Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Chuyện làng tôi - Bài 1: CUỘC SỐNG TRONG LÀNG XƯA

Chuyện làng tôi - Bài 1: CUỘC SỐNG TRONG LÀNG XƯA

Chuyện làng tôi - Bài 1:
CUỘC SỐNG TRONG LÀNG XƯA 

Làng Phụ Khang (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là một làng thuần nông. Ngoài làm ruộng ra, người làng không có nghề phụ nào đáng kể trong suốt lịch sử từ lúc lập làng. “Cơm cày cá kiếm” là câu cửa miệng của người làng. Sau lũy tre làng, cuộc sống của dân làng cũng gần như khép kín như rặng lũy.

Người dân Phụ Khang canh tác trên những thửa ruộng bậc thang, trông chờ vào những cơn mưa để cấy trồng. Những tràn ruộng thấp sẽ cho lúa hai vụ, những sườn cao trồng đủ loại hoa màu như lạc, đỗ, ngô, khoai, sắn. Đồng Bường là nơi đất tốt, rất phù hợp với trồng khoai, và khoai lang ở cánh đồng này đã đi vào câu tục ngữ khắp vùng biết tới “Nước Giếng Giang, Khoai lang Đồng Bường”.


Cơ cấu bữa ăn của người dân làng Phụ Khang là cơm tẻ, còn ngô, khoai, sắn là những món ăn thêm lót dạ buổi sáng hoặc ăn lúc mới đi làm đồng về chờ cơm. Thức ăn cho những bữa cơm khá phong phú. Đó là cua cá, lươn trạch bắt được trong lúc đi làm đồng hoặc bắt cua cá say nắng giữa trưa hè, hoặc cá ngược sau mưa ở các chổ nước ở các ruộng bậc thang. Thỉnh thoảng, vào buổi trưa, sau khi nghe thấy 2 tiếng mõ ở đình là cả đàn ông lớn bé kéo nhau ra sông Tích để đánh cá sông vui như hội. Cá đánh được ăn không hết thì đem ướp, hoặc kho rồi phơi khô cất đi ăn dần. Ngoài ra, nguồn thức ăn của người dân Phụ Khang khá dồi dào, có thể nói là đủ để sống giữa làng mà vẫn không lo thiếu: Mùa gặt thì có châu chấu rang, mùa đông thì ủ giá đỗ.
Đặc biệt, mỗi nhà dù giàu nghèo cũng đều có chum tương ở góc sân. Chum tương là cái món “gia bản” của mọi nhà, dùng để kho tất cả những gì mà người dân bắt được ngoài đồng, ngoài sông mang về: cá, cua, ốc, ếch, lươn, trạch. Bên cạnh chum tương, còn có mắm cua. Cua bắt được ngoài đồng, ăn một không hết thì rửa sạch, soóc muối rồi cho vào cái vại hoặc cái phạng bỏ nắm muối vào, ít lâu mở ra đã có một thứ mắm thơm ngon mà lành.

Về đồ uống: Phụ Khang nổi tiếng về chè tươi. Chè tươi có hai cách: một là nấu lên (nước và chè cùng lúc), hai là hãm. Chè tươi được trồng trong các đầu hồi hoặc sau nhà, góc vườn mỗi hộ. Đến lúc muốn uống chỉ cần ra sau nhà tuốt ít lá mang vào hãm là có nước uống ngay. Ở các xóm trong làng từ xưa đến nay vẫn duy trì hội chè tươi, tức là các nhà luân phiên nấu nước chè để phục vụ cả xóm đến uống chè với nhau vào buổi tối cho vui. Tình làng nghĩa xóm nhờ thế mà thêm đầm ấm vui vẻ.Một loại đồ uống nữa mà người Phụ Khang cũng ít phải đi mua ở nơi khác đó là mật. Những thửa ruộng thềm cao thỉnh thoảng được trồng mía, rồi thuê máy ép mía dùng sức trâu kéo ép lấy mật dùng quanh năm.

Làng nghèo, dân nghèo. Và để được ăn ngon, người làng Phụ Khang xưa đặt ra đủ mọi thứ lễ tiết để được ăn uống ngon miệng so với ngày thường. Đó là ngày tết[1], ngày giỗ và ngày đám (đám cưới, đám ma, đám sang cát,…).

Tết Nguyên đán ở Phụ Khang là Tết cả. Người dân phải chuẩn bị cả mấy tháng trời mua góp để dành cho cỗ Tết. Cỗ Tết gồm đủ các món về luộc, kho, áp chảo, nấu đông, giò (giò nạc và giò ép), nem, chả, canh (canh măng, canh miến, canh giả cầy), dưa hành, bánh chưng, chè kho.

Cuộc sống cứ như vậy, hết đời này sang đời khác. Người dân sống sau lũy tre xanh, cơm cày cá kiếm, nên người Phụ Khang ít nghĩ đến chuyện “thoát ly” ra bên ngoài. Hơn nữa, các cụ lập làng lại muốn tụ dân, tụ cư, sợ dân bỏ đi thì không thành làng nên cứ truyền lưu lời nguyền rằng người làng xuất ngoại không khá được, rằng đất này không phải đất học, rằng đất này chỉ “đãi ngoại”. Thế là cứ quanh năm này tháng khác, hình ảnh người dân ra ra vào vào lũy tre từ 4 cái cổng làng là hình ảnh quen thuộc về dân làng Phụ Khang.

Nguyễn Xuân Diện
23/7/2020

[1] Quanh một năm, người dân Phụ Khang có làm cổ tết các dịp sau: Tết lớn, Rằm tháng Giêng, Tết Bánh trôi, Tết mùng 5, Tết Rằm tháng Bảy, Tết Rằm tháng Tám, Tết Cơm mới mùng 10 tháng 10, Chạp.

1 nhận xét :

  1. Chuyện làng của anh Diện êm đềm quá. Thức ăn lại ngon, có vẻ như làng cũng giàu chứ không có khổ, nếu không giàu thì cũng đủ ăn không thiếu thốn, nhưng văn hóa làng thì có vẻ xưa cổ nhiều. Không biết bây giờ làng ra sao rồi. Nhìn cái giếng nước cổ đẹp quá. Đọc những bài như bài này lòng tôi thấy thanh thản rất nhiều bớt rầu trong thời buổi corona, cám ơn anh Diện rất nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.