Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Thư ngỏ gửi đại biểu Quốc hội

Thư ngỏ gửi đại biểu Quốc hội

bauxitevnMon 8:21 AM

Nguyễn Đình Cống
Trước đây nhiều lần tôi gửi thư góp ý cho Quốc hội về một số việc. Có lần ý kiến được đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân, được nhận tiền nhuận bút, còn phần lớn không có phản hồi. Lần này tôi gửi thư ngỏ, hy vọng có một số đại biểu (ĐB), đọc được, ngoài ra để những ai quan tâm có thể bình luận.
Quốc hội (QH) mang danh là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, nhưng thực chất cơ bản là bù nhìn. Những vấn đề lớn của Quốc gia đã được thảo luận và thông qua tại Bộ Chính trị của ĐCS, đem ra QH để bỏ phiếu. Việc như vậy chỉ là hình thức, không những lãng phí công sức, thời gian và tiền của, tạo ra tâm lý coi thường QH, mà còn làm lộ rõ tính chất nô lệ, làm mất lòng tin của nhân dân.
Trong số ĐBQH do đảng cử dân bầu có một số được cơ cấu để trở thành những cái máy bỏ phiếu, họ thường tranh thủ ngủ trong các buổi họp. Còn lại cũng có một số người lương thiện, trung thực, có dũng khí, biết xấu hổ, vượt qua được sự sợ hãi để giữ được nhân cách. Tôi muốn tâm sự với những ĐB như vậy. Các vị nên và cần cố gắng vớt vát một chút danh dự cho ĐBQH, tạo một chút niềm tin cho cử tri. Để làm được việc này, ngoài điều kiện cần là lòng dũng cảm, phải có thêm điều kiện đủ là thông tin. Thông tin phải chính xác và phong phú. Xin đừng chỉ tin vào báo và đài chính thống vì ở đó chủ yếu đưa tin một chiều, từ một nguồn. Phải thu thập thông tin từ các nguồn khác. Không nhất thiết phải giỏi ngoại ngữ (giỏi được thì càng tốt) vì thông tin bằng tiếng Việt trên các trang mạng xã hội có nhiều.

Có một số chuyện quan trọng liên quan đến hoạt động của Nhà nước và Nhân dân, được xã hội quan tâm, nhưng Hội nghị TƯ 6 của Đảng bỏ qua, như vụ Trịnh Xuân Thanh, Trịnh Vĩnh Bình, như nợ công đã vượt trần và không có khả năng trả, như việc phải sớm có luật về lập hội, về biểu tình v.v… Tôi mong ước và đề nghị có vài đại biểu chất vấn Chính phủ về các vấn đề đó. 
Một vấn đề rất quan trọng mà QH cần làm rõ, phải chăng QH chủ yếu là cơ quan chấp hành của Đảng. Nếu khẳng định như vậy thì chỉ cần Đảng chọn mà không cần tổ chức bầu cử cho tốn kém. Còn nếu cho rằng QH có một số quyền độc lập nào đó thì phải thảo luận để cho rõ điều 4 của Hiến pháp đối với QH như thế nào. Cái gì mà Bộ Chính trị Đảng đã quyết định thì chỉ thông báo cho QH biết mà QH không cần mất thì giờ thảo luận và bỏ phiếu. 
Tôi suy nghĩ, về lâu dài phải bỏ điều 4 của Hiến pháp. Trong lúc còn giữ nó, nên tổ chức QH và Trung ương Đảng độc lập với nhau. Đã là Ủy viên TƯ Đảng thì không vào QH. Có thể tạm xem như có 2 viện. Trung ương Đảng đóng vai trò như Thượng viện, còn QH như Hạ viện. Và như vậy có những việc mà QH có thể bác bỏ quyết định của Trung ương Đảng, ngay cả của Bộ Chính trị.
Học thuyết của Khổng Tử có một số điều lạc hậu, cần vạch ra và bãi bỏ, nhưng có một thứ tôi thấy còn giá trị, đó là Thuyết Chính danh. Nội dung chủ yếu là: Ai có danh gì thì phải có thực xứng với nó. Thực bao gồm phầm chất và công việc. (Phẩm chất có: đạo đức, trí tuệ, tình cảm, quan hệ, sức khỏe v.v…). Xét ra ở Việt Nam hiện nay QH và ĐBQH chưa đạt được sự chính danh, mắc vào lỗi “Hữu danh vô thực”. 
Tôi mong ước có được vài ĐBQH thấy được nỗi nhục vì mang tiếng hữu danh vô thực của QH, của các ĐBQH mà tự đấu tranh để chiến thắng nỗi sợ hãi, chiến thắng sự hèn nhát của bản thân, dũng cảm đặt ra và thảo luận công khai những vấn đề cấp thiết của đất nước, không chịu cúi đầu khom lưng làm nhân vật giữ ruộng dưa, chỉ biết biến mình thành cái máy bỏ phiếu theo sự chỉ đạo từ đâu đó. Mong lắm thay, ước lắm thay.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.