TS. Lê Đăng Doanh: "BOT đang bị biến tướng, trở thành miếng mồi ngon của các nhóm lợi ích"
bauxitevn9:03 AM
An Chi -
TheLEADER - Việc thực hiện các dự án một cách tùy tiện, không có sự giám sát và khung pháp lý rõ ràng đang khiến BOT trở thành mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm, TS. Lê Đăng Doanh nhận định.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Mô hình hợp tác công - tư (PPP), trong đó có hình thức hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) vốn được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho việc huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào các dự án BOT trong thời gian vừa qua đã và đang tồn tại quá nhiều mặt trái khiến dư luận bức xúc.
TheLEADER đã có cuộc trao đổi ngắn với TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về vấn đề này.
Tồn tại lớn nhất trong việc triển khai các dự án giao thông theo hình thức BOT trong thời gian qua là gì, thưa ông?
TS. Lê Đăng Doanh:Bản chất của BOT không xấu. Chủ trương phát triển hạ tầng bằng các dự án BOT sử dụng vốn xã hội là cần thiết. Qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông, huy động một cách hiệu quả nguồn lực cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước.
Trên thế giới, nhiều nước đã thực hiện mô hình đầu tư này và thành công. Tuy nhiên, tại Việt Nam, toàn bộ quá trình đưa BOT vào thực tiễn đang rất méo mó và tồn tại quá nhiều tiêu cực.
BOT ở Việt Nam đang bị biến tướng, trở thành miếng mồi ngon của các nhóm lợi ích lợi dụng việc Nhà nước chưa xây dựng khung pháp luật về BOT và sự giám sát dành cho các dự án BOT còn nhiều lỗ hổng để thu lợi nhuận khổng lồ.
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra 5 vấn đề chính của BOT. Trong đó có vấn đề về thiếu công khai minh bạch. Câu hỏi đặt ra với các dự án BOT là có tổ chức đấu thầu công khai hay không, sau khi dự án hoàn thành ai giám sát giá, mức thu, tỷ suất lợi nhuận...?
Tất cả nhưng điều đó chúng ta đều không có câu trả lời. BOT ở nước ta đang được chỉ định thầu gần như 100%, nên không thể đảm bảo sự khách quan, minh bạch. Bên cạnh đó, chúng ta hiện vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng cho việc thực hiện các dự án BOT, không quy định rõ trách nghiệm của các cơ quan quản lý và chủ đầu tư dự án xây dựng... Hệ quả là BOT trở thành mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm.
Theo ông, việc “loạn” trạm thu phí BOT có ảnh hưởng như thế nào đối với người dân và nền kinh tế?
TS. Lê Đăng Doanh: Trạm BOT bất hợp lý không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia giao thông mà còn gây nên những tác động không nhỏ lên toàn xã hội, làm tăng chi phí vận tải, kéo theo tăng chi phí hàng hóa.
Khi phí BOT bị đẩy lên quá cao sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, từ đó làm giá hàng hóa tăng lên khiến doanh nghiệp không cạnh tranh được. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp không thể cạnh tranh họ sẽ phá sản, người dân không có công ăn việc làm... kéo theo đó là sự sụt giảm chung của nền kinh tế.
Ở một khía cạnh khác, đối với BOT người dân phải trả phí, khi thấy không hợp lý thì họ phản ứng lại như người dân ở trạm thu phí Cai Lậy. Tuy nhiên, tới đây chúng ta triển khai hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đối với loại hình này, người dân không thể biết được việc Chính phủ lấy đất ở đâu, định giá bao nhiêu, kiểm soát, giám sát như thế nào...
Do đó, tôi cho rằng, nếu không có phương án cụ thể đảm bảo công khai minh bạch, loại hình hợp tác BT sắp tới sẽ nguy hiểm hơn BOT rất nhiều.
Vậy, để tiếp tục thực hiện các dự án theo hình thức BOT và BT, Chính phủ nên có giải pháp gì?
TS. Lê Đăng Doanh: Trước hiện tượng vừa rồi như ở Trạm thu phí Cai Lậy, vấn đề đặt ra là chúng ta phải rút kinh nghiệm, tại sao lại cho phép thực hiện một cách tùy tiện, không có khung pháp luật rõ ràng, không có sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước và người dân như vậy. Nếu tiếp tục phát triển các dự án BOT trong bối cảnh như hiện nay là không thể chấp nhận được.
Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện các dự án BOT, BT nhưng phải có giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Quan trọng hơn nữa là phải thực hiện một cách công khai minh bạch, giám sát nghiêm túc và phải đấu thầu công khai. Đồng thời, Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hình thức đầu tư này.
Bên cạnh đó, đối với những trạm thu phí BOT gây bức xúc cho người dân như trong thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý cần rà soát lại toàn bộ một cách nghiêm túc, trạm nào cần cắt giảm hay chuyển vị trí cho phù hợp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.