Bản tin ngày 23-7-2020 | Tiếng Dân
Cũng tin nhân quyền, các nhà hoạt động phát động chiến dịch cáo buộc các công ty hưởng lợi từ việc bóc lột nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương, qua lời kêu gọi ngưng sử dụng ‘lao động cưỡng bức’, BBC đưa tin. Các chính trị gia và các nhà hoạt động nói, các công ty cần phải làm nhiều hơn, nếu không muốn bị trở thành đồng lõa với chính phủ TQ trong việc vi phạm nhân quyền.
Cô Chloe Cranston, thuộc tổ chức chống nô lệ Anti-Slavery International, một trong hơn 180 tổ chức liên quan đến chiến dịch này, nói: “Các thương hiệu và chuỗi bán lẻ nên rời bỏ từ lâu, nhưng họ chưa và đó là lý do tại sao lời kêu gọi hành động công khai này là quan trọng và cần thiết. Đây không chỉ là việc chấm dứt mối quan hệ với một nhà cung cấp. Nó thực sự là về cách tiếp cận toàn diện“.
RFI có bài phân tích: Trấn áp người Duy Ngô Nhĩ: Trung Quốc ngang nhiên vì không sợ bị xét xử. Các cáo buộc cho biết, khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị nhốt trong các ‘trung tâm dạy nghề’ ở Tân Cương từ năm 2013; mức tăng dân số ở Tân Cương từ năm 2015-2018 giảm 84% vì chính sách cưỡng ép triệt sản; tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo đang bị Hán hóa, thậm chí bị ‘diệt chủng.
Có vẻ như luật pháp quốc tế bất lực đối với chính quyền Trung Quốc trong vụ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và rằng hồ sơ Tân Cương khó có thể đi xa hơn ngoài những biện pháp trừng phạt và lên án, cho nên Trung Quốc thẳng tay đàn áp người Duy Ngô Nhĩ mà không sợ bị xét xử.
Mời đọc thêm: Vì sao ‘Việt Nam ủng hộ Trung Quốc về Tân Cương và Hồng Kông’?(NV). – S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Nước Mắt Tân Cương (VB). – Đại sứ Trung Quốc từ chối giải thích video người bị còng tay (DT). – Trung Quốc dọa sẽ không chấp nhận hộ chiếu do Anh cấp cho người Hồng Kông(TĐ). – Trung Quốc phản đối Anh cấp quyền công dân cho người Hồng Kông, cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế (SGĐT). – Quan hệ kinh tế Anh-Trung gắn bó tới mức nào?(BBC).
Cả nhà làm quan: Vẫn lại là gia đình bí thư Bắc Ninh
Báo Tiền Phong hôm 22/7 đưa tin, Thành ủy Bắc Ninh tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ, theo đó ông Nguyễn Nhân Chinh, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh được điều động làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh.
Điều đặc biệt là, Nguyễn Nhân Chinh chính là con trai ông Nguyễn Nhân Chiến, đương kim bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh, là người mà mấy năm trước từng bị tố cáo “cả họ làm quan” gây bức xúc dư luận.
Nhà báo Bạch Hoàn có bài viết, nhắc lại phát biểu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch UBND thành Hồ: “Đó là hồng phúc của dân tộc”. Bài viết điểm lại những ưu và khuyết điểm, thuận lợi và khó khăn khi ông Chinh được bố đẻ Nguyễn Nhân Chiến nâng đỡ từ khi còn là chủ tịch tỉnh, nay lại được đảng ủy nơi ông Chiến đứng đầu đề bạt, bổ nhiệm.
Facebooker Phạm Ngọc Hưng bình luận: “Soi chiếu lại lịch sử, thì sự bất bình đẳng cơ hội đó tất yếu dẫn đến bất ổn xã hội cùng với một bộ máy cai trị thiểu năng, là những tiền đề cho sự thay đổi triều đại. Thế nên, nhìn gương xưa để thấy những ngày chúng ta đang sống rất có thể là đêm giao thừa của một cuộc đổi thay chính trị”.
Mời đọc thêm: Thành ủy Bắc Ninh có tân Bí thư 36 tuổi (VTC). – Chân dung tân Bí thư Thành ủy Bắc Ninh thế hệ 8X Nguyễn Nhân Chinh (DV). – Ông Nguyễn Nhân Chinh được điều động làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh (VNN). – Lãnh đạo TPHCM phân trần việc Phó Giám đốc Sở vừa bổ nhiệm đã bị bắt (RFA). – Một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất đã tiếp tay cho tội phạm (TT). – Không kỷ luật, điều động cán bộ tố cáo trong thời gian được bảo vệ (TP).
Chính thức tháo dỡ nhà thờ Bùi Chu
Thánh đường Bùi Chu 135 năm tuổi chính thức được tháo dỡ từ ngày 17/7/2020, nhưng không được nhiều báo chí đăng tải. Có lẽ việc tháo dỡ nhà thờ lâu đời nhất ở Việt Nam bị nhiều người yêu quý di sản phản đối, nên việc phổ biến thông tin không được rộng rãi.
Nhà báo Nguyễn Thông bình luận về việc “hạ giải” nhà thờ Bùi Chu: “Tưởng chỉ có chính quyền cách mạng mới biết dùng uyển ngữ, gọi nhà tù là trại cải tạo, trung tâm phục hồi nhân cách, gọi đi tù là đi học tập…, hóa ra bên mấy đức cha quản giáo xứ Bùi Chu cũng rành vụ này. Họ phá nhà thờ cổ Bùi Chu tuổi đời 135 năm để làm lại, xây mới trên nền cũ, họ gọi là… hạ giải.
Tôi cam đoan, dù họ có cẩn thận bóc từng viên gạch, tháo từng viên ngói đã hơn trăm niên ấy, nhưng chả dùng đâu, chỉ màu mè một chút thế thôi, đỡ eo sèo dư luận. Nếu thấy tòa nhà đã xuống cấp quá nguy hiểm, không thể duy trì được, cần phải phá thì cứ nói là phá, xây mới ‘đàng hoàng hơn, to đẹp hơn’, cần quái gì phải quanh co uyển ngữ, hạ giải mới chả thượng giải”.
Thật ra, điều mà nhà báo Nguyễn Thông nêu đã được chính linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang trả lời báo Tuổi Trẻi: “Nhà thờ mới sẽ được xây dựng trên nền nhà thờ cũ, theo hình dáng bên ngoài giống nhà thờ cũ nhưng kích thước lớn hơn và vật liệu thì mới hoàn toàn”.
Công an oan?
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip của đại úy Lê Chí Thành, là người trong sắc phục công an Việt Nam, xác nhận việc tố cáo trên mạng là “Những gì chúng tôi làm là đấu tranh tranh, chống tiêu cực, chống lạm quyền, chống quan liêu, chống hách dịch để làm trong sạch bộ máy, lấy [lại] niềm tin yêu trong nhân dân”.
Trong nhiều clip, đại úy Thành đã tố cáo đích danh đại tá Lê Bá Thủy, lãnh đạo trại giam Thủ Đức; Nguyễn Trọng Tuấn, giám thị trại giam Xuyên Mộc đã “cướp” 16ha điều của một gia đình “đồng chí” khác.
Nhà báo Đoàn Bảo Châu cho biết, “sau bao nỗ lực thì mấy cậu này cũng được cấp trên quan tâm”. Ông Châu bình luận: “Đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình là một việc cần thiết. Nếu mình không dũng cảm, không quyết tâm gánh vác gánh nặng đổ vào vai thì công lý không bao giờ tự đến, cũng không có ai đấu tranh hộ mình cả đâu… Đồng chí với nhau mà còn vậy thì bảo sao người dân thấp cổ bé họng không rơi vào tuyệt vọng khi bị chèn ép?”
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.