Khi nào đời lạ? | Tiếng Dân
Việc áp như thế là bất nhân, bởi dù có xử “kẻ chủ mưu” đến chung thân, thì người thiệt vẫn là người dân “một nắng hai sương”, gỡ hai tay họ ra khỏi cục đất mà họ khư khư giữ cả bằng máu và nước mắt là thất đức. Đó mới là “lạ”. Đời chỉ lạ khi lúc nào, ta cũng thấy thiếu nhiều thứ, mà thực tế nào ta có thiếu đâu, cảm giác thiếu nhiều là do ta quá nhiều toan tính rồi cứ thế mà vận vào người. Chi khổ vậy!
Đang nghỉ trưa, lù lù mò vào đọc báo mạng, qua nay là việc một cựu quan chức ngành tư pháp, bán đất cho người ăn, kẻ ở, phận con sen của mình, lập hợp đồng hẳn hoi, lúc bán, đất quy hoạch, nay bỏ quy hoạch đất tăng cao vùn vụt, dựa vào thế lực, đỏ mắt tìm kẻ hở của pháp luật để đòi lại đất đã bán.
Toà dửng dưng, bất chấp, tuyên cho ông chủ thắng, “con sen” toang nhảy lầu, may mà có nhà báo chụp lại kịp; nhìn “thằng sen” miệng khóc méo sệch như đứa trẻ lên 3 giống cái vòng tròn tròng trành nghiêng ngả mang tên pháp đình.
Đó là khi đời lạ, lạ ở chỗ phận “chủ cả” mà đọc đời “con sen, con ở” đến nát bét. Cuốn sách nào cũng vậy, thà đọc lướt qua, dù có bỏ lỡ khúc nào cũng còn hơn cố đọc kỹ rồi chảy nước mắt. Không phải nước mắt của cảm thương, mà là nước mắt trả giá cho cái tâm xà địa độc. Nước mắt đó không phải do đời lạ mà ra, đời chẳng nhiên lạ, thấy đó mà biết nhủ lòng, biết run sợ, may mà còn chưa hộc máu!
Đời chẳng bao giờ ngẫu nhiên lạ, bởi đời làm gì có những chuyện bất bình, đau lòng, nếu không tồn tại những cái tâm bất bình và những trái tim vô cảm. Đừng đổ cho đời lạ, đừng lúc nào cũng giật mình thon thót nguỵ biện cho những thất đức của bản thân, rồi cho là đời lạ, mà quên rằng, cái tuổi trăm năm cũng chỉ là giấc mộng, mệt mỏi giành giật, vất vả xâu xé trăm năm rồi cũng đến lúc phải ngủ quên thôi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.