Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Tham, nhát gan, vô cảm trong Tính Cách cố hữu của người Trung Quốc

Tham, nhát gan, vô cảm trong Tính Cách cố hữu của người Trung Quốc

bauxitevn8:12 AM

Bertrand Russel
Hán Khanh dịch
Bản dịch dưới đây của Hán Khanh dịch từ Trung văn, do ông Nguyễn Khắc Mai gửi đến BVN. Nhận thấy, tuy còn một số tên người hoặc một số sự kiện lịch sử chưa được chú thích, bản dịch vẫn cung cấp cho người đọc một cái nhìn khái lược về tính cách con người Trung Hoa thời kỳ trước khi CS lên nắm quyền, qua sự nắm bắt của triết gia nổi tiếng người Anh Bertrand Russel (1872 - 1970). Vì thế, xin kính trình bạn đọc.
Bauxite Việt Nam

Ở phương Tây có một quan niệm cho rằng, không thể hiểu được người Trung Quốc, trong đầu óc họ chứa đầy những ý tưởng thần bí, khiến người ta khó lường. Cả một quá trình lâu dài, qua những gì được biết về Trung Quốc, tôi cũng có cùng quan điểm như vậy. Nhưng qua một thời gian công tác ở Trung Quốc, tôi thấy rằng nhận định này chỉ thuần túy là những thành kiến chưa được kiểm chứng. Tôi giao lưu trò chuyện với một người Trung Hoa có giáo dục cho thấy họ nói năng cũng rất giống người Anh. Tôi không tin ”người phương Đông là loại người dối trá nguy hiểm”. Tôi tin rằng, trong nghệ thuật lừa gạt nhau giữa một người Anh hoặc một người Mỹ với một người Trung Hoa, thì mười lần có đến chín lần phần thắng thuộc về người Anh hay người MỸ. Nhưng với đa phần người Trung Hoa nghèo khó khi giao tiếp với người da trắng có tiền, thông thường là đơn phương giở trò lừa gạt, khi ấy không nghi ngờ gì, người da trắng đương nhiên sẽ bị lừa, nhưng với người quan lại Trung Hoa ở Luân đôn thì không phải vậy.
Người Trung Hoa có một đặc điểm nổi bậc là hòa nhã và dễ gần. Bất luận là đến Trung Hoa du lịch, hay cư trú ở Trung Hoa nhiều năm, hầu hết người châu Âu đều thích Trung Hoa. Cho dù Anh, Nhật là đồng minh, nhưng không hiểu tại sao những người Anh ở Viễn Đông xa xôi, có một thời gian dài sống chung với người Trung Hoa, cố gắng tìm hiểu những chuản mực về hành vi và cách nghĩ của người họ, hình như họ đều thích người Trung Hoa như người Nhật. Nhưng với một số người mới đến Trung Hoa lần đầu, thì sẽ dễ nhận thấy sự hủ bại đến kinh ngạc. Ăn mày từng đám, nghèo khó cực độ, bệnh tật tràn lan, xã hội hỗn loạn, chính trị thối nát. Tận mắt nhìn thấy tình cảnh này, người phương Tây không khỏi cảm thấy vô cùng bức xúc, muốn trừ bỏ đi những điều hủ bại này, đương nhiên những điều hủ bại này đáng phải trừ bỏ.
Nhưng là người Trung Hoa thậm chí một số người có khả năng ngăn ngừa những sự bất hạnh này, lại không cảm thấy động lòng như người phương Tây, họ thờ ơ lãnh đạm chờ đợi những sự hủ bại này như bọt nước tự tan tự mất đi. Thái độ tiêu cực đợi thời kỳ quái này của người Trung Hoa dần dần làm cho du khách phương Tây cảm thấy nghi ngờ. Sau một hồi phẫn nộ, họ bắt đầu hoài nghi vào một số chuẩn mực đạo đức mà họ vẫn tin tưởng bấy nay. Phải chăng sự bất hạnh vốn có từ sự phòng ngừa thụ động dẫn đến sự phủ nhận trí tuệ chân chính? Chỉ quan tâm đến hạnh phúc trước mắt mà không nghĩ tới rủi ro có thể bất ngờ giáng xuống trong tương lai là không biết lo xa?
Đối với người Trung Hoa, câu trả lời cho một số vấn đề là phủ định chúng, vì vậy họ không thể không ngậm đắng nuốt cay. Ngoại trừ nghèo khó bệnh tật, chính trị hỗn loạn, một số những điều hủ bại vân vân, cuộc sống của họ vẫn có đầy đủ văn minh và vui vẻ. Họ vui cười nói chuyện phiếm, tắm ánh ban mai, tán trời tán đất, vui vẻ hòa thuận, điều này ở những nước công nghiệp không có. Người Trung Hoa bao gồm các giai tầng xã hội theo như tôi biết, tất cả mọi người trong dân tộc này đều thích nói cười. Họ tìm kiếm niềm vui từ mỗi sự việc, ngay khi tranh luận cũng thường dẫn dến tiếng cười hòa dịu.
Người Trung Hoa từ giới thượng lưu đến tầng lớp bình dân đều có chung một vẻ tôn nghiêm nặng nề, nhạt nhẽo, kể cả những người đã qua nền giáo dục châu Âu, thông thường cũng không giảm đi vẻ tôn nghiêm này. Vô luận là cá nhân hay cả dân tộc, người Trung Hoa không hề tự cao tự đại. Họ không thích khoe khoang những điều vụn vặt bởi vì, từ trong sâu thẳm, họ cho rằng dân tộc Trung Hoa có sự ưu việt không thể so sánh. Họ thừa nhận về quân sự họ còn yếu hơn so với những cường quốc, nhưng họ lại không cho rằng những thiết bị giết người hiệu quả cao là phẩm chất trọng yếu của một cá nhân hoặc một quốc gia. Tôi nhận thấy rằng tận đáy lòng, dường như họ dều cho rằng Trung Hoa là một quốc gia vĩ đại nhất thế giới, họ có một nền văn minh ưu tú nhất, không cần người phương Tây thừa nhận quan điểm này, bởi vì nó được tạo lập từ truyền thống hoàn toàn không giống người phương Tây. Nhưng mọi người dần dần hiểu được, vô luận là như thế nào quan điểm này không phải là sai trái. Trên thực tế nó là giá trị xuyên suốt, là kết luận lô-gích tất nhiên. Mục tiêu phấn đấu điển hình của người phương Tây cũng là như vậy, tức là tận dụng mọi khả năng nhằm thay đổi hoàn cảnh ở nhiều nơi cho được tốt đẹp hơn, mà ước muốn điển hình của người Trung Hoa là đời sống hưởng thụ, tận dụng mọi khả năng để làm cho cuộc sống được ung dung, thoải mái, sự khác biệt này đã hình thành một ranh giới giữa Trung Hoa và thế giới Phương Tây.
Đương nhiên người Trung Hoa cũng bừng bừng hoài bão, chỉ là không thấy được nhiều so với chúng ta. Mà hình thức hoài bão lựa chọn của họ cũng không giống chúng ta, không phải là loại hoài bão muốn tốt hơn, mà là hoài bão mê đắm quyền lực. Kết quả tất yếu của sự mê đắm quyền lực là người Trung Hoa trở nên tham lam. Đồng tiền mang lại mọi lạc thú, vì vậy họ luôn nhiệt tình kiếm tiền. Khác với chúng ta, họ kiếm tiền chủ yếu bằng thủ đoạn của quyền lực, một số trường hợp không phải bỏ ra nhiều tiền lắm mà vẫn trở thành những chính trị gia quyền lực, thông thường họ cũng từng trải qua cuộc sống nghèo khó. Ở Trung Hoa, quan chức nắm quyền, nói chung dường như mục đích duy nhất là lợi dụng quyền lực để vơ vét tiền bạc.
Tính sĩ diện của người Trung Hoa thường làm cho người nước ngoài ở Trung Hoa thấy kỳ lạ đến nực cười. Thực ra, đây chỉ là sĩ diện cá nhân trong hoàn cảnh cuộc sống của người Trung Hoa, mỗi người đều có sĩ diện, cho dù là kẻ ăn mày có địa vị xã hội thấp kém nhất cũng vậy. Nếu như bạn dùng phương thức giao tiếp với người Trung Hoa trái với chuẩn mực đạo lý của người Trung Hoa, làm sao bạn nhận dược ở họ sự hưởng ứng, mà chắc chắn rằng câu nói của bạn sẽ biến thành trò cười, cho dù câu nói của bạn không có ý mạo phạm.
Có một lần đang lên lớp giảng bài, tôi nhận thấy những học sinh Trung Hoa tỏ ra thiếu tập trung nghe giảng, tôi nói với họ trong học tập, học sinh ở Anh chăm chú nghe giảng như thế nào. Rất nhanh, tôi đã nhận ra mình phạm sai lầm. Số học sinh Trung Hoa này đều cười không thoải mái, tôi cảm thấy kinh ngạc. Sau này mới hiểu rõ nguyên nhân của nó. Người Trung Hoa hành xử vốn chú trọng tính hình thức (khách sáo) hơn so với chúng ta, thậm chí với cả những người Trung Hoa vốn có ý thức rất hiện đại cũng như vậỵ. Đây là hậu quả của ảnh hưởng tự nhiên, nó chi phối sự chân thành trong quan hệ con người. Nếu tôi là người Trung Hoa, tình hình sẽ được giảm đi ít nhiều. Nhưng với một người phương Tây ”áp bức tàn bạo”, nói năng nhã nhặn làm cho người Trung Hoa cảm thấy vô cùng gần gũi. Tính khách sáo của người Trung Hoa tương ứng với tính thẳng thắn của người phương Tây, rốt cuộc ai hơn ai, tôi không dám tùy tiện bàn liều.
Trong ấn tượng của tôi, người Trung Hoa có tính chiết trung và thỏa hiệp, thường bị khuất phục trước dư luận của công chúng, rất ít có xung đột làm cho tình hình phát triển nghiêm trọng, việc xử lý vị Hoàng đế cuối cùng của triều Thanh là một ví dụ sinh động. Ở phương Tây, một quốc gia, trong một ngày trở thành nhà nước cộng hòa, thường là vị vua lập tức bị chặt đầu, hoặc chí ít cũng bị lưu đày ra nước ngoài. Nhưng người Trung hoa lai bảo lưu tước vị Hoàng đế, cung điện hoa lệ, một số lớn hoạn quan, mỗi năm còn chu cấp cho mấy trăm vạn đồng. Hoàng đế là một thiếu niên 16 tuổi, sống bình an trong Tử cấm thành. Trong một lần nội chiến, ông ta từng khôi phục lại danh vị trong mấy năm. Nhưng sau đó, một lần nữa lại bị phế truất, không ai biết hành vi khôi phục danh vị của ông ta bị trừng phạt như thế nào.
Sự nhẫn nại không thể so sánh của người Trung Hoa khiến người châu Âu phải kinh ngạc. Kiến thức của người Trung Hoa có giáo dục khiến người nước ngoài phải kính nể. Nhận thức sắc bén của họ khiến người Nhật Bản ở Mãn Châu hoặc ở Sơn Dông phải tâm phục. Họ biết các cường quốc đều hướng cặp mắt thèm muốn vào những tài nguyên còn chưa khai thác của họ, nhất là than đá và sắt thép. Trước mắt họ có Nhật Bản là tấm gương; Nhật Bản thông qua chủ nghĩa quân phiệt hà khắc, thiết lập kỹ luật sắt với tôn giáo áp chế thành công chủ nghĩa ”văn minh công nghiệp” để đáp ứng khát vọng vươn lên của họ. Nhưng người Trung Hoa đã không bắt chước người Nhật, cũng không cúi đầu khuất phục sự thống trị của nước ngoài. Họ nghiên cứu thời gian giải quyết vấn đề không phải là mấy chục năm, mà hàng trăm năm. Họ từng trải qua bị chinh phục, đầu tiên là người Thát Đát (Mông Cổ) sau là người Mãn Châu. Nhưng những người đi chinh phục này cuối cùng đều bị người bị chinh phục đồng hóa. Nền văn minh Trung Hoa không bị cải biến mà vẫn duy trì đến nay. Mấy đời sau thần dân của người đi xâm lược đã bị Trung Hoa hóa rồi.
Lực lượng của Trung Hoa là dân số đông đảo nhất thế giới, tinh thần dân tộc kiên cường, bất khuất, bền bỉ đấu tranh phản kháng và hun đúc sức mạnh dân tộc vô song. Trung Hoa miệt thị thủ đoạn quân sự của nước ngoài, bởi vì họ có thời gian, họ có khả năng chờ đợi, đợi dến lúc một số những thế lực hùng mạnh những kẻ đi áp bức tự tàn sát nhau đến sức cùng lực kiệt.
Tính thống nhất của người Trung Hoa không phải ở chính trị, mà ở văn hóa, nền văn minh Trung Hoa là nền văn minh cổ đại duy nhất còn may mắn tồn tại. Từ thời đại Khổng Tử đến nay, Ai Cập, Babilon, Ba Tư, Marston, và đế quốc La Mã đã lần lượt tiêu vong. Nhưng văn minh Trung Hoa nối liền bất tuyệt, trường tồn đến nay. Trung Hoa cũng từng bị ảnh hưởng của nền văn hóa ngoại lai, đầu tiên là Phật giáo, nay là khoa học Phương Tây. Nhưng Phật giáo không biến người phương Tây [thành người Châu Á], cũng không thể biến người Trung Hoa thành người châu Âu. Tôi tiếp xúc qua một số học giả người Trung Hoa, hiểu biết về khoa học Phương Tây của họ không thua kém chút nào [với một trí thức] của nước ta. Nhưng họ cũng không vì thế mà vứt bỏ tính truyền thống của dân tộc họ, không thoát ly khỏi nhân dân mình. Họ cho rằng Tây Phương không tốt bằng Đông Phương. Như dã man tàn bạo, tham lam vô độ, lừa dối áp bức các nước nhược tiểu, ham muốn thái quá. Họ cho rằng những thứ này là cặn bả của văn hóa Phương Tây, không thể hấp thu. Họ chỉ hy vọng hấp thu văn hóa phương Tây những thứ tốt hơn phương Đông, nhất là khoa học kỹ thuật. 
Văn hóa bản địa già cỗi của Trung Hoa đã không còn sức sống, văn hóa nghệ thuật cũng đã lỗi thời, học thuyết Nho giáo không còn đủ đáp ứng tinh thần của con người hiện đại, cho dù là người Trung Hoa. Người Trung Hoa qua Âu Mỹ học tập, mong muốn chấn hưng văn hóa truyền thống Trung Hoa bằng môt nhân tố mới, do đó họ hướng sang văn minh Phương Tây để tìm kiếm nhân tố này. Nhưng họ không muốn kiến tạo một nền văn minh giống hệt văn minh Phương Tây. Họ nghĩ như vậy là rất đúng. Nếu họ không bị cưỡng bức đi theo hướng cực đoan chủ nghĩa, họ đã có thể tạo lập được một nền văn minh mới như vậy, sự sáng tạo bất kỳ nào từ nền văn minh Phương Tây đều là sự cầu tiến.
Đến đây tôi chủ yếu nói về mặt tốt trong tính cách của người Trung Hoa. Đương nhiên Trung Hoa cũng như bất kỳ quốc gia nào khác cũng có mặt chưa tốt. Tôi không muốn đàm luận về vấn đề này, bởi vì tôi cảm nhận được người Trung Hoa vốn khiêm tốn, lễ độ, chân thành, thiện lương, vì vậy tôi chỉ muốn nói đến mặt tốt của họ. Nhưng vì chân thực, đồng thời cũng vì Trung Hoa, che giấu đi một số sự thật chưa được tốt là không đúng, tôi chỉ mong độc giả ghi nhớ cho, nói chung người Trung Hoa theo như tôi được biết là một dân tộc ưu tú bậc nhất. Tôi chuẩn bị khởi thảo nghiêm chỉnh một cuốn sách tố cáo những cường quốc từng áp bức Trung Hoa. Trước lúc tôi sắp rời Trung Hoa, một nhà văn nổi tiếng của Trung Hoa khẳng khái muốn tôi nói về những nhược điểm chủ yếu của người Trung Hoa theo cách nhìn của tôi. Tôi bất đắc dĩ phải nêu ra ba điểm: tham lam, nhát gan, vô cảm. Thật là kỳ lạ vị nhà văn này không những không tức giận, mà còn thừa nhận là tôi đã phê bình công tâm, lại cùng tôi thảo luận những biện pháp có thể khắc phục những tật xấu đó. Điều này thể hiện sự chính trực của phẩn tử trí thức Trung Hoa, mà chính trực là phẩm chất tốt đẹp nhất của con người.

Ấn tượng ban đầu mà người nước ngoài cảm thấy ở người Trung Hoa là sự nhát gan, đây là một nhược điểm của họ, nhưng tôi không thể khẳng định là họ thật sự thiếu dũng khí. Tôi cho rằng so với người Anh, người Pháp và người Dức, người Trung Hoa ngoại trừ sự nhẫn nại tiêu cực, không thể nói họ là dân tộc thiếu dũng khí.

Cần phải chỉ ra rằng tham lam là nhược điểm lớn nhất của người Trung Hoa. Đời sống gian khổ, kiếm tiền không dễ. Vì tiền (trừ một số ít người từng lưu học ở nước ngoài), đại đa số người Trung Hoa phạm tội tham ô, chỉ vì một khoản tiền nhỏ, họ bất chấp khổ cực và không tiếc tính mạng, bí quá hóa liều. Sự thực này là nguyên nhân khó khăn chủ yếu khi họ chiến đấu với người Nhật, rất ít chính khách của Trung Hoa có thể từ chối sự hối lộ của người Nhật. Tôi nhận ra tính tham lam của họ phần lớn là do sự thực này. Những năm gần đây, những người sống chân chính luôn gặp trở ngại, không nhúc nhích được. Chỉ cải thiện điều kiện kinh tế mới giảm bớt được tệ nạn này. Tôi không tin tham ô hối lộ ở Trung Hoa hiện nay tệ hại hơn ở châu Âu hồi thế kỹ 18. Tôi cũng chưa nghe qua tướng lĩnh Trung Hoa nào tàn bạo hơn Bushweik, cũng chưa nghe thấy chính khách Trung Hoa nào hủ bại hơn Duberwar. Vì vậy rất có khả năng Trung Hoa đi theo con đường công nghiệp hóa sẽ làm cho người Trung Hoa trở nên thành thực như người phương Tây - ở đây tôi không muốn nói là người Phương Tây thành thực lắm rồi. 

Người Trung Hoa vừa nói ở đây là ở trong đời thường, ngoại trừ có điểm lười nhác, họ thông minh mà đa nghi. Nhưng tính cách của họ còn có những mặt khác, như họ rất dễ cuồng nhiệt, thông thường là cuồng nhiệt mang tính a dua đám đông. Tôi tuy không tận mắt chứng kiến, nhưng sự thực này không thể hoài nghi. Cuộc vận động “Nghĩa hòa đoàn” là một ví dụ đầy đủ, nhất là ảnh hưởng của nó dến người châu Âu. Trong lịch sử Trung Hoa cũng có nhiều cuộc biến loạn như thế, chính là do tính cách của người Trung Hoa ẩn chứa một nhân tố như vậy, điều đó khiến họ không thể kiểm soát được tình hình khi có biến động, thậm chí ta khó đoán được tương lai của họ. Có thể tưởng tượng, một bộ phận người trong số họ biến thành người theo chủ nghĩa Bushweik có tính cách cuồng nhiệt, yêu nước chống Nhật hoặc tín đồ Cơ Đốc giáo, hoặc họ thành tâm dâng hiến sức lực tột cùng cho một vị lãnh tụ tối cao nào đó mà họ tôn sùng. Tôi cho rằng chính là do tính cách của người Trung Hoa tồn tại một nhân tố như vậy, nên khi bị kích động, họ trở thành những con bạc khinh suất nhất thế giới, bất kể thường ngày họ có thói quen rất cẩn trọng.

Tổng kết tính cách người Trung Hoa là việc không dễ. Ấn tượng sâu sắc nhất về người Trung Hoa đối với người nước ngoài là: Họ bảo tồn một nền văn minh cổ đại phi công nghiệp. Khách du lịch nước ngoài đến thăm Trung Hoa nhận định rằng, nền văn minh cổ đại phi công nghiệp, dưới sức ép mạnh mẽ của tư bản Nhật và Âu Mỹ có thể bị tiêu vong. Nền văn minh độc đáo có sức hấp dẫn kỳ lạ này không có khả năng bảo tồn được lâu dài, giống như phẩm chất đạo đức “chí cao vô thượng” của người Trung Hoa đó là nhu cầu thực tế vô cùng bức thiết của thế giới hiện đại. Trong số những phẩm chất đạo đức này, tôi trân trọng nhất là tinh thần hòa bình, họ tìm kiếm sự công bằng mà không muốn giải quyết những tranh chấp bằng vũ lực. người Trung Hoa giữ tinh thần hòa bình còn xuất phát từ ý thức phòng ngừa trước áp lực của các cường quốc, trước mặt họ là Nhật Bản, họ cũng phải dè chừng hành động của phương Tây.

H.K.
Hán Khanh dịch từ “Tùy bút kinh điển 99”, NXB Nhân dân Sơn Dông 4-1999. Khắc Mai đánh vi tính, 20-10-2017. Trích từ “Truyện ngắn hay Trung Quốc”, NXB Văn học, 2012, và xin đổi đầu đề cho rõ ý mà cũng để người Việt hôm nay có thể sờ gáy mình và ngẫm nghĩ - BVN ihệu chỉnh bản đánh máy.
N.K.M. gửi BVN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.