Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Của tao, do tao và vì tao

 

Của tao, do tao và vì tao

Đặng Đình Mạnh

31-12-2020

Ý niệm “Chính quyền của dân, do dân và vì dân” lần đầu tiên được đề cập bởi tổng thống Hoa Kỳ, ông Abraham Lincoln. Tuy nhiên, đừng hiểu nhầm rằng ông là cha đẻ của ý niệm đó, vì lẽ, ông ấy chỉ là người đúc kết ý niệm đó qua thực tiễn lịch sử lập quốc Hoa Kỳ mà thôi.

Câu nguyên văn của ông: “That government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth”, vốn là một phần trong bài diễn văn của ông được đọc nhân buổi lễ khánh thành Nghĩa trang Quốc gia Gettysburg để tôn vinh những người binh sĩ đã hy sinh mạng sống của họ để “chính phủ của nhân dân, bởi nhân dân, vì nhân dân, sẽ không bị diệt vong khỏi trái đất“.

Từ trước ông cho đến vị tổng thống kế nhiệm ông Trump, Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên cách tấn phong một vị tổng thống theo cách bảo đảm ý niệm “Chính quyền của dân, do dân và vì dân” có từ hơn 2 thế kỷ trước, vào ngày Hoa Kỳ lập quốc.

Sự kiện liên quan gần đây nhất, ngày 25/04/2019, 19 tháng trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, ông Biden công bố cho công chúng ý định tranh cử chức vụ tổng thống Hoa Kỳ. Tháng 04/2019, 07 tháng trước ngày bầu cử, ông được chính thức cử làm ứng cứ viên của đảng Dân Chủ đứng ra tranh cử chức vụ tổng thống. Sau cuộc đầu phiếu phổ thông của cử tri vào tháng 11/2020, thì tháng 12/2020, các đại cử tri chính thức bỏ phiếu bầu ông Biden làm tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

Như ông Trump trong những ngày trước khi trở thành tổng thống, thì ông Biden, trong suốt 19 tháng kể từ ngày công bố ý định tranh cử của mình, ông đã trở thành tâm điểm “săm soi” của công chúng, của báo giới và đặc biệt, của đảng Cộng Hòa đối lập. Từng sự kiện trong cuộc đời của ông, từng đồng đô-la trong khối tài sản của ông, từng phát biểu của ông trước công chúng, báo giới, từng quan điểm của ông thể hiện qua vai trò lập pháp với tư cách thượng nghĩ sĩ … và không chỉ thế, từng hành vi trong quá khứ, hiện tại của các thành viên gia đình, của con trai ông … tất tần tật, “không có vùng cấm” đều được “xét nét”, đánh giá, cân nhắc từng điểm một, theo cách cặn kẽ, công khai, thậm chí ác ý nhất…

Với một quy trình minh bạch, công khai, có thể kiểm tra, giám sát như thế, công dân Mỹ biết rất rõ mọi thứ cần biết về vị tổng thống của mình, kể cả mọi ngóc ngách về đời tư của ông ấy. Vì ở đấy, luật pháp được thiết lập để bảo đảm người nắm quyền lực quốc gia phải là “của dân, do dân và vì dân”.

Rời bỏ thời kỳ sống hái lượm, ăn lông, ở lỗ cho đến khi tiến hóa, biết đặt sự minh bạch, công khai làm nền tảng để thiết lập nên chính quyền “của dân, do dân và vì dân”, thì xã hội loài người mất khoảng vài nghìn năm. Nhưng để thay đổi, từ bỏ sự minh bạch, công khai bằng khuất tất, che đậy để thiết lập nên chính quyền “của tao, do tao và vì tao”, thì tộc King chỉ mất vài phút đánh văn bản và một giây cộp con dấu “Tịt mật”.

Theo đó, lúc này, tộc King đã lột sạch mặt nạ của các thiết chế dân cử có chức năng giám sát để trả về đúng với bộ mặt phường tuồng thật của mình.

Phủ định dân chủ, hoặc họ quá tự tin, hoặc họ đang sợ hãi tột bậc. Ở khả năng nào đi nữa, thì nhất thời, kết cục của tộc King cũng như cái đồ chị Dậu. Nhầm! tiền đồ chị Dậu…

Bee Nguyễn, gương mặt sáng của chính trị gia Mỹ gốc Việt

 

Bee Nguyễn, gương mặt sáng của chính trị gia Mỹ gốc Việt

Joaquin Nguyễn Hòa

31-12-2020

Với số lượng gần hai triệu người, lịch sử 45 năm hình thành cộng đồng người Việt ở Mỹ được cho là thiếu tiếng nói trong chính trường nước Mỹ, khi có quá ít chính trị gia gốc Việt Nam tham gia dòng chính. Nhân vật đầu tiên có mặt trong quốc hội liên bang là ông Cao Quang Ánh (Josseph Cao) vào năm 2009. Nhưng nhiệm kỳ dân biểu hạ viện của ông Ánh chỉ có hai năm, kết thúc chóng vánh.

Tình hình đang thay đổi nhanh với sự trưởng thành của một lớp người Việt, hoặc lớn lên, hoặc sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Trong thế hệ mới này, một gương mặt rất sáng là cô Bee Nguyễn, dân biểu tiểu bang Georgia.

Bee Nguyễn là ai?

Cô Bee Nguyễn, năm nay 39 tuổi, có cha mẹ là người tị nạn Việt Nam. Cô Bee sinh ra ở Ames, bang Iowa, lớn lên ở Augusta, Georgia. Cha mẹ cô Bee nằm trong mẫu số chung của nhiều người tị nạn cộng sản Việt Nam, bị chấn thương tinh thần rất lớn do chiến tranh, cộng sản đàn áp, vượt biển…

Chiến tranh và loạn lạc trên quê hương Việt Nam làm cho cha mẹ của Bee không có lòng tin vào nhà cầm quyền. Cha của Bee bị bỏ tù ba năm trong chiến tranh. Sang đến Mỹ ông muốn sống một cuộc đời ẩn dật, xa rời tất cả những diễn biến chính trị.

Chính cuộc sống gia đình ấy lại kích thích Bee dấn thân vào chính trường. Khi mới ngoài 20 tuổi, Bee thành lập một tổ chức thiện nguyện ở thành phố Atlanta, Georgia có tên là Athena’s Warehouse. Tổ chức của cô quyên góp và phân phát quần cho các học sinh gia đình nghèo.

Cô nói với báo chí rằng, tình trạng tinh thần của gia đình làm cho cô hiểu là việc giành lấy quyền trong xã hội quan trọng như thế nào. Khi thành lập tổ chức Athena’s Warehouse, cô muốn mình có một nơi để giúp đỡ cho những người thấp cổ bé miệng.

Từ hành động chính trị đầu tiên này, Bee thấy rằng có một khoảng cách đáng kể giữa các luật mà những nhà chính trị nêu ra và thực thi, với những gì mà người dân thật sự cần thiết. Cô tham gia vào tổ chức Fair Fight Action của chính trị gia nổi tiếng người da đen, dân biểu Stacey Adrams, cựu lãnh đạo khối thiểu số ở Hạ viện, để đấu tranh cho quyền đi bầu của người thiểu số.

Năm 2017, khi bà Stacey Abrams rời ghế dân biểu tiểu bang Georgia để ra tranh chức thống đốc, Bee Nguyễn ra tranh cử vào vị trí này. Đây là cuộc tranh cử đa dạng nhất từ trước đến lúc bấy giờ ở Georgia. Có tới bốn ứng cử viên, một người đàn ông da trắng, một phụ nữ da đen, một người đàn ông Ấn Độ, và Bee là người Việt Nam. Bee Nguyễn chiến thắng, trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử dân biểu ở tiểu bang này.

Ngày 3/11/2020, trong kỳ bầu cử toàn quốc, Bee Nguyễn chiến thắng vang dội, tái cử chức vụ dân biểu tiểu bang, trong tư cách thành viên đảng Dân chủ.

Trong thời gian ba năm đảm đương trọng trách dân biểu nhiệm kỳ vừa qua, Bee Nguyễn cùng liên minh New South, gồm nhiều cử tri gốc Latin, da đen và Á châu, đã vận động rất tích cực, thúc đẩy người da màu đi bầu vào ngày 3/11/2020. Việc này đã góp phần tạo nên chiến thắng sát sao của liên danh Biden-Harris ở bang Georgia, giúp liên danh của đảng Dân chủ giành được 16 phiếu cử tri đoàn ở bang này.

Sau khi tái cử, cái tên Bee Nguyễn lại nổi lên trong vụ kiện tụng vô bằng cớ của đương kim tổng thống Trump, nhằm lật ngược chiến thắng của ông Biden ở Georgia. Người của ông Trump lập một danh sách những cử tri mà họ nói rằng đã gian lận trong cuộc bầu cử vì họ là những người cư trú bên ngoài tiểu bang.

Cô Bee đã gọi điện thoại, gặp gỡ những cử tri này, chứng minh rằng họ cư trú trong tiểu bang Georgia và đã đi bầu một cách hoàn toàn hợp pháp. Chứng cớ của cô đã giúp tòa án có bằng chứng bác bỏ vụ kiện của ông Trump.

Video của cô Bee Nguyễn đối chất với người của ông Trump được chia sẻ rộng rãi, cũng như được các kênh truyền thông dòng chính của Mỹ đăng tải:

Cô Bee Nguyễn nói với báo chí rằng, một việc làm quan trọng của cô trong nhiệm kỳ tới là thúc đẩy dân chúng đi bầu, nhất là những người thiểu số, là đối tượng mà phe Cộng hòa từ lâu nay muốn loại bỏ lá phiếu của họ. Họ có nhiều thủ đoạn để gây khó khăn cho người da màu đi bầu, như hạn chế thời gian bầu cử (người da màu thường làm những công việc khó có thể xin phép nghỉ để đi bầu), hạn chế số lượng các thùng phiếu, hạn chế việc bầu vắng mặt… Bee và các đồng sự đang làm việc tích cực để chống lại những thủ đoạn đó.

Dự báo là họ sẽ thành công lớn trong cuộc bầu cử hai ghế thượng nghị sĩ liên bang của Georgia vào ngày 5/1/2021 tới đây, với số người thiểu số đi bầu sớm rất đông.

Là một thành viên của đảng Dân chủ, Bee Nguyễn đang góp phần rất lớn cho đảng này thắng lợi ở tiểu bang Georgia, vốn có truyền thống Cộng hòa. Chiến lược của Bee là thúc đẩy những người chưa đi bầu, trợ giúp những người gặp khó khăn khi đi bầu, thay vì cố công tuyên truyền nhắm vào các cử tri Cộng hòa.

Giữa tháng 12/2020, Bee Nguyễn công bố một danh sách các cử tri trong khu vực của cô đã làm sai quy tắc, khiến cho các lá phiếu của họ bị loại bỏ trong kỳ bầu cử 3/11/2020. Bee thúc giục những người hâm mộ cô trên Twitter hãy gặp gỡ những cử tri này, chỉ cho họ thấy là họ đã làm sai như thế nào, để lá phiếu của họ có giá trị vào những kỳ bầu cử sắp tới, nhất là kỳ bầu cử ngày 5/1/2021. Nếu Đảng Dân chủ thắng cuộc bầu cử này, họ sẽ kiểm soát Thượng viện liên bang.

Với tuổi trẻ và năng lực dồi dào, Bee Nguyễn được dự báo là một gương mặt mới đang lên của Đảng Dân chủ trong chính trường, và cũng là gương mặt mới của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Tham khảo: How Georgia’s 1st Vietnamese American state rep is continuing Stacey Abrams’ fight

Đề nghị khởi tố điều tra tội làm lộ bí mật nhà nước

 

Đề nghị khởi tố điều tra tội làm lộ bí mật nhà nước

Chu Mộng Long

31-12-2020

Cựu đại tá, nhà báo công an Nguyễn Như Phong sau một tháng đe doạ đã lên tiếng khước từ công khai danh tính 55 nhân vật “uy tín” mua bằng đại học Đông Đô. Lý do mà Nguyễn Như Phong đưa ra là để đảm bảo bí mật điều tra. Có nghĩa là danh sách 55 nhân vật “uy tín” đó thuộc diện mật.

Đến đây thì tôi phải đặt câu hỏi: Nguyễn Như Phong đã có trong tay danh sách 55 nhân vật “uy tín” đang bị điều tra thì có còn là “mật”? Và ai đã làm lộ mật?

Ảnh: FB Nguyễn Như Phong

Theo Điều 117 Luật Tố tụng hình sự năm 2005: không được tiết lộ bí mật điều tra:

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải yêu cầu người tham gia tố tụng không được tiết lộ bí mật điều tra. Yêu cầu này được ghi vào biên bản.

Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.” (hết trích)

Được biết Nguyễn Như Phong chỉ là đại tá công an đã về hưu, lại là nhà báo bị treo bút, tức không thuộc cơ quan điều tra. Vậy thì từ nguồn nào mà anh ta có được danh sách 55 nhân vật “uy tín” mua bằng đại học Đông Đô, nếu không phải từ nguồn cơ quan điều tra và kiểm sát điều tra cung cấp?

Nếu không ai trong cơ quan điều tra và kiểm sát điều tra cung cấp cho Nguyễn Như Phong thì lẽ nào anh ta đã đánh cắp tài liệu bí mật của nhà nước khi chính anh ta thừa nhận nó thuộc diện mật?

Còn nếu lời tuyên bố của anh ta chỉ là đòn gió để đe doạ 55 nhân vật “uy tín” kia thì anh ta đe doạ với động cơ gì? Anh ta muốn làm sạch nhân sự nhà nước hay chỉ để tống tiền?

Ảnh: FB Nguyễn Như Phong

Vì sự tôn nghiêm của pháp luật, tôi đề nghị Bộ Công an khởi tố điều tra vụ án theo Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước để làm rõ:

1) Nguyễn Như Phong có trong tay hay không có danh sách 55 nhân vật “uy tín” mua bằng đại học Đông Đô?

2) Nếu có thì ai trong cơ quan điều tra, kiểm sát đã cung cấp cho Nguyễn Như Phong danh sách 55 nhân vật “uy tín” mua bằng đại học Đông Đô?

3) Nếu không có mà chỉ dùng đòn gió để đe doạ thì trong thời gian một tháng qua, Nguyễn Như Phong đã quan hệ như thế nào với 55 nhân vật mà anh ta đã đe doạ?

Công khai, minh bạch, không có vùng cấm… nhìn từ vụ mua bằng giả

 

Công khai, minh bạch, không có vùng cấm… nhìn từ vụ mua bằng giả

Blog RFA

JB Nguyễn Hữu Vinh

30-12-2020

Cái từ ngữ “Công khai”, “minh bạch” và “không có vùng cấm” được những nhà lãnh đạo Việt Nam gần đây nhắc đi nhắc lại như những cỗ máy trên các cuộc họp, các diễn đàn. Họ nhắc nhiều đến mức người dân cứ thấy có điều gì đó không bình thường trong cái việc lẽ ra phải là rất bình thường trong một nhà nước pháp quyền, trong cuộc gọi là “Chống tham nhũng” và “bình đẳng trước pháp luật”.

Mấy tháng nay, dư luận xôn xao về vụ Trường Đại học Đông Đô cấp bằng “chính quy” nhưng không đúng quy định, thậm chí cấp bằng nhưng không thông qua đào tạo, nghĩa là cấp bằng giả, hoặc nói chính xác hơn là bằng thật, nhưng học giả.

Theo quy định, Đại học Đông Đô không có chức năng tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 chính quy. Nhưng trường này đã cấp hàng trăm tấm bằng chính quy cho hàng trăm người sử dụng.

Vụ việc này nếu chỉ có Trường Đại học Đông Đô thì chắc không thể làm được, mà đã có sự tiếp tay từ cấp cao hơn, là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, ngày 21/1/2015, Đại học Đông Đô có báo cáo thống kê năm học 2014 – 2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 của gửi Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ GĐ-ĐT. Tại công văn này không có nội dung đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 chính quy, song vẫn được Bộ GĐ-ĐT thông báo có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Đến các năm học sau, Đại học Đông Đô có văn bản “xin” chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy và được các đơn vị chức năng của Bộ GĐ-ĐT cho đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ, trong đó năm 2016 là 150 chỉ tiêu; năm 2107 là 150 chỉ tiêu và năm 2018 là 400 chỉ tiêu.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đã có 626 người được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh, nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh. Trong đó, Cơ quan an ninh điều tra đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo.

Viện kiểm sát yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp này. Viện kiểm sát cũng đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hậu quả 60 trường hợp sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ…

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra đã phải đề nghị các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh sử dụng bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ chính quy – Văn bằng 2 do trường Đông Đô cấp, phải báo ngay bằng văn bản cho cơ quan ANĐT. Ngoài ra, các cá nhân đã được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ chính quy – Văn bằng 2 cũng cần liên hệ với cơ quan ANTĐ để trình báo, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra.

Người ta thấy lạ. Người ta đặt nhiều câu hỏi.

Tại sao cơ quan An ninh điều tra của hệ thống công an Việt Nam được ca ngợi là “giỏi nhất thế giới” lại phải làm động tác này.

Trong khi đó, những người cất tiếng nói đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, hiện tượng mất dân chủ, bóp nghẹt quyền con người của người dân, thì hầu như ngay lập tức, cơ quan An ninh điều tra đã lôi ra được cả những “âm mưu”, “ý định”, “mục đích” mà ngay cả người bị kết tội vẫn chưa nghĩ ra, để kết tội họ một cách chóng vánh? Để rồi ngay sau đó, báo chí được cung cấp đầy đủ thông tin, thậm chí thừa những thông tin bịa đặt về bản thân họ và đưa lên báo chí công khai nhằm bôi nhọ những người vì dân, vì nước, vì lãnh thổ của Tổ Quốc.

Báo chí và người dân hiểu rất rõ rằng: Không có khó khăn gì để tìm ra danh tính những người đã mua bằng giả tại đây. Bởi dù là bằng giả, dù không qua đào tạo, nhưng để cấp những tấm bằng này như thật, ĐH Đông Đô vẫn phải có quyết định, có lưu sổ, lưu số về những thông tin của những tấm bằng được cấp ra và hẳn nhiên là có thông tin của các đối tượng được cấp.

Thế nhưng, điều mà dư luận xã hội đang quan tâm và yêu cầu phải công khai danh tính, công khai những mục đích và hậu quả của việc nhiều người mua bằng giả của Trường ĐH Đông Đô là những ai, họ đã mua bằng giả để làm gì?

Có lẽ điều này không có khó khăn và nghiêm trọng đến mức trở thành “Bí mật quốc gia” như danh sách các lãnh đạo được “cơ cấu” và Ban chấp hành Trung ương hoặc “trường hợp đặc biệt” về nhân sự chuẩn bị cho đại hội đảng. Nghĩa là danh tính những cá nhân chuẩn bị được đảng cử ra cho dân bầu làm “đầy tớ nhân dân”.

Bởi ai cũng biết một điều rất đơn giản: Những người không học hành, nhưng bỏ tiền ra mua bằng, không chỉ là để chơi, không chỉ để khoe mẽ hoặc mua cho vui. Hẳn nhiên là số tiền rất lớn của từng cá nhân bỏ ra để mua những tấm bằng này phải có một mục đích nhất định. Trong đó, việc sử dụng nó trong hệ thống nhà nước, công chức là chủ yếu.

Bởi ai cũng hiểu rằng: Với những công ty tư nhân, với những người làm việc cho các công ty nước ngoài, tấm bằng ngoại ngữ giả kia, chẳng hề có giá trị gì cho họ.

Mới đây, Đinh Ngọc Hệ, bị can bị tuyên án chung thân trong vụ xử về thu phí Đường Cao Tốc Trung Lương – Tp HCM, có một chi tiết là vị “bộ trưởng” mạo danh này tiến thân bằng một tấm bằng giả. Với 2,5 triệu đồng, ông Hệ đã mua bảng điểm và bằng tốt nghiệp đại học của ĐH Kinh tế Quốc dân.

Từ tấm bằng giả, Đinh Ngọc Hệ đã được Đảng kết nạp, rồi leo dần lên chức Thượng tá công an, trở thành một người rất quyền lực với biệt danh “Út bộ trưởng”. Trong một phiên tòa trước đây, chính Đinh Ngọc Hệ đã nói mình là nông dân, mình “dân trí thấp” nên không nhận thức được việc không đi học mà có bằng đại học là vi phạm. Đó cũng là lời thú nhận của một Thượng tá ngành công an.

Vậy thì rõ ràng, việc mua bằng giả để sử dụng vào mục đích thăng quan, tiến chức trong hệ thống công quyền là đều khá rõ ràng. Và điều này, gần như đồng nghĩa với việc gian dối, với việc vi phạm luật pháp cũng như đạo đức của quan chức. Chính vì thế, mới có việc Viện kiểm sát Tối cao yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp mua bằng giả tại đây đã được xác định.

Đơn giản vậy, rõ ràng thế mà tại sao người dân chỉ yêu cầu công khai rõ ràng ai đã mua những tấm bằng này để làm gì lại khó khăn đến thế?

Trong khi dư luận xã hội rất bức xúc trước hiện tượng gian dối đã quá nhiều trong xã hội, thì việc giấu diếm các thông tin này, chỉ càng làm cho mối nghi ngờ càng lớn hơn về hệ thống đào tạo, bằng cấp và phẩm chất của các quan chức nói chung.

Trong khi quan chức nhà nước, lãnh đạo đảng và chính phủ luôn công bố rằng: Chống tham nhũng, chống tệ nạn xã hội là không có vùng cấm, là công khai, là bình đẳng, là bất kể ai vi phạm cũng bị xử lý nghiêm… Đủ cả mọi ngôn từ rất kêu, rất mạnh mẽ.

Vậy thì tại sao việc công khai danh tính những người đã vi phạm này lại không được rõ ràng, minh bạch? Rõ ràng, hệ thống chính trị Việt Nam biết rất rõ, càng giấu diếm, càng có hại cho cái gọi là “uy tín” và lòng tin của người dân vào nhà nước, vào quan chức hiện nay.

Cũng mới đây, ông Nguyễn Xuân Phúc, trên cương vị Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu phải làm rõ số cá nhân được Trường ĐH Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả và các văn bằng, chứng chỉ khác… để thu hồi và xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Và đến nay, đã có thông tin cụ thể từ các cơ sở đào tạo về các trường hợp sử dụng bằng ngôn ngữ Anh giả của Đại học Đông Đô để học thạc sĩ, tiến sĩ: Đại học Quốc gia Hà Nội có 5 trường hợp, Học viện Khoa học xã hội có 7 trường hợp, Đại học Sư phạm Hà Nội có 8 trường hợp, Học viện Báo chí – Tuyên truyền có 4 trường hợp.

Vậy mà các cơ quan chức năng, hệ thống công quyền vẫn cứ im thin thít không hề đáp ứng yêu cầu của dư luận, của xã hội về việc họ cần biết ai đã sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô, và sử dụng vào việc gì cụ thể. Thậm chí, họ cũng chẳng coi cái chỉ đạo, yêu cầu của Thủ tướng là cái “đinh gỉ” gì.

Điều đó, tưởng như không có gì lạ, bởi như một tờ báo mới đây đã tiết lộ rằng: Những người sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô là những người có uy tín trong xã hội.

Cụ thể, 55 đối tượng đã mua bằng tiếng Anh giả để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án Tiến sĩ nhằm chui sâu trèo cao ở các tổ chức Nhà nước và được xưng tụng là những người có uy tín xã hội, hẳn nhiên, họ phải là những quan chức cỡ bự, những người mà phải có tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ… cho đủ cái nhãn mác khi được cơ cấu vào Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch các Tỉnh… vì nếu chỉ chức chủ tịch Huyện thì chẳng cần đến mức phải có cái nhãn Tiến sĩ đến vậy.

Và hẳn nhiên, các quan chức đã ở cấp Tỉnh ủy, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố… thì họ phải là Ủy viên hoặc Ủy viên trung ương dự khuyết. Và đầu dây, mối nhợ và sự liên hệ sẽ là hết sức chặt chẽ với các cấp cao nhất trong hệ thống Đảng, nhà nước.

Bởi, ngay cả đến chức vụ Chủ tịch nước như Trần Đại Quang, cũng đã từng khai man lý lịch, bằng cấp và gian dối ngày tháng năm sinh nhằm chiếm thêm một nhiệm kỳ giữ ghế. Mọi chuyện rõ rành rành, nhưng chỉ vì vướng vào vùng cấm nên phải im.

Và khi sự thân quan, thần thế đến mức đó, thì việc không có vùng cấm, việc công khai, minh bạch… chỉ là chuyện hài hước không hơn, không kém.

Bản tin ngày 30-12-2020

 

Bản tin ngày 30-12-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc tập trận dồn dập ở Biển Đông, có tàu sân bay tham gia. Theo thông báo từ Cục Hải sự Hải Nam, từ ngày 29/12, quân đội TQ tiến hành ba cuộc tập trận kéo dài 10 ngày ở Biển Đông, tại vùng biển nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam. Hôm nay, đến lượt Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông đưa ra thông báo về một cuộc tập trận diễn ra từ ngày 28/12/2020 đến ngày 1/1/2021, ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu, là khu vực vịnh Bắc Bộ.

Một nguồn tin từ quân đội TQ tiết lộ với báo báo South China Morning Post rằng, ba cuộc tập trận mà Cục Hải sự Hải Nam thông báo, đã được lên kế hoạch hơn một tháng, có tàu sân bay Sơn Đông cùng tàu đổ bộ tấn công Type 075 tham gia. Còn theo các thông báo của Cục Hải sự TQ, trong năm 2020, quân đội TQ đã tiến hành ít nhất 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 9 cuộc ở vịnh Bắc bộ và 5 cuộc xung quanh quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền VN nhưng bị TQ chiếm.

Tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ tấn công Type 075 của TQ tại căn cứ hải quân ở thành phố Tam Á thuộc đảo Hải Nam, được chụp ngày 29/12/2020. Ảnh chụp màn hình Weibo của báo TN

Bài thứ 2 trong loạt bài của ThS Hoàng Việt trên VietNamNet về tình hình Biển Đông 2020: Mỹ chỉnh chính sách, Đông Nam Á cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trong năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gia tăng tần suất các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông. Tính đến ngày 25/12, Hải quân Mỹ đã tiến hành 9 lần FONOP ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, so với 8 lần năm 2019 và 6 lần năm 2018.

Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tuyên bố ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Mỹ bác bỏ “đường 9 đoạn” bất hợp pháp của Trung Quốc, đòi chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi thuộc EEZ của VN, Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia.

Mời đọc thêm: Trung Quốc tập trận dài ngày ở biển Đông (TP). – Trung Quốc lên kế hoạch tập trận rầm rộ ngoài khơi bờ biển phía nam (RFI)- Trung Quốc tập trận dồn dập ở Biển Đông, có tàu sân bay tham gia(TN). – Trung Quốc đưa vũ khí mạnh nhất tập trận cường độ cao ở Biển Đông (DV). – Chuyên gia Mỹ: Năm 2020 – Một năm chưa từng có trong lịch sử thế giới (Viet Times). 

Tin chính trường

Báo chí đưa tin chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của Đảng. Quyết định được ký theo đề nghị của Văn phòng Trung ương Đảng, trong đó quy định, phương án nhân sự Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật.

Báo Thanh Niên đưa tin: Phương án nhân sự Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng là tuyệt mật. Thủ tướng dựa vào luật Bảo vệ bí mật nhà nước, danh mục bí mật nhà nước của Đảng được chia làm 3 mức độ mật, theo thứ tự từ cao xuống thấp, gồm: “Tuyệt mật”, “Tối mật” và “Mật”; tương ứng với 3 cấp độ: “Top Secret”, “Secret” và “Confidential” trong hệ thống chia cấp thông tin mật ở Mỹ

Dù dựa vào Mỹ để ra quy định, nhưng lãnh đạo Việt Nam chỉ chọn thi hành những điều có lợi cho chuyện cầm quyền họ, chứ không làm theo Mỹ. Ở Mỹ, nhân sự lãnh đạo tiềm năng luôn được công khai, các ứng cử viên muốn tranh cử các chức vụ trong chính phủ, quốc hội Mỹ, ở liên bang và tiểu bang, cũng như các chức vụ dân cử địa phương… đều phải được công bố rất sớm, để cử tri tìm hiểu về họ, biết họ như thế nào mà quyết định có nên bầu cho họ hay không.

VnExpress có bài: Phương án nhân sự Tổng bí thư, Chủ tịch nước là tuyệt mật. Theo đó, thông tin về chiến lược đối ngoại liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ đối ngoại của đảng CS với các đảng, các nước lớn, nước láng giềng về vấn đề “biên giới lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên đất liền, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa” của VN, cũng được xếp vào nhóm thông tin “Tuyệt mật”. 

Thời điểm diễn ra Hội nghị Trung ương 15 và Đại hội 13 càng tới gần, thì càng xuất hiện nhiều lời đồn đoán về người sẽ nắm giữ “ngai vàng” của chế độ – chức Tổng Bí thư, cũng như danh tính 3 người sẽ nắm giữ các vị trí còn lại trong “tứ trụ”. Trong số những lời đồn đoán có cả thông tin do chính người trong nội bộ đảng tuồn ra ngoài, tạo nên các luồng dư luận khó kiểm soát và không có lợi cho các nhân vật “tham chiến”. 

Cho nên, quy định xếp thông tin về phương án nhân sự “tứ trụ” vào nhóm thông tin “Tuyệt mật” là cách để hình sự hóa các kiểu đồn đoán. Những người đưa ra dự đoán về các nhân vật sẽ nắm giữ các ghế trong “tứ trụ”, dù đúng hay sai, cũng đều phạm vào “tội” tiết lộ thông tin “Tuyệt mật”. Đó là cách dọa dân với mục đích chấm dứt đồn đoán, cho thấy những lời đồn về các hoạt động đấu đá rất căng thẳng trong nội bộ là có cơ sở. 

Càng đến gần Đại hội 13 thì càng có nhiều lời đồn, bởi bao nhiêu vấn đề thiết thực ảnh hưởng tới đời sống của họ, nhất là chuyện chủ quyền lãnh hải của VN ở Biển Đông ngày càng bị đe dọa. Trong năm qua, TQ ngày càng leo thang, quân sự hóa ở Biển Đông, tập trận dồn dập với đủ loại khí tài, trong khi quan hệ VN – TQ có dấu hiệu “gần gũi” hơn, bất chấp chủ quyền bị xâm phạm. 

Người dân quan tâm, lo lắng cho chủ quyền, còn quan chức chỉ lo bưng bít thông tin, nên họ xếp luôn thông tin về chính sách ngoại giao, “quan hệ đối ngoại” của đảng trong vấn đề biên giới, chủ quyền lãnh hải vào nhóm thông tin “Tuyệt mật”. Nghĩa là những người thường đưa tin về diễn biến hành động của TQ ở Biển Đông, hiện cũng đối diện với rủi ro. 

Mời đọc thêm: Phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật (TP). – Phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng khi chưa công khai là tuyệt mật(NLĐ). – Kết luận xác minh tố cáo của Trung ương Đảng đối với Uỷ viên Bộ Chính trị có được công khai? (Viet Times). – Bộ Quốc phòng: Tập trung bảo vệ an ninh, an toàn dịp Tết, Đại hội XIII (LĐ). – “Công khai” tốt hơn hay “Tuyệt mật” tốt hơn (FB Nguyễn Ngọc Chu). 

– Chủ tịch QH dự họp mặt 75 năm Tổng tuyển cử đầu tiên ở Bến Tre (PLTP). – Phó Chủ tịch nước dự kỷ niệm 75 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội tại Vĩnh Long (VOV). – ‘Còn cán bộ dùng quyền lực mềm gây khó dễ người dân’ (Zing). – Hà Nội thành lập Ban chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (PNVN). – Nhân sự lãnh đạo đảng căng thẳng đến phút chót trước đại hội đảng? (RFA). 

Tuyên án cựu Phó Chánh án TAND quận 4

Trong phiên xử sáng nay, bị cáo Nguyễn Hải Nam, cựu Phó Chánh án TAND quận 4 bị đề nghị từ 18 đến 24 tháng tù, trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin. Phiên tòa xét xử vụ án “Xâm phạm chỗ ở người khác” đối với bị cáo Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng, cựu GV trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP HCM. Đại diện VKSND TP HCM khẳng định, có đủ căn cứ xác định 2 bị cáo có hành vi như cáo trạng truy tố, nên đề nghị mức án 18 – 24 tháng tù giam đối với bị cáo Nam, 24 – 30 tháng tù giam đối với bị cáo Tùng.

Đáp lại luận điểm buộc tội của VKS, luật sư đề nghị khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, theo báo Pháp Luật TP HCM. LS của bị cáo Nam đề nghị khởi tố vụ án xâm phạm tư pháp đối với công an và VKSND quận 1. Luật sư bị cáo Nam đưa ra lý do: Cơ quan tố tụng biết ông Nam là thẩm phán bởi thời gian ông này công tác tại tòa, trong khi theo quy định, công an và VKS quận 1 không có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với ông Nam.

Bị cáo Nguyễn Hải Nam (người mặc áo vàng) trước giờ phiên tòa khai mạc hôm nay 30/12. Ảnh: Hoàng Yến/PLTP

Còn luật sư bị cáo Tùng cho rằng, cáo trạng không phản ánh đúng thực tế và diễn biến vụ việc. Luật sư cho rằng “bị cáo Tùng di dời những người ở trong công trình vi phạm ra để đảm bảo an toàn. Bị cáo Tùng đang thực hiện quyết định hành chính của cơ quan chức năng chứ không phải hành vi vi phạm pháp luật”. Quan chức tư pháp Việt Nam và người của ông ta kiêm luôn việc của cơ quan hành pháp?

Xử cựu phó chánh án Nguyễn Hải Nam: Luật sư nói Công an, VKSND quận 1 vượt thẩm quyền, báo Người Lao Động đưa tin. LS bị cáo Nam lưu ý, ông này “chưa bao giờ bước vào căn nhà số 29 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm”, theo như camera ở hiện trường đã ghi lại. Cho nên, cơ quan công tố đã thiếu căn cứ khi xác định bị cáo Nam phạm tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác”.

Thời điểm vụ việc vừa xảy ra, báo Thanh Niên có clip cho thấy một số tình tiết bất lợi với 2 bị cáo:

Nhưng theo thông tin trên báo “lề đảng”, LS của bị cáo Nam cho rằng, ông ta không vào ngôi nhà, qua camera hiện trường ghi lại, cho thấy cáo buộc bị cáo này “xâm phạm chỗ ở” và bắt cóc trẻ em nhắm vào bị cáo này là không có cơ sở. Các đoạn clip của bên bị hại được đưa vào clip của báo Thanh Niên chỉ quay cảnh mặt tiền ngôi nhà xảy ra vụ việc, nên cũng không cho thấy rõ cáo buộc bắt cóc trẻ em.

Báo Pháp Luật TP HCM có clip ghi lại cựu phó chánh án Nguyễn Hải Nam nói lời sau cùng tại tòa, trước khi kết thúc phiên xử buổi sáng:

VietNamNet đưa tin: Cựu Phó Chánh án Nguyễn Hải Nam la hét, kêu oan khi bị tuyên án. HĐXX cho rằng có đủ căn cứ buộc tội bị cáo Nam, Tùng đã có hành vi phạm tội như cáo trạng, nên quyết định tuyên phạt bị cáo Nam 1 năm 5 tháng tù, bị cáo Tùng 2 năm tù, về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác”. Tin cho biết, “sau khi tòa tuyên án, bị cáo Nam la hét, phản đối và cho rằng mình bị oan khiến lực lượng an ninh và bảo vệ phải vất vả vãn hồi trật tự”.

Phản ứng của cựu thuộc cấp của bị cáo Nam: Cựu giảng viên VKS ngất xỉu khi lĩnh án, theo VnExpress. Tin cho biết, bị cáo Tùng “ngất xỉu, được cảnh sát đỡ vào ghế. Mẹ bị cáo và gia đình đổ sụp, tiến lại gần an ủi”. Còn bị cáo Nam quay xuống dưới khán phòng nhìn cha mình và gào khóc: “Bố ơi con bị oan”.

Sau khi bị tuyên án, bị cáo Nguyễn Hải Nam quay xuống dưới khán phòng, nhìn cha mình và khóc. Ảnh: Dương Trang/VNE

Các bản án “bỏ túi” hầu như trở thành “đặc sản” trong các phiên tòa ở VN, nơi tòa án gần như chỉ là công cụ trình diễn công lý. Bao nhiêu vụ xử chóng vánh xảy ra trước đây, đã chứng minh điều đó. Hôm nay, có thêm 2 cựu quan chức của chính ngành tư pháp, đã thấm thía các “bản án bỏ túi” của chế độ mà họ đã từng mang ra xử những người dân khác.

Mời đọc thêm: Cựu thẩm phán bác bỏ cáo trạng, liên tục kêu oan (NLĐ). – Sơ thẩm vụ cựu Phó Chánh án Quận 4 kêu oan: Cáo buộc ‘xâm phạm chỗ ở’ mâu thuẫn với kết luận của UBND phường (PLVN). – Cựu Phó Chánh án quận 4 bị đề nghị án tù vì xâm phạm chỗ ở (VOV). – Cựu thẩm phán Nguyễn Hải Nam bị đề nghị phạt 18-24 tháng tù (TP). – Nguyên Phó Chánh án Tòa án Quận 4 Nguyễn Hải Nam lĩnh án 17 tháng tù (Tin Tức). – Ông Nguyễn Hải Nam bật khóc khi nhận án tù (Zing). – Bị tuyên 1 năm 5 tháng tù, cựu phó chánh án quận 4 khóc lớn liên tục xin lỗi bố (TT). – Cựu Phó Chánh án kêu oan, cựu giảng viên ngất xỉu sau khi tòa tuyên án (PNVN). 

Tin giáo dục

Thay đổi trong chương trình giáo dục quốc phòng sẽ có hiệu lực từ ngày 11/1/2021: Học sinh lớp 10 sẽ học về phòng tránh bom, vũ khí công nghệ cao, Zing đưa tin. Học sinh sẽ còn “được” dạy về “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các “thế lực thù địch”, bất chấp quan điểm cá nhân của các em có thích hay không. 

Dưới chế độ Đức Quốc xã của Hitler, cũng đã từng có kiểu “giáo dục” tương tự, sớm dạy cho trẻ em, HS, thanh thiếu niên biết về “sự thấp kém” của các dân tộc không phải người Đức, hình dạng méo mó, dị dạng, bệnh hoạn của lính Đồng Minh và người Do Thái, đồng thời dạy trẻ em cách sử dụng một số loại vũ khí, để sớm có nhân lực ra chiến trường. 

Chưa hết, học sinh lớp 10 sẽ được học về an ninh mạng, theo VietNamNet. Chương trình giáo dục quốc phòng cho học sinh lớp 10 sẽ “được trang bị một số kiến thức về an ninh mạng, nằm trong chủ đề một số hiểu biết chung về quốc phòng và an ninh… nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng”Hơn 10.000 người trong “Lực lượng 47”, đảng và nhà nước vẫn không đủ dư luận viên để định hướng dư luận, mà phải lo đào tạo nhân sự tiềm năng từ các em học sinh còn chưa rời ghế nhà trường?  

Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi khó: Thù lao thấp có phải là nguyên nhân lọt sạn vào sách giáo khoa? GV Ngô Trung ở Vũng Tàu cho rằng: “Mức thù lao của Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng, ủy viên, thư ký như vậy là quá thấp, chưa tương xứng với trọng trách mà nhà nước giao cho họ”. Tuy nhiên, mức thù lao cao chưa hẳn có thể giải quyết được vấn đề của một nền giáo dục dễ dàng bị bẻ cong bởi đồng tiền.  

Mời đọc thêm: Quảng Ngãi đang đi ngược?(GDTĐ). – Giáo viên lo sợ, học sinh phấn khích trước thông tin học sinh THPT sẽ được tự lựa chọn môn học (GĐ). – Học sinh tự chọn môn học: Nỗi lo môn Lịch sử bị ghẻ lạnh, giáo viên thất nghiệp (VTC). – Suy ngẫm về câu chuyện “chạy việc” của một giáo viên (GDVN). – Sai sót ‘ngớ ngẩn’ của Đường lên đỉnh Olympia khiến dân tình xôn xao (SS). 

***

Thêm một số tin: Tình hình nhân quyền Việt Nam 2020: chính quyền bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế (RFA). – Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc : Đầu tư vẫn lấn át nhân quyền (RFI). – Nguyễn Như Phong ‘hứa lèo’ công bố danh sách mua bằng Đại Học Đông Đô (NV). – Giải cứu miền Trung ngập nước, miền Tây khô cằn (VNE). – Các doanh nhân quyền lực và đảng Cộng Sản Trung Quốc: Khi gió xoay chiều (RFI).

Tấm ảnh cuối năm: Tại sao ngoại khóc?

 

Tấm ảnh cuối năm: Tại sao ngoại khóc?

Nhã Duy

30-12-2020

Cô bé lau nước mắt cho ngoại. Nguồn: REUTERS/ Peter Nicholls

Tấm ảnh cô bé Ayse ba tuổi đang lau nước mắt cho bà ngoại mình đã được hãng tin Reuters đăng tải, như việc nhìn lại một trong những biến cố lớn đã xảy ra cho nhân loại trong năm 2020 này.

Ayse không biết rằng những giọt nước mắt mà bà ngoại đang nức nở là cho mẹ mình. Sonya Kaygan, mẹ của Ayse là một nhân viên y tế tuyến đầu đã chết khi chỉ mới 26 tuổi, do lây nhiễm Covid-19 từ việc chăm sóc những người khác.

Người ta từng nghe về Covid như đang xảy một nơi xa xôi nào đó. Rồi chú tâm hơn khi nó về những vùng lân cận. Có thể bắt đầu lo lắng khi nghe ai đó mình biết đã bị lây nhiễm hay qua đời. Cuối cùng rồi là sự hoảng hốt khi nó xảy ra trong gia đình, với người thân hoặc bạn bè. Có thể cả với chính mỗi người. Bất cứ ai.

Nhưng không phải ai cũng trải qua tâm trạng và tin vậy, bởi cảm xúc cuồng mê đã lấn át cả lý trí. Nếu vậy hãy nhìn kỹ tấm ảnh cùng những giọt nước mắt bà cháu một lần nữa để tự hỏi rằng Covid-19 có thật và nguy hiểm hay không, nếu vẫn còn nghi ngờ?

Tấm ảnh chụp ngay bậc cửa một vùng ngoại ô London nước Anh, nơi không có sự đối đầu giữa Dân Chủ cùng Cộng Hòa, không có ủng hộ hay chống đối Donald Trump, không có cuộc bầu cử tổng thống nảy lửa diễn ra. Nó chỉ có dịch bịnh cùng sự mất mát và nỗi đau có thật, đã và đang gây ra bao nhiêu chia cách cho không ít gia đình ở bất cứ nơi đâu. Cùng hệ lụy kéo dài nhiều năm sau nữa, khi bé Ayse đã vĩnh viễn mồ côi mẹ.

Có bao nhiêu bé Ayse như vậy ngay trên nước Mỹ này?

Xem nhẹ và chối bỏ Covid-19 không chỉ là vấn đề kiến thức cùng nhận thức thông thường, là câu chuyện của lương tri và đạo đức, mà còn là một tội ác.