Dân cần lãnh đạo như Võ Văn Kiệt
29-6-2020
Hôm qua 8.5 âm, 12 năm ngày mất ông Sáu Dân-Võ Văn Kiệt.
Giáo sư Tương Lai tổ chức giỗ ông Sáu Dân tại nhà GS.
Trước di ảnh với nụ cười luôn cởi mở rất tươi của ông Sáu, GS Tương Lai gắng nén nước mắt nhưng vẫn không kìm được nước mắt khi nói:
“Những lúc thời cuộc lâm vào thế gay cấn bế tắc – chúng ta lại mong mỏi “phải chi lúc này còn ông Sáu Dân”.
Có lẽ linh cảm ấy đã khiến nhà thơ Việt Phương thảng thốt gọi:
Người đừng đi đừng đi đừng đi
Người có biết đời yêu người đến thế
Đời cần người lúc này bao xiết kể.
Lúc này cùng nhau trước di ảnh của Ông, chúng ta thấm thía sự nghiệt ngã không thể tránh khỏi của cảm nhận “đời cần người lúc này bao xiết kể”.
GS nhắc lại lời của Phạm Văn Đồng: “Trong các Thủ tướng của nước ta, tôi, anh Phạm Hùng, anh Đỗ Mười, anh Võ Văn Kiệt và anh Phan Văn Khải, thì anh Võ Văn Kiệt là người làm được nhiều nhất cho dân tộc, cho đất nước”.
GS cho biết suốt đời mình trong lý lịch phần văn hoá ông Sáu chỉ ghi: biết đọc biết viết.
Vậy thôi.
Gã nghĩ, không giáo sư tiến sĩ này nọ choang choang, không vỗ ngực những hào quang trí tuệ Sáu Dân chỉ “biết đọc biết viết” nhưng quan trọng nhất là biết đặt Tổ quốc, Đồng bào lên trên lợi ích phe nhóm, cá nhân, không bị mắc bẫy ý thức hệ hẹp hòi sáo rỗng nên như GS Tương Lai khẳng định:
“Ông sống mãi trong niềm thương và nỗi nhớ của Dân, tấm bài vị của Ông đang được đặt trên Gian Thờ Tổ của chùa Hoa Yên trên quần thể Yên Tử ngày ngày Dân nhang khói, dâng hoa.”
Trong khi đó bao kẻ khác còn sống sờ sờ hàng ngày Dân rủa, Dân mắng.
Tại đám giỗ ông Sáu linh mục Huỳnh Công Minh kể:
“Ông Sáu Dân gặp đức cha tổng giám mục Phaolo Nguyễn Văn Bình để lắng nghe về việc chăm lo cho trẻ em. Ông Sáu nói cần phải giành những gì tốt nhất cho trẻ em nhưng thực tế thì còn đáng buồn lắm. Ông Sáu kể: tôi đi qua Nhà Văn hoá Thiếu nhi những đứa trẻ quàng khăn đỏ đi vào cổng có hàng rào vui chơi trong khi bám hàng rào ngó vô nhiều đứa trẻ khác áo quần nhếch nhác. Tôi đề nghị phải phá bỏ cái hàng rào đó đi.
Ông Sáu nói: Cuộc sống của chúng ta còn quá nhiều những hàng rào phải phá bỏ như thế!”.
Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn kể:
Một hôm ông Sáu kiếm tôi, bá vai tôi nói rất nghiêm túc: Tôi đề nghị Sơn làm phó tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước.
Tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời: Thưa anh Sáu, tôi là viên chức của chế độ VNCH, tôi không có thành tích gì cho cách mạng, tôi không phải đảng viên…
Ông Sáu bấu tay vào vai tôi: Thế thì đã sao nào?
Biết tôi cương quyết từ chối, ông Sáu rất buồn. Ông hỏi vì sao từ chối, tôi im lặng vì tôi không muốn trả lời cho ông rằng, vì tôi lo cho sinh mạng chính trị của chính ông khi dám phá bỏ cái hàng rào kiên cố bao lâu nay về việc chọn nhân sự lãnh đạo.
Nhà báo Kim Hạnh, nguyên TBT báo Tuổi Trẻ kể:
“Ông Sáu Dân yêu cầu báo Tuổi Trẻ tổ chức một cuộc gặp gỡ giới trí thức Sài Gòn với tinh thần cởi mở, Dân chủ để họ phản biện các đường lối chính sách của đảng và nhà nước và cho phép ông được nghe qua một tấm rèm ngăn để không ai biết sự có mặt của ông.
Sau cuộc gặp ông Sáu cho tôi coi cuốn sổ ông ghi chép các ý kiến. Ông nói: Lãnh đạo và trí thức có quá nhiều hàng rào ngăn cách sự thật. Phải phá bỏ chúng.”
Gã ghi lại những gì gã nghe trong đám giỗ ông Sáu Dân chắc chắn cần lắm cho các vị lãnh đạo hôm nay. Ông Sáu Dân được Dân thương chính vì ông phá bỏ tất cả hàng rào ngăn cách với Dân mà đến với Dân và nhập vào Dân để nói tiếng nói của Dân.
Còn các vị?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.