Tôn Minh: HAI TRẠNG THÁI CỦA SỰ VÔ CẢM
Xuân NguyênOct 26 3:00 PM
Ảnh: Kẻ trộm chó vừa bị nhiều người dân bắt được, đánh đập dã man rồi thắt cổ anh ta treo lên cột điện - nó biểu thị lòng căm phẫn mang tính man rợ và cũng là sự vô cảm của con người với con người trong cuộc sống ngày nay.
HAI TRẠNG THÁI CỦA SỰ VÔ CẢM
Tôn Minh
Khi bàn đến sự vô cảm, theo một ngữ nghĩa thông thường, thì con người ta thường hiểu rằng đó là sự thờ ơ, bỏ mặc của con người với con người hoặc của con người đối với một sự kiện, sự việc nào đó xảy ra trước mắt mình hoặc mình biết tới nhưng thoái lui không tác động để thay đổi, ngăn chặn thiệt hại hay trợ giúp, sửa chữa nó tốt lên.
Tuy nhiên, diễn giải theo cách đó mới chỉ là một nửa của phạm trù vô cảm. Vô cảm, bao gồm cả việc hành động và không hành động trước một sự việc đòi hỏi con người ta phải làm hoặc không được làm.
Sự vô cảm, nhiều người cũng đã nói đến nhưng thường là chưa tới và chưa đủ sâu sắc để con người ta có thể nhìn lại một cách toàn diện trong sự thận trọng và đúng mức của nó.
Nếu chỉ đơn giản là chuyện, chúng ta vô cảm trước một tai nạn của một người xa lạ đi trên đường mà không cứu giúp, hoặc thấy một cuộc xô xát mà không can ngăn. Điều đó là thường tình mà nhiều người đã đề cập, và nó chỉ là một nửa của sự vô cảm ngày nay mà tôi muốn nhấn mạnh tới.
Sự vô cảm, nếu xét đến một cách toàn diện, thì đó là sự vô cảm cả trong việc tác động mang tính tiêu cực hoặc áp đặt, bằng phương cách bạo lực (bằng tinh thần hoặc hành vi), tước đoạt mưu cầu và quyền lợi của người khác, đó cũng chính là biểu hiện của một loại vô cảm của con người.
Con người ta chỉ nghĩ, thờ ơ trước tệ nạn nào đó của xã hội, không đồng cảm hay chia sẻ trước các nỗi đau, sự mất mát của đồng loại mới là vô cảm. Nhưng không phải. Cảm xúc của con người được biểu đạt rõ ràng qua hai trạng thái lựa chọn, làm (tác vi) hoặc không làm (bất tác vi). Nếu hoàn cảnh yêu cầu và bắt buộc bạn không được hành động, nhưng bạn lại cố để đưa ra một hành động đi ngược lại đòi hỏi của thực tại mà thực thi nó lên (nhóm) người khác, bằng sự cưỡng bách, thậm chí đe nẹt hoặc dọa nạt họ phải làm theo những điều đó, đó cũng là một loại vô cảm. Bởi vì rằng, nếu một người với vị thế có được, lại đề xuất và đem ra áp dụng những chính sách, những hành động có xu hướng tiêu cực hoặc xâm hại đến quyền lợi của người khác, rất thản nhiên và coi đó là điều đúng đắn mà không cần xem xét đến khả năng thực thi, rủi ro tiềm ẩn hay những phản kháng của những người bị tác động, và nó dẫn tới những thiệt hại cũng như mất mát của người bị áp đặt lên – đó chính là một sự vô cảm trong hành động. Và nó còn là một sự vô cảm ở cấp bậc cao hơn của ý thức, trạng thái tâm lý và nhận thức của con người.
Vô cảm, hoặc là bỏ mặc, hoặc là ngược đãi đối với đồng loại, tất thảy đều là vô cảm.
Tại sao hiện nay, mỗi khi xảy ra sự kiện như bão lũ, ngập lụt, ách tắc giao thông hay tình trạng xả thải ra môi trường ngày càng nghiêm trọng mà những người quản lý thì không có biện pháp nào hữu hiệu để xử lý và giải quyết triệt để những hậu quả tiêu cực trên diện rộng của nó mang lại, mà người ta thậm chí còn đưa thêm ra những đề xuất rất phản khoa học cũng như rất ấu trĩ - nhưng người ta vẫn cứ muốn áp nó vào trong cuộc sống và đề nghị, yêu cầu những người dân phải tuân thủ nó?
Ví dụ như: thay vì sợ ô nhiễm do xả thải ra biển một cách trực tiếp, người ta lại muốn cho xả thải ra các dòng sông trong nội thủy, nội địa; hoặc thay vì tiêu hủy chất thải rắn, người ta chôn nó xuống đất; thay vì nạo vét và làm sạch biển thì người ta lại nói biển tự làm sạch các chất độc mà cứ thế công bố biển an toàn và hải sản có thể khai thác được? Hoặc thay vì tiêu hủy hàng buôn lậu, người ta lại đem bán rẻ cho công chức hoặc người dân? Thay vì nâng cao mức bảo hiểm cho công nhân, người ta đề nghị kéo dài tuổi hưu trí và không cho lĩnh bảo hiểm một lần? Tất tần tật những hành động đó đều là những hành động vô cảm của con người, nó là biểu hiện rõ nét nhất cho tâm lý “mặc kệ hậu quả xảy ra” để đạt mục đích quản lý hoặc mục tiêu hoàn thành công việc của mình. Còn vô cảm theo nghĩa thờ ơ, bỏ mặc chỉ là một vế khác của thói vô cảm theo hàm nghĩa là không làm gì cả mà chọn cách im lặng.
Chúng ta cũng vô cảm, khi năm nào cũng thực hiện đề án cải cách về giáo dục, bất chấp sự thiệt hại về tiền bạc trong ngân khố, mặc kệ sự mệt mỏi và bế tắc của học sinh và phụ huynh, bất chấp những tiếng kêu cứu từ những giáo viên - các chính sách cải cách giáo dục vẫn liên tiếp thay đổi và thường chỉ mang lại hậu quả tiêu cực cho xã hội. Vậy nhưng, những thứ tồi tệ đó, có khiến người ta mảy may bận tâm hay suy nghĩ về việc cần thiết phải dừng lại sự-vô-cảm-trong-hành-động này của mình hay không? Hay họ vẫn tiếp tục vô cảm mà miệt mài tìm kiếm các “giải pháp” khác để thực nghiệm trên sự hoang mang và tàn tạ của ước mơ trong những đứa trẻ đầy hoài bão và nhiệt huyết?
Chúng ta cũng vô cảm khi sẵn sàng hành xử bạo lực, chỉ vì phẫn nộ với những đứa trẻ ở nhà khi nó “không biết nghe lời” mà đi chơi về muộn hoặc khi làm đổ vỡ đồ vật trong nhà, khi hay tin nó bị điểm kém ở trường lớp; hay một ông chồng nào đó cứ thế thẳng tay đánh đập những người phụ nữ vì họ “dám cãi lại” mình hoặc mẹ chồng, hoặc đã không làm tròn bổn phận một người vợ tốt trong việc bếp núc thường ngày. Vậy thực sự những con người đã hành xử thô bạo kia, cả bằng ngôn từ và trong hành động đối với tinh thần và thân thể người khác, thì có đúng thực sự là họ đang vô cảm hết mức trước sự sợ hãi, sự đau đớn của người khác mà cùng chung sống với mình hay không? Chúng ta cũng vô cảm, khi dã man thẳng tay đánh chết hoặc dành cho họ những đòn chí mạng đối với những kẻ trộm chó, trâu bò hay tài sản khác của người dân. Chúng ta cũng vô cảm khi xả lũ mà không báo trước cho dân chúng, hoặc dự báo không đúng về thiên tai, và rồi hậu quả chết người, mất của xảy ra thì họ vẫn không thừa nhận trách nhiệm của mình. Chúng ta cũng vô cảm khi sẵn sàng ăn chặn tiền chế độ của người nghèo, người tàn tật, người có công với cách mạng, hoặc xà xẻo vào những khoản tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao mức an sinh xã hội cho các đối tượng được hưởng. Tất cả những thứ ấy, đều xuất phát và xảy ra là do sự vô cảm của con người với con người mà nên.
Nếu chúng ta chỉ đơn giản hiểu rằng, vô cảm là bỏ mặc hay thờ ơ cho sự việc xảy ra hoặc dửng dưng trước những biến cố của người khác thì vẫn chỉ là một nhận thức nửa vời. Mà sự vô cảm còn thể hiện ngay cả trong những hành xử giữa con người với con người bằng những thứ khó thể nào được phép hoặc được chấp nhận, nhưng người ta lại vẫn muốn dùng nó để mà đối đãi với những người khác trong cuộc sống.
Khổng Tử nói, việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Vậy nên, một khi bạn sử dụng những phương cách thô bạo, tiêu cực – mà chắc chắn bạn không muốn ai đối xử với mình bằng cách như thế - để dành cho những người xung quanh, thì có nghĩa đó cũng là một sự vô cảm trong nhận thức và tâm hồn của một con người. Vì vậy, phải biết hành động hoặc không hành động đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, phải cân nhắc và lựa chọn, suy nghĩ thấu đáo để khi im lặng hoặc sẽ đưa ra hành động thì mọi thứ sẽ được tốt đẹp hơn lên. Lúc đó, chúng ta mới trở thành những con người hiểu biết và cũng biết yêu thương thực sự theo đúng nghĩa của một con người có tri tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.