Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Hội nghị APEC: Nếu Trump không gặp Trọng thì sao?

Hội nghị APEC: Nếu Trump không gặp Trọng thì sao?

bauxitevn4:52 PM

Thiền Lâm
Khó đấy nhỉ. Ai ngờ những chuyện chẳng có gì là to tát đối với quốc kế dân sinh mà lại làm cho những kẻ quyền lực nhất nước phải “đau đầu”. Hèn gì trong trận lũ vừa qua ở miền Trung, người chết đuối lên đến gần năm chục, cũng chẳng khiến được cụ Tổng phải nhếch mép. Thôi thì xin hiến kế: nếu Tổng thống Trump vẫn nhất quyết không đến thăm ngai vàng cao quý bên phía Đảng, thì nên cho người bàn bạc ngay với Đại sứ Mỹ Ted Osius, nhờ ông chịu khó đánh đường về Mỹ gấp, để mời cho được vị Chủ tịch Đảng CS Mỹ nhận lởi tháp tùng ông Trump trong chuyến đi sang Châu Á lần này. Rồi khi đoàn ghé thăm Hà Nội, ông Trump trong tư cách đại diện cho nhân dân Hoa Kỳ được mời đến Chủ tịch phủ hội đàm với ông Trần Đại Quang, thì ông Chủ tịch Đảng CS Mỹ cũng sẽ được hộ tống rẽ sang Đảng phủ để chào TBT Trọng. Hai cái bắt tay cùng lúc diễn ra ở hai dinh thự khác nhau chắc hẳn đều vô cùng ý nghĩa. Và may ra – trong muôn một – sau vài lời tâm sự thật bụng của vị đại biểu cộng sản xứ sở dân chủ giàu mạnh bậc nhất, cụ Tổng nhà ta, dẫu có đang nuôi quyết tâm xây dựng CNXH đói nghèo và tham nhũng kiểu “gan cóc tía” đi nữa, biết đâu lại chẳng cảm thấy… mềm lòng.
Bauxite Việt Nam

Một nguồn tin cho biết cho tới cuối tuần trước, lịch trình làm việc của Tổng thống Trump tại Việt Nam vào tháng Mười Một tới vẫn chưa được công bố cụ thể, chưa biết ông Trump sẽ ở Việt Nam trong bao lâu và làm việc cụ thể với những quan chức nào. Mọi việc vẫn còn được hai bên Mỹ và Việt “thương thảo”.
Sau thông cáo báo chí của Toà Bạch Ốc ngày 16/10/2017, người ta chỉ biết rằng Tổng thống Trump chắc chắn sẽ đến Việt Nam để dự Hội nghị kinh tế APEC ở Đà Nẵng, sau đó sẽ đi Hà Nội để có một cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có bất cứ tin tức nào về việc ông Trump muốn “quan hệ với kênh đảng” – một vấn đề được ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư đảng CSVN – đặt lên hàng đầu từ năm 2014 và đặc biệt trước và kể từ chuyến đi Washington của ông Trọng vào tháng 7/2015 cho đến nay.
Cũng có nhiều đánh giá của giới quan sát và phân tích chính trị cho rằng khác hẳn với Tổng thống đời trước Obama có vẻ mềm mỏng và nể nang, Trump là người không quá quan tâm đến phép tắc xã giao và càng chẳng quan tâm đến “kênh đảng” của ông Nguyễn Phú Trọng. Một bằng chứng có thể nhận ra được là mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lặp đi lặp lại về sự cần thiết “duy trì quan hệ kênh đảng’ với phía Mỹ khi ông Phúc đi Washington vào tháng 5/2017, nhưng ông Trump lại chẳng nói một từ nào về đề nghị này.
clip_image001
Obama đã từng tiếp Nguyễn Phú Trọng như nguyên thủ quốc gia. Còn Trump thì sao? Ảnh: Báo Mới
Xét từ tính cách thẳng ruột ngựa của Trump, một kịch bản có thể mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho “kênh đảng” là trong thời gian ở Hà Nội vào tháng Mười Một tới, Trump có thể chỉ gặp Trần Đại Quang như đại diện duy nhất của phía Việt Nam, trong khi sẽ không có cuộc gặp quan trọng nào khác, kể cả với Nguyễn Phú Trọng. Hoặc nếu Trump có một cuộc gặp ngắn với Trọng, có thể đó chỉ là cuộc gặp mang tính xã giao thuần túy mà không đi vào những vấn đề thuộc loại “chiến lược”. Nếu những kịch bản này diễn ra, chính trường Việt Nam sẽ chứng kiến “thế nước đi lên” với gương mặt tự hào của ngươi vừa mặc quân phục rằn ri thăm doanh trại quân đội là Trần Đại Quang. Còn “kênh đảng” sẽ tạm thời không còn vai trò nổi bật trên trường quốc tế.
Và nếu những kịch bản trên xảy ra, có thể xem đó là một bước thụt lùi của Nguyễn Phú Trọng trước khi có thể diễn ra đại hội giữa nhiệm kỳ của Đảng CSVN vào khoảng giữa năm 2018.
Vào giữa năm 2015, chuyến đi Mỹ được xem là “thành công” của ông Nguyễn Phú Trọng, được Tổng thống Obama tiếp đón như nguyên thủ quốc gia tại Phòng Bầu Dục và Việt Nam được Mỹ cam kết cho vào Hiệp định TPP… đã tiếp thêm một sức mạnh và lợi thế rất đáng kể cho ông Trọng trước khi đại hội 12 diễn ra vào đầu năm 2016. Nếu trước đó, tương quan lực lượng trên chính trường Việt Nam chỉ là thế một chiều đi lên của Thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, thì sau đó Nguyễn Phú Trọng đã có được “vị thế quốc tế”, để cùng với những “động tác kỹ thuật” khác, đã loại được Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi cuộc chơi quyền lực.
Giờ đây, quá khứ Việt - Mỹ lặp lại, nhưng đổi vai, ít nhất trên mặt hình thức. Tâm trạng có thể đầy cay đắng đối với “kênh đảng” còn là trước Hội nghị APEC, hàng loạt quan chức bên đảng và bên chính phủ nhưng “thân đảng” đã được cử đi đối ngoại ở nhiều quốc gia phương Tây, chẳng hạn như chuyến đi Mỹ của Trưởng ban Đối ngoại trung ương Hoàng Bình Quân, đi Tây Âu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, đi Đông Âu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tuy nhiên, hầu hết những chuyến đi này đều chỉ nhận được kết quả hết sức mờ nhạt và chẳng có gì được các nước hứa hẹn thêm về “tăng cường quan hệ với kênh đảng” để giúp cho Đảng CSVN chắc suất bên bàn tiệc đứng quốc tế.
Cũng còn một lý do hết sức tế nhị khác mà đảng và ông Nguyễn Phú Trọng chưa bao giờ công bố: Hội nghị APEC và đặc biệt chuyến đi của Trump được Việt Nam hy vọng có thể giúp làm nhòa nhạt đi ấn tượng quá xấu của cộng đồng quốc tế về Việt Nam sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” ở Berlin mà đã khiến Chính phủ Đức phải tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Tuy nhiên cho tới nay, trong lúc phía Đức chưa có dấu hiệu nào dịu bớt cơn giận dữ, thì người Mỹ cũng chưa làm gì để giúp Việt Nam phục hồi “thể diện quốc tế”.
Một kịch bản có thể xảy ra sau Hội nghị APEC là ông Trọng sẽ càng quyết tâm “nhất thể hóa chức danh đảng và nhà nước”, không chỉ ở cấp phường xã mà còn có thể lên đến cấp “tổng bí thư kiêm chủ tịch nước”, cũng là một danh nghĩa không thể thiếu để đón tiếp hoặc được đón tiếp với tư cách là nguyên thủ quốc gia mà không phải thông qua cuộc vận động “tăng cường quan hệ kênh đảng”.
T.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.