nam. Johnson cũng do dự trong một thời gian dài. Ông đã nghe phó bộ trưởng Bộ ngoại giao George Ball, một nhân vật có ảnh hưởng lớn đến từ Chicago, cảnh cáo Kennedy là cuối cùng một lực lượng quân sự với 300.000 người phải có mặt ở VN nếu người ta bắt đầu gửi quân đến đó.
Ball là bạn thân của Jean Monnet, người sáng lập EC (1) đã theo dõi sát diễn biến ở VN trong giai đoạn Pháp thuộc. Johnson đánh giá cao Ball vì ông ta không thuộc giới thành đạt miền Đông. Nhưng rồi ông lại nghe theo McNamara, người lãnh đạo có khả năng vô cùng xuất sắc của một hãng sản xuất xe hơi (2) nhiều hơn. Theo cách diễn tả ưa thích của Johnson, McNamara là một người can-do theo trái tim của mình.
Mặc dù đã bắt đầu nghi ngờ, McNamara vẫn tiếp tục nghe theo các tướng lãnh. Kể từ mùa Hè năm 1964, hai trong số các sĩ quan được kính nể nhất của Hoa Kỳ đóng trạm ở Sài Gòn. Một người là Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, Maxwell Taylor làm đại sứ thay Cabot Lodge, và người khác là William Westmoreland. Ông giữ chức tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ theo đề cử của Taylor.
Tuy vậy, hai vị tướng lại gửi về Washington những ý kiến khác nhau. Trong khi Taylor muốn dùng không lực để đánh miền Bắc VN vì ông tin rằng Hà Nội đang chỉ huy cuộc nổi dậy ở miền Nam thì Westmoreland lại yêu cầu gửi quân. Tuy nhiên, cả hai đều đồng quan điểm về việc Hoa Kỳ gia tăng can thiệp quân sự, với niềm lạc quan sẽ chiến thắng Việt Cộng.
Leo thang chiến tranh
Đối với Johnson, việc sử dụng không lực là giải pháp tốt nhất bởi lẽ sẽ không có nhiều rủi ro thiệt hại có thể gây xáo trộn ở quê nhà. Nhưng một biến cố xảy ra vào ngày 6/2/1965 đã làm ông quyết định bật đèn xanh cho các trận không kích trả đũa theo kế hoạch của Pentagon có tên “Chiến Dịch Sấm Rền”.
Trong đêm tối của vùng nhiệt đới, vài trăm Việt Cộng mặc quần áo đen, bôi mỡ cọp lên người khiến chó sợ hãi không dám sủa, lẻn vào một căn cứ trực thăng ở Pleiku, giết chết 9 lính Mỹ và làm bị thương 129 người. Cố vấn an ninh quốc gia của Johnson, McGeorge Bundy, người ông lưu nhiệm từ thời Kennedy, lúc đó đang có mặt ở Sài Gòn để làm cuộc phân tích đánh giá tình hình thực tế. Các tướng lãnh đã đưa ông đi thăm những người bị thương nằm dưới mái che vải ở bệnh viện quân đội trong rừng Pleiku.
Lần thăm viếng này đã biến khoa trưởng Havard từ con chim cú thành diều hâu. Khi tướng không quân Curtis LeMay đề nghị “ném bom để biến Hà Nội trở lại thời đồ đá”, Bundy đã lặp lại một cách lạnh lùng là chúng nó đang sống như vậy ở đó. Nhưng rồi ông đã gửi điện cho Johnson để tiến hành trả thù ngay lập tức. Những ngày kế tiếp bão tố đổ ập xuống miền Bắc Việt Nam.
Bạo lực có tính năng động riêng của nó. Khi muốn sử dụng không lực, người ta phải bảo vệ các phi trường. Ngày 8/3/1965, một lực lượng lính Mỹ gồm 3.500 lính Thủy quân Lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng. Cho đến cuối năm, 200.000 người đã có mặt tại VN, quyết liệt truy lùng quân du kích khắp nước và gây đau thương cho các làng xã bị tình nghi chứa chấp Việt Cộng.
Nhưng Hồ Chí Minh chuyển thêm quân bằng những đường mòn trong rừng rậm phía Nam. Mỗi năm khoảng 200.000 thanh niên miền Bắc đến tuổi thi hành quân dịch.
Đến cuối năm 1966 đã có 400.000 lính Mỹ ở VN. Tuy nhiên cuộc chiến vẫn chưa thấy dấu hiệu chấm dứt và ở quê nhà phong trào phản chiến gia tăng. Khi phải miễn cưỡng xác nhận Hoa Kỳ đang lâm chiến, Johnson đã không áp dụng chế độ kiểm duyệt giống như trong chiến tranh Triều Tiên. Các phóng viên truyền hình tha hồ đưa tin tức và những hình ảnh nóng hổi ghê sợ từ VN chiếu mỗi đêm trên TV Mỹ.
Ném bom, có hiệu quả đối với quốc gia kỹ nghệ như Đức, đã gần như không thích hợp để chống lại một quốc gia kém phát triển như VN, mặc dù dần dần lượng bom ném xuống gấp 3 lần số lượng bom người Mỹ đã ném trong thế chiến thứ hai. Quân du kích không lệ thuộc vào xăng hay đường hỏa xa, và ngoài ra Johnson tránh phá hủy các mục tiêu kinh tế vì sợ Trung Cộng vào cuộc.
Mùa hè 1967 số lính Mỹ đã lên đến 450.000 người tại VN. Người Mỹ trực tiếp tham gia các chiến dịch quân sự trong khi người Việt ở miền Nam phần nhiều chỉ có vai trò canh gác và bình định. Bây giờ mỗi tháng miền Bắc tăng cường 20.000 người. Đến cuối năm, tổng số lính Mỹ tử trận lên đến 15.000, riêng năm 1967 là 9.000.
Bộ trưởng bộ quốc phòng Robert McNamara, người chịu trách nhiệm nặng nề vì đã lừa dối trước tiên Kennedy, sau đến Quốc hội và cuối cùng đổ quân vào VN, càng lúc càng hoài nghi hơn. Trong năm 1967 ông mất niềm tin chiến thắng và rời khỏi chính quyền. Robert Kennedy muốn bỏ VN và công khai ủng hộ phong trào phản chiến. Tháng 10 năm 1967, 100.000 người đã tập trung biểu tình trước Lầu Năm góc.
Cuộc thăm dò dư luận cho thấy Kennedy có 20% cao hơn trong kỳ bầu cử tổng thống năm 1968. Giờ đây Johnson hoàn toàn bị cuộc chiến chi phối. Hầu như ông không còn nói đến chuyện nào khác. Ông tự chọn mục tiêu ném bom miền Bắc VN. Ông thức giấc nửa đêm, đi xuống phòng hành quân trong Tòa Bạch Ốc để nhận báo cáo từ mặt trận. Dần dần, ông bị khủng hoảng mặc dù mùa Thu năm 1967 tình hình chính trị ở Sài Gòn đã ổn định sau cuộc bầu cử và Nguyễn Văn Thiệu được bầu làm tổng thống. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp ngắn ngủi.
Năm định mệnh
Năm định mệnh 1968 bắt đầu với biến cố Tết, Năm Mới theo âm lịch, vào ngày 31/1 Dương lịch. Như thường lệ, người ta thỏa thuận ngưng bắn vào dịp Tết. Nhưng lần này cuộc ngưng bắn bị vi phạm. Ngay ngày đầu năm Mậu Thân, Cộng sản tiến hành cuộc tấn công quân sự lớn nhất. 70.000 quân cộng sản đã đồng loạt tấn công hơn 100 thành phố lớn nhỏ. Lần đầu tiên họ xâm nhập, đánh vào chính Sài Gòn. Ngay tòa đại sứ Mỹ cũng bị tấn công và được giải vây sau nhiều giờ cận chiến đẫm máu.
Người Mỹ và đồng minh miền Nam hoàn toàn bị bất ngờ vì người Mỹ đã từng mở hai trận đánh lớn gây tổn thất nặng cho địch quân. Tướng Westmoreland lạc quan báo cáo với Washington là ông đã bẻ gẫy sức mạnh của kẻ thù. Ông đã đánh giá quá thấp Việt cộng. Do đó Washington bị bất ngờ nhiều hơn Sài Gòn. Cộng sản bị thiệt hại nặng nề trong cuộc tổng tấn công vào dịp Tết. Người Mỹ ước tính khoảng 50.000 quân cộng sản đã tử trận. Miền Bắc xác nhận con số này sau cuộc chiến.
Tướng miền Bắc Võ Nguyên Giáp, người lên kế hoạch tổng tấn công, không đạt được mục đích vốn được phóng đại là cuộc cách mạng. Nhưng bù lại cuộc tổng tấn công ngày Tết lại có ảnh hưởng không ngờ. Nó gây chấn động tâm lý ở Hoa Kỳ. Sự ủng hộ đối với chính sách VN của Johnson từ 40% rớt xuống còn 26%. Tín nhiệm dành cho ông gẫy đổ. Người ta viện dẫn câu nói của Lincoln: “Bạn có thể lừa bịp tất cả mọi người trong một khoảng thời gian nào đó, và một số người suốt đời, nhưng không thể lừa bịp tất cả mọi người mãi mãi”.
Đến tháng 11/1967 Johnson được sự hỗ trợ của một nhóm người thường được gọi là WOMS (The Wise Old Men). Ông đặc biệt quan tâm đến ý kiến của họ. WOMS gồm một số chính khách đầy kinh nghiệm, đa số từ thời Truman, với Dean Acheson đứng mũi chịu sào. Acheson là một trong số ít người dám nói thẳng ý kiến của mình với Johnson. Sau cuộc tổng tấn công vào dịp Tết nhóm này thay đổi quan điểm.
Tháng 11/1967, Clark Clifford, nhà chiến lược tranh cử của Truman, tiếp quản Lầu Năm góc thay McNamara. Ông bị chấn động vì những lời khuyên sai lệch của các tướng lãnh và tuyên bố không còn cơ hội nào khác ngoài việc rút lui. Trong buổi họp ngày 25/3, Acheson và các nhà thông thái khác cũng khuyên tổng thống như vậy. Sáu ngày sau, Johnson thông báo không tái ứng cử. Đồng thời ông cũng ra lệnh dừng ném bom phía Bắc vĩ tuyến 21 để lôi kéo Hà Nội đàm phán theo những đường hướng mới.
Doris Kearns, người chống chiến tranh mà Johnson tin tưởng trong năm cuối của ông ở Nhà Trắng, cho rằng sự thay đổi trong quan điểm của Clifford là yếu tố quyết định (Kearns, 1976). Cả nước sôi sục. Trong vòng đề cử ứng viên tổng thống tại New Hampshire, Johnson suýt bị Eugene McCarthy, một ứng cử viên hiếu hòa ít người biết, đánh bại. Robert Kennedy, người mà Johnson không ưa thích, cũng lao vào vòng đề cử. Năm 1968, Kennedy công bố tư cách ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ và thắng 5 trong số 6 vòng bầu cử sơ bộ.
Ngày 5/6/1968 Robert Kennedy bị Sirhan B.Sirhan, một người di dân Palestine, bắn trọng thương tại Los Angeles. Kennedy chết ngày hôm sau 6/6/1968. Ông vừa mới thắng vòng sơ bộ quan trọng ở California.
Hai tháng trước, Martin Luther King Jr. cũng bị giết. Chuyện này đã dấy lên một làn sóng bạo động sắc tộc đẫm máu. Bạo loạn xảy ra ở hơn 100 thành phố. Từ Tòa Bạch Ốc người ta có thể thấy 800 đám cháy. Lần đầu tiên sau cuộc nội chiến, quân đội đã bố trí vòng đai chiến đấu xung quanh tòa nhà Quốc hội ở Capitol Hill. 20.000 người bị bắt và 29 người bị giết trong cuộc xung đột.
Ngay sau đó, nước Mỹ lại bị những cơn khủng hoảng mới. Từ đầu năm đã có những cuộc biểu tình chống chiến tranh tại hơn 100 trường đại học. Viện trưởng và khoa trưởng bị chế nhạo và các tòa nhà bị xịt sơn viết lên những câu khẩu hiệu đầy khiêu khích. Khi đảng Dân Chủ tổ chức hội nghị toàn quốc ở Chicago vào tháng Tám để bầu ra một ứng cử viên tổng thống mới, từ 10.000 đến 12.000 phần tử hiếu hòa đã tràn vào thành phố.
Ông thị trưởng [Chicago] ra lệnh đặt hàng rào kẽm gai quanh tòa nhà hội nghị và huy động 11.500 cảnh sát và 13.000 quân đội. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 23 giờ. Hậu quả là những trận xung đột kéo dài trong nhiều ngày giữa đám biểu tình luôn hò hét “Hồ-Hồ-Hồ Chí Minh” và cảnh sát sử dụng lựu đạn cay và dùi cui. Đài truyền hình chiếu đầy đủ diễn biến trên TV cho khoảng 89 triệu người xem.
Sau biến động ở Chicago, đề tài chính trong cuộc tranh cử không còn là VN nữa nhưng là “pháp luật và trật tự”. Ở Việt Nam, cả 2 bên đang chạy chữa vết thương sau trận chiến vào dịp Tết. Tháng 5, tại Paris người ta thiết lập liên lạc với đại diện của Hà Nội để điều đình.
Đảng Dân Chủ đề cử phó tổng thống của Johnson, Hubert Humphrey, một chính trị gia béo tròn và dễ mến từ Minnesota. Ông chưa bao giờ tỏ ra là một diều hâu, nhưng cảm nhận sự liên đới với Johnson. Ứng cử viên đảng Cộng Hòa là Richard Nixon, người hứa sẽ tái lập pháp luật và trật tự, và quả quyết là có một kế hoạch bí mật để chấm dứt chiến tranh VN. Nixon thắng cuộc bầu cử với tỷ lệ sát sao 31,7 triệu lá phiếu trên 30,9 của Humphrey.
Những người đầu tiên lên mặt trăng
Trong khi chiến tranh VN đang diễn tiến khốc liệt, một sự kiện bất ngờ xảy dến đã thu hút mọi sự quan tâm của Hoa Kỳ và thế giới vào mùa hè năm 1969. Những người đầu tiên lên mặt trăng và họ là người Mỹ.
Ngày 21/7 cả thế giới theo dõi trên TV, hai phi hành gia Neil Amstrong và Edwin Aldrin bước ra khỏi phi thuyền Apollo 11 và đặt chân xuống mặt trăng tại vùng Biển Tĩnh Lặng (Sea of Tranquility). Họ đã thực hiện lời hứa với John F. Kennedy 8 năm trước, lúc ông nói sẽ gửi người lên chinh phục mặt trăng trước khi thập niên 60 chấm dứt.
Dự án này cũng đã từng được trình bày với Eisenhower nhưng ông bác với lý do Hoa Kỳ không có kẻ thù trên mặt trăng. Kennedy lúc đầu cũng không thích thú lắm. Jerome B. Wiesner, cố vấn khoa học của ông thuật lại: “Ông không quan tâm lắm đến dự án. Ông đã nhìn thấy kinh phí dành cho dự án và đã thấy cảnh nghèo khổ ở West Virginia. Ông nói với tôi ‘Các ông không thể tỉnh táo để tìm ra loại người khác trên trái đất này hay sao, những người có thể làm được những gì tốt hơn’.”
Chính những cân nhắc thuần túy về mặt chính trị cuối cùng đã khiến Kennedy quyết định: Thách đố của Liên Xô trong lãnh vực không gian và thất bại của Hoa Kỳ ở ṿinh Con Heo.
Ngày 12/4/1961, Liên Xô đưa Jurij Gagarin, người đầu tiên lên quỹ đạo bay vòng quanh trái đất. Ngày 12/5 cuối cùng Khrushchev đáp lời đề nghị cuộc họp thượng đỉnh mà Kennedy đã gửi vào tháng Hai. Ngày 23/5, năm ngày trước khi đi Âu Châu để gặp Khrushchev ở Vienna, Kennedy công bố quyết định sẽ đưa người lên mặt trăng. Quả thật táo bạo. Đến cuối năm, Cơ Quan Hàng Không và Vũ Trụ Quốc Gia NASA (National Aeronautic and Space Administration) cho biết, 10.000 vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn thực hiện lời hứa của tổng thống:
Đây là một dự án tốn kém. Cái giá chót phải trả từ 23 đến 35 tỷ dollar. Ngay từ đầu Johnson, người nắm Quốc hội trong lòng bàn tay, đã nhiệt tình ủng hộ. Tuy vậy, ông không phải là người được cài hoa lên mũ. Trái lại, chương trình Apollo đã góp phần làm suy yếu quyền lực của ông. Năm 1967, một tai nạn vô cùng thảm khốc đã xảy ra. Phi thuyền chở 3 phi hành gia dày dạn kinh nghiệm nhất phát nổ trong chuyến bay thử, và cả 3 đều chết. Người được hưởng lợi lại là tổng thống Richard M. Nixon, dù chẳng làm gì cho chương trình này cả. Nhưng bù lại Nixon biết cách khai thác nó về mặt ngoại giao vốn cũng là ẩn ý của Kennedy, mặc dù ông làm theo cách khác với cách vị cố tổng thống đã dự định.
Việc chinh phục mặt trăng không chỉ đem đến thuận lợi cho uy tín chính trị, nó còn cho Hoa Kỳ một số tiến bộ kỹ thuật. Tổng cộng 300.000 người làm việc với dự án và đã tạo cho nền công nghiệp những nhiệm vụ mà sau này người Mỹ nhận được trong cả lãnh vực quốc phòng và dân sự. Cuối cùng các phi hành gia đem về trái đất đá và bụi để làm niềm vui cho công việc nghiên cứu. Họ cũng đem theo từ nhà lá cờ Hoa Kỳ có độ bền bỉ lâu như chính mặt trăng và một tấm bảng với hàng chữ: “Here men from the planet Earth first set foot upon the Moon July 1969, A.D. We came in peace for all mankind”. (Tạm dịch: Đây là những người đến từ Trái đất, lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng tháng 7 năm 1969. Chúng tôi đến trong hòa bình cho toàn nhân loại).
Cho toàn nhân loại! Nhưng chiến thắng thuộc về Hoa Kỳ. Tổng thống Nixon biết cách khai thác nó. Ông bay ra Thái Bình Dương để đón các phi hành gia trở về. Họ đáp xuống gần đảo Guam vào ngày 25/6. Khi các phi hành gia đã an toàn, Nixon lợi dụng ngay cơ hội để công bố những đường hướng chính trong chính sách ngoại giao ông định thực hiện. Đoàn tháp tùng hoàn toàn bị bất ngờ, theo lời kể của cố vấn an ninh chính trị Henry Kissinger (1996).
Ý định bí mật của Nixon có vẻ đáng tin cậy. Rõ ràng ông đã cân nhắc thời điểm này, khi Hoa Kỳ đang có uy tín cao độ, rất thích hợp để che giấu sự thất bại. Ngay lập tức người ta gắn liền thông điệp này với học thuyết Nixon (3) theo đó vị tổng thống muốn “Việt Nam hóa” chiến tranh và việc này có nghĩa là Hoa Kỳ rút quân khỏi VN. Bản thân việc này cũng giống như những gì Kennedy đã tiên đoán. Nhưng Nixon đi xa hơn. Trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ không gửi quân đội trợ giúp các chế độ bị đe dọa, trừ khi các siêu cường khác can thiệp trực tiếp, nhưng tập trung ủng hộ các chế độ có quyết tâm và khả năng tự bảo vệ mình. Đây là sự thoái trào của thuyết Domino mà chính ông cũng từng tin theo. Nhưng ông đã đi và lắng nghe rất nhiều, nhất là nghe tướng Charles de Gaule. Sau này Nixon có nhiều kế hoạch cải cách sâu rộng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Rút quân
Nixon đã gặp nhiều vận đen từ năm 1960 sau khi bị Kennedy đánh bại. Chuyện này đã làm ông khôn khéo hơn, dù có lẽ không phải là người tốt hơn. Trước hết ông bị thất bại trong cuộc bầu cử thống đốc ở California năm 1962, sau đó bị loại khỏi vòng ứng viên tổng thống bởi ứng cử viên cực hữu Barry Goldwater năm 1964. Nhưng ông biết cách tận dụng 8 năm giá lạnh của mình. Ông đi nhiều, thăm viếng 81 quốc gia, đọc nhiều, tiếp xúc nói chuyện với các chính trị gia hàng đầu trên thế giới và suy nghĩ nhiều.
Ông chuyên tâm vào việc rút quân mà không bị mất mặt. Chắc hẳn ông đã có một “kế hoạch bí mật”. Nhưng rồi nó cũng chẳng có tác dụng. Kế hoạch giống như Eisenhower đã có trong cuộc chiến Triều Tiên – hăm dọa địch thủ bằng bom nguyên tử. Nixon cho rằng, với danh tiếng là người chống cộng cực đoan như ông sẽ làm dân Việt miền Bắc phải lo sợ. Nhưng họ đã không sợ. Thay vào đó Nixon đã leo thang theo cách khác để Hoa Kỳ, trong cường độ căng thẳng của chiến tranh, có thể bắt đầu rút quân.
Cuối tháng Tư, ông ra lệnh tiến quân vào Campuchia. Những cuộc biểu tình phản chiến mới lại bùng phát và dẫn đến cái chết của những nạn nhân đầu tiên. Bốn sinh viên trường đại học Kent State ở Ohio, trong đó có hai nữ sinh viên vô tội trên đường đi đến giảng đường, bị bắn chết trong cuộc biểu tình. Chín người khác bị thương khi vệ binh quốc gia bắn 67 loạt đạn trong vòng 13 giây.
Sau chiển dịch quân sự Campuchia, Nixon tuyên bố, quân đội Mỹ không tham gia mặt trận nữa. Quân đội miền Nam thay thế và Hoa Kỳ sẽ rút quân như đã hứa ở Guam. Khi Nixon lên nắm quyền, có khoảng 550.000 người Mỹ ở VN. Đến đầu năm 1970, số này giảm xuống còn 280.000. Số tử trận hàng tuần thấp nhất trong 5 năm. Đầu năm 1971, dưới áp lực liên tục của bộ trưởng Bộ quốc phòng Melvin Laird, chỉ còn 140.000. Tinh thần chiến đấu suy sụp. Khoảng 65.000 người nghiện ma túy. Bạch phiến lan rộng và tin đồn thổi phồng. Khoảng 70.000 lính đào ngũ. Ở quê nhà danh sách động viên lần lượt biến mất cùng với nửa triệu người không trình diện.
Nỗ lực đầu tiên của quân đội miền Nam Việt Nam là cuộc tấn công vào Lào mùa Xuân 1971 bị thất bại. Mục đích là để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, mạch tiếp tế quan trọng nhất của cộng sản từ Bắc vào Nam. Nhưng quân đội miền Nam bị quá nhiều nội gián nên bất cứ một kế hoạch tấn công bất ngờ nào cũng đều bị lộ.
Tuy vậy đối phương cũng bị suy yếu vì chiến dịch Phượng Hoàng (Phoenix program). Chương trình này do CIA soạn thảo với mục đích xác định và “vô hiệu hóa” thường dân nào hỗ trợ Việt Cộng, bằng các phương pháp như xâm nhập, bắt giữ, khủng bố và thủ tiêu. Khoảng thời gian từ năm 1968 đến 1972, hơn 81.000 thành viên của FNL (4) bị “vô hiệu hóa” và trong số đó hơn 26.000 bị giết.
Hà Nội bắt đầu chuẩn bị thêm một chiến dịch quân sự và sẽ tiến hành năm 1972 vào dịp bầu cử tổng thống Mỹ. Cuộc tấn công lớn diễn ra vào dịp lễ Phục Sinh. Giờ đây chỉ còn 60.000 lính Mỹ tại VN trong khi Hà Nội huy động 120.000 người cùng với số lượng lớn du kích quân Việt Cộng tấn công Sài Gòn. Nhưng lần này dân miền Nam quay lưng và với sự yểm trợ lớn của không lực Mỹ, sau 3 tháng chiến đấu, họ đã chặn được dân miền Bắc. Đồng thời Nixon cũng leo thang không kích Bắc Việt, ra lệnh tấn công Hà Nội và cài đặt mìn phong tỏa cảng Hải Phòng, ngăn chặn Liên Xô tiếp tế.
Sau lần đọ sức quân sự này, các cuộc đàm phán do W. Averell Harriman khởi xướng từ 4 năm trước hé lộ. Năm 1969 cố vấn an ninh của Nixon là Henry Kissinger bí mật tái lập đàm phán nhưng tiến triển chậm chạp. Mùa Thu năm 1972, khi Kissinger nghĩ rằng một thỏa thuận cuối cùng đã có, ông bị Nixon, người từ chối gây sức ép lên Thiệu, lừa vào phút chót. Giáng Sinh năm 1972 tổng thống ra lệnh mở trận không kích Bắc Việt dữ dội nhất từ trước đến bấy giờ. Ông đã đạt được một vài nhượng bộ nhỏ của Hà Nội, và trận không kích đã làm Thiệu yên tâm đặt bút ký hiệp ước hòa bình ngày 23/1/1973.
Cái giá phải trả
Ba triệu người Mỹ đã phục vụ ở Việt Nam. 58.000 người chết, trong số đó 21.000 tử trận sau năm 1968. Đây là trận chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và là lần đầu tiên quốc gia này thất trận. Cuộc chiến đã làm sụp đổ tâm lý tự tin can-do. Chưa bao giờ đất nước bị chia rẽ trầm trọng như vậy từ sau cuộc nội chiến. Phe bồ câu chống phe diều hâu, thế hệ này chống thế hệ khác. Quân đội không được ưa chuộng đến mức sau Hiệp định Paris, Nixon phải hủy bỏ lệnh cưỡng bách quân dịch và phải tiến hành việc tuyển mộ lính mới.
Cuộc chiến tạo ra những cơn dư chấn kéo dài trong chính sách của Hoa Kỳ. Cựu chiến binh Việt Nam Colin Powell, tư lệnh quân đội dưới thời George W.H. Bush (cha) và là ngoại trưởng dưới thời George W. Bush (con) nói rằng, Hoa Kỳ không nên tham gia quân sự tại bất cứ nơi nào nếu không có mục tiêu rõ ràng, sức mạnh vượt trội và một chiến lược rút lui. Tổng chi phí chiến tranh được ước lượng là 120 tỷ dollar (Karnow,1984). Để so sánh, Mỹ “chỉ” chi tiêu 67 triệu dollar cho các chương trình viện trợ vũ khí và chi phí quân sự ở nước ngoài suốt giai đoạn 1945-1965. Đây là một hình thức chiến tranh tốn kém người ta đã tiến hành ở VN. Nguồn cung cấp được vận chuyển xuyên Thái Bình Dương. Không quân, bộ phận quốc phòng đắt đỏ nhất, đã được sử dụng rộng rãi, với chi phí lớn và kết quả nhỏ.
Bản thân nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để gánh vác các chi phí này mà không bị suy yếu nghiêm trọng. Tuy nhiên vẫn có một chính sách tài chính khác mà Johnson không đủ can đảm để đề xuất và dường như Quốc hội cũng không muốn thông qua. Johnson đã chọn con đường ít trở ngại nhất bằng cách tiến hành chiến tranh theo tín dụng. Hậu quả là lạm phát bắt đầu xáo trộn và năng suất giảm. Trong những năm 1970, Hoa Kỳ đã phải trả những khoản tiền bằng đồng dollar sụt giá khiến vai trò lãnh đạo kinh tế thế giới của Mỹ bị suy giảm và gây ra những cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu suốt 10 năm. Vào năm 1970, cán cân thanh toán thiếu hụt gần 30 tỷ dollar.
Tháng 8 năm 1970, Nixon nhập cuộc. Ông đình chỉ việc chuyển đổi dollar và áp dụng mức phí nhập khẩu tạm thời là 10%. Hệ thống Bretton Woods (5) vốn là chỗ dựa cho sự thịnh vượng của các quốc gia công nghiệp từ thời chiến tranh bị loại bỏ. Tháng 12, đại biểu các quốc gia công nghiệp hàng đầu gặp nhau tại Viện Smithsonian ở Washington và ký kết một thỏa ước dẫn đến lần giảm giá đầu tiên kể từ 1934. Đồng thời, để ổn định đồng dollar ở định mức mới, Nixon kiểm soát mức giá cả và lương bổng.
Cùng với việc bổ nhiệm nhà tài chính bảo thủ đáng kính Arthur Burn làm trưởng ban Cục Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve Board), các sáng kiến này đã phục hồi niềm tin, thúc đẩy nền kinh tế trỗi dậy mạnh năm 1972. Triển vọng tốt đã giúp Nixon giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử tổng thống vào mùa Thu. Nhưng rồi ông đã phạm sai lầm khi hủy bỏ việc kiểm soát giá cả và đồng lương. Đầu năm 1973, giá cả tăng vọt lên 8% và cuối năm lên 10%.
Có nhiều nguyên nhân đưa đến chuyện này. Ngân sách năm 1972 thâm thủng với kỷ lục mới là 40 tỷ dollar. Nó kích thích nền kinh tế nhưng giá nguyên vật liệu gia tăng. Cùng lúc đó, với chính sách hòa hoãn, Kissinger đã vét cạn các kho ngũ cốc của Mỹ để giúp đỡ người Nga trong năm mất mùa thảm khốc. Hậu quả là giá thực phẩm ở Mỹ tăng lên không dưới 23% trong vòng một tháng vào năm 1973. Mùa Đông năm 1973-1974, giá dầu hỏa và khí đốt nhảy vọt lên 33% do việc khối OPEC khai thác cuộc chiến tranh tháng Tám – Cuộc chiến Jom-Kippur – ở Trung Đông. Đồng thời vụ bê bối Watergate khiến giới lãnh đạo chính trị tại Washington ngày càng bị tê liệt do sự xung đột quyền lực giữa tổng thống và Quốc hội.
(Còn tiếp)
Nguồn: USA’s Historie, by Erling Bjøl, Københaven 2011, printed in Sweden
______
Chú thích của người dịch:
(1) EC (European Community) là tên gọi trước kia của EU (European Union) từ 1967 -1993
(2) Hãng xe Ford
(3) Trong chuyến công du các nước Á Châu năm 1965, khi ghé qua đảo Guam, ngày 25/7, Richard Nixon tuyên bố, từ thời điểm này trở đi, ông mong đợi các quốc gia đồng minh châu Á có trách nhiệm tự bảo vệ an ninh quân sự của mình. Tuyên bố này về sau được gọi là học thuyết Nixon (The Nixon doctrine) hay The Guam doctrine.
(4) FNL: The National Liberation Front, tức Mặt trận giải phóng miền Nam.
(̀5) Hệ thống Bretton Woods: Tên gọi hệ thống tài chính bao gồm Quỹ Tiền Tệ Quốc Tê ́ (IMF), Ngân Hàng Thế Giới (WB) và chế độ tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng dựa trên đồng dollar Mỹ gắn với vàng. Tháng 8 năm 1971 Nixon rút chân ra khỏi hệ thống và thả nổi đồng tiền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.