Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Dân không muốn è cổ nuôi bộ máy cồng kềnh

Dân không muốn è cổ nuôi bộ máy cồng kềnh

bauxitevn8:31 AM

Chân Luận
"Tinh giản không có nghĩa là đuổi họ ra đường. Tinh giản phải là sự chuyển đổi theo hướng tạo điều kiện cho họ phát huy đúng sở trường của mình", nhưng sở trường sáng vác ô đi, tối vác ô về, ăn tục, nói phét, kí sinh, tham ô, lãng phí, nhũng nhiễu… thì phát huy như thế nào, ông Nguyễn Sĩ Dũng?
Bauxite Việt Nam
Một trong những vấn đề được quan tâm tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua là chủ trương "xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực". Những định hướng cụ thể đã được Trung ương thảo luận và rất có thể sẽ có luồng gió mới cho cải cách. Về vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Không khuyến khích thay đổi
Phóng viên: Thưa ông, nếu nhìn về lịch sử thì 18 năm trước, Hội nghị Trung ương 7 khóa VIII năm 1999 đã bàn tới vấn đề tổ chức bộ máy. Sau đó, nghị quyết được ban hành và quả thực đã có những chuyển biến, kết quả, tuy còn chậm chạp và phần nào đó chưa đúng kì vọng. Theo ông, vì sao lại như vậy?
TS Nguyễn Sĩ Dũng:Nguyên nhân có nhiều nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản nhất là hệ thống khuyến khích đã không thay đổi. Với một hệ thống khuyến khích vẫn vận hành như cũ thì xu thế phình to bộ máy sẽ khó được khắc phục. Chúng ta có thể hiểu thế này: Nếu bộ máy càng phình to thì càng có quyền và càng có lợi. Hệ quả của điều này là không ai có động lực để cắt giảm bộ máy cả. Tất nhiên, chúng ta có thể nói đến cả những nguyên nhân liên quan chất lượng chính sách, năng lực thể chế hóa, năng lực thực thi pháp luật và hệ thống chế độ trách nhiệm. Nói thế thì có vẻ như mọi thứ đều có vấn đề.
Dù sao thì vấn đề cắt giảm, sáp nhập trong bộ máy thời đó đã khiến bộ máy ít nhiều giảm bớt sự cồng kềnh. Theo ông, động lực nào khiến Trung ương 7 khóa VIII lại phải đề cập và thảo luận kĩ vấn đề tổ chức bộ máy? Và chúng ta nên gọi đó là động lực hay áp lực?
Tôi nghĩ động lực tất nhiên là để có được sự chính danh, để nhận được sự tin cậy của nhân dân. Tuy nhiên, áp lực của cải cách và đổi mới cũng rất lớn.
Sáp nhập: Ít bộ nhưng lại nhiều cục và tổng cục
Nhìn nhận lại chúng ta thấy rằng: Sau hội nghị đó, vấn đề tổ chức bộ máy có những chuyển biến lớn, như Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại sáp nhập với nhau. đến giai đoạn sau này thì bộ máy tổ chức lại phình ra theo cách khác. Vì sao có tình trạng này?
Việc nhập các bộ để hình thành một số bộ với chức năng và quyền hạn đồ sộ như Bộ Công Thương quả thực là một cố gắng. Đầu mối các bộ rõ ràng đã giảm. Tuy nhiên, nhập lại mà cơ chế quản lí vẫn không thay đổi thì hậu quả là ít bộ nhưng lại nhiều cục và tổng cục.
Vì sao lại có tình trạng này, thưa ông?
Thì như tôi đã nói ở trên, hệ thống khuyến khích đã không thay đổi sau mỗi cố gắng cải cách. Hiệu ứng "ao bèo phủ kín trở lại" làm cho mọi chuyện vẫn như xưa. Bèo không chỉ phủ kín trở lại mà còn đẻ ra vô số bèo con, bèo cháu. Theo quy luật tự nhiên, mọi thiết chế sau khi được thành lập đều có xu hướng phình to ra nếu không có được một cơ chế giám sát hiệu quả. Rõ ràng cơ chế giám sát của chúng ta đang có vấn đề. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn có lẽ là xu hướng quá dễ dãi trong việc đẻ ra vô số các thiết chế "trên trời, dưới đất". Để cắt giảm bộ máy thì quan trọng nhất là đừng làm thay thị trường, đừng làm thay doanh nghiệp, đừng làm thay người dân.
Ngân sách không đủ để nuôi bộ máy
Hội nghị Trung ương 6 khóa XII cũng vừa bàn tới vấn đề tổ chức bộ máy. Đã có những việc cụ thể như dừng hoạt động 3 ban chỉ đạo, rồi những hướng sáp nhập các cơ quan Đảng và Chính phủ, Mặt trận… Theo ông, động lực hay áp lực nào khiến vấn đề này được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 6?
Tôi nghĩ động lực vẫn là để có được sự chính danh, để nhận được sự tin cậy của nhân dân. Tuy nhiên, trong trường hợp này động lực chưa chắc đã lớn bằng áp lực. Áp lực lớn nhất ở đây là tình trạng thâm hụt ngân sách và kịch trần nợ công. Đơn giản là chúng ta không có đủ tiền và không thể vay thêm tiền để nuôi một bộ máy ngày càng trở nên khổng lồ và ham hố. Áp lực thứ hai là công luận. Người dân phản ứng ngày càng gay gắt hơn về tình trạng bộ máy vừa cồng kềnh vừa kém hiệu quả. Ở đây, cũng đơn giản là người dân không muốn è cổ ra đóng thuế để nuôi một bộ máy như vậy nữa.
Liệu còn áp lực nào khác khiến Trung ương phải bàn đến vấn đề bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả không?
Dĩ nhiên còn và đó là áp lực cạnh tranh. Hội nhập thì phải cạnh tranh với thế giới. Cạnh tranh thì không chỉ là giữa các doanh nghiệp với các doanh nghiệp, quan trọng hơn là giữa nền quản trị quốc gia với nền quản trị quốc gia. Chưa cần nói đến chất lượng của chính sách, nếu chúng ta phải tốn gấp đôi nguồn nhân lực để làm chính sách thì chắc chắn là chúng ta đang thua thiên hạ. Chưa cần nói đến năng lực thực thi chính sách, nếu chúng ta phải tốn gấp đôi nguồn nhân lực để thực thi chính sách thì chắc chắn là chúng ta đang thua thiên hạ.
"Tinh giản không có nghĩa là đuổi họ ra đường"
Dẫu vậy, có một điều khá lo ngại như tôi thấy, đó là mỗi khi có cải cách thì trở lực nảy sinh là rất lớn. Chẳng hạn Bộ Công Thương tinh gọn vài đầu mối thôi thì đơn thư khiếu nại Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng rất nhiều. Hay Bộ Nội vụ có đề án sáp nhập các sở, phòng cấp tỉnh, huyện, cũng như tinh giản cán bộ cấp xã thì lại bị phản đối.
Quan trọng là hãy xem ai phản đối. Có người dân nào phản đối cố gắng tinh giản bộ máy của Bộ Công Thương không? Không có bất kì người dân nào phản đối, đúng không? Vậy thì cải cách đang đi đúng hướng! Những người bị động chạm đến lợi ích phản đối là điều quá dễ hiểu. Quan trọng là trong quá trình cải cách phải tạo được sự công bằng và cơ hội cần được mở ra cho những người phải rời khỏi bộ máy phải được quan tâm. Tinh giản không có nghĩa là đuổi họ ra đường. Tinh giản phải là sự chuyển đổi theo hướng tạo điều kiện cho họ phát huy đúng sở trường của mình. Ngoài ra, phải tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, cho xã hội dân sự phát triển để cơ hội được mở ra nhiều hơn cho mọi người, trong đó có cả những người phải rời bỏ bộ máy hành chính công vụ và bộ máy chính trị.
Cứ giả sử là sẽ thực hiện được việc tổ chức lại bộ máy thì theo ông những kết quả nào sẽ có thể dự đoán được?
Kết quả chắc cũng không quá khó dự đoán. Ngân sách cho bộ máy chắc chắn sẽ được cắt giảm. Tình trạng thâm thủng ngân sách sẽ có cơ hội được khắc phục. Nợ công cũng nhờ đó không trở thành một gánh nặng cho toàn dân. Chúng ta có điều kiện để cải cách tiền lương. Tình trạng "nó ăn như thế thì nó cũng chỉ làm như thế" sẽ có cơ hội được khắc phục. Một bộ máy hiệu năng, chuyên nghiệp sẽ sớm được hình thành. Ngoài ra, áp lực tăng thu cũng sẽ giảm. Người dân sẽ không còn phải è cổ ra mà trả rất nhiều loại thuế, phí. Người dân có tiền lo cho mình, cho con cái thì đất nước cũng nhờ đó mà phát triển. 
Về những người bị đào thải thì tôi đã nói ở trên. Tôi cho rằng nên gọi là chuyển đổi hơn là đào thải.
Xin cám ơn ông.
C.L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.