‘Thẻ vàng hải sản’: EU bắt đầu trừng phạt chính thể Việt Nam?
bauxitevn12:19 PM
Thiền Lâm
Vụ Liên minh châu Âu (EU) vừa ra thông cáo báo chí về việc “rút thẻ vàng” đối với hàng xuất khẩu hải sản Việt Nam chỉ là một biện pháp chế tài kinh tế đơn thuần hay còn mang yếu tố chính trị?
Không chỉ các doanh nghiệp và người dân, mà có lẽ ngay cả Bộ Chính trị đảng ở Việt Nam cũng không thể chắc chắn là về hành động “rút thẻ vàng” trên có quan hệ nào với mối quan hệ ngoại giao và chính trị Việt Nam – EU trong thời gian gần đây.
Nhưng dù các giả thiết chỉ mang tính phỏng đoán, một sự trùng hợp về thời điểm vẫn xảy ra mà lôi kéo người ta vào mối nghi ngờ về tính thời điểm không hẳn là ngẫu nhiên: bản thông cáo báo chí “rút thẻ vàng” của EU được phát ra chỉ khoảng một tháng sau khi Chính phủ Đức đột ngột tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với chính thể độc đảng ở Việt Nam. Sự kiện chấn động và đầy cay đắng đối với giới chóp bu Hà Nội ấy lại là hậu quả đương nhiên của vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” tại Berlin vào tháng 7/2017.
Cần chú ý một chi tiết: mặc dù hoạt động “đánh bắt xa bờ” – mà thực chất là đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển các nước khác như Malaysia và Indonesia – của ngư dân Việt Nam đã diễn ra từ nhiều năm qua và đã bị EU nghiêm túc đặt ra với giới chức Việt Nam từ năm 2012, nhưng đây mới là lần đầu tiên EU “rút thẻ vàng”. Trong khi từ năm 2015, Thái Lan và Đài Loan đã bị cơ chế này cảnh cáo, còn hiện thời là Philipppines.
Hẳn phải có một yếu tố nào đó, kèm theo mức độ nghiêm trọng đủ lớn, để phía EU đưa ra quyết định không chỉ mang tính cảnh cáo mà còn có thể dẫn tới trừng phạt Việt Nam.
Gần 4 tháng sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Đức- Việt, phía Việt Nam vẫn chưa chịu đáp ứng bất kỳ điều kiện nào của phía Đức liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: Zing.vn
Theo thông cáo của EU, hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt hải sản lậu được EU thông qua năm 2010. “Thẻ vàng” không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”. “Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các mặt hàng hải sản của quốc gia đó.
Sau “thẻ vàng”, nước bị cảnh cáo sẽ có thời gian 6 tháng để sửa chữa sai lầm và tìm ra giải pháp khắc phục. Việt Nam cũng có 6 tháng ấy. Tuy nhiên, với một cơ chế quản lý cùng hiệu lực quản lý lỏng lẻo ở Việt Nam như hiện nay, khó ai có thể tin rằng Chính phủ nước này sẽ giám sát được toàn bộ ngư dân “đánh bắt xa bờ”. Tình trạng này càng được bồi đắp thêm bằng nạn ô nhiễm biển gần bờ ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực biển miền Trung mà tội phạm chủ yếu là nhà máy Formosa, nhưng Formosa lại được Chính phủ Việt Nam bao che tối đa.
Tình thế hiện thời mà Việt Nam phải đối mặt là nếu không lơ cho hoạt động “đánh bắt xa bờ”, ngư dân sẽ lấy gì để tồn tại? Đặc biệt là ngư dân miền Trung – những nạn nhân trực tiếp của nạn xả thải Formosa, sẽ làm sao để sống, hay đến mức cùng quẫn họ sẽ bùng nổ hàng loạt cuộc biểu tình chống Chính phủ?
Nhưng nếu không thể ngăn chặn được hoạt động “đánh bắt xa bờ”, Việt Nam chắc chắn sẽ bị EU “rút thẻ đỏ”, để nền kinh tế Việt Nam phải chịu một khoản thiệt hại lớn.
EU và Mỹ là 2 thị trường nhập khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới với quy mô hàng chục tỉ USD. Đây cũng là 2 thị trường xuất khẩu thủy hải sản chính của Việt Nam khi trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hải sản từ 1,9 – 2,2 tỉ USD, trong đó EU và Mỹ mỗi thị trường chiếm khoảng 16 – 17% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam với con số tương đương 350 – 400 triệu USD.
Nếu mất đi giá trị xuất khẩu 350 – 400 triệu USD vào EU và Mỹ, đó vẫn chưa phải là một thảm họa thật sự đối với Việt Nam. Nhưng nguy cơ lớn hơn hẳn là “thẻ đỏ” sẽ là tiền đề dẫn đến hàng loạt biện pháp chế tài về thuế quan và hàng rào kỹ thuật được dựng lên tại Mỹ và các nước EU đối với không chỉ hàng hải sản mà còn nhiều chủng loại hàng hóa khác của Việt Nam, trong đó có mặt hàng chiến lược là xuất khẩu gạo.
Khi đó, liệu Việt Nam có thể duy trì được số xuất siêu đến 30 tỷ USD/năm vào Mỹ và 25 tỷ USD/năm vào EU?
Hiện thời, tương quan giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam là tương đối cân bằng, bởi nhờ có xuất siêu vào Mỹ và EU mà Việt Nam đã cân đối được số phải nhập siêu lên đến ít nhất 30 tỷ USD/năm (đường chính ngạch) và 20 tỷ USD/năm (đường tiểu ngạch) từ “đồng chí tốt” Trung Quốc. Nhưng nếu số xuất siêu vào Mỹ và EU giảm hoặc sụt hẳn, kinh tế Việt Nam sẽ lâm vào tình trạng không biết đào đâu ra ngoại tệ để nhập khẩu hàng từ Trung Quốc, trong lúc rất nhiều doanh nghiệp Việt đã quá quen “ăn” hàng Trung Quốc đến nỗi sẽ bị đình đốn hoạt động nếu thiếu vài ba tháng không nhập nguyên vật liệu của Trung Quốc…
Cần nhắc lại, gần 4 tháng sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Đức- Việt, phía Việt Nam vẫn chưa chịu đáp ứng bất kỳ điều kiện nào của phía Đức liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh.
Giới chóp bu Việt Nam cần phải tự hiểu ra điều này, cũng như phải tìm ra ai là tác giả của những hậu quả ghê gớm mà đã gần như khiến chấm dứt tương lai của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- châu Âu. Để “tự xử”.
T.L.
Nguồn: http://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/vang-hai-san-eu-bat-dau-trung-phat-chinh-viet-nam.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.