Facebook: Mở rộng nhưng kiểm duyệt tại Việt Nam
Facebook đang truyền bá cho những nhà kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam về lợi ích và hiệu quả của hình thức kinh doanh qua mạng, được xem như một nỗ lực để củng cố hoạt động của mạng lưới kỹ thuật số.
Trong khi đó chính phủ Việt Nam tiếp tục lên tiếng ngăn chặn những thông tin bị cho là ‘độc hại’ trên những công cụ mạng xã hội.
Ra sức kết nối doanh nghiệp
“Facebook, kẻ khổng lồ về truyền thông xã hội’ đang làm việc với các quan chức nhà nước cộng sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh trực tuyến nhỏ”. Đó là nội dung chính của bài viết đăng tải trên tờ Thời báo Châu Á ngày 3 tháng 10 vừa qua.
Bài viết với bút ký là Ma Nguyen, cho biết trong những tháng gần đây, Facebook đã tiến hành tuyển lựa, thu hút nhiều tài năng từ Việt Nam. Những người đại diện này sẽ làm việc từ trụ sở đặt tại Singapore, di chuyển thường xuyên tới Việt Nam để gặp gỡ các doanh nghiệp nhỏ, hướng dẫn cho họ các công cụ chức năng của Facebook trong việc thành lập và quản lý tài khoản công ty.
Trả lời phỏng vấn trong bài báo, ông Khôi Lê, người giữ vị trí Vietnam Client Relationship Head cho biết: "Ở Việt Nam, chúng tôi có một mục tiêu rất rõ ràng, đó là kết nối các doanh nghiệp với những cơ hội tối ưu trên thị trường.”
Mục tiêu ông Khôi Lê đề cập đến được chứng minh qua các số liệu cụ thể như, tăng trưởng doanh thu năm nay dự kiến sẽ đạt 8,2%, doanh số bán lẻ trực tuyến hàng năm sẽ tăng nhanh hơn ở mức 22%. Cũng theo ông Khôi Lê, 92% số người sử dụng mạng xã hội đã thực hiện việc mua hàng trực tuyến và 51% trong số đó mua hàng qua thiết bị điện thoại thông minh (smartphone).
Ở Việt Nam, chúng tôi có một mục tiêu rất rõ ràng, đó là kết nối các doanh nghiệp với những cơ hội tối ưu trên thị trường. - Ông Khôi Lê
Chính phủ kiểm soát
Chuyện sẽ không có gì để nói nếu cùng thời điểm, nếu không muốn nói là ngay cả vài lần trước đó, nhà nước Việt Nam liên tục yêu cầu các tập đoàn truyền thông lớn như Google, Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản, video hay những tài liệu mà theo chính quyền Hà Nội là mang nội dung xấu, bôi nhọ Đảng và Nhà nước, xúc phạm nhân phẩm người khác, có khái niệm xấu.
Nhà báo tự do, blogger Trương Duy Nhất, từ Đà Nẵng cho biết cái nhìn của ông về khái niệm những thông tin xấu độc mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề cập là “rất trẻ con, khi lấy cái chuẩn xấu của mình để ép những cái chuẩn của quốc tế”.
“Khái niệm xấu là thế nào? Chính thể Việt Nam gọi đó là thông tin xấu nhưng Youtube với các trang mạng như Facebook, Google gọi đó là các thông tin tiến bộ, có ích cho các tiến trình dân chủ, có ích cho xã hội thì sao?
Đơn cử như vụ án của tôi, những thông tin của tôi thì người ta cho là hành vi phạm tội, là đả kích chỉ trích chính phủ. Nhưng với quan điểm của truyền thông mạng như YouTube, Facebook thì họ khuyến khích những hành vi đó và họ cho đó là những phản biện, chỉ trích cần có cho sự tiến bộ của một chính phủ.”
Số người sử dụng mạng xã hội, internet, đặc biệt là Facebook có sự gia tăng đáng kể cùng với những thực trạng hiện tại ở thể chế của nhà nước Cộng sản. Các blogger ở Việt Nam, người được gọi là "Facebookers" cũng với mục đích tự do biểu đạt ý kiến, tư tưởng ngày càng phát triển mạnh.
Chính vì sự kiểm duyệt, ngăn chặn của chính phủ Việt Nam, đã từng có một thời gian các nhà quảng cáo trong nước tẩy chay Google và Facebook vì đăng các đoạn phim và bài viết có nội dung được cho là bôi nhọ Đảng Cộng sản cầm quyền và các nhà lãnh đạo.
Mặc dù, theo ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia công nghệ thông tin, hiện đang sống tại Úc cho biết trong các điều khoản sử dụng của Facebook, không hề có chữ "thù địch".
Là người am hiểu về chính sách hoạt động và mô hình hoạt động của các công ty truyền thông lớn, ông Hoàng Ngọc Diêu khẳng định xét về xét về chiến lược ngân sách và tài chính, các trang mạng xã hội nước ngoài khó đáp ứng được yêu cầu kiểm duyệt nội dung của chính phủ Việt Nam.
“Không dễ dàng gì một đại công ty như Facebook, Google làm chuyện đó vì đó là những công ty thương mại cấp thế giới. Họ nghĩ đến lợi nhuận của họ là chủ yếu chứ họ không nghỉ đến việc phải tuân thủ theo quy định của một quốc gia nào đó.”
Kỹ sư Hoàng Ngọc Diêu không cho rằng các trang mạng xã hội lớn chấp nhận bỏ ra một khoảng ngân sách để tạo thành một hàng rào cơ chế chỉ nhằm phục vụ cho một quốc gia nào đó, trừ khi mang lại lợi nhuận về thị trường hoặc tài chính.
Không dễ dàng gì một đại công ty như Facebook, Google làm chuyện đó vì đó là những công ty thương mại cấp thế giới. Họ nghĩ đến lợi nhuận của họ là chủ yếu chứ họ không nghỉ đến việc phải tuân thủ theo quy định của một quốc gia nào đó. - Kỹ sư Hoàng Ngọc Diêu
Nhưng vẫn hợp tác
Nhận định của ông Hoàng Ngọc Diêu hoàn toàn phù hợp với thông tin từ Thời báo Châu Á. Một đại diện của Google, công ty sở hữu YouTube nói rằng họ đã giải quyết khiếu nại với chính phủ nhưng từ chối cho biết chi tiết.
Theo báo này, “trước đây chính quyền Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn Facebook, nhưng bây giờ họ tham gia trực tiếp với công ty.”
Ngày 26 tháng 4, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn gặp gỡ với đoàn cao cấp Facebook để trao đổi về tình hình sử dụng Facebook tại Việt Nam. Ông Trương Minh Tuấn yêu cầu Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản được cho là mạo danh, kích động bạo lực trên Facebook, tấn công thù địch, xâm hại trẻ em, xâm hại đời tư cá nhân, xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm đời tư của phụ nữ và đặc biệt là mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Cũng trong tháng 4, Chủ tịch về chính sách sản phẩm của Facebook, bà Monika Bickert, đã gặp gỡ các quan chức Bộ Thông tin tại Hà Nội, được cho là để bàn thảo về việc gỡ bỏ những tài khoản mà Chính phủ Hà Nội cho là xuyên tạc trên Facebook, tấn công thù địch, xúc phạm nhân phẩm, và đặc biệt là mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nhưng sau đó, theo tin từ Thời Báo Châu Á, Facebook hứa sẽ cung cấp đào tạo kỹ thuật số cho 2.600 doanh nghiệp trực tuyến nhỏ.
Một tháng sau đó, trong buổi tiếp xúc với Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bà Barbara Weisel, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đề nghị Hoa Kỳ cùng phối hợp để loại bỏ các thông tin và dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng còn đề cập đến việc Chính phủ Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng nhấn mạnh tất cả các công ty cần phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.