Đảng tranh ở Hoa Kỳ thời đại dịch
Trần Hữu Thục
We don't see things as they are, we see them as we are.(Chúng ta không nhìn thấy sự vật như chính sự vật, mà nhìn thấy chúng như chính chúng ta)
Anaïs Nin [1]
…Where I could stand in the middle of Fifth Avenue and shoot somebody and I wouldn’t lose any voters…"(…Dù tôi có đứng ngay giữa Đại Lộ Thứ Năm và bắn [chết] một ai đó thì tôi vẫn sẽ không mất bất cứ cử tri nào…) [2]
Donald Trump
I. Đảng
Vào đầu tháng 6/2020, giữa lúc cái chết của người đàn ông da đen George Floyd đưa đến những cuộc biểu tình liên tục trên toàn quốc của phong trào Black Lives Matter, một số khuôn mặt nổi tiếng của Đảng Cộng hoà (CH) như Thượng nghị sĩ Mitt Romney, cựu Tổng thống George Bush (Con) tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump; riêng tướng Colin Powell, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Bush (Con), thì tuyên bố thẳng thừng là sẽ bỏ phiếu cho ông Biden, ứng cử viên Đảng Dân chủ (DC), vì hai người có quan điểm rất gần gũi về xã hội và chính trị [3].
Phản ứng trước sự kiện đó, cựu Thống đốc Mike Huckabee, phát biểu trong chương trình “Fox & Friends Weekend” vào ngày 7/6/20, thừa nhận rằng Trump có thể không phải là ứng cử viên giỏi nhất, nhưng vẫn là người thể hiện quan điểm của Đảng CH rõ ràng nhất, do đó, xứng đáng hơn người thuộc Đảng DC. Ông thúc giục những người CH, dù không thích cá tính của Trump, hãy vượt lên trên điểm này. “Đây không phải là bầu cho một cá tính, đây không phải là Hollywood mà đây là thế giới rối rắm của chính trường” [4]. Theo ông, có thể Trump ăn nói không trau chuốt, nhưng rõ ràng là, ông đã hoàn thành nhiệm vụ và đây là lúc những người CH tập hợp lại bởi vì nếu không, họ sẽ để cho Joe Biden, một người không phò sự sống (pro-life), người sẽ tăng thuế cao, sẽ mở cửa biên giới, sẽ chịu thua Trung Cộng, đắc cử. Huckabee nhấn mạnh, đây là một chọn lựa vô cùng đơn giản vì “tất cả những gì mà chúng ta ghê tởm”, Biden sẽ ôm lấy, “kể cả chủ nghĩa xã hội” [5].
Một tuần sau đó, ngày 13/6, ông Newt Gingrich, nguyên Chủ tịch Hạ viện dưới thời Tổng thống Clinton, trong bài viết “Sẽ là cơn ác mộng nếu Biden, Pelosi và Schumer nắm quyền năm 2021” [6], cảnh báo rằng nếu DC thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống, thượng viện và Hạ viện tháng 11 này thì sẽ là một cơn “ác mộng” cho nước Mỹ. Và cũng như Huckabee, Gingrich “tiên đoán” rằng chính quyền DC sẽ thỏa hiệp với Bắc Kinh, nhường bước ở Hồng Kông, không lên án Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs). “Sự chọn lựa vào tháng 11 của chúng ta sẽ không phải là giữa Tổng thống Trump (President Trump) và [một] Tổng thống Hoàn hảo (President Perfection). Mà sẽ là giữa Tổng thống Trump và một cơn ác mộng sẽ chấm dứt nước Mỹ như chúng ta từng biết” [7], theo Gingrich.
Trong những nhận định trên đây, khi khẳng định một chính quyền do DC lãnh đạo sẽ thân Tàu, nghiêng về xã hội chủ nghĩa, hai ông đều cố tình quên rằng mới đây, những đạo luật chống Trung Cộng đều được thông qua ở hai viện Quốc hội với sự ủng hộ tối đa của cả hai đảng: “Uyghur Human Rights Policy Act of 2020” lên án Trung Cộng đàn áp người Duy-Ngô-Nhĩ [8], “Hong Kong Human Rights and Democracy Act” (Tháng 11/2019) ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông, “The Tibetan Policy and Support Act” (9/2019) ủng hộ Tây Tạng. Nhưng không sao, hai ông đang tuyên truyền tranh cử mà!
Trong lúc đó, ngược lại, DC sử dụng nhận định của một số cựu viên chức cao cấp đã từng phục vụ cho các Tổng thống CH trước đây như Jogn Bellinger III, Ken Wainstein, Robert Blackwill, xác quyết rằng, nếu Tổng thống Trump đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa thì sẽ “rất nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia vì rất có thể ông sẽ trở nên một kẻ độc tài” [9].
Đại loại là hai đảng, bằng kiểu này hay kiểu khác, đang ra sức đả kích, tố cáo, chê bai lẫn nhau và hù dọa cử tri để kiếm phiếu. Nhưng xin được tạm gác qua những “đòn phép” hạ nhau trong tuyên truyền tranh cử, để thử lướt qua vài nét chính trong cương lĩnh chính trị của hai đảng vốn đã thay nhau nắm chính quyền Hoa Kỳ trong mấy thế kỷ qua [10]:
Đảng Dân chủ: tả khuynh (left-leaning), tự do (liberal), gắn liền với sự tiến bộ và bình đẳng, ủng hộ một Chính phủ mạnh để cải cách xã hội, ủng hộ mở rộng chính sách di dân, hạn chế sử dụng vũ lực trong các tranh chấp quốc tế, tăng thuế người có lợi tức cao đồng thời giảm thuế cho người có lợi tức thấp, ủng hộ phá thai, ủng hộ đồng tính, chuyển giới, ủng hộ kế hoạch hóa gia đình, chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân, hạn chế án tử hình, hạn chể sử dụng quân sự ở nước ngoài, do đó, chỉ từ từ gia tăng ngân sách quân sự, hạn chế và kiểm soát việc sử dụng súng vì sự gia tăng các vụ giết người hàng loạt cũng như sự vô trách nhiệm của những người sở hữu súng.
Đảng Cộng hòa: hữu khuynh (right-leaning), bảo thủ (conservative), gắn liền với công lý và tự do kinh tế, khuyến khích sự cạnh tranh, ai làm việc giỏi thì lợi nhuận nhiều (survival of the fittest), giới hạn sự can thiệp của Chính phủ vào những vấn đề nội trị, chủ trương mạnh mẽ trong ngoại giao, có thái độ cứng rắn với Iran, chủ trương gia tăng ngân sách quân sự và ủng hộ giải pháp quân sự nếu cần, chịu ảnh hưởng tôn giáo và truyền thống, hạn chế di dân, ủng hộ kiểm soát chặt chẽ biên giới, ủng hộ cắt giảm thuế đồng đều cho người giàu cũng như người nghèo và để cho thị trường kiểm soát lương tối thiểu, ủng hộ án tử hình, chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính vì tin rằng nếu hợp pháp hóa chúng sẽ làm tan rã cơ cấu xã hội, ủng hộ bảo hiểm y tế tư nhân, ủng hộ quyền giữ vũ khí (tu chính án thứ 2), ủng hộ mang súng ở nơi công cộng.
Để làm nổi bật hơn sự khác biệt giữa hai xu hướng, nhà ngữ học George Lakoff đưa ra một cái nhìn khá thú vị khi ông ví von Quốc gia với Gia đình và Chính phủ với Cha Mẹ, một hình thức ẩn dụ [11]:
Với Đảng DC, Chính phủ đóng vai trò như một “hiền mẫu” (Nurturant Parent family), có trách nhiệm cung cấp đầy đủ mọi thứ cho những nhu cầu căn bản của người dân như đồ ăn, chỗ ở, giáo dục, bảo hiểm sức khỏe… và xa hơn, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nữ quyền và đồng tính, ủng hộ phá thai, chấp nhận di dân, trợ giúp dân thiểu số, thực hiện đa văn hóa…
Với Đảng CH, Chính phủ phải là “nghiêm phụ” (Strict Father family), điều hành việc nước dựa theo luân lý truyền thống, theo đó, tất cả đều phải làm việc để nuôi sống mình và gia đình theo một cung cách có kỷ cương, phép tắc, có tôn ty trật tự. Thượng Đế thì phải cao hơn con người, con người cao hơn thiên nhiên, người có kỷ luật (mạnh) phải cao hơn người vô kỷ luật (yếu), giàu hơn nghèo, chủ hơn thợ, lớn hơn nhỏ, văn hóa Tây phương cao hơn các văn hóa khác, Mỹ phải cao hơn các nước, và đi xa hơn: nam cao hơn nữ, (da) trắng phải cao hơn (da) màu, Thiên Chúa giáo cao hơn các tôn giáo khác, dị tính cao hơn đồng tính, vân vân.
Hiểu theo cách này, DC thì mềm, CH thì rắn. DC tính âm. CH tính dương. Đúng là hai thái cực.
Tuy nhiên, không như Đảng Cộng sản, các đảng chính trị Hoa Kỳ vốn lỏng lẻo, nên rộng chỗ cho những khuynh hướng khác nhau có mặt trong cùng một đảng: có kẻ thì cực đoan, có kẻ trung dung, có kẻ tùy thời, cơ hội và cũng có kẻ thay đổi quan điểm vì một số lý do riêng nào đó. Nhờ thế, dù gay gắt chống đối nhau, nhưng các dân biểu, nghị sĩ của hai đảng cũng có lúc thỏa hiệp hay tương nhượng nhau để cho ra đời những đạo luật có tính cách lưỡng đảng (bi-partisanship) như những đạo luật lên án Trung Quôc nêu trên. Ngoài ra, trong thực tế, rất nhiều người dân Hoa Kỳ có khuynh hướng độc lập. Họ là những người lập trường lừng chừng, không CH cũng chẳng DC, kẻ thì chủ trương tự do trong kinh tế nhưng bảo thủ về phương diện xã hội (economically liberal, socially conservative) kẻ thì có quan điểm tự do về phương diện xã hội nhưng bảo thủ về kinh tế (economically liberal, economically conservative). Trong cuộc thăm dò của Gallup tháng 2/2020, người ta tìm thấy khoảng 29% người Mỹ nhận mình là thuộc DC, 30% CH và 39% độc lập (ĐL). Thành thử, nói “lưỡng đảng” mà thành “tam đảng”: DC, CH và ĐL. Chính sự hiện diện của khối cử tri độc lập này đã tạo ra sự thay đổi liên tục trong chính trường Hoa Kỳ, giúp làm mới hệ thống cai trị, thúc đẩy đất nước hướng về phía trước. Cũng cần nhấn mạnh, ngoài các cử tri độc lập, những cử tri “cải đảng” cũng góp phần vào sự thay đổi đó. Đảng Mỹ vốn không có tuyên thệ, chẳng có khai trừ. Vào đảng, ra đảng, bỏ đảng, thay đảng, đơn giản và dễ dàng như… ăn kẹo.
Ở đây có một điều cần nói thêm cho rõ. Khi nói đến Chính phủ Mỹ (American Government) tức Chính phủ Liên bang (Federal Government), có người thường nghĩ đó chỉ là nội các của vị Tổng thống đương nhiệm. Thực ra Chính phủ Mỹ, theo hiến pháp, gồm có “ba thành phần riêng biệt: lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà quyền hành mỗi thành phần theo thứ tự được Hiến Pháp Hoa Kỳ trao cho là ở Quốc hội, Tổng thống và các Tòa án Liên bang” [12]. Như thế, Tổng thống và nội các chỉ là một phần của chính quyền Mỹ. Do sự phân chia, và do sự kiểm tra và kềm chế lẫn nhau, cho nên nước Mỹ không bao giờ là “đảng trị”, lại càng không bao giờ có bất cứ một “cha già dân tộc”, hay “minh quân” hay “vị cứu tinh” nào trị vì ở tòa Bạch Ốc cả.
II. Đảng tranh
Giành giựt niềm tin của cử tri để nắm quyền, đó là cái “job” của đảng Mỹ. Do đó, đảng tranh là chuyện thường ngày (ở huyện) trong sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ. Nó trở thành yếu tính, thậm chí, là sức khỏe của chế độ dân chủ. Đó không phải là một cuộc đấu tranh sinh tử, trong đó người thắng sẽ làm vua vĩnh viễn và người thua sẽ… về chùa quét lá đa. Đảng tranh, rốt cuộc, là một hình thức điều chỉnh các sinh hoạt xã hội. Thành thử, gọi đảng này cầm quyền sẽ là “cơn ác mộng” và đảng kia cầm quyền sẽ là mối “nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia” là một cách nói phóng đại, chỉ nhằm tuyên truyền tranh cử, hoàn toàn không phản ảnh thực tế nước Mỹ! Ác mộng chỉ xảy ra khi một đảng mạnh quá, tiêu diệt đảng kia, và chấm dứt chế độ lưỡng đảng! Ác mộng cũng chỉ xảy ra khi một ông tổng thống nào đó bỗng nhiên chuyên quyền và được tung hô là người duy nhất, là vị “cứu tinh” của dân tộc không ai thay thế được. Hiến pháp và các định chế Mỹ hoàn toàn không cho phép những hiện tượng bất thường như thế xảy ra. Từ cả mấy trăm năm nay.
Năm nay, năm bầu cử tổng thống, hai biến cố xảy ra làm đảo lộn mọi dự tính, mọi tiên liệu và chương trình cũng như kế hoạch của hai đảng, khiến cuộc đảng tranh càng thêm… loạn sắc: đại dịch Coronavirus và phong trào “Black Lives Matter”. Chúng đẩy Tổng thống Trump - vốn uy thế đang lên sau khi “tai qua nạn khỏi” trong hai lần bị DC điều tra và đàn hặc - vào thế bị động, đồng thời ban cho DC một cơ hội trời cho sau ba năm “truy bức” Tổng thống Trump mà chẳng đi tới đâu.
Đại dịch
Như trên trời rớt xuống, con coronavirus, trong khi vùi toàn nhân loại ngập chìm trong cơn khủng hoảng, thì mang lại cho Hoa Kỳ vĩ đại thêm một kỷ lục mới: số người nhiễm bệnh, số người chết vì bệnh và kỷ lục về sự mất phương hướng, vô chính sách, không biết đối phó thế nào với nạn dịch, phơi bày ra cả một cơ chế yếu kém, thiếu sót… mà vốn khi bình thường, không ai biết đến. Trong bài “We Are Living in a Failed State” (Chúng ta đang sống trong một quốc gia thất bại), đi trên tạp chí The Atlantic số tháng 6/2020, George Packer chua chát viết, “Cuộc khủng hoảng đại dịch này đòi hỏi một phản ứng nhanh chóng, hợp lý và đồng bộ. Thay vào đó, Hoa Kỳ đã phản ứng như Pakistan hay Belarus, giống như một quốc gia có cơ sở hạ tầng tồi tệ và một Chính phủ yếu kém với các nhà lãnh đạo quá tham nhũng hoặc ngu ngốc để ngăn chặn nỗi đau tập thể”. (…) “Mỗi buổi sáng của tháng 3 dài bất tận, người dân Mỹ thức dậy để thấy mình là công dân của một quốc gia thất bại. Không có kế hoạch quốc gia - cũng chẳng có những hướng dẫn mạch lạc nào - để mặc cho các gia đình, trường học và công sở tự quyết định xem có nên đóng cửa và tìm chỗ trú ẩn hay không. Khi các dụng cụ xét nghiệm, khẩu trang, áo bảo hộ và máy trợ thở được tìm thấy trong tình trạng hoàn toàn thiếu thốn, các Thống đốc đã van xin tòa Bạch Ốc, tòa Bạch Ốc đánh trống lảng, bèn kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân, họ cũng chẳng có. Các tiểu bang và thành phố đã bị buộc phải tham gia vào các cuộc chiến đấu thầu khiến họ phải làm mồi cho đám con buôn lừa đảo và trục lợi. Dân thường đã phải may hiến tặng trang thiết bị nhằm giúp cho các nhân viên bệnh viện bảo vệ sức khỏe và các bệnh nhân của họ được sống sót” [13].
Tìm cho ra nguồn cơn nào đưa đến tình trạng đáng buồn đó phải cần thời gian và đòi hỏi một nghiên cứu nghiêm túc, tường tận, khách quan. Riêng tôi, tôi nghĩ một cách bình dân: Hoa Kỳ gặp hạn xui, vì cơn dịch rơi vào đúng năm bầu cử tổng thống. Thay vì chung tay nhau giải quyết, các quý chính trị gia biến cơn đại dịch thành một con bài, thậm chí một con ngáo ộp, chính trị. Trách nhau, đùn nhau, tố cáo nhau, đổ lỗi cho nhau. Bất cứ một hành vi chống dịch nào. người ta cũng cân nhắc lợi, hại tranh cử. Bệnh cứ bệnh, chết cứ chết, tranh cử cái đã, miễn sao tìm lợi thế cho mình.
Trong cuộc đảng tranh này, nếu CH có lợi thế là nắm giữ tòa Bạch Ốc thì DC có lợi thế là được sự ủng hộ của ngành truyền thông.
- một bên là Tổng thống Trump và Đảng CH;
- một bên là Đảng DC và truyền thông.
Xếp thêm tên của Trump vào bên CH là vì, ngoài tư cách CH, ông Trump còn là một mục tiêu riêng, vừa của chính ông và đảng của ông, vừa của đối thủ. Nhiều người không chống CH (hay chính họ là CH) nhưng chống cá nhân Trump. Và nhiều người, xưa nay, chẳng hề quan tâm gì đến CH hay DC, bây giờ hết sức nhiệt tình ủng hộ Trump, và qua Trump, trở thành CH. Hơn nữa, bản thân ông Trump còn có thêm một nét đặc biệt: khi thì ông thân-Trump, khi thì ông chống-Trump! Hôm nay ông gọi Kim Jong Un là “Little Rocket Man”, mai ông gọi là “Great Leader”; hôm nay ông gọi Tập Cận Bình là tay độc tài, mai lại gọi là “Good Man” hay “Great Leader”, vân vân. Kẻ thương ông thì bảo ông áp dụng chiêu thức biến hóa khôn lường, tức “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Người ghét ông lại bảo là ông “thiếu nhất quán”. Thường tình thôi: “Thương nhau thương cả đường đi/Ghét nhau, ghét cả tông chi họ hàng”.
Xếp truyền thông vào phía DC vì, có thể nói tất cả những tờ báo và tạp chí lớn cũng như hệ thống truyền hình và các trang mạng của Hoa Kỳ, tức “truyền thông chính mạch” (mainstream media), đều có xu hướng chống Trump, thân DC. Lớn tiếng nhất trong số này là CNN, MSNBC, CNBC và những tờ báo nổi tiếng khác như New York Times, Washington Post, Boston Globe, Los Angeles Times, USA Today… CNN chẳng hạn, vốn độc lập nhưng có xu hướng tả khuynh, nên vô hình trung, trở thành tiếng nói của DC. Xưa nay, tôi là một “fan” của CNN. Theo dõi CNN suốt thời gian qua, tôi nhận thấy CNN tiến hành một cuộc “thập tự chinh” chống Tổng thống Trump dữ dội. “Ngày nay, CNN không còn quảng bá tin tức; nó quảng bá cái nó muốn thính giả cho đó là tin tức. Rốt cuộc, nó đã trở thành một loại đài như đài Fox”, theo Charles Cooke [14]. Ý nói CNN mang tính đảng phái (party bias) chứ không đứng trung lập như nó tuyên bố. Cá nhân tôi, mặc dầu vẫn là khán giả (và độc giả) trung thành của CNN vì thích cách đưa tin nhanh nhạy, nóng sốt và các bài phân tích sâu sắc, kịp thời, sắc bén, cụ thể của nó, nhưng thái độ không khoan nhượng của nó đối với cá nhân ông Trump cũng khiến tôi đôi khi chững lại, phát chán. Ông Trump chẳng vừa vặn gì: ngay từ khi mới ra tranh cử, ông đã tấn công bộ ba CNN, New York Times, Washington Postkhông thương tiếc; không những thế, tấn công cả ngành truyền thông Hoa Kỳ, liên tục cáo buộc nó là “kẻ thù của nhân dân Mỹ”, là tập đoàn chuyên môn loan tin giả. Lại cũng là lẽ thường tình: anh chống tôi thì tôi chống anh. Huề!
Thực ra, không thiếu những tờ báo và tạp chí ủng hộ ông Trump. Ngoài hai hệ thống truyền hình Fox Newsvà OAN (One America Network), còn có cả hàng chục cơ quan truyền thông khác thân-Trump, ủng hộ CH qua các Talk Radio như The Rush Limbaugh Show, The Sean Hannity Show, The Savage Nation… hay qua các tạp chí như National Review, The American Conservative, Newsmax Magazine…, các trang mạng Fox Nation, American Thinker…, các nhật báo: The Epoch Times, The New York Observer, Washington Times…
Có thể nói, bất cứ một sự kiện, chính sách hay hiện tượng gì mà Trump và CH bênh thì DC chống và ngược lại. Trong cơn đại dịch, giữa đau thương và chết chóc, nước Mỹ xuất hiện như một sân khấu, trong đó các nghệ sĩ hai bên thi nhau “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong một màn hoạt cảnh… loạn xà ngầu! Hàng ngày, con siêu vi thường trực chiếm lĩnh tất cả màn hình và trang báo, ai cũng muốn ăn tươi nuốt sống nó nhưng đồng thời dường như hai bên cũng muốn bảo vệ nó để … tranh cử. Cách chọn tin, đưa tin, phân tích tin, bình luận tin, ngay cả một cái tin không có gì quan trọng, nhưng nếu chịu khó lưu ý, sẽ thấy nhất nhất đều chứa đựng ý đồ tranh cử. Chẳng hạn, cùng đưa tin về bài diễn văn Tổng thống đọc tại Mount Rushmore nhân lễ kỷ niệm Ngày Độc Lập, mỗi báo đưa một tít, tít nào có ý đồ riêng của tít nấy:
- Fox News (thân-Trump): Trump, in fiery Mount Rushmore address, decries rise of “far-left fascism”, calls on Americans to rise up. (Trump, trong bài diễn văn nảy lửa tại Mount Rushmore, chỉ trích sự trỗi dậy của “chủ nghĩa phát-xít cực tả”, kêu gọi nhân dân Mỹ vùng lên [chống lại]).
- New York Times (chống-Trump): Trump Uses Fourth of July Speech to Deliver Divisive Culture War Message (Trump sử dụng bài diễn văn kỷ niệm Lễ Độc Lập để đưa ra một thông điệp chiến tranh văn hóa gây chia rẽ).
- Washington Times (thân-Trump): Trump warns of culture war ‘designed to overthrow the American revolution’ at Mt. Rushmore. (Tại Mount Rushmore, Trump cảnh báo về cuộc chiến tranh văn hóa được phác họa nhằm lật đổ cuộc cách mạng Mỹ).
- CNN (chống-Trump): Trump tries to drag America backward on a very different July 4th (Trump cố gắng kéo nước Mỹ lùi về một ngày Lễ Độc Lập hoàn toàn khác).
Chỉ đọc nội cái tít thôi, đã cảm thấy mùi “đảng tranh”: Một “TIN” mà thành nhiều “TỨC”.
Hạnh phúc nhất có lẽ là đám coronavirus tí teo, vô hình, nhưng ranh ma và tàn ác. Không CH cũng chẳng DC, gặp thời đảo điên, chúng sinh sản hàng loạt, thảnh thơi ngao du từ người này qua người khác, từ thành phố này qua thành phố khác, bang này qua bang khác. Tấn công người dân đã đành, chúng tấn công những người lính trên Hàng Không Mẫu Hạm, bò vào Quốc hội sờ gáy một số dân biểu, nghị sĩ, xâm nhập tận tòa Bạch Ốc, lây nhiễm cho cả những nhân viên thân cận của tổng thống. Mức độ lây lan của nó thoải mái đến độ tôi có cảm tưởng là Hoa Kỳ đang nhân giống… con siêu vi để làm của nổi của chìm. Than ôi!
Thử xem qua vài chiêu thức đảng tranh trong mùa dịch.
Đổ lỗi
Trước hết là đổ lỗi cho Tàu. Con bài “Tàu” được hai đảng đẩy qua đẩy về liên tục trong thời gian đầu. Cuối tháng 1, khi cơn dịch bùng phát ở Vũ Hán, Trump lập tức ra lệnh cấm người Tàu đến Mỹ. DC la lên: lệnh cấm du hành được thúc đẩy bởi căn bệnh “sợ tàu” (xenophobia). Cuối tháng 2, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, thăm San Francisco, lạc quan cho rằng China Town này an toàn, liền bị CH tố cáo là DC thân Tàu, không thấy trước nguy cơ của cơn dịch. Trump nói, “Lúc này hơn bao giờ hết, Hoa Kỳ phải chặn đứng Tàu. Và để chặn đứng Tàu, các quý vị phải chặn đứng Joe Biden”. (Now more than ever, America must stop China. And to stop China, you have to stop Joe Biden). DC, ngược lại, tố Trump chỉ chống Tàu ngoài miệng vì ông vừa cấm du khách đến từ Tàu lại vừa ca ngợi Tàu chống dịch giỏi. Lời chỉ trích này được tăng thêm gia vị với cuốn hồi ký của ông cố vấn John Bolton sau này, theo đó, Tổng thống Trump đã năn nỉ Trung Quốc giúp ông đắc cử nhiệm kỳ 2 bằng cách mua thêm nông sản Mỹ. Trách gì ông Trump! Đây cũng chỉ là một chiêu thức tranh cử mà thôi!
Thứ hai là đổ lỗi cho nhau. Trong gần suốt tháng 3, DC và truyền thông tố cáo Tổng thống Trump đánh giá thấp, thậm chí phủ nhận nguy hại của con siêu vi, do đó, làm ngơ, không chuẩn bị, không chịu kích hoạt Đạo Luật Sản Xuất Quốc Phòng (Defense Production Act) để sản xuất trang thiết bị y tế đồng thời tố cáo cá nhân Trump luôn nói nghịch với với các chuyên gia y tế. Ngược lại, Trump, lúc đầu, tố cáo DC và truyền thông là “chơi khăm” khi cố tình làm lớn chuyện con siêu vi, sau, đổ lỗi cho DC giành thì giờ và tiền bạc trong vụ đàn hặc Trump nên Chính phủ không có thì giờ để chống siêu vi. Ông không thừa nhận là mình có trách nhiệm gì về những thiệt hại do cơn dịch gây ra. Trách nhiệm, theo ông, thuộc về DC và… các Chính phủ trước, nhất là Chính phủ Obama, vì đã để lại một cơ chế tan vỡ (broken system), không làm gì để chuẩn bị đối phó với nạn dịch.
Vậy trách nhiệm quy cho ai đây?
I have no idea!
Kính màu
Cơn dịch thì một, nhưng được nhìn qua hai cặp kính màu.
DC đeo kính đen: Cơn dịch đang giết người mà Donald Trump không biết cách giải quyết (The disease is deadly and Donald Trump screwed up). Trong cách đưa tin, DC thường sử dụng một số từ ngữ đại loại như: Coronavirus, spike, jump, Donald Trump, response, deadly, petition, lives… Ghép xuôi ghép ngược những từ ngữ như thế sẽ cho những hình ảnh đầy tính cách tiêu cực: con coronavirus thì vô cùng nguy hiểm, gây ra chết người và mỗi ngày mỗi gia tăng mà ông Donald Trump xem thường, đánh giá thấp sự nguy hiểm của nó, không đưa ra được một phương cách hữu hiệu để đối phó, rốt cuộc, gây ra nhiều chết chóc.
CH đeo kính hồng: Cơn dịch không có gì nguy hiểm, “sẽ ‘đi mất’ mà không cần thuốc chủng ngừa” (the coronavirus pandemic will 'go away without a vaccine'), theo Tổng thống Trump. Ông đã lập đi lập lại nhiều lần nhóm chữ “go away” khi phát biểu về con siêu vi. Do lạc quan, những từ ngữ sau đây thường được sử dụng trong những bản tin và phát biểu của CH: our nation, our community stronger, together, President Trump, go away, better, well… Chúng nhấn mạnh đến tài lãnh đạo của Trump, đến sự đoàn kết, đến quốc gia, cộng đồng và tương lai tươi sáng.
Đeo màu nào thì hiện thực hiện ra màu nấy.
Qua kính đen, CNN, MSNBC... chỉ nhìn thấy một hiện thực u ám, từ số “ca” nhiễm bệnh đến số tử vong, từ những dự đoán bi quan về tình hình kinh tế đến số người thất nghiệp gia tăng. Trên màn hình CNN, bên góc phải, luôn luôn xuất hiện bảng thống kê con số người nhiễm bệnh và tử vong trên toàn thế giới và ở Hoa Kỳ. Nếu mở CNN, cảm giác đầu tiên là con coronavirus nằm “chình ình” ra đó, như sẵn sàng nuốt chửng mọi người, không cách gì tránh khỏi. Người ta rất ít khi tìm thấy trên CNN những tin tức gì khác ngoài chuyện dịch bệnh, chết chóc cùng với chỉ trích, phê phán cách làm việc của Tổng thống Trump. Tóm lại, DC và truyền thông tập trung khai thác tin tức bi quan, tiêu cực về tình hình dịch bệnh, bới lông tìm vết những sai sót từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ cho đến những ý kiến lúc nào cũng có vẻ ngược đời của Tổng thống Trump.
Ngược lại, qua kính hồng, Fox News, OAN lại vẽ ra một hiện thực hồng hào: lạc quan về số người lành bệnh, về hy vọng tìm thấy thuốc chúng ngừa sớm, về tình hình kinh tế sẽ sáng sủa, và các sinh hoạt khác vẫn diễn ra bình thường như điện ảnh, thể thao, mua sắm, vui chơi…, tưởng như dịch bệnh chỉ là một cơn cảm cúm mùa đông hàng năm, sẽ chóng qua đi. Qua cặp kính này, các con số thống kê người bệnh, người chết của Johns Hopkins Coronavirus Resource Center chỉ là những “ảo số” do tập đoàn “tà quyền” muốn hại Tổng thống Trump, chứ không có thật, theo những người ủng hộ Tổng thống Trump.
Người dân Mỹ sống trong hai hiện thực đối nghịch nhau:
Một nước Mỹ của CNN, New York Times, MSNBC tràn đầy hung tín và âm tín.
Một nước Mỹ khác của Fox, OAN, National Reviewtoàn là hỷ tín và dương tín.
Liên bang “đụng” tiểu bang
Cách nhìn và cách đánh giá khác nhau giữa hai đảng làm nổi lên một sự kiện buồn cười: tranh chấp giữa chính quyền liên bang và tiểu bang. Một mặt, tiểu bang cần sự trợ giúp của liên bang, nhưng mặt khác, tiểu bang lại có quyền quyết định cách thi hành riêng trong tiểu bang mình. Một nước Hoa Kỳ trong khi đối phó với cơn dịch mà hành xử y như thể có đến… 50 quốc gia khác nhau, phân ra hai loại: DC và CH. Điều này cũng đưa đến sự đổ lỗi giữa tổng thống và các thống đốc. Dân Mỹ chứng kiến không biết bao nhiều lần sự tranh cãi giữa Trump với Thống đốc một số tiểu bang DC. Ở Washington DC, tòa Bạch Ốc họp báo nói một kiểu; ở New York, Thống đốc tiểu bang họp báo nói một kiểu khác. Hoặc, trong lúc các tiểu bang Michigan, Minnesota, Virginia do các Thống đốc DC lãnh đạo gia hạn lệnh buộc người dân tự cách ly ở nhà thì Tổng thống Trump kêu gọi những người ủng hộ ông đi biểu tình “giải phóng” các tiểu bang này. Không chỉ các tiểu bang DC, một số tiểu bang CH có khi cũng “ngủng ngẳng” với Tổng thống về chuyện mở cửa, đóng cửa, mang hay không khẩu trang, vân vân. Đúng là “đa quốc”. Tương quan nhập nhằng giữa chính quyền liên bang và tiểu bang, đôi khi giữa tiểu bang và thành phố đã khiến cho cuộc đảng tranh, vốn đã phức tạp, lại càng thêm rối rắm.
Mở đóng đóng mở
Bất chấp tình hình dịch bệnh mỗi ngày một xấu, Trump muốn mọi sự trở lại bình thường càng sớm càng tốt. Ông nói, “Chúng ta không thể để cho việc chữa bệnh tệ hơn là chính căn bệnh” (We cannot let the cure be worse than the problem itself); và muốn các tiểu bang vừa chống dịch vừa giở bỏ các cấm cản để cho tất cả doanh nghiệp trở lại hoạt động, đồng thời, ép các tiểu bang cho mở cửa trường ốc để học sinh tiếp tục đi học vào mùa thu này. Trump cho rằng truyền thông và DC muốn tiếp tục đóng cửa kinh tế và tiếp tục đóng cửa trường học càng lâu càng tốt “với hy vọng rằng sẽ làm tôi thất cử”. Trong lúc đó, DC bảo là Trump muốn mở cửa để làm lợi cho việc tranh cử của mình mà không quan tâm đến sinh mạng người dân và trẻ em Mỹ. Hầu hết các tiểu bang có Thống đốc DC đều chủ trương ưu tiên đối phó với cơn dịch trước; trong lúc đó, những tiểu bang có Thống đốc CH muốn ưu tiên mở cửa trước. Đúng là kẻ đi ngược, người đi xuôi!
Khẩu trang
Đảng tranh còn đi vào những chuyện vặt vãnh: ông Trump đi đánh golf nhiều hơn ông Obama khi làm tổng thống, ông Trump bưng ly nước uống bằng hai tay khi đến đọc diễn văn tốt nghiệp tại trường võ bị West Point; tranh cãi về chữ ký trên tấm chi phiếu “stimulus check”, ông Biden phát biểu vấp váp, ông Biden bị kiện vì “quấy rối tình dục”, tranh cãi về chỉ số thông minh (IQ) giữa hai ứng cử viên tổng thống, vân vân và vân vân.Nhưng ồn ào nhất trong những chuyện vặt vãnh là khẩu trang. Ông Trump nhất định không chịu mang khẩu trang, dù ở bất cứ đâu, trong lúc ông Biden đeo khẩu trang ngay cả khi không cần thiết phải làm như vậy, như lúc đặt vòng hoa tưởng niệm ngày lễ Chiến sĩ trận vong. Đeo hay không đeo bỗng trở thành một cuộc chiến tranh văn hóa. Miếng vải bịt miệng tầm thường ấy bỗng nhiên được lên ngôi, trở thành một công cụ tuyên truyền rất đỗi hài hước: nếu ủng hộ Trump, bạn đừng đeo khẩu trang, nếu bạn chống Trump thì bạn cứ đeo (If you're for Trump, you don't wear a mask. If you're against Trump, you do) [15]. Trong đại hội ở Tulsa, Oklahoma (20/6/2020), hầu hết những tham dự viên đến nghe Trump phát biểu đều không đeo khẩu trang, cũng chẳng cần giãn cách xã hội. Mới đây (11/7/2020), Tổng thống Trump đã chịu mang khẩu trang khi đi thăm thương bệnh binh tại “Walter Reed National Military Medical Center”. Đi xa hơn, vào ngày 20/7/20, qua một cái “tuýt”, ông còn cho rằng đeo khẩu trang là yêu nước (ông viết hoa chữ Patriotic). Tổng thống Hoa Kỳ thật là dẻo chữ, dẻo nghĩa! Cuộc chiến khẩu trang, như thế, là đã chấm dứt chăng? Qué sera sera! Với ông Trump, “vô chiêu thắng hữu chiêu”: chịu.
Xuất phát từ khẩu trang và giãn cách xã hội, cách tổ chức đại hội đảng cũng nhuốm mùi đảng tranh.
DC, để chứng tỏ sự tôn trọng các quy định của Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC), sẽ tổ chức một đại hội đảng “gần như ảo” (nearly all-virtual convention) tại Milwaukee, Wisconsin, trong đó đại đa số các đại biểu sẽ tham dự trực tuyến (online).
CH, để chứng tỏ mọi sự là bình thường, sẽ tổ chức một đại hội đảng rầm rộ, đông đúc ở Jacksonville, Florida. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại tòa Bạch Ốc hôm 23/7/2020, Tổng thống Trump đảo ngược quyết định cũ của mình, loan báo hủy bỏ đại hội đảng tại đây, vì cho là không đúng thời điểm. “Trong xứ sở chúng ta, không có gì quan trọng hơn là giữ an toàn cho nhân dân chúng ta”, theo ông. Thế lại thêm một lần nữa, Trump thay đổi ý kiến. Phải chăng ông đã bắt đầu chấp nhận thực tế. Hay cũng chỉ lại là đòn “vô chiêu thắng hữu chiêu” sở trường bấy lâu nay của ông?
Black Lives Matter
Phong trào Black Lives Matter (BLM), vốn được thành lập từ năm 2012 (sau khi George Zimmerman, một người gốc Tây Ban Nha, bắn chết thiếu niên da đen Trayvon Martin, được tha bổng), diễn ra một cách đột ngột và dữ dội trong khi cả đất nước đang loay hoay đối phó với cơn đại dịch. Vốn chỉ là một phong trào dân quyền bình thường của người da đen, lần này nó bị đẩy đến chỗ cực đoan, chẳng hạn đòi giải tán hẳn hệ thống cảnh sát. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News (8/7/20), YahNé Ndgo, một thành viên lãnh đạo của phong trào BLM ở Philadelphiacho biết, “Chúng tôi không muốn nhìn thấy bất cứ loại cảnh sát nào trong cộng đồng chúng tôi” [16]. Đi xa hơn, một số người còn thành lập “khu tự trị” (Capitol Hill Autonomous Zone) - từa tựa như một loại công xã Sô viết-, ở Seattle và xa hơn nữa, đập phá tượng đài của những danh nhân Hoa Kỳ, kể cả tượng của George Washington, tổng thống đầu tiên của Mỹ, vì cho rằng ông là người sở hữu nô lệ. Phản ứng trước chuyện đó, Tổng thống Trump, trong bài diễn văn đọc trong ngày Lễ Độc Lập tại Mount Rushmore (4/7/2020) [17], mạnh mẽ lên án những hành vi như thế là xóa bỏ lịch sử, xóa bỏ các giá trị Mỹ, nhồi sọ trẻ con. Đó là một thứ “chủ nghĩa phát xít cực tả mới” (a new far-left fascism), một thứ “cách mạng văn hóa tả khuynh” (left-wing cultural revolution) đe dọa phá hủy nền văn minh Hoa Kỳ, theo ông. Và ông thề sẽ chận đứng những hành vi đó, để bảo vệ “lối sống Mỹ đã được hình thành từ năm 1492 khi Columbus khám phá ra châu Mỹ”.
Như đổ thêm dầu vào lửa, phong trào BLM này, vừa làm xao lãng công cuộc chống dịch bệnh, lại vừa tiếp sức thêm cho cuộc đảng tranh đang mỗi ngày một gay gắt. Cái chết của George Floyd và phong trào BLM là tự phát, nhưng sự xuất hiện của nó là một cơ hội bằng vàng để DC, một lần nữa, tranh thủ sự ủng hộ của cử tri da đen. Họ vinh danh cái chết của Floyd bằng một bài diễn văn của ứng cử viên Biden đọc trong tang lễ cùng với các lãnh tụ DC ở Quốc hội quỳ gối tưởng niệm gần 9 phút. Không chịu thua, CH “cột” luôn DC vào những hành vi cực đoan của những người biểu tình, lên án DC đồng lõa với những nhóm cực tả, mặc dầu trong một bản lên tiếng, Biden đã bác bỏ đòi hỏi tái phân phối ngân quỹ dành cho cảnh sát (defund the police) [18]. CH cho rằng ông Biden chỉ biết ngồi làm việc dưới hầm nhà và tuyên bố bất cứ điều gì mà những người tả khuynh muốn ông nói.
Phong trào BLM đã vô hình trung làm sống lại những xu hướng cực đoan trong xã hội Mỹ. Các chiêu bài cũ lại được mang ra sử dụng: DC tố cáo Trump kỳ thị chủng tộc; CH tố cáo Biden đứng về phe “cực đoan” (radical), cực tả (far-left). Chuyện da trắng-da màu, chuyện bất công áp bức vốn đã từng làm rung chuyển xã hội Mỹ nhiều lần trong suốt thể kỷ thứ 20 lại có cơ hội xuất hiện. Nó tăng cường “tính đảng” của cả hai bên, nhất là trong hàng ngũ của những “fan” nhiệt tình, đẩy đến chỗ cực đoan. Khi đã cực đoan thì tinh thần khách quan và tinh thần dân chủ sẽ bị tiêu diệt. Người ta chỉ còn nhìn thấy mình mà không nhìn thấy đối thủ. Nói như Anaïs Nin, “Chúng ta không nhìn sự vật như nhìn chính sự vật mà nhìn chúng y như chúng là chúng ta”. (We don't see things as they are, we see them as we are). Trong cơn kích động, đủ thứ ngôn ngữ chợ búa lên ngôi: mạt sát nhau, sỉ nhục nhau, bôi bẩn nhau. Uống nước chẳng thèm chừa cặn! Nó đầu độc không khí thảo luận ở mọi mức độ, mọi môi trường. Nó nuôi dưỡng cái “thú cực đoan”. Cực đoan này luôn luôn đẻ ra cực đoan khác. Anh quá tả, anh sẽ đẩy đối phương về quá hữu. Và ngược lại. Khi quá tả đụng độ quá hữu, cả hai bên cùng nhau đưa xã hội văn minh trở về với thời kỳ… đồ đá, hơn thế nữa, thời kỳ đồ… tục (tĩu)!
Có lẽ cái cõi người ta ở Mỹ, có quá nhiều “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” nên ông cựu Tổng thống Bush (Con) buộc phải lên tiếng.
“…Nhiều người tỏ ra hoài nghi, với lý do chính đáng, nền công lý của nước chúng ta. Người da đen thấy quyền con người của họ cứ liên tục bị vi phạm mà không thấy các cơ quan chính quyền Mỹ có biện pháp đối phó khẩn cấp và thích đáng. Chúng ta biết rằng một nền công lý bền vững chỉ đạt được bằng những phương tiện ôn hòa. Hôi của không là giải phóng; tàn phá không phải là tiến bộ. Nhưng chúng ta cũng biết rằng sự yên bình dài lâu trong cộng đồng chúng ta đòi hỏi sự công bằng tương xứng thực sự. Chế độ pháp trị rốt cuộc dựa trên nền tảng của sự không thiên vị và hợp pháp của hệ thống luật pháp. Và thực hiện công lý cho mọi người là trách nhiệm của tất cả mọi người” [19].
Phải chi ông Tổng thống Trump cũng nói những điều như thế này, chắc sự thể đã khác!
No way!
III. Trump tranh
Thực tế, tranh chính sách, tranh đường lối thì ít. Mà “tranh Trump” thì nhiều. Binh ai, chống ai, binh gì, chống gì không qua khỏi một hình bóng: Trump!
Vị tổng thống này là đỉnh cao của ý thức hệ bảo thủ. Đỉnh cao nên lúc nào cũng nóng hôi hổi! Bênh hay chống, đụng đến Trump, ai cũng có cảm giác như tay mình cầm hòn lửa. Không khéo “handle” thế nào cũng phỏng tay. Trump trở thành biểu tượng và là biểu tượng hấp dẫn nhất, lý thú nhất mà cũng lại là… thô thiển nhất của chuyện đảng tranh. Đảng tranh, vốn là một sinh hoạt chính trị lành mạnh, bỗng nhiên trở thành tiêu cực vì lắm khi, nó tập trung vào cá tính, cử chỉ, ngôn ngữ, cung cách của Trump, từ chuyện đánh vần sai, viết tên lộn cho đến chuyện bưng ly nước hai tay, bước xuống cầu thang không vững cho đến những phát biểu ngẫu hứng bất thường, đôi khi phi lý của ông. Hoặc tập trung vào chuyện ông Biden ăn nói vấp váp (như đạn đại bác không khớp nòng = loose cannon), ẩn mình dưới hầm không dám đi ra ngoài vận động, “lão lai tài tận”. Lỗi tại ai?
Mà cũng lạ! Chỉ mới bước vào chính trường có năm năm, ông Trump đã nói hay đã làm vô số điều không giống ai. Đối với những chính trị gia khác, chỉ cần “vấp” vài điều ấy thôi, là phải vĩnh viễn rời bỏ chính trường. Thế mà Trump thì không. Dường như ông được “miễn nhiễm”. Chỉ trích, phê bình, chế giễu, khui đủ thứ thâm cung bí sử, thả đủ thứ “bombsell”, kể cả “bombshell” hạng nặng như hồi ký của cựu cố vấn John Bolton hay của cô cháu gái Mary Trump, không sao hết, Trump vẫn cứ là Trump. Không nao núng, không nhường nhịn, không cải chính, không xin lỗi.
Thực tình mà nói, tôi không ngạc nhiên về những người chống đối Trump, nhưng vô cùng ngạc nhiên về những người ủng hộ ông. Tại sao họ vẫn trung thành với ông dù ông trải qua bao nhiêu sóng gió?
Theo Katty Kay Presenter, BBC World News, họ ủng hộ Trump không phải vì những gì Trump chủ trương mà vì ngưỡng mộ những gì ông chống lại [20]. Trump chống cái gì? Trong một bài viết cách đây 5 năm, “Như một phản diện: Donald Trump” [21], khi Trump mới tuyên bố ra tranh cử, tôi đã đề cập đến những cái “chống” này. Xin được nhắc lại và triển khai thêm vài điểm sau đây:
Chống lại giới quyền uy (against the establishment) ở Hoa Kỳ. Giới này bao gồm những thành phần ưu tú đủ loại từ đại gia chính trị đến đại gia kinh doanh và các tổ chức đầy thế lực, tạo thành một thực thể vô hình gọi là siêu quyền lực hiện đang chi phối nhiều mặt sinh hoạt chính trị và xã hội Hoa Kỳ. Theo Trump, chính ảnh hưởng bao trùm của giới quyền lực này đã làm hư hỏng nước Mỹ vì những gì họ làm chủ yếu là để thỏa mãn tham vọng quyền hành và lợi nhuận của họ chứ không phải cho nhân dân Mỹ.
Chống lại thế giới (against the world): Theo Trump, dân Hoa Kỳ hiện nay quá chán ngán vì phải “è cổ” trả tiền để nuôi dưỡng đủ thứ tổ chức, hiệp ước và định chế quốc tế, từ Liên Hiệp Quốc và các con đẻ của nó như UNESCO, WHO cho đến khối NATO, từ đồng minh Nam Hàn, Nhật cho đến Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Paris Climate Agreement), từ di dân hợp pháp cho đến di dân bất hợp pháp. Ông cũng cho rằng, chẳng có nước nào mà di dân, kể cả di dân lậu, được hưởng nhiều quyền lợi như ở Hoa Kỳ. Vì vậy, cả thế giới đã đua nhau gửi di dân sang Mỹ để lấy đi công ăn việc làm của người Mỹ và về lâu về dài, chiếm cứ luôn nước Mỹ, theo ông.
Chống giới trí thức vì Trump cho rằng đa phần trí thức là tả khuynh.
Chống truyền thông.
Chống truyền thông có lẽ là một trong những nét độc đáo của Trump. Không những không nịnh bơ, ve vuốt truyền thông như những chính trị gia khác để có được những bài phóng sự đẹp về mình, Trump còn tấn công truyền thông, “kẻ thù của nhân dân Mỹ”, không ngừng nghỉ. Tại sao ông lại chống truyền thông? Rất đơn giản: ông bắt mạch được từ cảm quan của quần chúng.
Từ lâu, truyền thông không còn đóng vai trò chủ động và được ưu ái như xưa. Một là, do sự ra đời của các mạng xã hội: người ta truyền tin cho nhau mà không cần đến báo chí; hai là, do cạnh tranh, đưa tin không còn là đưa ra những sự kiện (facts) thuần túy, mà đưa ra những phó sản đã được chế biến theo khẩu vị của các đại gia truyền thông. Thành ra, thông tin hoàn toàn bị nhiễu loạn. Người ta bị đánh lừa vì mập mờ giữa “tin tức (news) và “ý kiến” (opinion), nghĩa là giữa tường thuật (reporting) và bình luận (commentary), giữa “thông tín viên” (reporter) và “bình luận viên” (commentator). Rất khôn lanh, thay vì qua trung gian của truyền thông, ông Trump tự thực hiện bộ máy truyền thông riêng, bằng cách trực tiếp đưa tin đến các “fan” của mình. “Tuýt” của ông vừa là tin, vừa là lập trường và vừa là quyết định. Khi cần, ông ào ạt “tuýt”, tạo ra những trận “bão tuýt” (tweetstorms), gây chấn động thương trường và chính trường.
Tóm lại, Trump xuất hiện như một nhân vật chống lại các định chế và thói quen có sẵn. Ông không cần “quân tử nhất ngôn”, cùng chẳng thèm “nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy” kiểu quân tử Tàu. Với ông, có lẽ chữ không mấy quan trọng (words don’t matter ≠ words matter). Cần gì phải đắn đo “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” kiểu Việt Nam mình cho mệt. Vì thế, ông bài bác cách dùng uyển ngữ (political correctness) [22] khi đề cập đến những vấn đề then chốt của nước Mỹ. Theo Trump, trong cái xã hội thích sử dụng lối nói uyển ngữ, sợ mích lòng người này người nọ, giới này giới nọ, không ai dám nói lên sự thật. Trump không ngần ngại lột trần sự thật về những đề tài vốn được các chính trị gia khôn ngoan tìm cách tránh trút. Cung cách đó xuất phát từ một ý niệm mang tính “triết lý” trong kinh doanh của Trump. Trong cuốn sách bán rất chạy bàn về kinh doanh, “The Art of the Deal", xuất bản vào cuối thập niên 1980, ông viết: “Tôi chơi với trí tưởng tượng của con người. Tôi gọi đó là thứ ngoa dụ đáng tin. Đó là một hình thức cường điệu hồn nhiên và là một hình thức thúc đẩy rất hiệu quả”.
Tôn sùng
Con người đặc biệt này dẫn đến một hiệu quả đặc biệt: hiện tượng tôn sùng.
Sự tôn sùng cá nhân ở các nước độc tài thường được thực hiện qua một hệ thống tuyên truyền dối trá: tẩy não. Hiện tượng tôn sùng Trump hoàn toàn ngược lại. Không có một bộ máy tuyên truyền nào đứng đàng sau ông. Ông tự phơi bày chính ông. Ông luôn luôn xuất hiện như một Trump nguyên vẹn, không giống ai, đầy cá tính. Thay vì tốt khoe, xấu che, ông để cho cá tính của mình bộc lộ thoải mái, không cần giấu giếm, che đậy. Nó biến ông thành một người mà đối thủ của ông có thể sử dụng bất cứ hình dung từ nào xấu nhất để mô tả, những là idiot (xuẩn ngốc), arrogant (kiêu ngạo), nut (gàn dở), những là clown (hề), pompous (đại ngôn) vân vân và vân vân. Bất ngờ là, điều đó, thay vì dìm ông xuống, lại đẩy ông lên, hấp dẫn những “fan” của ông.
Trong lúc một số trong giới tinh hoa CH cũng như giới có trình độ đại học ở các đô thị chia tay với Trump, thì đa phần số cử tri nòng cốt vốn đã từng đưa ông vào tòa Bạch Ốc vẫn trung thành. Do đó, khi những nhân vật tai to mặt lớn, cũng cùng phe CH, như các ông Bush, Mattis, Romney, Powell lên tiếng chống Trump, điều này hầu như rất ít ảnh hưởng đến họ. Trump nắm vững sự kiện này nên chiến lược tranh cử của ông là thỏa mãn khối người ủng hộ mình trước (base first strategy). Khối người đó là ai?
Theo nghiên cứu của những nhà chuyên môn, số cử tri đó là những người cư ngụ ở các vùng nông thôn, là giới thợ thuyền ở các tiểu bang công nghiệp hiện bị suy đồi do chủ trương toàn cầu hóa và điện tử hóa; đặc biệt là những người có lập trường bảo thủ cư ngụ ở vùng đất nội địa, xa biển gọi là “heartland”.
“Heartland” là một thuật ngữ chính trị để chỉ những tiểu bang Hoa Kỳ “không tiếp giáp với biển”. Nó cũng còn là một thuật ngữ văn hóa, ám chỉ một số ý tưởng và giá trị về những người lao động chân tay (blue collar): siêng năng, cần cù, mộc mạc, giản dị, đàng hoàng. Khối người này là hình ảnh một nước Mỹ cũ, da trắng, ổn định, có căn có gốc, luôn giữ gìn truyền thống, tin tưởng các giá trị Thiên Chúa giáo; ngược hẳn lại với các vùng đô thị và vùng biển (coastal) là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của di dân, đa chủng, đa văn hóa và nhiều thay đổi. Họ không tin truyền thông vì theo họ, xu hướng chung của truyền thông Mỹ là phiến diện, có xu hướng thiên về vùng biển (coastal) và tự do (liberal), không mấy khi quan tâm đến những nhu cầu của “heartland”. Theo họ, sao cũng được, miễn là phải trả về lại khung cảnh của một nước Mỹ với các giá trị truyền thống của nó, thứ giá trị mà theo họ, đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trước đây. Ông Trump nắm bắt được nguyện vọng cốt tủy của thành phần này. Chỉ cần thỏa mãn nguyện vọng đó là đủ, còn những thứ linh tinh khác thì sao cũng được. Chả thế mà trong một lần vận động tranh cử năm 2016, ông không ngần ngại tuyên bố, “Tôi có thể đứng ngay giữa Đại Lộ Số Năm, bắn [chết] một ai đó mà không bị mất bất cứ cử tri nào” [23].
Xin ghi lại một vài chi tiết lấy từ cuộc phỏng vấn những người ủng hộ Trump của CNN tại Florida vào ngày 9/6/2020 [24]:
Nói chung, những người ủng hộ Trump không phải không biết những khuyết điểm của Trump, nhưng nhìn chúng qua một lăng kính khác. Chẳng hạn với bà Karen Deeter, một người hưu trí: “Tôi cho rằng cá tính của Trump rất khó để bàn, cách xử thế của ông cũng khó. Ông không phải là chính trị gia, nhưng ông đã làm được một số việc”. Bà không thích những cái “tuýt” của Trump và muốn ông đừng “tuýt” nữa. Bà cũng không thích cách sử dụng ngôn ngữ của Trump, muốn ông dịu giọng bớt, nhưng đồng thời lại cho rằng đó đã là cá tính thì không thể thay đổi. Do đó, bà không quan tâm đến cách ăn nói mà quan tâm đến các chính sách của Trump và kết quả của chúng. Được hỏi về chuyện ông Trump cho giải tán biểu tình để đi chụp ảnh ở nhà thờ Saint John’s Church hôm 1/6/2020, một bà nói “Tôi nghĩ là ông muốn bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với Thiên Chúa giáo. Ông dám đi bộ đến đó là rất can đảm”. Bà không trách Trump về tỷ lệ thất nghiệp trong cơn dịch. Một người khác thì mong ông phải suy nghĩ thật kỹ trước khi gửi ra những cái “tuýt” có tính gây gổ. “Ông luôn luôn muốn nói ra những gì có trong đầu và tôi thì tôi đánh giá cao những cái tuýt của ông. Đôi khi tôi nhìn vào ông và nghĩ, OK, cái đó có lẽ ông đã đi quá giới hạn rồi đó, nhưng không sao, ông có ý tốt, ông là người yêu nước”. Được hỏi về những lời phát biểu bất lợi cho Trump của các tướng Powell và Mattis, những người được phỏng vấn đều cho rằng ai cũng có ý kiến của riêng mình. Theo họ, những người chống đối Trump chỉ là số it. Đại đa số những lãnh tụ CH và những người theo CH vẫn đứng sau lưng và tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ những gì ông thực hiện.
Vậy tâm lý hay thần kinh những người ủng hộ Trump khác với những người khác như thế nào? Cái gì trong đầu óc họ khiến cho họ tin tưởng Trump một cách gần như tuyệt đối như vậy? Có người cho rằng người ta ủng hộ Trump là vì họ thiếu thông tin hay bị ảnh hưởng bởi tin giả. Khi ông nói những điều rõ ràng là sai, họ vẫn không cho là sai. Tiến sĩ Bobby Azarian, một nhà nghiên cứu thần kinh về nhận thức (cognitive neuroscientist), có một cái nhìn khác. Trong cuốn biên khảo “The Psychology Behind Donald Trump's Unwavering Support” [25], ông giải thích hiện tượng tôn sùng Tổng thống Trump qua một số tính cách sau:
Hiệu ứng The Dunning-Kruger (The Dunning-Kruger effect) (thiên kiến nhận thức). Các nghiên cứu cho thấy những người thiếu kiến thức trong một số lãnh vực nào đó thường có một thiên kiến nhận thức (cognitive bias) khiến cho họ không nhận ra là họ sai lầm. Hơn thế nữa, họ còn tự cho rằng họ luôn luôn đúng. Những người tôn sùng Trump không phải vì họ thiếu thông tin mà vì không nhận biết là họ nhận thông tin sai.
Tâm lý sợ hãi quá đáng (Hypersensitivity to Threat). Người có xu hướng bảo thủ thường có những phản ứng sinh lý mạnh mẽ hơn khi nghe tiếng ồn hay nhìn thấy những hình ảnh sinh động hơn là người có đầu óc tự do. Các khảo sát về hình ảnh não bộ (brain-imaging study) cho thấy não bộ của những người bảo thủ thường phản ứng tự động, không chịu ảnh hưởng của lý trí hay luận lý. Chừng nào mà ông Trump còn kích hoạt nỗi sợ hãi Hồi giáo, sợ hãi di dân thì óc não của họ tự động sáng lên y như thể được kiểm soát bởi một cái nút bấm.
Gây sự chú ý cao (High Attentional Engagement). Theo một khảo cứu về não bộ những người tham dự tranh cãi của các ứng viên tổng thống, người ta nhận thấy ông Trump có điểm độc đáo: khả năng giữ cho não bộ khán giả thường xuyên hoạt động. Trong lúc bà Hillary chỉ có thể giữ sự chú ý của khán giả một khoảng thời gian ngắn, thì Trump lại giữ mức độ chú ý và cảm xúc cao, xuyên qua suốt cả thời gian tranh cãi. Cách nói (cố ý) khoe khoang và những thông điệp đơn giản mà ông đưa ra đánh động mạnh vào xúc cảm của người nghe, để lại nhiều âm vang về sau.
Chứng nghiện giải trí và truyền hình thực tế (Reality TV). Truyền hình thực tế là chương trình người thực việc thực, không cần đạo diễn, không cần diễn viên. Xem truyền hình thực tế, khán giả không thể suy đoán câu chuyện. Trong các cuộc vận động tranh cử, thông thường các chính trị gia chỉ đọc những bài đã soạn sẵn, khán giả hầu như có thể đoán biết sẽ được nghe những gì. Trump khác hẳn. Là một người dày kinh nghiệm về truyền hình thực tế, mỗi lần xuất hiện, ông ứng khẩu, dựa vào thực tế, lúc nào cũng có điều bất ngờ, mới mẻ để nói. Trong buổi nói chuyện tại Tulsa (20/6/2020), ông dành cả hơn chục phút để giải thích tại sao ông phải bưng ly nước hai tay để uống hôm đọc diễn văn ở trường West Point: bận đưa tay lên chào các tân sĩ quan đến… 600 lần; vừa nói ông vừa làm điệu bộ, cử chỉ minh họa. Và khán giả vỗ tay rầm trời. Nói chung, khi nghe ông nói, khán giả thường ít khi suy đoán được những gì ông sắp nói hay sắp làm. Nên hứng thú, hồi hộp, chờ đợi. Đang họp báo, ông đột ngột chấm dứt, quay lưng bỏ đi, không thèm trả lời câu hỏi của thông tín viên, khiến mọi người chưng hửng; đang ở trong tòa Bạch Ốc theo dõi cuộc biểu tình ở bên ngoài, ông đùng đùng ra lệnh giải tán biểu tình để đi bộ tới nhà thờ, cầm cuốn Thánh Kinh chụp hình rồi đi về, khiến ngay cả đoàn tùy tùng đi theo ông cũng ngẩn ngơ. Bất ngờ như trong một phim kinh dị!
Tóm lại, hễ xuất hiện, Trump bao giờ cũng tìm cách “make news”: làm cho sự kiện trở thành tin nổi bật. Hoặc khoe khoang thành tích của mình, hoặc rủa sả truyền thông hoặc đưa ra những giả thuyết khác thường: thuốc ngừa sốt rét chống được con siêu vi, tiêm chích thuốc sát trùng vào cơ thể để chữa bệnh, vân vân và vân vân. Chẳng lạ gì, như được “kích hoạt”, các hành vi hay phát biểu của ông bao giờ cũng được truyền thông đưa lên tin hàng đầu, không những thế, được nhắc đi nhăc lại vô số lần. Có vẻ như họ bị lọt vào bẫy! Theo nhận xét của một thành viên trong cuộc thảo luận về bầu cử ở trang “FiveThirtyEight” [26], Trump có năng khiếu tạo ra tranh cãi, (nguyên văn: controversy/tranh cãi, chaos/hỗn loạn, division/chia rẽ). Khả năng đó làm cho ông trông mạnh, vững, ra vẻ lãnh tụ (leader-ish). Đã thế, Trump còn tìm cách thay đổi trò chơi nhiều lần để kích thích trạng thái tâm lý của những người ủng hộ, thúc đẩy họ tiếp tục duy trì quan điểm cực đoan của mình và ủng hộ ông. Dưới mắt họ, Trump không bao giờ sai. Cố Thượng nghị sĩ McCain nhận xét: nghệ thuật của Trump là nghệ thuật thổi bùng sự cuồng nhiệt (crazies) [27].
Tắt lại, sự tôn sùng thường tập trung vào cá nhân. Tôn sùng một người là tôn sùng chính bản thân người đó trước. Người được tôn sùng, Trump, trở thành mẫu mực. Trump chống bác sĩ Anthony Fauci là người ta chống Anthony Fauci; Trump chống Bill Gates là người ta chống Bill Gates, Trump chống Tedros Adhanom (tổng giám đốc WHO) là người ta chống Tedros, Trump ủng hộ thuốc sốt rét là người ủng hộ thuốc sốt rét, Trump nói đừng đeo mặt nạ là người ta không đeo mặt nạ… Mặt khác, ai đụng đến Trump là bị “đánh” te tua, không thương tiếc, dù đó là các khuôn mặt cao cấp vốn từng được kính trọng như các Thượng nghị sĩ McCain, Romney hay cựu Tổng thống Bush (Con), cựu cố vấn John Bolton, hay tướng Mattis, vân vân và vân vân.
Ham vui với sự cổ võ nhiệt tình của những người ủng hộ hay tôn sùng, có lẽ đôi khi ông quên rằng ông là TỔNG THỐNG CỦA HOA KỲ chứ không chỉ là tổng thống của những “fan” hay “base” của ông. Lẽ ra, một khi đã là tổng thống, ông phải là tổng thống của cả những người “ÔNG KHÔNG ƯA”, chẳng hạn những Low Energy Jeb (Jeb Bush yếu đuối), Lyin’Ted (Cruz dối trá), Crooked Hillary (Hillary lươn lẹo), Cheatin' Obama (Obama lừa đảo), Little Marco (Marco bé bỏng), Wacko John Bolton (Bolton dở hơi), Nervous Nancy (Nancy hoảng hốt)… lẫn những người “KHÔNG ƯA ÔNG”, kể cả những Do-Nothing Democrats (đám Dân Chủ Không-Làm-Nên-Trò-Trống-Gì-Cả) hay phong trào BLM, vốn chiếm khoảng một nửa số cử tri Hoa Kỳ [28].
Nhưng nghĩ cho cùng: người tôn sùng thì làm cho ông vui đã rồi, nhưng những người chống ông, tuy làm ông bực, nhưng lại là những tấm gương soi quý giá để ông nhìn lại chính ông và những việc ông làm.
Chẳng lợi lắm ru!
Trump vs Not-Trump
Rốt cuộc, nói một cách nghịch lý, theo nhận định của nhiều chuyên gia, cuộc tranh cử tổng thống năm nay là cuộc chạy đua giữa Trump và chính ông! Một hình thức trưng cầu dân ý về Trump. Vì sao?
Đối thủ của ông, nguyên Phó Tổng thống Joe Biden, không phải là một ứng cử viên sáng giá của DC. Trong lúc Trump ăn nói lưu loát, hùng biện trước đám đông thì Biden khá yếu về mặt này. Biden ăn nói không trôi chảy, lại hay vấp váp, nhất là khi phải trả lời những câu hỏi bất ngờ từ báo chí. Điều này đã được chứng minh qua những lần tranh cãi giữa Biden và các ứng cử viên DC khác. Nắm vững điểm yếu này, hễ có dịp là Trump mang Biden ra bêu riếu. Trump đặt cho Biden biệt danh là “Sleepy Joe” (Biden ngái ngủ). Bóng bẩy hơn, Trump gọi Biden “là một con búp bê bơ vơ của đám cực tả” (Biden is a helpless puppet of radical left). Mới đây, ông còn tố cáo Biden là “giấu giếm những dấu hiệu suy đồi về nhận thức” (cognitive decline) và thách thức ông Biden đi thử nghiệm về chứng mất trí nhớ (dementia test) [29].
Có điều, trong lúc không có gì đáng nói về Biden, thì những vấp váp và lẫm lỗi của Trump đâm ra có lợi cho Biden. Khi không khí đảng tranh càng ngày càng tiêu cực, cơn dịch vẫn còn trong vũng lầy và phong trào BLM chưa có dấu hiệu lắng xuống, nếu ông Trump-tổng-thống càng vấp lỗi lầm thì điểm của Biden-ứng-cử-viên càng lên cao. Lẽ thường: ít nói, ít vấp; nói nhiều, vấp nhiều. Ông Trump nói nhiều, sao khỏi vấp. Đó là lý do khiến trong tháng Sáu, Biden cao điểm hơn hẳn Trump trong hầu hết các cuộc thăm dò, kể cả thăm dò của hệ thống Fox thân-Trump. Sáu mươi phần trăm (60%) những người được thăm dò cho biết họ ủng hộ Biden là vì họ chống Trump, theo CNN trong cuộc thăm dò dư luận vào đầu tháng 6/2020. Cũng thế, đầu tháng Bảy, thăm dò dư luận của USA Today (2/7/20) [30] cho thấy chống-Trump là yếu tố then chốt khiến người ta ủng hộ Biden.
Bởi thế, thay vì là cuộc đối đầu Trump vs Biden, các chuyên gia bầu cử hình dung cuộc bầu cử tổng thống năm nay một cách khác: cuộc đối đầu Trump vs Not Trump. Trump và/hay Không Trump! Cụ thể ra: hoặc Trump hoặc bất cứ ai. Đúng là xem thường ông Biden. Phải chăng bóng dáng Trump quá lớn, lớn đến nỗi choán hết không gian bầu cử?
Chờ xem: dzậy mà đôi khi không phải dzậy! Sau quá nhiều sóng gió do cung cách làm việc và những phát ngôn đầy cá tính của Trump, bầu cho Biden, đối với một số người, là bầu cho sự trở về nguyên trạng (status quo), bầu cho sự ổn định. Chính đây cũng lại là xu hướng của một số nhân vật CH cao cấp, trước đây đã từng là quan chức dưới thời Tổng thống Bush (Con). Kristopher Purcell, một trong số đó, phát biểu, “Chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với nghị trình của DC, nhưng lần này là cuộc “bầu cử một-chủ-điểm” (one-issue election): “Bạn ủng hộ Trump hay ủng hộ nước nước Mỹ” (Are you for Donald Trump, or are you for America) [31]. Chỉ là một cách nói. Tóm lại:
Trump hay Không-Trump.
Chẵn hay lẻ.
Thế thôi!
IV. Kết
Từ ngày có quốc tịch, tôi đã từng năm lần đi bầu tổng thống với tính cách cử tri độc lập, nhiều lần đi bầu thượng viện, Hạ viện, liên bang cũng như của tiểu bang, và các cuộc bầu cử địa phương linh tinh khác. Thỉnh thoảng có đi bầu sơ bộ (primary). Khi thì tôi bầu cho CH khi thì cho DC. Có khi bầu cho Tổng thống DC nhưng lại bầu cho Thượng nghị sĩ hay dân biểu CH, có khi thì ngược lại. Cũng có vài lần tình nguyện đi xem phòng phiếu (poll worker). Khác với không khí tranh cử ồn ào, náo nhiệt và gay gắt khi tranh cử, ngày bầu cử lúc nào cũng diễn ra êm thắm, trật tự. Bầu xong, ai về nhà nấy đợi xem kết quả.
Trong tất cả các lần đi bầu, tôi thích thú theo dõi cách người Mỹ giải quyết cuộc bầu cử tổng thống khá gay cấn năm 2000. Kết quả phiếu cử tri đoàn của 47 tiểu bang cho thấy hai ứng cử viên George Bush (CH) và Al Gore (DC) ngang ngửa nhau: Gore 250, Bush 246. Còn lại 3 tiểu bang chưa có kết quả. Vì hai tiểu bang kia, con số cử tri đoàn quá nhỏ, nên tiểu bang Florida với 25 phiếu cử tri đoàn đóng vai trò quyết định, ai thắng Florida, sẽ đắc cử tổng thống [32]. Sau khi đếm phiếu, Bush thắng. Nhưng chênh lệch phiếu giữa hai ứng cử viên quá nhỏ (Bush hơn Gore 1784 phiếu) nên theo luật, phải tiến hành thủ tục đếm phiếu lại (recount). Đếm xong, ông Bush vẫn dẫn trước nhưng số chênh lệch còn ít hơn nhiều, nên DC đòi đếm lại phiếu bằng tay (manual recount). Hai bên tranh cãi nhau kịch liệt, cuối cùng phải nhờ đến Tối cao Pháp viện (TCPV) phân xử. TCPV bang Florida bênh DC, ra lệnh cho đếm phiếu lại bằng tay. CH không chịu, kiện lên TCPV liên bang. TCPV liên bang bênh CH, không chấp nhận đếm phiếu bằng tay, rốt cuộc, ông Bush (Con) thắng cử với cách biệt 547 phiếu bầu trong sự cay đắng của Đảng DC. Trước sự giận dữ của toàn Đảng DC và người ủng hộ, Phó Tổng thống Al Gore thẳng thắn tuyên bố, “Bây giờ TCPV đã lên tiếng. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong khi hoàn toàn không đồng ý với quyết định của tòa, tôi chấp nhận nó” [33].
Đẹp!
Năm nay, vừa tự nhốt ở nhà để tránh dịch, lại vừa nhìn hai đảng đem nhau ra bêu riếu trước bàn dân thiên hạ năm châu bốn biển để tranh phiếu, nhìn những người trong phong trào BLM rùng rùng đi biểu tình trong lúc có cơn dịch bệnh, tôi thật chán nản pha lẫn đôi chút ngượng ngùng. “Miếng đỉnh chung” làm cho một nước văn minh như Mỹ mà chia rẽ, đấu đá nhau, dày vò nhau, rủa sả nhau, bần tiện và thô lỗ đến như vậy sao? Ai đúng ai sai?
Tôi tự trả lời tôi: Trong một xã hội vô cùng mở như Hoa Kỳ, không có cái gì là duy nhất Đúng và cũng chẳng có cái gì là duy nhất Sai. Trong mỗi Đúng có cái Sai và trong mỗi Sai có cái Đúng; hôm nay Đúng ngày mai Sai; chỗ này Đúng chỗ kia Sai. Đúng trong sai, sai trong đúng, chính là dân chủ vậy. Tôi vẫn thích phát biểu này của nhà văn Voltaire, Pháp: “Tôi không đồng ý với những điều bạn nói nhưng tôi sẽ tranh đấu đến cùng quyền của bạn được nói lên điều ấy” (Je ne suis pas d’accord avec ce que vous dites, mais je me battrai jusqu’à la mort pour que vous ayez le droit de le dire). Dân chủ là tạo cơ hội để đối thủ mình nói chứ không tìm cách bịt miệng đối thủ. Khác với cái ổn định buồn nản, trơ tráo của những nước độc tài, ổn định ở Mỹ là một ổn định… sinh động. Báo chí, truyền hình và các trang mạng Mỹ tràn đầy những tranh cãi không dứt. Tranh cãi mà không bôi bẩn. Hãy theo dõi Fox và CNN chẳng hạn: liên miên phê phán, chỉ trích lẫn nhau, nhưng không miệt thị nhau.
Ông Donald Trump được bầu làm tổng thống có thể là vì người Mỹ cần điều chỉnh những gì không đúng trước đó. Nếu ông được bầu lại thì có lẽ nước Mỹ vẫn còn cần ông để tiếp tục công cuộc điều chỉnh. Nhưng nếu ông không còn được tín nhiệm nữa, thì có lẽ nước Mỹ không chấp nhận cái cách điều chỉnh của ông, hoặc điều chỉnh như thế là … quá đủ.
“It’s time for me to go” (Đây là lúc tôi phải ra đi). Đó là câu kết thúc trong lời tuyên bố chấp nhận thất cử của ứng cử viên Al Gore 20 năm trước đây. Sau đó, ông cựu Phó Tổng thống này lặng lẽ biến mất khỏi chính trường.
Cái hơn người của Mỹ là ở chỗ đó: định chế.
Nước Mỹ không cần “minh quân”, cũng chẳng cần “vị cứu tinh” nào cả.
Cứu tinh của Mỹ chính là nền dân chủ.
7/2020
T.H.T.
________(Ghi chú: tác giả viết bài này dựa trên khoảng 6, 7 chục bài báo và bản tin Anh ngữ có sẵn trên Internet. Chỉ những chi tiết nào thật đặc biệt cần ghi lại để kiểm tra, tác giả mới chỉ rõ nguồn ở các chú thích cuối bài viết. Vì thế, để tránh rườm rà, tác giả không liệt kê phần tài liệu tham khảo. Mong quý độc giả thông cảm.)
________
Chú thích:
[1] Nhà văn Pháp-Mỹ gốc Cuba (1903-1977)
[2] Phát biểu tại Sioux City, Iowa, 23/1/2016. Xem video:
https://www.realclearpolitics.com/video/2016/01/23/trump_i_could_stand_in_the_middle_of_fifth_avenue_and_shoot_somebody_and_i_wouldnt_lose_any_voters.html
[3] Hai nhóm chữ Cộng Hòa và Dân Chủ sẽ được nhắc lui nhắc tới nhiều lần trong bài viết, nên trong suốt bài, tôi sử dụng chữ viết tắc: CH = Cộng Hòa (hay đảng Cộng Hòa); và DC = Dân Chủ (hay đảng Dân Chủ).
[4] Nguyên văn: This is not about electing a personality, this isn’t Hollywood, this is the rough, tumble world of politics.
[6] If Biden, Pelosi and Schumer are in charge in 2021 get ready for this nightmare
[7] Our choice in November will not be between President Trump and President Perfection. It will be between President Trump and a nightmare that would end America as we have known it.
[8] Được Hạ viện do DC kiểm soát thông qua với số phiếu 407-1, Thượng Viện thông qua với số phiếu 100% và tổng thống Trump ký hôm 17/6/20 biến nó thành đạo luật,
[10] Thực ra, Mỹ còn có nhiều đảng chính trị khác như Constitution, Green, Libertarian… nhưng ảnh hưởng không đáng kể, nên vẫn được xem là lưỡng đảng (two-party system).
[11] Xem: “Metaphor, Morality, and Politics, Or, Why Conservatives Have Left Liberals In the Dust” (1995) và “Understanding Trump” (2016).
[13] We Are Living in a Failed State, George Packer
[14] Today, CNN does not broadcast the news; it broadcasts what it wants you to think the news is. At long last, it has become Fox.” (Charles Cooke). Xem:
[15] Theo câu phát biểu có tính cách than phiền của thượng nghị sĩ Cộng Hoà Lamar Alexander về chuyện khẩu trang.
[16] Black Lives Matter Philadelphia leader proposes five-year plan to abolish police
[17] Trump’s remarks at Mount Rushmore 7/4/2020
[18] Biden rejects calls to defund police (CBS interview 6/8/20)
[19] Xem:
[20] Why Trump's supporters will never abandon him
[21] THT, Như một phản diện: Donald Trump,
[22] Hoặc tạm dịch một cách khác là “phải đạo” (political correctness/politically correct)
[23] Nguyên văn: The polls, they say I have the most loyal people (…) Where I could stand in the middle of Fifth Avenue and shoot somebody and I wouldn’t lose any voters, okay?" (2016)
[24] A world away from Washington, loyal supporters stand by the President in Trump country
[25] The Psychology Behind Donald Trump's Unwavering Support
[26] Is Public Opinion Turning Against President Trump? (Discussion) FiveThirtyEight 10/6/20, Lee.Drutman
[27] What he did was he fired up the crazies (McCain)
[28] Những nhóm chữ in nghiêng là những biệt danh (nicknames) mà Trump đặt cho những người “ông không thích” và những người “không thích ông”.
[30] USA Today
[31] 'We've got to do something': Republican rebels come together to take on Trump, Daniel Straussin Washington. (The Guardian, 7/5/20)
[32] Để đắc cử tổng thống, một ứng cử viên cần 270 phiếu cử tri đoàn trở lên. Nếu Gore thắng Florida, sẽ được: 250 + 25 = 275 (>270); nếu Bush thắng Florida, sẽ được: 246 + 25 = 271 (>270)..
[33] Now the US supreme court has spoken. Let there be no doubt, while I strongly disagree with the court's decision, I accept it.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.