Sách "Chính trị bình dân", mong muốn người dân hiểu chính trị là gì
bauxitevn7:21 AM
Kính Hòa RFA
Bìa sách Chính trị Bình dân. 9/2017. Ảnh do tác giả cung cấp.
Một quyển sách viết về những khái niệm chính trị vừa xuất hiện tại Việt Nam. Sách có tên ‘Chính trị Bình dân’.
Vì sao tác giả lại đặt tựa cho cuốn sách như thế; và hiện nay người trong nước quan niệm ra sao về chính trị.
Tác giả quyển sách là nhà báo, đồng thời là một nhà hoạt động xã hội dân sự, cô Phạm Đoan Trang.
Cô Phạm Đoan Trang cho biết ý tưởng thôi thúc cô viết quyển sách ‘Chính trị Bình dân’ bắt đầu manh nha khi cô tham gia vào các hoạt động dân sự, đấu tranh dân chủ cho Việt Nam, với những câu hỏi như là chính trị là gì? Dân chủ là gì? Tại sao những cuộc bầu cử ở Việt Nam không được coi là những cuộc bầu cử dân chủ? Tiếp theo đó cô nhận thấy rằng tại Việt Nam hầu như không hề có bất cứ tài liệu nào để trả lời những câu hỏi đó.
Tôi muốn xóa bỏ đi cái định kiến cho rằng chính trị là cái gì đấy của một nhóm thiểu số, tinh hoa, hay nói theo kiểu Việt Nam là có đảng và nhà nước lo.
-Tác giả Phạm Đoan Trang
-Tác giả Phạm Đoan Trang
Cô Phạm Đoan Trang nói với đài RFA:
“Triết học chính trị ở Việt Nam hoàn toàn chỉ là chủ nghĩa xã hội, được gọi là khoa học, của Karl Marx, rồi sau này có thêm ông Lenin, Stalin, rồi Mao Trạch Đông vào, nó là một mớ hổ lốn, cộng với chủ nghĩa trọng nhà nước. Nó rất hỗn loạn, và bỏ đi tất cả các triết lý, các chủ nghĩa còn lại”.
Tại Việt Nam ở miền Bắc sau năm 1954, và trên cả nước sau 1975, từ chính trị được nói đến rất nhiều. Đó là những lớp học chính trị thường xuyên được tổ chức cho viên chức, là những môn học gọi là chính trị chiếm đến 20 đến 25% thời gian học tập của sinh viên ở các trường đại học. Vậy điều này liệu có đi ngược lại với những gì nhà báo Đoan Trang nhận xét hay không? Cô nói rằng đó chỉ là cái được coi là chính trị ở Việt Nam:
“Cái hiểu về chính trị của Việt Nam bị bóp méo hoàn toàn, rất sai lệch. Người Việt Nam nghĩ về chính trị là nghĩ về công việc quản lý nhà nước của một thiểu số, của đảng cộng sản, tức là của các quan chức đảng cộng sản, nhà nước của đảng cộng sản. Còn lại tất cả những người không thuộc cái nhóm đấy đều là quần chúng. Làm chính trị được hiểu như là sự tranh giành quyền lực ở trên thượng tầng, các cuộc họp của các bác đấy, còn mình là dân đen biết gì! Học chính trị tức là học các đường lối chính sách của nhà nước”.
Cô nhấn mạnh rằng những hoạt động được gọi là chính trị ở Việt Nam hiện nay thực sự chỉ là việc tranh giành quyền lực với nhau giữa các nhóm khác nhau, tấn công và trả thù nhau, và điều này, theo Đoan Trang là một sự bạc bẽo của nền chính trị Việt Nam, và nó tạo thành một hình ảnh rất xấu trong cái nhìn của người dân:
“Chính vì thế chính trị khiến người dân nghĩ là cái gì đó rất là xấu, là bẩn. Người dân Việt Nam rất là mâu thuẫn, một mặt họ nhìn thấy đó là một cái gì đó cao sang lắm, của các đồng chí lãnh đạo cao cấp, một mặt họ lại nhìn chính trị như cái gì đó bẩn thỉu, xấu xa gớm ghiếc, độc ác nên tránh xa. Họ vừa kính vừa ghét, trong khi đó thì nó không phải thế như cách hiểu của họ, và làm chính trị cũng không phải là đấu đá, bạc bẽo với nhau.”
Người có học trẻ tuổi ở Việt Nam nhìn chính trị như thế nào?
Chúng tôi tìm đến một bạn trẻ tại Sài Gòn để trao đổi những vấn đề về chính trị. Bạn trẻ này có hai bằng đại học, đang làm công việc chăm sóc khách hàng cho một công ty kinh doanh. Bạn này không tham gia bất cứ một nhóm xã hội dân sự nào, cũng như không có hoạt động bất đồng chính kiến với đảng cộng sản cầm quyền hiện nay.
Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi đặt ra cho bạn trẻ này là có biết ai là Thủ tướng Việt Nam hiện nay không. Bạn trẻ này vừa cười vừa trả lời:
“Từ thời Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh gì đó thì tôi không quan tâm nữa”.
Vậy bạn trẻ hiểu thế nào là chính trị?
“Chính trị là một bộ máy quản lý, hiểu nôm na như vậy, một bộ máy vận hành theo sự chỉ đạo của một số người lãnh đạo”.
Và tại sao bạn trẻ này lại không quan tâm đến những vấn đề chính trị?
Đối với những người dân lao động thì họ không biết đến luôn. Vừa nghe nói đến cán bộ phường xã thôi thì họ cũng đã sợ rồi, nghe tới chính trị thì chắc họ chạy luôn, nhất là nghe nói tới công an pháp luật gì đó, họ rất là sợ.
-Một bạn trẻ làm việc tại Sài Gòn
-Một bạn trẻ làm việc tại Sài Gòn
“Tôi thấy là theo dõi quan tâm đến những vấn đề đó thì bản thân mình cũng không làm được gì, không thay đổi được, vậy thì tại sao lại phải để tâm đến những vấn đề đó”.
Cũng như tất cả các sinh viên Việt Nam hiện nay, trong những năm đại học bạn sinh viên này cũng học rất nhiều những môn học chính trị.
“Người ta thấy các môn đó không có ích gì hết, chỉ tốn tiền đóng tiền học. Bản thân tôi thì hồi đó tôi thấy là chủ nghĩa Mác Lê Nin hay tư tưởng Hồ Chí Minh gì đó thì rất là hay, tuy nhiên nó có những cái không phù hợp với thực tế hiện tại, mà không có một người giảng viên nào khai sáng một cách thực tế. Đa số học mấy cái môn đó thì lên lớp thầy cô muốn nói gì thì thầy cô nói, còn sinh viên muốn học hay không là quyền của sinh viên, miễn qua là được rồi”.
Một hoạt động chính trị quan trọng nhất trong các xã hội dân chủ là bầu lên người đại diện cho mình để điều khiển bộ máy nhà nước. Tại Việt Nam cũng có bầu cử đại biểu Quốc hội, và các vị trong Hội đồng nhân dân các cấp, và mặc dù chỉ có một đảng lãnh đạo là đảng cộng sản, trong các cuộc bầu cử này, số người được chọn cũng ít hơn số người có trong danh sách ứng cử giống như tất cả các quốc gia khác, và mỗi công dân, trên nguyên tắc chỉ có thể quyết định cho sự chọn lựa của mình, không được bầu cử thay người khác.
Bạn trẻ nói với chúng tôi về cuộc bầu cử gần đây nhất:
“Cuộc bầu cử gần nhất đây, tôi cũng thay mặt chú thím đi, mà thực tế là chả biết ai cả, chỉ có một bảng danh sách, họ làm gì, chức vụ gì, hết. Còn thì chẳng ai biết họ cống hiến cái gì, công lao ra sao. Người dân đi bầu có nghĩa là coi hình, rồi đánh dấu vô, hết. Tôi có hỏi họ, không ai biết ai hết”.
Do công việc hàng ngày, bạn trẻ này thường xuyên tiếp xúc với người dân thuộc tầng lớp lao động, và có sự nhận xét rằng chính trị đối với họ là một điều quá xa vời:
“Quá xa vời luôn. Đối với những người dân lao động thì họ không biết đến luôn. Vừa nghe nói đến cán bộ phường xã thôi thì họ cũng đã sợ rồi, nghe tới chính trị thì chắc họ chạy luôn, nhất là nghe nói tới công an pháp luật gì đó, họ rất là sợ”.
Trở lại với nhà báo Phạm Đoan Trang, sau một thời gian tìm hiểu với sự trợ giúp của nhiều bạn bè nước ngoài, qua những chuyến đi du học, cô đã quyết định viết quyển Chính Trị bình dân, với mong muốn nó sẽ được phổ cập cho người dân Việt Nam hiểu những khái niệm chính trị và tham gia vào những sinh hoạt chính trị của đất nước. Cô nói tiếp:
“Tôi muốn xóa bỏ đi cái định kiến cho rằng chính trị là cái gì đấy của một nhóm thiểu số, tinh hoa, hay nói theo kiểu Việt Nam là có đảng và nhà nước lo. Tôi muốn cho mọi người biết là chính trị nó nằm trong cuộc sống, nó đơn giản như là cơm ăn áo mặc. Người bình dân nào cũng có thể nói về nó, một chuyện rất là bình thường”.
Tuy nhiên cô cũng nói rằng còn cũng phải có thời gian lâu để Việt Nam có một nền giáo dục thích hợp cho phép những khái niệm chính trị như vậy được phổ cập trong dân chúng. Trước mắt, chắc chắn quyển sách Chính trị Bình dân của nhà báo Đoan Trang không được xuất bản trong nước, nhưng Đoan Trang hy vọng rằng với nhiều phương tiện truyền thông nhanh chóng hiện nay, quyển sách sẽ đến được với nhiều người đọc, bằng mọi cách.
K.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.